Một xã hội, một quốc gia không thể giàu mạnh, phát triển, tiến bộ nếu không có xã hội Dân sự. Để lý giải điều này, chỉ cần hiểu đơn giản:
- Quốc gia, và chính phủ là cơ quan quyền lực, chẳng thể làm ra các sản phẩm cho xã hội. Họ chỉ là những cơ quan quyền lực quản trị xã hội. Họ không phải là cơ quan sản xuất, kinh doanh, sáng chế hay phát minh.
- Các thành phần đa sắc của nhân dân mới trồng cấy, lao động, sáng chế ra các sản phẩm để phục vụ cho đời sống, như xây nhà làm nơi cư trú, trồng lúa lấy cái ăn, phơi nước biển lấy muối, nuôi lợn, bắt cá làm thức ăn…
Sản phẩm xã hội sẽ nghèo đi nếu tất cả các thành phần đa sắc của nhân dân chỉ là một thứ trại lính khoác một mầu quân phục, ăn một vài thứ tem phiếu nghèo đến mức mang mấy cân muối lên miền núi, hay mấy cân măng về xuôi gọi là buôn lậu. Con người muốn hạnh phúc thì đòi hỏi phải hưởng thụ nhiều sản phẩm. Như triết gia Aristote đã từng ví: “Khoái lạc như những bông hoa thêm vào cho vườn hoa tuổi trẻ”.
Mỗi bông hoa thêm vào, vườn hoa sẽ đẹp hơn. Một người muốn ăn món thịt bò sốt thôi, người đầu bếp đã phải ướp vào đó hàng chục thứ gia vị, nào tiêu, nào ớt, nào tỏi… người đó lại muốn uống cà phê thì phải có người trồng, người rang xay, người đó lại muốn uống rượu nho, phải có người trồng, người đó muốn đi ô tô, phải có nhà máy sản xuất như hãng Honda chẳng hạn, người đó muốn mặc đẹp phải có hãng thời trang, người đó muốn an toàn khi tình ái phải có bao cao su… Tóm lại, một người muốn hưởng lạc càng nhiều thì phải có những thành phần xã hội sản xuất hay phục vụ những sản phẩm thích ứng với nó. Một xã hội làm sao sung sướng khi chỉ biết ăn cơm trộn bo bo, uống nước vối hay nước gạo rang? Sống như thế như các nhà giáo Việt từng nói: “Sư phạm, nghĩa là ăn như sư, ở như phạm”.
Xã hội phải phát triển và giầu mạnh chỉ có thể nhờ vào toàn dân giầu mạnh. Toàn dân giầu mạnh bằng cách nào? Không phải họ ngồi chơi mà mong giầu có, hay chỉ làm mỗi nghề đi lính hay làm nông mà mong xã hội có điện thoại di động hay xe hơi đời mới. Đây là lý thuyết của nền Cộng Hòa. Triết gia Socrate ví: xã hội loài người với nhiều tầng lớp người, giống các con cá chia nhau sống trong các tầng nước. Cá mè thì ăn nổi, cá chép ăn tầng giữa, còn cua cáy thì ăn tầng đáy, chỉ có vậy, sự sinh tồn mới bớt gay gắt, và các con kiếm ăn tầng trên còn thải xuống làm thức ăn cho các con ở tầng dưới.
Sự kiện hàng nghìn người dân bao vây năm thành quản ở tỉnh Triết Giang Trung Quốc mới đây, được châm ngòi về việc đánh đập một người bán hàng rong, đã chứng tỏ, việc phân cấp lao động ở Trung Quốc còn rất thô sơ tồi tệ, tất cả đều đổ ra mặt đường buôn bán nhỏ, vì thế đã tạo ra sức cạnh tranh mặt đường vô cùng gay gắt. Ở Việt Nam không khác là bao, chỗ nào người ta cũng cơi nới ở và buôn bán, cần một chỗ lùi xe cũng phải tìm mãi, và tất cả bu quanh lối sống “mặt tiền” đã thành hẳn phương ngôn “nhà mặt phố, bố làm to”. Rồi đua nhau lách cửa ngồi lên mặt báo, có vài mẩu thơ vụn cũng chễm chệ ngồi ì trên báo vài chục năm, rút cục hỏi thơ còn lại gì, thì chỉ còn mực in trên giấy.
