Ai trong chúng ta đều có lúc đặt câu hỏi hạnh phúc là gì cho mình hoặc cho người khác? Thực sự thì hạnh phúc là gì? Câu trả lời là khác nhau với mỗi người trong cuộc sống. Với người này thì hạnh phúc chỉ đơn giản là nhận lãnh về cho mình, người khác thì thấy hạnh phúc khi cho đi, làm lợi mình lợi người v.v… Trong cuộc sống, hạnh phúc là sự thỏa mãn những điều mơ ước, mong cầu gắn với những mục đích mà mình đặt ra. Hầu hết chúng ta đều không nhận thấy hạnh phúc không phải là cái mà mình tìm kiếm, hạnh phúc đã ở sẵn ngay trong đời sống, ngay nơi thực tại chỉ cần ta quay trở về để nhận ra và tận hưởng nó. Hạnh phúc đích thực chỉ có mặt khi trong tâm ta hoàn toàn vắng bóng cái ta đầy ắp tà kiến, tham ái, chấp thủ v.v.. Tuy nhiên, tâm chúng ta chẳng khi nào vơi bớt những ý niệm có sự dẫn dắt bởi tà kiến, tham ái và chấp thủ. Chúng ta bị chi phối bởi những ảo tưởng do bản ngã dựng lên nên hạnh phúc đích thực luôn là điều xa vời với hầu hết chúng ta.
Ảo tưởng là trạng thái mê lầm làm cho ta không thấy rõ sự vận hành của đời sống, của vạn pháp, ta không biết rõ những gì đang xảy ra trong hiện tại và cũng có thể nói chúng ta đã không sáng suốt để nhận rõ chính mình trong sự tương giao của vạn pháp. Ta cho là thế này, là thế kia theo quan niệm và tri kiến được bản ngã dựng lên từ nhiều kiếp sống. Đây chính là đầu mối tạo ra sự tranh chấp gay gắt mà các giáo chủ ngoại đạo đua nhau tưởng tượng, sáng tác. Đức Phật gọi những quan niệm này là ngã kiến, ngã thủ. Chính vì không sáng suốt ta có thể tạo dựng lên các quan niệm và thậm chí là một cái ta cho riêng mình rồi mặc sức gán cho nó một số mỹ từ theo thị hiếu của mình và lý tưởng với chủ trương ấy. Nhưng dù thế nào đi nữa ảo tưởng muôn đời vẫn là ảo tưởng, hoàn toàn không có thật. Tuy nhiên, sự ảo tưởng này đã bám sâu vào tiềm thức và ngự trị trong một cái tâm loạn động, cho dù ta có hiểu về mặt lý thuyết là “vô ngã” thì cái ta vi tế và ảo tưởng vẫn cứ hiện hữu một cách âm thầm và sai xử ta khi đối mặt với cuộc sống.
Cái ta ảo tưởng có mặt thì cái “của ta” cũng theo đó mà phát sinh và chúng tạo thành quy trình “ái – thủ – hữu” của vòng luân hồi sinh tử khổ đau, đây chính là cấu trúc kiên cố của nó. Thí dụ, khi ta đem lòng thương yêu một ai đó, ta luôn mong muốn người ấy thuộc về mình mãi mãi. Đây là một sự ảo tưởng mà hầu hết chúng ta do vô minh nên không nhận ra đó là tà kiến, hầu hết đều cho khuynh hướng cho rằng người yêu ta, vợ ta, chồng ta, nhà ta… là của ta, thuộc sở hữu của ta mãi mãi. Ảo tưởng này sẽ không chỉ mang tới sân hận và khổ đau mà còn làm ta chìm trong bể khổ của luân hồi sinh tử. Tình cảm cũng là những điều “phù phiếm” mà ta lại cho chúng là vĩnh cửu thường hằng, tình yêu thuở ban sơ luôn làm người ta ngây ngất nhưng thực ra nó cũng như một loại dopping có tác dụng trong một thời gian nào đó. Liều dopping càng nặng thì tác dụng ngược chiều mà nó gây ra càng khủng khiếp. Nó làm cho ta quá hưng phấn và muốn sở hữu và chiếm đoạt bằng mọi giá. Tuy nhiên, nếu một kết cục nằm ngoài mong đợi của ta thì sự đau khổ cũng theo đó mà tăng lên gấp bội. Như vậy, nếu hạnh phúc không phải là một nhu cầu trong lành trên nền tảng của sự sáng suốt thì hạnh phúc đâu còn là hạnh phúc. Vô minh sẽ mang tới tà kiến, tham ái, chấp thủ, tạo tác và muốn trở thành, đây có thể nói là sản phẩm do cái ta ảo tưởng tạo ra và trói buộc chúng ta.
