Tự Thú là tên bản dịch tác phẩm Confession của Lev Tolstoy (1928-1910), do Đỗ Tư Nghĩa thực hiện và được Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn ấn hành năm 2007.
Confession trong bối cảnh Tây phương, có thể dịch là thú tội, xưng tội. Còn trong bối cảnh Đông phương là sám hối. Với Phật giáo, biết hổ thẹn (tàm quý), biết lỗi lầm của mình là bước đầu cho hành trình nên người, thành người cao cả.
Tác phẩm được xuất bản năm 1894, khi Tolstoy 56 tuổi. Lúc đó, bá tước Tolstoy đã ở trên đỉnh cao danh vọng, có chỗ đứng chắc chắn trong văn học thế giới với những tác phẩm bất hủ như Chiến tranh và Hòa bình (1869) và Anna Karenina (1877). Tinh thần nhân bản của ông đã ảnh hưởng tới Mahatma Gandhi và Martin Luther King. Có thể có một số người trong chúng ta không thích văn chương của Tolstoy, nhưng cho đến hôm nay ai cũng đều công nhận Tolstoy là một con người trung thực và nhân bản nhất đã từng có mặt trong lịch sử nhân loại. Thế nên Tự Thú của Tolstoy cũng là tự thú của mỗi chúng ta.
Tự thú điều gì? Tự thú về những thành công và thất bại trong công cuộc tìm kiếm “ý nghĩa toàn diện của cuộc đời” (tr. 42). Tự thú trong “việc giải quyết sự mâu thuẫn giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, một câu trả lời cho câu hỏi về cuộc sống mà khiến người ta có thể sống – một câu trả lời như vậy thì cần thiết và thân thiết với chúng ta” (tr.124). “Câu hỏi của tôi, cái câu hỏi đã đưa tôi tới bờ mép của sự quyên sinh khi tôi 50 tuổi, là câu hỏi đơn giản nhất trong tâm hồn mọi con người, từ một đứa trẻ ngờ nghệch cho đến những bậc cao niên khôn ngoan nhất, câu hỏi mà thiếu nó thì không thể sống được. Câu hỏi đó là như vầy: Tại sao tôi nên sống? Có chăng một ý nghĩa trong đời tôi, cái ý nghĩa đó sẽ không bị hủy diệt bởi cái chết của tôi – cái chết tất yếu và đang tới gần?” (tr.63).
“Từ tuổi 16, tôi đã bỏ cầu nguyện, bỏ đi nhà thờ, bỏ ăn kiêng. Tôi ngừng tin vào cái gì đã được truyền dần vào tôi từ tuổi thơ, thế nhưng tôi thật sự tin vào một cái gì đó, mặc dù tôi không thể nói đó là cái gì” (tr. 22). “Cái niềm tin đích thực duy nhất mà tôi đã có, là niềm tin vào sự hoàn hảo” (tr. 23). “Cuộc sống của tôi tại châu Âu và sự quen biết của tôi với những người Châu Âu nổi tiếng và thông thái lại càng củng cố niềm tin của tôi vào cái khả năng trở nên hoàn hảo một cách tổng thể, bởi vì tôi cũng tìm thấy nơi họ một niềm tin tương tự” (tr. 36).
“Ý nghĩa toàn diện của cuộc đời” (các trang 42, 57, 76, 77…) chính là câu hỏi của Tolstoy trong Tự thú. Sự bế tắc của ông là sự bế tắc của mọi người đang sống chung quanh ông: “Bây giờ thì tôi thấy rõ ràng rằng không có sự khác biệt nào giữa chúng tôi và những người đang sống trong một nhà thương điên” (tr. 35). Chữ “người điên, điên rồ” được nhắc đến 4 lần (các trang 32, 33, 34, 36) chỉ trong mấy trang giấy. “Tôi đã sống như thế, hiến mình cho sự điên rồ này thêm 6 năm nữa cho đến lúc kết hôn (34 tuổi)”. Và cả sự “thịnh vượng”, sự “nổi danh”: “Rất tốt, mình sẽ nổi danh hơn cả Gogol, Pushkin, Shakespeare, Molière, nổi danh hơn tất cả những nhà văn trên thế giới – Rồi sao nữa? và tôi tuyệt đối không thể tìm thấy một câu trả lời nào” (tr. 47). “Lẽ ra tôi nên được xem là một người hoàn toàn hạnh phúc, khi tôi chưa đầy 50 tuổi. Tôi có một người vợ tốt, nàng yêu tôi và tôi tha thiết yêu nàng, những đứa con xinh xắn và một bất động sản lớn đang phát triển bành trướng mà tôi khỏi cần một nỗ lực nào. Hơn bao giờ hết, tôi được kính nể và ca ngợi… Tôi được hưởng một khí lực mạnh mẽ về thể xác và tinh thần… và trong cái hiện tình như thế, tôi đã đi tới một điểm là tôi không thể sống” (tr. 51).
