Thân và tâm cái nào quan trọng hơn

Lâu nay chúng ta cho thân người là thật, tâm suy tư nghĩ tưởng cũng là thật. Do mê lầm, chấp chặt như vậy nên chúng ta cứ lo tìm cách gom góp tài sản, của cải cho mình và con cháu mai sau. Đầu tiên ta chấp cảnh, sau mình chấp thân và tâm là thường, là ngã. 

Thân và tâm, tức thể xác và tinh thần, cái nào quan trọng hơn? Đa số chúng ta thường lo cho thể xác hay lo cho tinh thần? Chúng ta ai cũng lo cho thân làm sao được sạch đẹp, sung mãn, đầy đủ; còn phần tinh thần ít ai quan tâm tới. Nhưng thử hỏi, chúng ta lo cho thể xác được sung mãn, đầy đủ thì nó có bền bỉ, lâu dài được không? Rất tiếc, dù ta lo cho nó cách mấy thì thân này cũng phải già-bệnh-chết. Ta lo cho thân đầy đủ để rồi ngày mai nó sẽ mất. Vậy lo cho thân như thế là mình khôn hay dại?

Ấy vậy mà ai cũng lo, lo giữ cái không thể bền bỉ, lâu dài mà vô tâm, không để ý đến phần chủ động để mặc tình nó ra sao thì ra. Chúng ta như vậy là sáng suốt hay si mê? Ta nào là lo nhà cửa, lo cơm ăn áo mặc, lo tiền bạc của cải làm sao cho có thật nhiều; nhưng khi nhắm mắt ta chỉ mang theo nghiệp tốt hoặc xấu, tất cả những thứ đó ta đều phải bỏ lại hết, mà nghiệp tốt hay xấu là do tâm tạo tác mà ra. Khi muốn làm gì thì ý phải nghĩ trước rồi thân này mới hành động. Tinh thần là cái chỉ huy, sắp đặt mọi việc trong cuộc sống nên chúng ta phải làm sao lo cho nó được thánh thiện, tốt đẹp, cao quí mới phải. Thân này vốn dĩ tạm bợ, thân chỉ là phần phụ vì tâm đoan chánh, ngay thẳng mới quyết định nghiệp tốt hay nghiệp xấu.   

Lâu nay chúng ta cho thân người là thật, tâm suy tư nghĩ tưởng cũng là thật. Do mê lầm, chấp chặt như vậy nên chúng ta cứ lo tìm cách gom góp tài sản, của cải cho mình và con cháu mai sau. Đầu tiên ta chấp cảnh, sau mình chấp thân và tâm là thường, là ngã. Vì chấp như thế nên Phật dạy thân người do bốn chất đất-nước-gió-lửa giả hợp mà có, song bốn chất này thường xung khắc nhau; đất ngăn ngại nước, nước xói mòn đất, nước làm tắt lửa, gió thổi thì đất rung rinh. Chúng xung khắc mà phải hợp lại nên thường sanh ra những hiện tượng bất hòa như đau yếu, bệnh hoạn. Khi chúng không dung hợp nhau được nữa thì tan rã, tứ đại phân ly; nên mới nói “có thân là có khổ”. Ai cũng có thể biết vậy nhưng làm việc gì cũng lo cho thân, ăn uống bồi bổ cũng vì thân.    
   
Thân chúng ta những chất cứng như da, thịt, gân, xương, tóc, răng thuộc về đất. Những chất lỏng như máu, mủ, mồ hôi, nước mắt thuộc về nước. Những vật có tính động như hơi thở vô, hơi thở ra thuộc về gió. Nhiệt độ trong thân như hơi ấm thuộc về lửa. Khoa học hiện đại ngày nay phân tích thân người có hằng hà vô số tế bào, song cũng từ bốn chất đất-nước-gió-lửa hợp thành. Từ lâu chúng ta lầm tưởng thân này là thật tôi, là của tôi, rồi cứ chấp chặt vào đó. Nếu ai đụng chạm đến “cái tôi” này thì ta liền phản ứng chống trả lại, hoặc tìm đủ mọi cách để bảo vệ, vun bồi cho nó được đầy đủ, thỏa mãn.

