Sống trong cuộc đời này chúng ta có một nguyện vọng và cùng với nguyện vọng đó chúng ta tìm ra một cách sống, tìm ra một phương pháp để thành tựu được điều này thì có lẽ là một trong những hạnh phúc rất lớn, nhưng nó cũng sẽ là một điều mòn mỏi nếu chúng ta không tìm ra được một giải pháp, chúng ta không tìm ra được một phương hướng như là Đặng Dung hình ảnh của một tráng sĩ mà suốt cuộc đời bất đắc chí khi tóc trên đầu đã bạc rồi thì nhìn thấy rằng mộng bình sanh của mình chưa thành tựu được, "Thù trả chưa xong, đầu đã bạc, dưới trăng bao độ tuốt gươm mài" hình ảnh đó cũng là một hình ảnh khác nói về thân phận của kiếp người mà mộng bình sinh chưa thoả và vẫn chưa tìm ra được một câu trả lời cho những bí ẩn của cuộc sống.
Chúng ta những người sống trong bể trầm luân sanh tử nghe câu nói này như là một hình ảnh, hình ảnh đó chỉ nói lên một thứ của sự bế tắc, hình ảnh đó là hình ảnh không lối thoát, nhưng với một thiền giả một người tu tập thì điều này lại cho chúng ta một ý niệm tương đối gần hơn. Cái ý niệm gần hơn ở đây là nếu trong đời sống hàng ngày mà chúng ta có phải đối diện với điều trái ý nghịch lòng và trong điều trái ý nghịch lòng đó chúng ta lại đi từ cái phiền lụy này sang cái khổ ải khác, chúng ta đi từ gánh nặng này sang cưu mang thương đau khác, thì chúng ta phải tự hỏi rằng chúng ta có khéo hay không khéo. Nếu chúng ta đã khéo thấy, đã khéo suy tư thì sự việc phải khác đi, nhưng nếu chúng ta càng nghĩ thì càng bế tắc, càng suy nghĩ thì chúng ta càng cảm thấy mệt mỏi, điều đó chứng tỏ rằng chúng ta đang rơi vào trong chỗ bế tắc, về điểm này thì đối với các vị thiền sư đối với những người hành thiền lại có một ý nghĩa thật sự rất là sâu sắc.
Ngài Ajahn Liam một vị thiền sư được truyền thừa phương pháp tu tập của Ngài Ajahn Cha có một lần chúng tôi được nghe Ngài thuyết pháp và Ngài dùng một thí dụ, Ngài nói rằng: "Có những người mà trong cuộc sống này họ giống như một kẻ đi bộ, đi dọc đường thấy tảng đá nào cũng muốn chất lên vai, gánh như vậy không trách chi nặng nề." Với một người đã thiền định rồi thì bất cứ một điều nào mà chọn ý niệm này để làm đề tài ngày hôm nay là khổ trong nỗi khổ. Tại sao khổ trong nỗi khổ? bởi vì cái phản ứng của chúng ta đối với nỗi khổ nó làm cho chúng ta khổ thêm, phản ứng đó không cho chúng ta được một chút trí tuệ soi sáng nào, khổ đó không làm cho chúng ta khả dĩ có thể an lạc hơn, mà cái khổ đó chỉ làm cho chúng ta cảm thấy tồi túng, cảm thấy ngộp thở, vì sao vậy? Bởi vì tự mình lại tạo thêm sự căng thẳng cho mình.
Đức Phật đề cập đến luân hồi, luân hồi ở trong đầu óc của chúng ta nghĩa là kiếp này sang kiếp khác, đời này sang đời khác, cuộc trầm luân sanh tử, nhưng không hẳn chỉ có vậy, không hẳn chỉ có trầm luân sanh tử đời này qua đời khác và ngay cả ở trong kiếp sống này nếu chúng ta không khéo chuyển hoá, nếu chúng ta không khéo thấy, không khéo nhận định về đời sống thì chúng ta cũng truyền từ cành cây khổ đau này sang cành cây đau khổ khác, bởi vì chúng ta không có một ý thức trong sáng về cuộc đời.
Chúng tôi lấy một ví dụ là những gì mà chúng ta mong muốn thường làm cho chúng ta bị căng thẳng, và có rất nhiều sự căng thẳng khủng khoảng của đời sống bởi vì chúng ta quá muốn một điều gì đó.