“Nghệ thuật văn học?... chỉ là một sự trang trí cho cuộc sống. Khi tôi bắt đầu cảm thấy nhu cầu cần phải sống, tấm gương văn học nghệ thuật này lại trở thành hoặc là cái vò xé tâm hồn tôi, hoặc là nó trở nên không cần thiết, dư thừa và lố bịch” (các trang 56, 57). “Giống như người cứ chạy vòng quanh mong ước tìm đường ra… Cái khủng khiếp của bóng tối thì quá lớn và tôi muốn thoát khỏi nó càng nhanh càng tốt, bằng một sợi dây thừng hay một viên đạn. Chính cái cảm nhận này đang dẫn tôi về phía sự quyên sinh” (các trang 58, 59).
Ông đi tìm câu hỏi ý nghĩa sự hiện hữu của mình trong cả hai lĩnh vực nghiên cứu của loài người: “Lĩnh vực của khoa học thực nghiệm và cái đầu mút của nó là toán học. Lĩnh vực kia của kiến thức là triết học tư biện và đầu mút tận cùng của nó là siêu hình học” (tr. 64). “Nếu chúng ta xoay hướng sang những lĩnh vực khác để cố gắng mang đến những câu trả lời cho những câu hỏi – chẳng hạn như sinh lý học, tâm lý học, sinh vật học, xã hội học – thì chúng ta gặp phải một sự nghèo nàn đáng chú ý về tư tưởng và sự tối tăm lớn nhất… Chúng ta cũng tìm thấy sự mâu thuẫn liên miên giữa một nhà tư tưởng này với một nhà tư tưởng khác, và thậm chí, mỗi nhà tư tưởng cũng tự mâu thuẫn với chính mình” (tr. 67). Ngày nay, một trăm năm sau Tolstoy, chúng ta thấy những câu hỏi căn bản ấy về ý nghĩa đời người vẫn chưa được các ngành học thuật trả lời, không những thế, câu hỏi về chính bản chất các ngành học, chẳng hạn như “vật lý học là gì?”, “tâm lý học là gì?” vẫn là những câu hỏi chưa hề chạm tới đáy.
Ông đi đến với những nhà tư tưởng lớn: Socrates, Schopenhauer, Kant, cả vua Salomon của Cựu Ước và Đức Phật. Ở đây, dịch giả Đỗ Tư Nghĩa đã nhận xét đúng trong lời phụ chú: “Do thiếu điều kiện để tiếp cận với đạo Phật một cách toàn diện và thấu đáo (nửa cuối thế kỷ 19 ở Tây phương), Tolstoy đã có những nhận định phiến diện và sai lệch. Thực ra đạo Phật không bi quan và yếm thế như Tolstoy đã nghĩ” (tr. 92).
Ông trích lời của Salomon: “Hư vô của những hư vô, hư vô của những hư vô, tất cả đều là hư vô!... Tất cả là hư vô và một sự mệt mề của tâm thức… Vì càng nhiều thông thái càng nhiều sầu muộn, và kẻ nào gia tăng thông thái cũng gia tăng sầu muộn” (tr. 84). Ông tự kết luận: “Tôi đã không thể bị đánh lừa. Mọi sự đều là hư vô. Hạnh phúc thay cho kẻ nào chưa từng được sanh ra; cái chết thì tốt hơn cuộc sống; chúng ta phải loại bỏ sự sống ra khỏi chính mình” (tr. 93).
Đáp số của quá trình tìm kiếm trong ý thức là: “Cùng với những trí óc kiệt xuất nhất mà nhân loại đã từng sản sinh ra, tôi đạt tới câu trả lời 0 = 0” (tr. 122). “Cho dẫu cái lý luận của chúng ta có tinh tế đến mấy chăng nữa cũng không thể tìm ra câu trả lời; nó luôn luôn đưa tới đáp số 0 = 0” (các trang 126, 127).
