Tướng cướp Angulimala

"Lúc bấy giờ trong lãnh thổ quốc Vương Pasenadi (Ba Tư Nặc) nước Cosala có tên cướp Angulimala, một thợ săn, tay vấy máu sát hại tàn bạo, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh, vì nó các làng trở thành không làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, quốc độ trở thành không quốc độ. Do đó luôn luôn giết người, nó mang một vòng hoa làm bằng ngón tay người”. (Kinh Trung Bộ tập II trang 577 kinh Angulimala)

CHÚ GIẢI:

Đây là một bài kinh hết sức vô lý chỉ có một tên tướng cướp giết người, mà vua, quan và quân không tập hợp quân đội và nhân dân để tiểu trừ một tên tướng cướp giết người. Một tên tướng cướp giết hại đến 999 người, chỉ còn một người nữa là đủ 1000 người, thế mà nhà vua vẫn an nhiên để cho tên giết người tự do gây đổ máu dân lành, thì còn gì là uy tín của nhà vua với dân chúng. Phải không các bạn? Đó là vô lý thứ nhất.

Chưa bao giờ nhà vua cử quân đi đánh tên cướp này một lần nào, mà lại sợ tên cướp thì thật vô lý. Như trong đoạn kinh này nhà vua nói với Phật: "Bạch thế Tôn nhưng con không thể tẩn xuất nó được” . Đó là vô lý thứ hai.

Kính thưa các bạn! Một điều vô lý nữa, là một kẻ giết 999 mạng người, vậy mà luật pháp không trừng trị, lại còn được ung dung làm đệ tử Phật giáo. Đó là một điều vô lý thứ ba. Như vậy trong đạo Phật ngay từ buổi đầu đức Phật còn tại thế mà còn dung chứa những người đầu trộm đuôi cướp vậy sao? Biến đạo Phật trở thành chỗ núp của những hạng người gian ác này. Nếu người phạm tội sau khi ở tù mãn hạng được pháp luật trả quyền công dân, thì người này mới được theo Phật giáo tu hành. Những người hung ác là những người vô đạo đức mà vô đạo làm sao theo đạo Phật tu hành được. Một thói quen hung ác giết người như vậy làm sao bỏ liền nghiệp ác ấy như Agulimala được.

Các bạn đừng mượn câu: "Tu nhất kiếp ngộ nhất thời”, của Đại Thừa, điều này không có các bạn ạ! Muốn mài mòn nghiệp lực nhân quả thiện ác không phải dễ, không phải nói buông xuống là buông xuống ngay liền được đâu các bạn. Chỉ những người sống trong ảo tưởng, không thật mới nói lời này. Xưa đức Phật sáu năm khổ hạnh không phải là vô ích mà đó là hạnh buông xả, nếu không buông xả như vậy thì hôm nay chúng ta chưa có một đức Phật vĩ nhân của loài người.

Vì đạo Phật là đạo đức, nên người vô đạo giết người như Angulimala thì không thể nào chấp nhận, mà có chấp nhận thì Agulimala phải ra đầu thú, đền tội ác của mình đã làm, phải chịu án tù tội. Đó là luật nhân quả nghiêm minh. Không lợi dụng sự che chỡ của Phật được. Vì đức Phật cũng chẳng che chở ai, nên Ngài bảo: "Các con tự thắp đuốc lên mà đi”.

Sau khi được trả quyền công dân thì Phật mới chấp nhận cho xuất gia làm Tăng, Nếu còn mang bản án giết người mà đức Phật chấp nhận cho kẻ giết người trở thành người tu sĩ thì đức Phật cũng có tội bao che cho người phạm pháp, và như vậy đức Phật cũng là đồng lõa vào tội giết người. Nếu các bạn bảo rằng: trong thời kỳ đó chưa có pháp luật thì điều này không đúng. Đã có vua là phải có pháp luật, mà có pháp luật, thì tội giết người là án tử hình.

Mặc dù đạo Phật là đạo bình đẳng không có giai cấp, nam nữ bình quyền, không phân chia người giàu, kẻ nghèo, người sang, kẻ hèn, người dâm nữ, hay người trộm cướp giết người đều được Phật giáo cho vào tu tập, nhưng khi phạm pháp luật thì phải đền tội. Sau khi đền tội xong, được trả tự do thì mới được chấp nhận vào tu tập. Người còn đang phạm tội mà xin vào tu tập theo Phật giáo, đó là ẩn dương cửa Phật, chứ không phải là kẻ có chí tu hành.

Như các bạn đã biết đạo Phật là đạo đức của con người, nhưng Angulimala giết gần cả ngàn người, không gớm tay là người độc ác nhất, thế Agulimala chỉ đuổi theo đức Phật không kịp mà lại buông gươm xuống, đầu hàng thật là vô lý.