Có một lần chúng tôi có nói chuyện với một Phật tử đến chùa, Phật tử đó bày tỏ cho chúng tôi biết một tâm trạng hết sức là rối ren ở trong gia đình không làm vừa lòng ai hết, mẹ cũng trách, vợ cũng trách, anh chị em cũng trách và bản thân của mình thì đi làm lương có hạn, thì giờ có hạn, và khả năng có hạn, không biết phải làm vừa lòng ai và không biết ai thật sự làm vừa lòng mình. Chúng tôi nói với đạo hữu này là :
"Nếu anh tiếp tục tự mình làm cho mình phải lo lắng như vậy thì tình hình từ chỗ tệ này đến chỗ tệ khác, nó sẽ tệ hơn, thay vào đó anh nên tìm lại một chút gì thanh thản cho mình, tụng kinh đi, nghe pháp đi và làm những gì mà anh cảm thấy có thể làm được để trả mình về với sự thanh thản, và chỉ có sự an lạc, chỉ có một chỗ đứng vững vàng của nội tâm thì mình mới có thể chuyển hoá được đời sống, còn nếu mà mình tiếp tục để gỡ rối, và đi từ cái rối này qua cái rối khác thì không bao giờ chúng ta có thể gỡ được".
Ở trong cuộc sống này hình như mỗi chúng ta thường gặp rất nhiều vấn đề không có lối thoát, cái không có lối thoát này chúng ta quy vào chánh quyền, chúng ta quy vào cho xã hội, chúng ta quy vào hoàn cảnh kinh tế và chúng ta quy vào những người ở chung quanh, sự quy trách này không làm cho chúng ta khá hơn mà nó làm cho đời sống chúng ta tệ thêm, khi đời sống chúng ta tệ thêm bởi vì sao chúng ta không có lối thoát, chúng ta cứ nghĩ rằng: À! cái nỗi khổ trong lòng của mình là do ai đó, là do nguyên nhân A, nguyên nhân B, mà tất cả những nguyên nhân này đều hoàn toàn nằm khỏi tầm tay của mình và bởi vì nó nằm ngoài tay của mình nên chúng ta càng lúc càng bực bội hơn.
Với một người thiền định thì có thể dễ dàng nhận ra rằng hầu hết có thể nói là bảy tám mươi phần trăm những căng thẳng ở trong mỗi chúng ta đều do cái nhìn mà Đức Phật gọi là:
"Yoniso manasikara - cái nhìn không khéo cái nhìn không như thật".
Và cái nhìn đó Đức Phật trong một lần khác Ngài dạy rằng giống như một người đã bị mũi tên rồi tự họ chuốt lấy một mũi tên thứ hai. Một người đã bị một nỗi bất hạnh và trong sự cảm nhận về sự bất hạnh là mình lại tạo cho mình sự bất hạnh khác. Phản ứng của chúng ta thường là phản ứng không khôn ngoan ở trong đời sống này, và chính vì vậy càng lúc càng dẫn chúng ta đến chỗ bế tắc đến chỗ phiền lụy hơn, chứ không nhìn thấy một ánh sáng làm cho đời sống của mình rạng rỡ ra, không tìm thấy một niềm hy vọng để cho đời sống mình thư thả hơn.
Người xưa thường nói rằng: "Đa thọ thì đa nhục", càng sống lâu thì càng thấy tủi hổ nhiều. Điều đó không những chỉ nói đến sự nhục nhã khổ lụy mà nó còn nói đến là cuộc sống của chúng ta càng chất chứa lâu ngày thì chúng ta càng rối rắm, trong sự rối rắm đó chúng ta cảm thấy kiếp người không mang lại cho chúng ta bao nhiêu niềm hạnh phúc thật sự, và điều này là một điều hết sức là nguy hiểm.
Kiếp người sáng thức dạy chiều tối đi ngủ chúng ta lẩn quẩn từ sự lẩn quẩn này sang sự lẩn quẩn khác, và trong sự lẩn quẩn đó phải nói rằng chúng ta càng lúc càng mòn mỏi bởi vì không có lối thoát, cái không lối thoát này là bởi vì chúng ta không tìm thấy được cái sinh lộ của đời sống mình.
Không phải ai cũng thấy kiếp người ngắn ngủi, cuộc sống nhiều lắm là một trăm năm với một số người thì không đủ để làm những công việc đáng làm đáng sống, nhưng mà có những kiếp người thì phải dùng chữ gọi là lê lết kiếp trăm năm, lê lết kiếp trăm năm là trong một kiếp vài ba mươi năm thật sự sống của cuộc đời họ cảm thấy đời sống quá dài, chỉ mong muốn rằng thời gian trôi qua mau và mình có thể rời khỏi kiếp này như là trút đi một gánh nặng, bởi vì người đó không tìm thấy một lẽ sống chân thực của kiếp người./.
TT Giác Đẳng
Minh Hạnh chuyển biên