Cô độc trong chính thế giới của mình dường như là một căn bệnh trầm kha của giới trẻ ngày nay. Những biểu hiện của nó khá rõ, có thể thấy ở nhiều nơi và trên nhiều khía cạnh. Một làn sóng văn học cô đơn của những cây bút trẻ thế hệ @. Những trang blog thấm đẫm nỗi cô độc và đau đớn về thế giới hiện tại. Những khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, quán bar, vũ trường - bất cứ nơi nào đông đúc - ngày càng nhiều bạn trẻ lui tới. Người ta lao đi tìm kiếm niềm vui từ bên ngoài để lấp kín sự cô đơn của họ, nhưng càng tìm kiếm người ta càng tuyệt vọng. Càng cố thoát khỏi cô đơn người ta lại càng bị buộc chặt vào nó. Và cảm giác cô độc thường đi kèm với sự sợ hãi. Nỗi sợ khiến người ta không thể bình yên được. Một cuộc lao đi trong mù quáng.
Thế rồi, nỗi sợ đến. Sợ và đau. Một nỗi ám ảnh bất an cứ âm ỉ như một bóng ma chờn vờn trong tâm trí. Cảm giác sợ hãi, âu lo về một thứ thật mơ hồ nào đó. Nó cứ bám lấy từng hơi thở, từng nhịp tim, trong thứ tiềm thức sâu xa mà ta không chủ tâm nhận biết được. Tệ hại hơn, đôi khi nó là một cảm giác thật mất mát, lạc lõng, một cái gì đó vụn vỡ, nát tan, hoang tàn, tê dại...
Chỉ khi bình tĩnh lại mới thấy nó thật hư vô, thật vặt vãnh đến buồn cười. Thế mà khi ở trong nó thì cứ muốn đắm chìm trong đó mãi, cứ quẩn quanh mò mẫm, thậm chí lao đi điên cuồng tìm kiếm một lối thoát trong bóng tối đen kịt bủa vây khắp phía, mà không nhận ra lối thoát ở trong chính mình đấy thôi. Có lẽ Eckhart Tolle nói đúng, chúng ta đều là những kẻ hành khất đáng thương - những kẻ ăn mày bám víu vào từng chút hoan lạc của thế giới bên ngoài ngột ngạt và đầy biến động để sống, để tìm vui, mà quên mất rằng những thứ đó thật vô thường. Hoa kia sớm nở tối tàn, và niềm vui khi có được một thứ gì đó là nguồn gốc của nỗi đau khi thứ đó mất đi. Hỏi thế giới có bao nhiêu trái tim hạnh phúc trong yêu thương để rồi tan vỡ khi tình yêu ra đi? Bao nhiêu tâm hồn rơi vỡ khi bị người thân phản bội? Bạn bè quay lưng? Bao nhiêu nước mắt cho một người thân yêu nay trở thành quá cố? Thế đấy. Mọi hạnh phúc phù du đều tiềm tàng một nỗi đau.
Nói như thế có lẽ dễ bị hiểu lầm thành chủ nghĩa bi quan, rằng suốt ngày ta cứ nơm nớp lo sợ đánh mất những thứ mình có, rằng là mọi thứ không nên tồn tại, rằng chúng chẳng hề có ý nghĩa gì trong thế gian phù phiếm. Ngược lại là khác. Chính vì mọi thứ đều có ý nghĩa và đều tồn tại trong một thể thống nhất của Vũ Trụ nên khi ta quá gắn bó với những gì thuộc hình thức của nó thì tức là ta đang tự tách nó ra khỏi cái thể thống nhất kiện toàn ấy, nhưng vấn đề là sự tách biệt này không bao giờ là tuyệt đối và vĩnh cửu, thứ mà ta tách ra - thứ ta yêu quý - chỉ mang tính tạm thời và mãi mãi luôn thuộc về Vũ Trụ này, cái Vũ Trụ mà ta không thể chạm đến khi chưa tìm về bên trong chính mình. Nói cách khác, ta đang gắn bó với khía cạnh Ảo của thứ ta yêu quý, thay vì nhận ra bản chất Thật của nó.
Có lẽ ngôn ngữ không đủ khả năng truyền đạt hết cái tổng thể vĩ đại này, hoặc là ta không đủ khả năng dùng ngôn ngữ để biểu đạt nó, hoặc ta vẫn chưa quán triệt nó một cách viên mãn và chân phương nhất. Dù gì thì nó cũng không thể diễn đạt hết được. Nó là một thứ chỉ có thể NGỘ ra chứ không thể hiểu bằng cách diễn đạt thông thường.
Vì vậy, "mọi hạnh phúc phù du đều là tiềm tàng của nỗi đau", chỉ có hạnh phúc đích thực mới trường tồn vĩnh cửu. Nhưng thế nào là hạnh phúc phù du và đâu là hạnh phúc đích thực? Như đã nói, ngôn từ tuy là một thành tựu vĩ đại của nhân loại, nhưng kiệt tác đó không là tất cả. Khi đụng phải vấn đề vượt lên trên ngôn từ, nó trở nên vô dụng. Và nếu cứ bám lấy dù là lớp nghĩa phổ quát hay những tầng sâu ngữ nghĩa của các từ như "phù du" và "đích thực" thì sẽ chẳng bao giờ NGỘ được vấn đề.
Chỉ có một điều thế này là hoàn toàn diễn đạt được: Cái hạnh phúc đích thực ấy không phải là một thứ ta có thể kiếm tìm ở thế giới bên ngoài, cũng không phải là một thứ quá xa xôi không chạm đến được, càng không phải là một thứ không có thực như chủ nghĩa bi quan từng nói. Nó chính là Vũ Trụ bên trong mỗi người, vấn đề chỉ là ta có đến được với nó hay không mà thôi. Tiếc là tương đối hiếm người nào đạt được trạng thái cực lạc đó, kể cả ngay khi ta hiểu được nó trên lý thuyết thì từ đó bước đến áp dụng cũng là cả khoảng cách.
Chính cuộc lao đầu trong vô vọng vào thế giới vô thường bên ngoài nhằm tìm kiếm những khoái lạc phù du mà hình thành nên nỗi cô đơn, một nỗi cô đơn âm ầm gặm nhấm và bào mòn dần tâm hồn con người, để rồi ta vẫn cứ quẫy đạp trong tuyệt vọng với tiếng thét câm lặng mãi tan biến trong hư không, trong khi có cả Vũ Trụ bao la vĩnh hằng bên trong bản thân mỗi người mà ta không thèm để tâm khai phá. Ừ, chừng nào còn chưa kết nối được với bên trong chính mình, chưa đến được với vị thánh trong mỗi chúng ta, thì chừng đó ta còn chưa giải thoát, chưa đạt được hạnh phúc đích thực, chưa đến với thế giới cực lạc, với cõi niết bàn... bất cứ tên gì để gọi cái Vũ Trụ ấy.
Nguồn: mienmanblog.blogspot.com