Tham thâm, lận mạt, lấn bán...

Chưa có nhà nghiên cứu văn học nào xác định rõ ràng dòng “văn học bình dân” (văn chương truyền khẩu) đã được thiết lập, khởi đi từ tháng năm nào trong quá trình hình thành văn học Việt Nam.

Tuy vậy, không ai có thể phủ nhận những giá trị thiết thực của dòng văn học này trong đời sống cộng đồng xã hội về nhiều lãnh vực. Từ những tình cảm nhỏ hẹp là tình yêu lứa đôi, gia đình, dòng tộc đến làng quê, đất nước; (…) cho đến kinh nghiệm sinh hoạt, kinh nghiệm sống đời thường, đến nền tảng đạo đức, luân lý, tôn giáo (…) qua bao đời của tiến trình lập nước - dựng nước, đều đã dược dòng văn học truyền khẩu đề cập, phản ảnh trung thực - rất phong phú và giá trị. Có thể nói, đây là “tấm gương” chân xác cho sự phát triển, đổi thay từ nếp sống đến tư tưởng, tình cảm của dân tộc…

Từ thuở nhỏ, tôi đã “bị” dòng văn chương bình dân (mà rất thâm thúy này) ảnh hưởng sâu sắc! Theo tháng năm, tôi đã dần dần được soi sáng, dẫn dắt, thâm nhập vào kho tàng khổng lồ vô giá này để có thể tự rút ra một điều gì đó cho cuộc sống đa đoan của mình trong nhiều lãnh vực! Mỗi câu ca dao (hay tục ngữ), dường như là một sự đúc kết tinh tế lặng thầm qua bao tháng năm của nhiều thế hệ kế tiếp để trở thành những “viên ngọc quý” cho đời sống… Câu tục ngữ “Tham thâm, lận mạt, lấn bán” là một bài học đạo đức vô giá đã được tóm gọn trong 6 từ đơn giản, dễ nhớ (nhưng khó làm?) biết bao!

Tham - là “tham lam, vơ vét, chụp giựt” của người theo bản năng sinh tồn thấp kém, không hề nghĩ đến người khác. Không cần biết “tiền tài và của cải” mình thu được có phương hại, tổn thương đến ai, hay có phù hợp với căn bản đạo đức làm người hay không? Nói tóm, là không hề nghĩ đến cái “hậu quả” rất nguy hại cho mình (và cho người) chung quanh!

Kinh nghiệm người xưa đã dạy: “đã tham thì…ắt sẽ phải thâm”!

Thâm là “thâm vào, mất thêm đi” còn nhiều hơn cái mà mình đã “tham”, đã hao tốn công sức và thời gian đêm ngày suy tính kê sách để vơ vét, hay thực hiện cho kỳ được “lòng tham vô đáy” của mình! Chụp giựt của người một cách vô lý (hay trái với pháp luật) không có chút đạo đức, ý thức như vậy - nhất định sẽ không bao giờ “lời” (mà thâm là cái chắc). Giản dị là “tham” của người 10 triệu thì chẳng bao lâu ắt sẽ phải “trả nợ”… 15, 20 triệu (hay nhiều hơn thế nữa) cho kẻ khác (hay cho vụ việc khác)! Đây là một quy trình công bằng và chính xác của lý “nhân quả” mà nhà Phật đã khuyến dạy từ hơn 25 thế kỷ trước!

Một chuyện nhỏ: Bà Tư mua được mảnh đất 100 mét vuông để xây nhà! Lúc làm móng nền, bà kêu thợ làm rộng thêm phía trước mặt đường vài tấc. Rộng sang lô đất kế bên 0,5 tấc. Nhà đang xây, nhân viên quy hoạch nhà đất đi đo đạc kiểm tra để làm đường, phát hiện ra tình trạng “tham” 2 tấc nền nhà phía trước mặt tiền và 0,5 tấc của lô đất kế bên của bà Tư. Họ ra lệnh đình chỉ xây dựng. Sau mấy ngày phải “hầu” ở các cơ quan (và chạy đi thương lượng bồi thường cho chủ lô đất bên cạnh để khỏi bị khiếu nại) - rút cục, bà Tư phải nộp 2 triệu tiền phạt, 5 triệu tiền lấn chiếm và dỡ bỏ phần đã xây dựng “dư 2 tấc đất của lòng lề đường” - mới được tiếp tục. Việc xây dựng đình trệ, tốn thời gian, công sức “chạy vạy” năn nỉ các nơi, và … “thâm” cũng khá nhiều!