Cuộc luôn sống diễn ra và mỗi phút giây chúng ta đều phải đối mặt với những vận động của ngoại cảnh, thường chúng ta rất dễ để cho nội tâm chúng ta bị cuối vào một thứ gì đó và ta đồng hóa mình với ngoại cảnh, những dòng tư tưởng lôi chúng ta đi và làm ta mất đi chánh niệm, nếu ta không nhận biết được những dòng tư đang sinh khởi đó thì chúng ta chẳng thể nào trọn vẹn với giây phút thực tại và liệu rằng lúc đó ta có thực sự đang sống hay đang chết? Hạnh phúc cũng đơn giản là thấy ra được những điều giản dị nhất này, thấy rằng mình đang sống!
Thực ra, nếu ta biết quan sát sâu sắc vào thân tâm và hoàn cảnh hiện tại thì cũng có thể nhận ra rằng hạnh phúc cũng là nhận ra được muôn mặt của đời sống trong đó vạn pháp vận động theo một quy luật tất yếu của nó mà ta chẳng thể mong cầu điều gì theo ý muốn chủ quan của mình. Ta sẽ nhận ra rằng cái mà ta gọi là “ta”, “của ta” cũng chỉ là một sự ảo tưởng. Những ai có trí tuệ đều có thể thấy các pháp là vô thường, nó luôn luôn trôi chảy như một dòng nước, ta không thể nắm bắt, đo lường hay ước hẹn. Mọi sự vật hiện tượng đều phải nương vào nhau để biểu hiện và không có tự thể riêng biệt. “Cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt”. Chẳng có cái gì tồn tại độc lập để sinh ra vạn vật cả, bởi vì bản chất của chúng vốn duyên sinh vô ngã. Ví dụ, sự có mặt của một bông hoa được kết hợp bằng nhiều yếu tố không phải là hoa như nước, đất, phân, không khí, ánh sáng mặt trời v.v… Nếu hội đủ nhân duyên thích hợp thì nó hiện hữu, đến khi hết duyên bông hoa ẩn tàng. Hạnh phúc thay khi ta thấy ra được sự thật này.
Bông hoa không có cái ta riêng biệt và không thuộc về sở hữu của ai cả. Cùng với ý nghĩa này, Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, cái gì không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các vị. Này các Tỳ kheo, cái gì không phải của quý vị? Sắc, thọ, tưởng, hành và thức, không phải của quý vị, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc. Ví như, này các Tỳ kheo, có người gom cành, lá của Jetavana này đem đốt hay tùy duyên sử dụng. Quý vị có nghĩ rằng đem đốt hay tùy duyên sử dụng chúng tôi? Thưa không. Vì sao vậy? Vì những cái ấy không phải chúng con. Bạch Thế Tôn, những cái ấy không thuộc tự ngã chúng con. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, sắc, thọ, tưởng, hành và thức, không phải của các ông, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, các ông sẽ được hạnh phúc, an lạc” (kinh Tương ưng bộ III).
Chúng ta có luôn nhận thức rõ ràng được về sự vận động của vạn pháp trong sự tương giao của vạn vật thì ta sẽ không thấy cái của ta hiện hữu. Và vì vậy, ta không dễ dàng bị nó đánh lừa, sai khiến phải nắm cái này, loại bỏ cái kia. Hạnh phúc cũng chính là thấy rõ rằng mình đã không bị bản ngã lừa dối và dụ dỗ ta chạy theo, làm cho ta dính mắc vào những quan niệm, tà kiến, tham ái và chấp thủ. Khi đó ta tung đôi cánh vươn bay vào vùng trời của tự do, xả ly, ly tham, đoạn diệt… Khi đó ta thực sự có thể trở lại với những điều giản dị nhất, những điều bình thường nhất là được hít vào thở ra, được nhìn thấy những áng mây trắng lững lờ trôi, những làn gió mát trong lành mỗi sớm mai. Hạnh phúc đâu có ở xa chúng ta phải không?
