Nói nôm na dễ hiểu thì toàn cầu hóa được thực hiện trên bình diện kinh tế bằng hai sự kiện quan trọng nhất: Sự kiện thứ nhất là mở cửa thị trường, hủy bỏ các rào cản thị trường quốc gia, hủy bỏ các đạo luật kinh tế bảo vệ thị trường, bảo vệ người dân, người tiêu thụ để cho phép việc thực hiện chiếm hữu “độc quyền” sản xuất và thương mại, cho phép việc thực hiện các công ty khổng lồ, liên quốc gia, liên lục địa, tư hữu hóa các địa phận hoạt động kinh tế trọng yếu của một xã hội còn nằm trong lãnh vực kiểm soát của chính phủ, nhà nước như ngân hàng, điện, nước, điện thoại, xăng dầu, hầm mỏ, rừng, núi, biển… Sự kiện thứ hai, thực chất là hậu quả của sự kiện thứ nhất, cho phép người đầu tư tìm và đạt được mức lợi nhuận cao nhất bằng cách hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất, chiếm lĩnh nhiều thị trường trên nhiều nước của quả địa cầu.
Toàn cầu hóa còn được thực hiện bằng ngoại giao và quân sự để gây áp lực chiếm lĩnh thị trường và tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia còn chậm tiến, yếu kém, chia rẽ, thống trị dân chúng bằng mọi biện pháp quy luật kiểm soát cá nhân gắt gao, tỉ mỉ.
Kể từ khi đi vào thực hiện triệt để từ đầu thập niên 1980 cho đến nay, đã qua hơn 30 năm, toàn cầu hóa đang gặm nhấm thâm độc vào các nền văn hóa xã hội. Vì sao? Nói một cách nôm na dễ hiểu nữa thì toàn cầu hóa chỉ tóm gọm có hai chữ “tiền và thế lực”, hai khái niệm luôn luôn đi đôi với nhau. Cha ông mình nói “Có tiền mua tiên cũng được” là không sai chút nào cả. Nước mình, cũng như những nước khác, không thoát ra khỏi cơn sốc toàn cầu hóa. Việt Nam với lợi điểm mức lương thấp, người Việt chịu khó lao động và với nhiều lợi điểm khác, mà trong đó hai tôn giáo chính của người Việt – đạo Phật và đạo Thiên Chúa – cũng đóng một vai trò không nhỏ đem lại và giữ vững hòa bình xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, có công việc làm cho dân chúng. Nhưng Việt Nam cũng không thoát ra khỏi những hiện tượng tiêu cực của sự kiện toàn cầu hóa, đó là mức chênh lệch giữa giàu và nghèo quá cao, hiện rõ như ban ngày, không ai là không thấy.
Xã hội tiêu thụ là gì? Đó là cái vòng luẩn quẩn giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa lợi nhuận và phí tổn đầu tư, giữa vòng quay của tiền và mức lương, mức sinh hoạt, giá sinh hoạt. Mỗi một con người, một nhân mạng vừa là công cụ sản xuất vừa là một động lực tiêu thụ hết ngày nọ qua ngày kia, lúc nào cũng phải cật lực lao động và lúc nào cũng có nhu cầu tiêu thụ.