Quan sát chung quanh, ông thấy cuộc đời của mọi người chỉ là một cách chạy trốn: 1/ Cách chạy trốn của sự ngu dốt; 2/ Cách chạy trốn của chủ nghĩa khoái lạc; 3/ Cách chạy trốn dựa vào sức mạnh và nghị lực, 4. Cách chạy trốn của sự yếu đuối (các trang 95-99). Và ông ‘tự thú’ mình thuộc về cách chạy trốn thứ tư (tr.99).
Trong hai chương cuối 15 và 16, ông từ chối cả hệ thống tôn giáo từ thuở nhỏ của mình: “… sau cùng đã dẫn tôi đến chỗ từ bỏ khả tính của một mối quan hệ với Hội Thánh Chính Thống” (tr. 174). “Hội Thánh Chính Thống và những người Công giáo xem tất cả những ai không có cùng tín ngưỡng như họ là những kẻ tà đạo. Đó là cái điều tàn nhẫn nhất mà một người có thể nói với một người khác” (tr. 176). “Sự khinh thị lẫn nhau quyết liệt giữa các giáo phái Công giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành và tất cả những giáo phái còn lại” (tr. 177). “Và nhân danh tình yêu Ky-tô giáo, những người Nga đang giết những huynh đệ của họ” (tr. 183).
“Nguồn gốc của mọi sự phải còn bị ẩn giấu trong cái vô hạn. Nhưng quả thật tôi muốn hiểu để tôi có thể được đưa tới Cái Không Thể Hiểu Được - tất yếu không thể hiểu được… bởi vì tôi nhận ra những giới hạn của trí năng” (tr.188).
Phần Lời cuối của tác phẩm này được viết sau đó 3 năm. Một giấc mộng: Ông thấy mình nằm trên những sợi dây giữa hai vực thẳm chiều sâu không đáy, bên dưới và bên trên. “Cái vô hạn phía dưới gây bất an cho tôi và khiến tôi kinh hãi; cái vô hạn phía trên lôi cuốn tôi và cho tôi sức mạnh” (tr. 192). “Mọi thứ này thì rõ ràng với tôi và tôi vui mừng và bình an. Rồi như thể có ai đó đang nói với tôi: ‘Hãy nhớ lấy, đừng quên nhé’. Và tôi tỉnh dậy” (tr.194).
Trong những tháng cuối đời, vào lúc mùa đông năm 1910 bắt đầu tới, Tolstoy bỏ nhà “ra đi đến một nơi vô định”. Cả nước Nga đuổi theo ông, Nga hoàng đã cử giáo chủ Tòa Thánh Parpheni đến gặp yêu cầu ông hòa giải với Chính Thống giáo nhưng thất bại. Ông chết ở một nhà ga nhỏ nước Nga ngày 20 tháng 11 năm 1910.
Sự ra đi để chết của Tolstoy xem ra còn bi thảm khốc liệt hơn cả sự trở về để chết của Arthurd Rimbaud (1854-1891). Nếu Rimbaud là sự không nguôi ngoai quằn quại của lửa đối với cái vĩnh cửu vô hạn (bài thơ L’éternité) thì Tolstoy là sự nung nấu đau đớn của đá trước câu hỏi của thân phận con người đối mặt với cái tuyệt đối vô hạn. Một người đã bỏ thi ca (thi ca bất lực hay mình bất lực với Thi Ca?), bỏ cả tuổi trẻ để sống một cuộc đời ‘hành động’ (buôn bán vũ khí, ngà voi… ở Châu Phi) và trở về quê hương để cưa một chân và chịu phép rửa tội trước khi chết. Một người thì bỏ gia đình, bỏ trang trại, bỏ văn chương để ra đi như “chạy trốn” vào lúc cuối đời để tìm gặp ý nghĩa tối hậu của cuộc đời và thở hơi cuối cùng ở một nhà ga nước Nga trong mùa đông lạnh.
Cả hai đều chứng minh một điều: Con người là sự truy tìm cái vô hạn, cái vĩnh cửu, một cách ý thức hay vô thức, cái nền tảng cội nguồn của cuộc đời nó mà không có cái ấy thì không thể sống được, cuộc đời không có nghĩa gì cả.