Ai cũng biết có cái thân này là khổ, đó là một sự thật hiển nhiên. Nếu ta hiểu được giáo lý của đạo Phật thì đó chỉ là cái khổ về thân, là kết quả của dòng nhân quả nghiệp báo. Cả cái khổ và cái thân không phải là đối tượng để loại trừ. Chính cái lòng tham ái muốn loại trừ cái thân khổ này cho nhanh mới thật sự tạo ra cái khổ gọi là “khổ khổ” nghĩa là chồng cái khổ do tâm tạo ra lên cái khổ tự nhiên của thân. Quan niệm rằng thân tạo ra cái khổ thì phải diệt cái thân đi, đó có thể nó là sự hiểu biết không đầy đủ, thể hiện ý đồ bi quan, lầm lạc. Hạnh phúc thay khi ta nhận ra được chính cái thân khổ giúp ta học ra bài học giác ngộ. Hầu hết chúng ta ai cũng thích cảm giác khoan khoái dễ chịu đối với thân mình, chẳng mấy ai thích cảm giác khổ đau. Tuy nhiên, giả sử như có ai đó đâm ta một nhát mà ta chẳng đau đớn gì cả thì kể như ta chỉ sống thực vật. Liệu ta có để yên mà không trị chữa gì không? Chắc chắn sẽ phải đến gặp bác sĩ để phục hồi lại cái cảm giác đau cho cái thân ta. Thế mới biết là cảm giác đau đáng quý biết bao vì nó là dấu hiệu của sự sống, không còn đau thì kể như đã chết rồi. Hạnh phúc cũng chính là khi biết thân mình còn cảm nhận được sự đau đớn và trân trọng nó.
Các pháp vốn vận hành đúng theo tiến trình Nhân duyên Nghiệp quả tương ứng, chúng ta muốn như thế nào thì pháp vẫn tùy thuận theo như thế đó. Nhưng trớ trêu thay, pháp thì luôn luôn tự do và hoàn hảo còn bản thân con người thì lại khổ đau. Thực ra, mọi vấn đề xảy ra trong cuộc sống này đều có nhân quả của nó, dù ta có mặt trên cõi đời này hay không thì mọi thứ vẫn diễn biến thuận theo quy luật tự nhiên. Hơn hết, chúng ta chỉ cần buông cái ta ảo tưởng ra để cho pháp tự vận hành thì ngay giây phút ấy là an lạc và giải thoát. Còn điều gì hạnh phúc hơn khi ta có những phút giây an lạc trong cuộc đời mình.
Để từ bỏ được ảo tưởng do bản ngã dựng lên ta không thể dùng lý trí hay ý chí để đoạn trừ. Bởi những cố gắng để trở thành ấy vẫn rơi vào ý đồ vi tế của cái ta tham vọng. Đơn giản, ta chỉ cần lặng lẽ quan sát sự sinh diệt, đến đi của các pháp mà không cần phải làm gì cả, nghĩa là trạng thái tâm ý đang diễn biến như thế nào, ta chỉ cần nhận biết một cách trung thực và rõ ràng, thêm nữa khi ta trở về với thực tại một cách trọn vẹn và trong lành thì những ảo tưởng cũng lặng lẽ biến mất. Khi tâm ta sáng suốt, định tĩnh và trong lành, ta sẽ thấy rõ sự tương giao của mình với vạn pháp trong cuộc sống, để từ đó ta ung dung tự tại sống tùy duyên thuận pháp, đón nhận ngay trong từng giây phút niềm an vui hạnh phúc. Hạnh phúc hơn nữa khi ta chia biết chia sẻ những niềm vui và hạnh phúc này cho cộng đồng và xã hội./.
TRẦN QUỐC TRIỆU