Triết gia Aristote thì dứt khoát rằng, mọi quốc gia chỉ phát triển khi mỗi người được tự do suy tư và làm hết sức theo sở trường của mình. Tại sao? Trước khi muốn làm thì người ta phải tư duy bởi “tư tưởng không thông vác bình tông không nổi”. Nhưng làm việc phải theo sở trường, con sáo có mỏ cứ hót, con công có bộ lông cứ múa, con bò cứ rống, còn con rùa thì cứ lặng lẽ vẫy chân… Cầu thủ xuất sắc bậc nhất thế giới là Carlos, bởi chỉ thuận chân trái, và được xếp đá bên cánh trái, nếu cầu thủ đó bị phân công chạy bên phải, thì cái chân trái đó không thể nào biến thành cuộc đời lẫy lừng của anh ta. Mọi người cũng thế, ai cũng có sở trường của mình phải được phát huy hết mới đem đến sự thành công cho bản thân, cũng như làm giầu cho gia đình và xã hội.
Vì thế, Trung Quốc là một quốc gia nổi tiếng là phong kiến hà khắc, vậy mà trong nhiều năm họ đã đề ra khẩu hiệu “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, để muốn phát huy toàn bộ sưc mạnh của xã hội. Dù kêu gào vậy nhưng khó lòng thực hiện. Tại sao? Vì lẽ Trung Quốc cũng như Việt Nam khó lòng mà sống theo quan điểm có cá nhân và công dân. Việc này đã được lãnh tụ Tôn Trung Sơn nói: Trung Quốc xưa nay đâu có mấy từ “tự do”, “cá nhân”, “độc lập”. Kìa Tổng thống nền Đại nghị Viên Thế Khải, tưởng đã rũ áo hoàng đế phong kiến, nào ngờ đêm đêm y vẫn đóng cửa cùng vợ mặc long bào trong bóng tối. Than ôi, đã lên chức Tổng thống cao tột đỉnh như vậy, nhưng vẫn muốn làm hoàng đế như con trời vơ vét mọi thứ vào mình, thì dân chúng còn được hưởng sái gì ngoài nghèo nàn dốt nát? Hoàng đế là gì? Hãy nghe miệng của bà già lẩm cẩm làm mẹ nước Trung Hoa Từ Hi Thái Hậu nói: “Thiên hạ là của nhà Thanh”.
Ở Việt Nam , từ lâu đã có câu “một người làm quan cả họ được nhờ”. Vua chúa Việt Nam thì hèn, nhà chỉ xây được tầng hai, nên cấm dân xây hai tầng, nếu xây là tội phạm thượng. Tại sao vậy? Dân ngu hay dân hèn thì đâu có ảnh hưởng đến đời sống của vương gia, muôn triệu người còng lưng quần quật chẳng lẽ lại không nuôi nổi mấy người trong vương phủ phè phỡn? Và ngày nay cách nghĩ đó còn rơi rớt rồi biến tướng khá nặng. Sẵn vay được tiền quốc tế, nhiều nhóm lợi ích đi mua ụ nổi giá đắt gấp ngàn lần, gom đất ruộng vài chục ngàn đồng, bán giá đất dự án giá vài chục triệu, đường cốt sắt thành cốt tre thử hỏi tiền dôi ra bao nhiêu…
Theo các báo cáo mới nhất thì hiện nay, chỉ có Trung Quốc, Việt Nam và Triều Tiên vẫn còn dùng chế độ Hộ Khẩu, mà chưa chịu dùng thẻ dân sự. Đi đâu, làm gì ở Việt Nam cũng phải qua ủy ban xin công chứng theo hộ khẩu, rằng tôi muốn làm cái nọ cái kia, như vậy người dân vẫn chưa được hưởng quyền trực tiếp về bản thân mình, mà lúc nào cũng phải vòng qua sự kiểm soát của chính quyền, tạo ra cửa quyền lực như người dân nói “Hành chính”, tức: “Hành là chính”. Nhưng hành là chính đâu có hành xuông mà là cách hành để moi tiền. Tại sao thẻ dân sự tạo nhiều thuận lợi cho các cá nhân cũng như nhà nước quản lý, chúng ta lại không thực hiện?
Trái lại, chúng ta cố tình tạo ra những khe cửa bị chặn, để người có quyền còn được hành mà kiếm chác. Than ôi, cái cách dân chúng không được xây tầng hai để hưởng gió trời, cứ sướng thì không được hay không cần hưởng, cứ khổ thì áp dụng cho dân, dân giầu không quan trọng, vì dân nghèo hay giầu, quan có quyền quan vẫn sướng… Đó có phải là cách nghĩ hủ lậu ích kỷ của phong kiến không?
Nếu chúng ta đặt một câu hỏi giản dị trực tiếp thì chúng ta sẽ có một giải đáp dễ dàng: Nhà nước lập nên cho mấy ông quan hay cho toàn dân? Một câu hỏi ở thế kỷ 21 rồi mà vẫn giữ nguyên sự mới mẻ như lưỡi cày chưa vỡ đất ở Việt Nam , liệu có chứng tỏ nước ta quá lạc hậu không?
Nguyễn Hoàng Đức