Nhưng với tuệ giác của Phật thì Ngài thấy rõ thân do đất-nước-gió-lửa hợp lại mà thành, nếu thiếu một trong bốn chất ấy thì thân này tan rã. Song, mỗi ngày chúng ta muốn duy trì thân để được tồn tại phải ăn cơm, uống nước, hít thở không khí. Cứ thế ta vay mượn đất-nước-gió-lửa bên ngoài để bồi bổ, thay thế cho đất-nước-gió-lửa bên trong. Suốt cả cuộc đời chúng ta sống bằng sự vay mượn liên tục, khi hết vay mượn thì mạng sống dừng. Hơi thở trả về với gió. Hơi ấm trả về với lửa. Máu, nước miếng, nước mắt trả về với nước. Da, thịt, gân xương trả về với đất. Tất cả đều rã tan, trở thành một cái xác thúi chẳng còn gì gọi là thân mạng nữa. Vậy mà ai cũng cố tâm lo cho chúng mà quên hẳn phần tinh thần.

Trong Kinh Bách Dụ có kể một câu chuyện như sau: Thuở xưa có một ngôi nhà cũ bỏ hoang, mọi người đồn có quỉ dữ trong ấy nên ai cũng kinh sợ, không dám ghé vào đó ngủ. Bấy giờ có một chàng trai tự cho mình đủ bản lĩnh bèn tuyên bố với mọi người: “Tôi không sợ gì cả, ma quỷ là cái quái gì, tối nay tôi sẽ vào đó ngủ.” Quả thật, tối đến anh ta vào nhà ngủ. Đồng thời lúc ấy cũng có một người tự cho mình can đảm hơn người nên cũng hiên ngang vào nhà đó ngủ. Người đến sau tới nơi xô cửa vào, người đến trước tưởng quỉ về xô cửa bèn rinh tấm phên ngăn ngang cửa không cho vào. Người phía ngoài tưởng có quỉ bên trong nên ráng sức xô cánh cửa bật ngã để vào chiến đấu với quỉ. Hai người gặp nhau trong đêm tối và đánh nhau dữ dội nhưng bất phân thắng bại. Trời vừa sáng ra hai người thấy nhau rõ ràng mới vỡ lẽ con quỉ mà mình đánh suốt đêm qua là người chớ không phải quỉ. Phật nói bài Kinh này để dụ sự lầm mê, chấp trước của con người là trời tối. Vì tối tăm mê mờ nên không thấy đúng lẽ thật, thân này giả có mà chúng ta lầm tưởng là thật nên làm cái gì cũng lo cho thân hết. 

Trong Kinh A-hàm, Phật dạy người chấp thân tứ đại là ta còn dễ phá trừ hơn những người chấp linh hồn là thật ta. Họ nghĩ cái hồn sáng này vẫn trước sau như một, không biến đổi. Họ tin đời này mình giàu thì đời sau cũng giàu, mang thân người thì trở lại thân người; đời nay ra sao, thế nào thì khi chết đời sau như thế đó. Chấp trong thân này có linh hồn còn hoài là quan niệm thần ngã, thần ngã là chủ của thân này nên không bao giờ thay đổi. Những người mê chấp như vậy rất có hại vì họ cho rằng thần ngã là cố định, họ không chịu tu tâm sửa tánh mà mặc tình ăn chơi, tạo các nghiệp xấu ác, đến khi phước hết hoạ đến phải chịu quả báo khổ đau không có ngày cùng.