Sản xuất nhiều, sản xuất nhanh thì phải có sự tiêu thụ nhanh và nhiều thì vòng quay của tiền mới nhanh, lãi mẹ mới đẻ lãi con, lãi cháu. Giá cả càng cao bao nhiêu thì sự tiêu thụ càng bị hãm lại, càng thấp bấy nhiêu. Cho nên cái tham lam của giới đầu tư, giới chủ chính là sự tự hủy diệt của họ. Họ vơ vét hết lợi nhuận về phần mình, giảm lương lao động, sa thải nhân công, tự động hóa các dây chuyền sản xuất, dịch vụ, giảm bớt những công việc phải thực hiện bằng sức người, bóp chẹt tất cả mọi trợ cấp xã hội tức là họ giảm sức mua, sức tiêu thụ của hàng triệu triệu người dân, hàng triệu triệu con mồi tiêu thụ. Người có 10 đồng, xài hết 10 đồng vẫn không đủ cung ứng nhu cầu của mình, vợ chồng con cái phải ra sức kiếm việc làm thêm. Người có triệu triệu tỉ tỉ đồng, ăn bao nhiêu đời cũng không hết, xây bồn tắm, bồn cầu bằng vàng khối, ăn trên chén ngọc đũa ngà cũng không biết làm gì với số tiền còn lại. Họ để lại cho con cái thì con cái hoang đàng hư hỏng, phá của, đó là cái luật luân hồi. Ngay cả người Pháp cũng thường biết rằng, thế hệ thứ nhất làm ăn ky cóp, thế hệ thứ hai gây dựng nên cơ nghiệp, thế hệ thứ ba phá cho tan nát, thế hệ thứ tư túng quẫn nghèo mạt…, của cải xoay vòng như thế.
Tôi nhớ mãi vị giáo sư dạy tôi môn kinh tế quốc dân và kinh tế tiền tệ, người thầy này, Karl- Georg Zinn, đã nhận cho tôi bảo vệ luận án tiến sĩ mà vì hoàn cảnh gia đình phải nuôi mấy đứa con nên tôi không có điều kiện thực hiện ước mơ ấy. Thầy tôi giảng rằng, có một chữ mấu chốt trong công việc quản lý kinh tế quốc gia, kinh tế thị trường mà ít ai nghĩ đến, nói đến, đó là khái niệm “Tái phân phối” (Redistribution). Tái phân phối để giữ cân bằng, an ninh và hòa bình xã hội, không có nghĩa là “bố thí”, là “ban ơn” cho ai. Tái phân phối là bổn phận của một hệ thống xã hội công bằng, nhân nghĩa, nhìn xa thấy rộng để bảo đảm hòa bình xã hội và tương lai của các thế hệ trẻ kế tiếp.
Hiện nay, con người lao động được trả lương tính bằng giờ (thời gian lao động), cái đóng góp bằng trí tuệ của họ cũng bị “mua đứt” bằng lương giờ, lương tháng. Tận dụng bao nhiêu là trí tuệ, kiến thức, hiểu biết và kinh nghiệm của triệu triệu người góp lại, tận dụng các tài nguyên thiên nhiên của quả địa cầu, của đất, rừng và biển… để xây dựng tài sản khổng lồ cho cá nhân mình – đó là điều mà mọi giới chủ, mọi người đầu tư đều biết khai thác triệt để. Nếu không có một sự tái phân phối để vực thị trường tiêu thụ, thì chẳng khác nào là chính giới chủ đã tự gây nội loạn, gây chiến tranh. Hai cuộc đại chiến đã xảy ra để “giải quyết” một số việc “bất bình đẳng” quá bức xúc, cấp bách. Có người cho rằng, không cần triệu người nghèo tiêu thụ, chỉ cần dăm ba trăm thằng đại gia vung tay tiêu tiền là đủ đẩy cái bánh xe sản xuất và tiêu thụ. Thực tế đã chứng minh rằng cái lý luận ấy là lý luận cùn.
Bây giờ, trong lòng một xã hội tiêu thụ, nếu có ai can đảm dám nói đến hai chữ “đạo đức” thì người ấy sẽ bị đóng dấu đỏ lên trán là chính mày mới là đạo đức giả. Vì sao con người sợ hai chữ “đạo đức”? Vì tiền không có đạo đức.
