Tham đã là tệ, nhưng lợi dụng lòng tham để nhũng lạm thì lại càng tệ hơn. Người ta không phải chỉ tham tiền, tham sắc, tham danh mà còn tham cả pháp môn và nhũng lạm đối với những thứ đó.
Do lòng tham bị nhũng lạm, người ta đã biến cái chung thành cái riêng, đã biến trời đất thành cái của riêng mình, nên cái chung không còn là cái chung nữa. Cái chung đã bị lòng nhũng lạm của con người phân cắt thành từng mảnh và trời đất không còn là trời đất chung nữa, mà trời đất đã bị lòng nhũng lạm của con người phân cách từng mảnh nhỏ, để thỏa mãn những nhu cầu nhũng lạm của mình.
Nhưng, các nhà trải nghiệm cho ta biết rằng, những nhu cầu bắt rễ từ lòng tham của con người không bao giờ có sự thỏa mãn. Càng được, con người lại càng cảm thấy thiếu và càng được, con người lại càng chạy bươn về phía trước, nên những ai nhũng lạm, thì cuộc sống của họ đáng thương hơn là đáng trách.
Những người biết tu tập, trong đời sống của họ, họ biết dừng lại những gì không cần thiết và sống vừa đủ với những gì cần thiết cho cuộc sống để hành thiện và nuôi dưỡng thiện tâm.
Ngay cả việc hành trì pháp môn, người biết tu tập, họ biết chọn lựa pháp môn thích hợp để hành trì mà không cần mắc kẹt vào những ý tưởng đổi mới hay bảo thủ. Ý tưởng đổi mới pháp môn hay bảo thủ pháp môn cũng chỉ là những ý tưởng do vọng tưởng điên đảo cấu kết tạo thành.
Bảo thủ pháp môn cũng là một cách nhũng lạm pháp môn và đổi mới pháp môn cũng là một cách nhũng lạm pháp môn dưới một hình thức khác của vọng tưởng điên đảo.
Bảo thủ pháp môn, nên ta phải phí sức để chống lại những người đổi mới pháp môn, và đổi mới pháp môn, nên ta cũng phải phí sức để chống lại những người bảo thủ pháp môn. Do đó, cả hai đều là nạn nhân của điên đảo vọng tưởng.
Nên, đối với người tu học, bảo thủ hay đổi mới pháp môn đều là những người nhũng lạm pháp môn, vì sao? Vì pháp môn chỉ là pháp môn thôi, nên nó có thể cũ với người này, nhưng lại rất mới với người kia và có thể rất mới của người này, nhưng lại rất cũ của người kia. Mới hay cũ là do duyên cảm và căn khí tiếp nhận của từng người, chứ không phải do pháp môn.
Vì vậy, nếu ta tranh luận cũ và mới đối với pháp môn, thì đến khi nào sự tranh luận ấy mới kết thúc.
Ta nên nhớ rằng, vần A, B, C… rất mới với người mới vào học mẫu giáo, nhưng chúng chưa bao giờ cũ đối với những nhà ngôn ngữ học và bác học. Không có nhà ngôn ngữ học và bác học nào không sử dụng vần A, B, C… dưới hình thức này hoặc hình thức khác, để nghiên cứu và diễn đạt công trình phát minh của mình.
Cũng vậy, pháp môn Phật dạy không liên hệ gì đến mới hay cũ, không liên hệ gì đến bảo thủ hay hiện đại mà liên hệ đến sự chuyển hóa lòng tham dục và chấp ngã nơi tâm của hết thảy chúng sanh; liên hệ đến sự chuyển hóa vô minh và vọng tưởng điên đảo nơi tâm chúng sanh, khiến tâm chúng sanh sinh khởi định và tuệ, để phát minh tự thân và thế giới hiện hữu đúng như chính nó hiện hữu.
Phật vì chúng sanh mà dạy pháp, chứ không phải vì mình mà dạy pháp; Phật vì hết thảy chúng sanh mà thi thiết vô lượng pháp môn, chứ không phải vì mình mà thi thiết vô lượng pháp môn, nên Phật lúc nào và ở đâu cũng của chúng sanh và không phải của pháp môn. Vì vậy, Phật lúc nào, ở đâu và với ai cũng là bậc giác ngộ, bậc giải thoát hoàn toàn.
Nên, nếu ta chỉ lo bảo thủ hay hiện đại hóa pháp môn, thì chính pháp môn làm cho tâm ý ta khởi sinh phiền não hơn là làm cho phiền não lắng yên từ nơi tâm ý của ta.
Ta mặc cảm với pháp môn cũ và đi tìm một pháp môn mới, chẳng khác nào người đàn ông nhàm chán một người vợ cũ và đi tìm một người vợ mới. Nhưng, người đàn ông kia nào đâu có biết cái mới của mình là cái cũ của người kia, và họ đâu có biết cái mới của họ hôm nay là cái cũ của chính họ ngày mai.
Mặc cảm cái cũ để rong tìm cái mới hay bám lấy cái cũ mà từ chối cái mới đều là những hạng người đáng thương. Đáng thương, vì đối với những người bám lấy cái cũ chẳng khác nào kẻ đang tôn thờ và lễ lạy cái bóng, và đối với người rong tìm cái mới lại chẳng khác nào kẻ đang rong chạy theo cái bóng để tôn thờ và lễ lạy mà cũng không có được một cái bóng nào để lễ lạy và tôn thờ.
Ta hãy buông bỏ những tư duy và nhận thức cũ và mới, bảo thủ và tiến bộ, pháp môn này là của mình, pháp môn kia là của người, thì tức khắc cả bầu trời xuân rộng lớn không ngằn mé liền hiện ra trong đời sống của ta. Cả bầu trời xuân rộng lớn trước mặt ta, chung quanh ta và ngay cả trong ta, nhưng do ta cứ loay hoay với nhận thức và tư duy mới cũ, bảo thủ và tiến bộ, nên ta không tiếp nhận được bầu trời xuân rộng lớn vô ngằn để sống cùng và sống với đó thôi.
Nên, giải thoát là giải thoát ngay nơi nhận thức và tư duy, tự do là tự do ngay nơi tư tưởng, nếu không phải vậy, thì mọi ngôn từ diễn tả về giải thoát, giác ngộ và tự do chỉ là những ngữ ngôn vọng tưởng và hư ảo. Và những người tu tập nhũng lạm pháp môn, cho nó là mình là của mình, thì người đó vĩnh kiếp trầm luân hơn cả những chúng sanh đang trầm luân nơi tam đồ ác đạo.