Lận - có nghĩa là “gian lận, làm việc không chính đáng, công bình, để thủ lợi riêng” thì thế nào? Người xưa đã dạy: “Lận thì mạt”!

Gian lận, làm điều phi pháp, không có lương tâm - thì trước sau gì đời mình (và ngay cả đời con cháu mai sau) cũng sẽ “mạt”! Mạt - hay “mạt rệp” (thường nói) - là không làm ăn nên nổi gì, không thể trở nên khấm khá hơn, và sẽ nhận cái “quả” nghèo khổ, gian nan suốt đời!

Ở khu chợ BĐ, người ta thường nhắc kể cho nhau nghe về “lai lịch” của một gã thanh niên vóc dáng khôi ngô nhưng… khùng điên, làm điều xằng bậy để kiếm ăn (và các anh chị cũng đều ngớ ngẩn, nghèo đói ở quê) vì người cha thuở trước cậy có chút kiến thức lý lẽ, chuyên làm đơn tranh kiện cho kẻ tham lam thế lực để hiếp đáp, “lấy không” nhiều của cải, ruộng vườn của bà con nghèo trong xã để được “chia phần” hậu hĩ bao năm!

Và bài học cuối cùng của người xưa cũng không thể xem thường: “Lấn thì bán”!

Lấn - là 1 trong 3 cái “túi tham” của con người thiếu suy xét, không có trái tim, chỉ nghĩ đến việc tóm thu, giành giựt về cho mình, càng nhiều càng tốt, mà không phù hợp với đạo lý, lẽ phải trong đời sống. Lấn - là tìm cách “lấy phần hơn, giành phần hơn người” trong mọi giao tiếp, cư xử. Từ “lấn” ở đây có nghĩa cụ thể chỉ về đất đai, nhà của, ruộng vườn. (Ngày xưa, mối quan hệ tranh chấp đụng chạm nhiều nhất trong đời sống là đất đai, vì chưa có những “sở hữu”quý giá hơn). Đã “lấn” của người làm của mình, thì chắc chắn sẽ không được tồn tại lâu dài. Sẽ có nhiều “nhân duyên” mầu nhiệm bất ngờ xảy ra cho đời mình (hay đời con cháu), thì ngôi nhà, thửa vườn, đám ruộng kia (…) sẽ lọt vào tay người khác!

Lúc còn ở quê, người láng giềng của tôi chờ người hàng xóm cạnh mình đi xa vài hôm, bèn kêu thợ đến dựng lên dãy hàng rào trụ đúc xi-măng, rào kẽm gai, lấn sang vườn nhà người bạn đến 1 mét! Trở về, phát hiện được, nhưng người bạn vẫn im lặng không thưa kiện gì. Chỉ sau đó vài năm thôi, biến cố xảy đến cho người nọ, khiến ông không thể ở lại được trong ngôi nhà có vườn rộng được rào ngăn cẩn thận. Ông ta đã phải bán căn nhà và khu đất đó đi. Và người mua, không ai khác, chính là người hàng xóm tốt bụng bị “lấn” đất thuở nào!

Nhìn lại quanh đời sống, chúng ta có thể nhận ra vô vàn trường hợp “tham thâm, lận mạt, lấn bán” - (có nhiều hoàn cảnh đau lòng hơn thế nữa), nhưng đã có bao nhiêu người giữ được tấm lòng trong sáng, an tịnh để tránh đi hậu quả đáng tiếc ấy cho đời mình và con cháu đời sau?

Bài học của người xưa truyền lại đơn giản là vậy, từ bao thế kỷ rồi, chỉ trong 6 từ ngắn ngủi, nhưng sao vẫn mãi còn là vấn nạn, là thảm trạng cho bao cảnh đời bất hạnh, tối tăm?

Tạp bút của Mang Viên Long
Previous Post
Next Post