Tại sao anh giàu hơn tôi? Tại sao anh có xe hơi, có nhà, có tiền dư thừa? Tại sao anh đi chơi nước ngoài, đi khắp thế giới? Tại sao vợ anh phủ đầy vàng ngọc kim cương? Tại sao con anh đi học nước ngoài, mua nhà ở nước ngoài, chuyển tiền ra nước ngoài để lo hậu sự? Tại sao tôi kém anh? Tại sao vợ tôi vất vả, con tôi lận đận? Những câu hỏi tại sao đó, một sự so sánh giữa bản thân mình và người khác, một sự thèm khát cũng muốn giàu có như người ta, hơn người ta để được vênh mặt với mọi người… là những cái động lực làm cho con người vất bỏ, chối từ hai chữ “đạo đức”. Vơ vét gom góp được chừng nào hay chừng ấy cho mình, trở thành một mục đích của cuộc đời. Họ không hề có tự trọng bản thân, không hề có một suy nghĩ nhân nghĩa gì cả, tự cho phép mình làm những việc bất nhân, bất nghĩa, bất tín, vô lương tâm, xâm phạm cả đến mạng sống của người khác… miễn là có thêm tiền. Một người nghĩ thế, hai, ba người nghĩ thế, một tầng lớp xã hội nghĩ thế… thì bảo sao xã hội đó dần dần không lộ ra nhưng suy thoái về đạo đức, về văn hóa. Con cái thấy cha mẹ sống vơ vét như thế, thì sau này có hai khả năng, hoặc là thế hệ trẻ không muốn sống như cha mẹ, định cho mình một hướng phát triển khác, hoặc sẽ noi gương cha mẹ tiếp tục vơ vét.
Muốn sống trong sạch trong một xã hội có nhiều người vơ vét, họ có tiền và có quyền lực, là một điều rất khó, nhưng không phải là không làm được. Những người sống trong sạch, gần bùn nhưng chẳng hôi tanh mùi bùn, là những vốn “sống” quý của xã hội. Nhờ họ mà bùn lầy không tràn như nước vỡ bờ.
Theo thiển ý của tôi, để cứu vãn sự suy thoái của đạo đức và văn hóa thì cần có cái sức của hai lực lượng quan trọng trong xã hội: chính quyền và tôn giáo. Chính quyền cần phải sáng suốt, phải có những biện pháp cụ thể làm giảm bớt sự xa cách giữa giàu và nghèo, thực hiện tái phân phối cho người kém may mắn, yếu thế, thực hiện công bằng, công lý, bảo đảm một nền giáo dục lành mạnh, tân tiến, khoa học cho các thế hệ trẻ. Ngày nào báo chí còn đầy rẫy những trang, những bài viết quảng cáo không công cho những ca sĩ, người mẫu có nhà khủng, xe khủng trị giá hàng tỉ tỉ đồng… khoe hàng trăm túi xách, giày cao gót… hàng hiệu giá cũng bạc triệu; ngày nào trên đài truyền hình quốc gia các xướng ngôn viên bập bẹ tiếng ngoại “lai sô”, “hít”, “ta lần”, “a en bi”, “đì voi” thì những người có trách nhiệm truyền bá và giáo dục văn hóa chưa thấy sự tai hại, sự suy thoái của xã hội mình, họ tưởng là đó là những dấu hiệu “đi lên” để hòa nhập với thế giới! Chính ra đó là những hình ảnh lệch lạc mà người Pháp gọi với khái niệm “miroir aux alouettes”, những cái gương soi để dụ chim đến bắt.
Nói về lực lượng thứ hai – tôn giáo – ở nước mình thì cụ thể là đạo Phật và đạo Thiên Chúa là số đông, cái cần là phát huy giáo dục về đạo đức, về tình người, bảo bọc, giúp đỡ hoạn nạn, giúp đỡ về y tế, giáo dục. Không nên lạm dụng sự mê tín dị đoan, và phải tố cáo những kẻ gian thâm nhơ nhớp đội lốt nhà tu… để cho người dân có lại lòng tin chân chính ở những điều hay lẽ phải, những đạo đức tốt đẹp và đi vào thực hiện những giá trị tinh thần đó. Nhờ có đạo đức tôn giáo mà nhiều người tự ý làm việc thiện, giúp đỡ người đồng bào, đồng hương với mình một cách âm thầm, tôi rất quý trọng những người ấy.