Nếu đúng Agulimala được Phật hàng phục bằng thần thông, thì đức Phật khuyên Agulimala ra đầu thú để được nhà vua và nhân dân khoan hồng, rồi sau đó mới được xuất gia làm Tăng. Còn ở đây bài kinh này viết: đức Phật xem pháp luật trong nước Cosala quá nhẹ, dám cho Agulimala xuất gia tu hành qua mặt nhà vua. Như vậy đức Phật đã xem thường pháp luật của nhà vua, ỷ mình là người tu chứng đạo, không sợ pháp luật bắt tội. Đức Phật làm những việc phi đạo đức như trong bài kinh này thì chúng tôi biết rằng đức Phật không phải là đức Phật. Vì đức Phật là người có trí. Người có trí không thể nào không thông suốt pháp luật của một quốc gia. Với việc làm này chỉ có những người không trí tuệ như các Tổ.

Chưa đánh mà đầu hàng thì rõ ràng người viết bài kinh này có mục đích là ca ngợi thần thông của Phật hàng phục được tên cướp ghê gớm: "Rồi Thế Tôn hiện thần thông lực một cách làm cho tên cướp Angulimala dầu cho đi tất cả tốc lực của nó cũng không bắt kịp Thế Tôn”.

Người viết bài kinh là một nhà tiểu thuyết giàu tưởng tưởng, chứ sự thật không bao giờ có sự việc như vậy. Đây là một tiểu thuyết giả tưởng của những nhà văn ưa chuộng thần thông, vẽ vời thêm thắt câu chuyện cho có vẻ li kỳ. Nhưng toàn bộ là không đúng sự thật. Kinh sách mà viết như vậy thì không còn là kinh sách, là một loại sách tiểu thuyết không giá trị đang được bày bán rẻ nơi đầu hè phố.

Kinh sách Phật là lời dạy đạo đức, mỗi chữ, mỗi nghĩa đều có đức hạnh đầy đủ. Có đâu bài kinh lại thiếu chân thật như thế này? Vậy mà dám xen vào kinh Phật thì thật đáng buồn. Không thể đưa những bài kinh vô đạo đức, thiếu chân thật này vào kinh sách Phật, làm cho kinh Phật đâu còn giá trị nữa. "Một con sâu làm rầu nồi canh” Một bài kinh sai làm mất giá trị tất cả các bài kinh khác.

Đạo Phật là đạo đức thì không thể nói sai sự thật được. Chỉ có những người không hiểu kinh sách Phật là đạo đức, thì mới dám đưa bài kinh này vào kết tập.

Một lần nữa chúng tôi xác định đoạn bài kinh này hoàn toàn sai sự thật, nó được kết tập trong kinh sách Nguyên Thủy của Phật giáo, nó làm mất ý nghĩa đạo đức. Chỉ có Đại Thừa và Thiền Tông thích thần thông mới đưa vào những bài kinh ảo tưởng, thiếu thực tế, không đúng sự thật như vậy. Ai là người đã kết tập kinh sách này, nếu là một người tu chứng chân lí thì không bao giờ kết tập bài kinh này.

Các bạn đọc tạng kinh Nikaya Nguyên Thủy được kết tập, các bạn sẽ không biết bài kinh nào tu trước và bài kinh nào tu sau; những bài kinh dài nhiều trang giấy thì cho vào kinh Trường Bộ, còn những bài kinh nào trung bình không dài, không ngắn thì cho vào kinh Trung Bộ, còn những bài kinh nào ngắn thì cho vào kinh Tăng Chi… Kết tập kinh sách như thế này, chứng tỏ các Tổ tu hành chưa chứng chân lí. Tại sao?

Ai đọc kinh Phật cũng đều biết "ĐẠO ĐẾ” là Chân lí. Chân lí là một sự thật, vì vậy nó là một chương trình giáo dục đào tạo những con người tâm vô lậu. Cho nên nó có tám lớp và ba cấp tu học hẳn hoi. Vì thế muốn kết tập kinh sách thì phải đưa những bài kinh của Phật dạy vào đúng lớp, đúng cấp của nó. Những bài kinh được đưa vào đúng lớp, đúng cấp của nó như vậy mới gọi là kết tập kinh sách. Còn ở đây kết tập kinh sách xô bồ. Khi đọc kinh sách Phật như đi lạc vào trong rừng. Không biết bài kinh nào tu học trước, bài kinh nào tu học sau. Do đó ai muốn tu tập bài kinh nào trước, sau cũng được. Giáo pháp của Phật mà kết tập như vậy sao được gọi là chân lí. Phải không các bạn?

Tóm lại bài kinh này, khi trong nước đã xẩy ra án mạng, thì nhà vua nước đó phải có trách nhiệm đem lại sự bình an cho dân chúng, cớ sao lại để cho tên cướp lộng hành giết người như cỏ rác. Trong khi tên cướp chỉ có một mình mà cả nước không ai đánh dẹp được sao? Đó là một điều vô lý hết sức.

Dù là kinh sách nguyên Thủy nhưng vẫn có những đoạn kinh và những bài kinh hết sức vô lí. Xin các bạn lưu ý: Đừng vội tin theo kinh sách mà hãy tin vào một người đã tu hành hết tham, sân, si. Người ấy sẽ giúp các bạn tu hành trở thành những con người toàn thiện. Đem lại hạnh phúc an vui cho mình cho người.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post