Phật dạy tâm người là cội nguồn của thiện-ác, thân người là rừng tội lỗi hay là rừng công đức. Khi tâm chúng ta khởi nghĩ một điều gì thì ta cho đó là chân lý, nếu có ai không chấp nhận và chống đối lại ta sẽ tức giận, mắng chửi, la hét um sùm… Từ đó, tất cả mọi mầm mống đấu tranh đều từ tâm mà ra, tâm bảo vệ, tâm chấp ngã và tâm si mê quyết ăn thua đủ. Như vậy, tâm rõ ràng là cội nguồn của tội ác. Tuy nhiên, đến khi tâm có ý thức thấy được mầm đấu tranh sẽ dẫn đến sự chống đối và tìm cách sát phạt nhau, thấy được sự tác hại của nó thì tâm sẽ quay lại chính mình. Thân này khi muốn ăn một bữa ngon miệng thì phải mua tôm, cua, gà vịt về cắt cổ nhổ lông, chiên xào luộc nướng để bồi bổ thân này. Có người vì nuôi thân mà phải làm những nghề đồ tể như giết heo, bò, trâu, dê. Vì tham vọng cho bản ngã mà thân tạo vô số việc ác, nên nói thân là rừng tội lỗi.

Nhưng thân này gây tội lỗi là do đâu? Do tâm điều khiển, tức tâm là ông chủ chỉ huy. Người Phật tử thấy rõ tâm là chủ nhân ông của bao điều hoạ phúc thì mỗi khi tâm khởi nghĩ những điều bất thiện hại mình, hại người ta liền dừng ngay. Không phát ra lời nói hay hành động thì làm gì phát sinh tội lỗi. Chúng ta theo lời Phật dạy biết quán xét và thấy rõ tâm là người điều khiển nên thân mới hành động. Tâm hiểu đúng, phát ra lời nói chân chính sẽ dẫn đến hành động thiện ích. Thông thường, chúng ta thấy người nghèo đói thì cho cơm gạo để họ được no lòng; thấy người lạnh rách ta cho áo chăn để họ được lành ấm; thấy người đau bệnh ta cho thuốc men để họ được khỏe mạnh; đó là cứu khổ, cứu người. Nhưng nếu tâm tham lam, ích kỷ, keo kiết thì làm sao mở lòng giúp đỡ cho người được?

Đức Phật trước kia ở trong hoàn cảnh cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con xinh. Vật chất quá đầy đủ nhưng tại sao Ngài từ bỏ tất cả để vượt thành xuất gia? Vì Ngài thấy rõ ngôi vua, quyền thế, của cải là những hạnh phúc tạm bợ. Có khi vì thế mà con người giết hại lẫn nhau nhưng cuối cùng ai cũng phải chết với hai bàn tay trắng. Con người vì mê lầm nên làm cái gì cũng để hưởng thụ, bồi bổ thân này mà không biết tu tâm dưỡng tánh. Thành ra đại đa số con người thế gian chỉ lo cho phần vật chất mà lãng quên phần tinh thần. Phật có đầy đủ tất cả nhưng tại sao Ngài không hưởng, ngay khi đã thành tựu đạo pháp ngài cũng chỉ tuỳ duyên khất thực xin ăn để gieo phước điền cho nhân loại?

Có được tinh thần sáng suốt, minh mẫn, định tĩnh nên Phật không thấy ai là kẻ thù, chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi. Cái thân vật chất này lúc nào cũng làm chúng ta lo lắng, tìm cách vun bồi, xây đắp, thỏa mãn nó; nhưng nó lại do tứ đại hoà hợp giả có nên rồi cũng phải chịu già-bệnh-chết. Phật dạy chúng ta phải luôn thấy rõ thân này giả hợp, thân chỉ là phương tiện còn tâm mới là cứu cánh để chuyển ba nghiệp thân-khẩu-ý cho thanh tịnh mà được giải thoát luân hồi-sinh tử. Thấy biết đúng như vậy là người giác, thấy ngược lại là người mê. Từ trước chúng ta mê lầm không nghe, không thấy, không biết nên làm cái gì cũng lo cho thân bất chấp có tội hay không có tội. Thân này tạo tác, làm việc là do ai điều khiển? Do tâm điều khiền chứ còn ai? Tâm biết phục thiện, tin sâu nhân quả thì chỉ huy, điều hành thân này làm nhiều việc thiện ích giúp người, cứu vật.

Previous Post
Next Post