Tôi là ai? Có chăng một thực tại tối hậu? Trên những đỉnh núi cao của con người, những câu hỏi ấy như sấm sét đánh vào thân phận con người. “Tôi là cái gì với tất cả những khát vọng của tôi?” (tr. 66). “Làm sao để sống tốt hơn” (tr. 37), làm sao để đạt đến “cái hoàn thiện phổ quát, cái tốt phổ quát?”, cái Tốt với tư cách là cái từ đó tôi sanh ra, trong đó tôi sống và về đó tôi chết? Chẳng lẽ chung cuộc của cuộc đời là 0 = 0? Làm sao để có một cuộc biến hình (transfiguration)? Làm sao để có một cuộc chuyển hóa (transformation)? Làm sao để công thức 0 = 0 không chỉ là một diễn tả của chân lý tương đối, của hữu hạn dẫn đến hư vô, mà là một diễn tả của chân lý tuyệt đối, của chính cái vô hạn?
2. Một con đường gặp gỡ
Một trong những hệ thống lớn nhất - lớn nhất nhưng không phải duy nhất - của Phật giáo là để giải quyết cái “0 = 0” này, cái “vô hạn sâu không đáy bên dưới và bên trên” này, là hệ thống Bát nhã, tức là Trí huệ thấu đạt tánh Không.
Câu hỏi và sự trải nghiệm của Tolstoy không chỉ của riêng ông, không chỉ của riêng người Tây phương, không chỉ của riêng thời đại nào. Cũng như những công án, những thoại đầu, khối nghi tình của Thiền tông không phải chỉ của riêng Thiền tông, mà là của tất cả mọi người, ở bất kỳ thời đại nào. “Vô (hay Không) là gì?” “ Tất cả quy về một, một quy về đâu?” “Cái gì là khuôn mặt của ông trước khi cha mẹ sinh ra?” … Đó là “sanh tử quan” (cửa ải sanh tử) của đời người.
Con người luôn luôn bị giam cầm trong vòng vây càng ngày càng nặng nề của sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm uẩn này là những thứ hợp tạo, do đó hữu hạn, vô thường, và tất yếu là dẫn đến khổ đau. Nhưng cũng chính vì năm uẩn là hợp tạo, hữu hạn và vô thường nên chúng ta có thể phá tan chúng để thoát ra.
Chúng ta không thấy được sự thật, ý nghĩa của đời sống, bởi vì chúng ta đang chạy lòng vòng trong sự vây hãm của năm uẩn. Chẳng hạn vòng vây của ý thức (ý thức chỉ là một phần của thức) là: “Làm sao có được sự hợp nhất giữa cái hữu hạn và cái vô hạn ?” (Tolstoy). “Tại sao có hiện hữu thay vì không có gì cả, hư vô?” (Heidegger) “Hữu thể có thể nào là hư vô hay hư vô có thể nào là hữu thể?” (Sartre). Một trong những sự soi sáng của Phật giáo là không phải chúng ta bị giam cầm trong câu hỏi, mà chính là chúng ta đang bị giam cầm trong thức, bởi vì chính thức đã sinh ra những khái niệm hữu hạn và vô hạn, hữu thể và hư vô, vô thường và thường, sanh và diệt … đồng thời tách lìa chúng. Những câu hỏi mà ý thức không thể trả lời khởi sanh từ đó.
Vậy thì cách để phá thấu qua những câu hỏi căn bản và tối hậu của đời người chính là phá thấu và vượt qua thức và đồng thời với thức là bốn uẩn trước (sắc, thọ, tưởng, hành). Sự phá thấu và vượt thoát này không phải chỉ sử dụng năng lực của ý thức, mà là một tổng thể năng lực của tất cả thân tâm. Những cái cơ bản là: chánh kiến .chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Tất cả năng lực gì nơi con người đều được đem ra sử dụng hết trên con đường mà “ngàn thánh đã đi qua” .
Chẳng hạn lời dạy của Thiền sư Vô Môn: “Tham thiền phải vượt qua cửa Tổ, diệu ngộ phải dứt tuyệt đường tâm. Cửa Tổ không lọt, đường tâm không dứt thì cũng như bóng ma nương nhờ cây cỏ”.
“Thử hỏi cửa Tổ là gì? Chỉ một chữ Không (Vô) chính là cửa ấy, bèn gọi là Vô Môn quan của Thiền tông vậy. Qua được cửa ấy chẳng những thấy được Triệu Châu mà còn cùng các Tổ xưa nắm tay chung bước, thâm sâu giao kết, cùng một mắt mà thấy, cùng một tai mà nghe. Há chẳng thú sao? Há chẳng ai muốn qua cửa ấy sao?”
“Hãy tận dụng ba trăm sáu mươi xương cốt, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông, vận dụng cả thân tâm khởi thành một khối nghi, tham thẳng chữ Không, ngày đêm nghiềm ngẫm. Như nuốt phải hòn sắt nóng, muốn nhả mà nhả không ra… Bỗng nhiên bộc phát, trời kinh đất chuyển, như đoạt được vào tay thanh đại đao của Quan Vũ, giết sạch thánh phàm, dửng dưng với bờ sanh tử, rong chơi chốn lục đạo tứ sanh” (Vô Môn Quan, bản dịch Trần Tuấn Mẫn, Lá Bối, 1972).
Mặc dầu đây chỉ là một phương pháp trong những đường lối của Thiền tông, nếu sử dụng nó triệt để với sự hỗ trợ của sự thanh tịnh từ những người chung quanh và bầu không khí thiền đường, chúng ta có thể phá thấu qua những vòng vây của sắc thọ tưởng hành thức để trực tiếp đạt đến, nhìn thấy tánh Không: “Soi thấy năm uẩn đều Không, vượt tất cả khổ ách” (Bát nhã tâm kinh).
Khi phá thấu qua chúng, vượt xuyên qua chúng, mới thấy rằng cái quan ấy không hề có cửa. Không có cửa nghĩa là khắp thế giới chỗ nào cũng là cửa. Mới biết quan và cửa chỉ là hư vọng, ảo tưởng của năm uẩn mà thôi.
Tánh Không không phải là hư vô, không có gì cả, mà là không có sanh tử phiền não khổ đau. Đúng hơn là không có vọng tưởng tạo ra sanh tử phiền não khổ đau. Khi không có vọng tưởng thì thực tại tánh Không hiện tiền (hiện hữu ngay trước mặt). Và ngược lại, khi thực tại tánh Không hiện tiền thì không có vọng tưởng sanh tử.
Để có thể sống được, có thể tìm thấy ý nghĩa đời sống, chúng ta phải vượt thoát những che chướng của các uẩn để trực tiếp thấy được, thể nghiệm được, ngộ được (chứ không phải lý luận, khởi tưởng) thực tại tối sơ và tối hậu là tánh Không. Tánh Không này chấm dứt mọi vấn nạn của sanh tử, chấm dứt mọi tìm kiếm bằng máu và nước mắt nhưng vô ích của một đời người. Chẳng phải vị Nhập Lưu là hết nghi? Chẳng phải các Thiền sư khi ngộ đều nói rằng từ đây mới hết nghi lời dạy của chư Tổ, chư Phật?
Chúng ta hãy đọc một trang Thiền để thấy rằng thực tại tánh Không là cái cụ thể, cái thực tế như thế nào:
“Tứ tổ Đại Tín, năm 14 tuổi đến lễ Tam tổ Tăng Xán, hỏi rằng,
‘Xin Hòa thượng từ bi, ban cho pháp môn giải thoát’
Tổ Tăng Xán nói: 'Ai trói buộc ông?'
Đáp: 'Không ai trói buộc.'
Tam Tổ nói : 'Vậy cầu giải thoát làm gì?'
Ngay dưới lời nói, Đạo Tín đại ngộ. "
Thiền sư Tư Không Sơn Bổn Tịnh làm bài kệ:
“Thấy, nghe, hay, biết, không chướng ngại
Sắc, hương, vị, xúc, thường Tam muội
Như chim trong không, chỉ thế bay
Không nắm không bỏ không thương ghét
Nếu rõ ứng xứ chẳng phải tâm
Mới được gọi là Quán tự tại”.
( Lăng Nghiêm Tông Thông, trang 552, HT. Nhẫn Tế dịch, chùa Tây Tạng in, 1997)
Nguyễn Thế Đăng
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo.