Đã có nhiều bài viết về thoát Hán, thoát Á, thoát Khổng. Tôi xin bàn thêm về ý kiến này nữa: Thoát Hán, hay thoát khỏi vòng nô lệ về tư tưởng, hay chính là thoát Khổng.
Dân tộc Việt đã giành lại được độc lập sau thời kỳ dài Bắc thuộc, và sau đó là quá trình bền bỉ đấu tranh để giữ vững độc lập chủ quyền. Bên cạnh đó là quá trình bền bỉ giữ độc lập về tiếng nói, văn hóa. Vua Quang Trung đã đặt “đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng” bên cạnh “đánh cho để biết Nam quốc sơn hà chi hữu chủ”. Ông cha ta đã hiểu rõ cái độc lập chủ quyền quan trọng như cái độc lập văn hóa. Vậy còn cái độc lập tư tưởng thì sao?
Tư duy của Á Đông (trừ Nhật) là tập quyền và độc quyền. Đó là tư duy kiểu bề trên nói cái gì cũng đúng. Bề trên không bao giờ sai. Các lý thuyết cũng như Bề trên luôn giống như cái CẨM NANG để cả xã hội tuân theo. Khi cần gì, khó khăn gì đều chỉ việc mở CẨM NANG ra là xong. Tư duy Cẩm Nang là tư duy lệ thuộc. Tư duy Á Đông là Bề trên là duy nhất đúng. Đó là tư duy không dân chủ, là tư duy áp đặt, là không cho phép phản biện
Câu chuyện về Khổng là một ví dụ. Thông thường các câu chuyện về Khổng được dẫn ra chẳng hạn Khổng Tử đi với học trò, rồi có một câu chuyện nào đó diễn ra, liền được chép lại vào sách, nó được coi là mẫu mực, là luân lý. Cứ thế, đời sau soi vào đó coi đó như khuôn mẫu để noi theo. Rồi khi Khổng được coi là mẫu mực thì những người khác muốn cho lập luận của mình được vững chắc thì trích Khổng, dựa vào Khổng. Cứ thế, ta luôn có thói quen tuân theo những gì Bề trên nói, Khổng nói. Khi đã dẫn ra lời Bề trên, lời Khổng thì không cần chứng minh, đó nghiễm nhiên đúng.
Lời của Thánh hiền, lời của Bề trên luôn được coi như Cẩm Nang, có thể đem ra mà sử dụng trong những tình huống khó khăn mà không cần động não.
Tiến xa hơn, khi muốn tuyên bố điều gì, muốn đưa ra ý gì thì đều dẫn lời Bề trên, lời Khổng để làm tiền đề cho lập luận của mình. Với tiền đề vững chắc đó thì mới mong ý kiến của mình đứng vững, và không bị bác bỏ. Với cách này đã làm cho con người 1) có thói quen ỷ lại, không chịu suy nghĩ, 2) nô lệ về mặt tư duy, hay còn gọi là bị áp đặt, hay là độc quyền lẽ phải; 3) Làm mất khả năng chủ động, mất khả năng phản biện. Kết quả là mất khả năng sáng tạo, và có nghĩa là mất khả năng tiến hóa. Như vậy sự lệ thuộc vào Tàu cũng gắn liền với sự lệ thuộc vào Khổng. Muốn thoát Tàu phải phản biện Khổng. Muốn thoát Tàu phải thoát khỏi tư duy độc quyền lẽ phải, thoát khỏi tư duy áp đặt, thoát khỏi tư duy Cẩm Nang..
Người Nhật đã cho thấy một ví dụ về sự thoát Khổng, tiến tới độc lập về tư tưởng. Cao Huy Thuần nói: “Người Nhật không hơn gì ta đâu về phương diện triết lý: họ cũng không có những lý thuyết gia xuất sắc. Vậy mà họ có được những trường phái, những tranh luận đưa dần đến sự thành hình một tư tưởng chính trị mang sắc thái đặc trưng của Nhật.” Người Nhật, từ thế kỷ 12 đã có những học giả phản biện lại Khổng. Trong khi Khổng giáo vẫn là thống soái, vẫn là chủ đạo trong xã hội, thì vẫn có những học giả nhìn nhận, xem xét lại nó. Theo một trường hợp được Cao Huy Thuần dẫn lại từ ông Sorai ở Nhật, khi anh nông dân bị đẩy đến chỗ hành động sai với những chuẩn mực được coi là đúng, theo lẽ thông thường anh ta sẽ bị phán xét vì đã làm trái với Đạo Thánh Hiền. Nhưng người Nhật từ 8-9 thế kỷ trước đã biết cách nhìn nhận lại. Không những anh nông dân không bị phán xét, mà ngược lại, họ coi hành động của anh nông dân là bằng chứng để xem xét lại cái tư tưởng, cái Đạo Thánh Hiền đến từ nước khác kia.
Một đại diện khác của người Nhật là Fukuzawa Yukichi với bài viết nổi tiếng “Thoát Á luận” đã nói về hai nước láng giềng (Trung Quốc và Triều Tiên) rằng: “Cả hai dân tộc này đều không biết đường lối phát triển quốc gia tự lập”. Ông đã tiên đoán, điều mà lịch sử đã diễn ra: “hai nước ấy không thể giữ gìn được nền độc lập. Nếu trong hai nước ấy, xuất hiện những nhân tài kiệt xuất mở đầu bằng công cuộc khai quốc, tiến hành cuộc đại cải cách chính phủ của họ theo quy mô như phong trào Duy Tân (Minh Trị Duy Tân) của chúng ta, rồi cải cách chính trị, đặc biệt là tiến hành các hoạt động đổi mới nhân tâm và cách suy nghĩ thì may ra họ mới giữ vững được nền độc lập, còn nếu không làm được như vậy thì chắc chắn chỉ trong vòng vài năm tới hai nước sẽ mất, đất đai của các hai nước ấy sẽ bị phân chia thành thuộc địa của các nước văn minh khác trên thế giới” (người viết gạch chân). Những điều ông phê phán hai nước kia cũng đáng để chúng ta ngày nay, sau hàng trăm năm phải suy nghĩ, đặc biệt là về phát triển quốc gia tự lập.
Dù vẫn tôn trọng Khổng, người Nhật luôn luôn phản bác, phản biện lại Khổng trong suốt chiều dài lịch sử của họ. Theo họ, Khổng có cái hay, nhưng cũng có cái không hay. Và họ luôn luôn không làm theo Khổng một cách máy móc. Tuân theo Khổng của họ là làm theo kiểu Nhật. Chính vì sự chuẩn bị lâu dài đó mà đến thời kỳ cận đại họ là nước Á Đông duy nhất tiến lên được, và vượt qua sự đô hộ của phương Tây, không giống như những nước Á Đông khác. Chính sự thoát Tàu, thoát Khổng từ rất sớm đã giúp được Nhật thoát vòng nô lệ. Mặc dù về khía cạnh văn hóa, xã hội Nhật vẫn còn nhiều cái không hoàn hảo, nhưng việc giành được sự độc lập về tư tưởng, và từ đó độc lập về kinh tế không chỉ giúp họ hùng mạnh mà cái chính là giúp họ có được sự độc lập về chính trị. Từ kinh nghiệm của chính mình, người Việt Nam hiểu rằng, không độc lập về tư tưởng, về kinh tế thì khó có độc lập về chính trị.
Với người Nhật, Khổng Tử là một nhân vật có nhiều điều họ phải học, đồng thời có nhiều điều họ phải phân tích và phản bác. Còn với người Việt, chỉ có vế đầu chứ không có về sau. Người Nhật đã rèn luyện cho mình khả năng phản bác, và đó chính là cái thể hiện sự độc lập của họ về tư tưởng. Chính điều đó đã giúp họ đương đầu với các thế lực phương Tây khi người Tây đi tìm thuộc địa.
Với Việt Nam , CN Mác Lê đã giúp chúng ta giành chủ quyền, và rồi, chiến thắng “hai đế quốc to”. Tuy nhiên, phải thấy rằng những gì chúng ta tin và được tuyên truyền xưa nay là CN Mác Lê là tuyệt đối đúng. Chúng ta tôn thờ nó như thần thánh. Hoàn toàn không có quyền bình luận gì về nó, mà chỉ được phép tuân theo, vận dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam . Ai, đơn vị nào tỏ ra bình luận, hoặc phản biện lập tức bị gán mác “xét lại”, lập tức bị đàn áp. Đó là phản biện thôi chứ chưa nói gì đến nghi ngờ, phản bác. Cách tôn thờ, tuân thủ kiểu đó thực sự là cách nô lệ về tư tưởng. Làm mất khả năng tư duy khoa học, mất khả năng phán xét đúng sai, mất khả năng tự chủ, tự quyết, tự lựa chọn con đường đi phù hợp với hoàn cảnh của mình. Đọc lại những bài viết về Hồ Chủ Tịch đã cho thấy sự tinh tường, xuất chúng của Người. Hơn nữa Người còn cho thấy sự độc lập về tư tưởng, không nô lệ.
Vậy người Nhật đã phản biện lại Khổng như thế nào? Người Nhật, như lời của Cao Huy Thuần, đã thực sự có một “hành trình xét lại”. Người Nhật ngày đó đã có ý cải cách, đã có cách nhìn Đạo Thánh Hiền khác đi. Như một học giả Nhật ngày đó đã nói: “Thầy tôi càng tin mãnh liệt chừng nào vào tư tưởng của Chu Trình thì càng nghi ngờ mạnh mẽ chừng ấy”. Đây là cách mà chúng ta cũng có thể thấy ở những nhà tư tưởng phương Tây vào thời họ phản biện lại những triết lý cũ, để xây dựng lên những triết lý hiện đại. Đáng tiếc là Việt Nam chưa có một học giả nào đi đến thành công từ sự “nghi ngờ mạnh mẽ”. Sorai nói (theo Cao Huy Thuần): “Nghiên cứu cặn kẽ từng chữ, từng câu trong Ngũ kinh để hiểu rõ cụ thể những định chế của thời thượng cổ, xong rồi mới bắt qua Luận ngữ để hiểu ý nghĩa thực sự những gì Khổng Tử viết, chứ không phải chỉ hiểu Khổng Tử qua giải thích của người đời sau”. Cao Huy Thuần cho rằng “Nếu Sorai sống vào thế kỷ XIX ở châu Âu hoặc thế kỷ XX ở nhiều nước khác, chắc ông sẽ nói: hãy hiểu Mác bằng cách đọc thẳng Mác, chứ đừng đọc qua chữ nghĩa của những người nhân danh ông”.
Việt Nam ta có truyền thống lâu đời phong kiến lệ thuộc Tàu về văn hóa và tư tưởng. Vì vậy, nói là phản đế, phản phong nhưng đứng trên góc độ tư tưởng thì vẫn chưa phải là hoàn toàn. Người Nhật, họ thoát Hán, thoát Khổng là từ bên trong, từ nội tại. Tự họ phản biện lại Khổng. tự họ thấy cần có khả năng phản biện, khả năng xét lại. Còn ta, trong khi ta tuyên truyền chống lại tư tưởng Nho giáo, nhưng lại không ai dám mạnh mồm nói là chống Khổng giáo cả (mặc dù Nho hay Khổng đều là một). Và lại càng không có ai nói xét lại Khổng giáo cả. Thế đủ thấy ta vẫn còn e dè trước Khổng lắm. Mặt khác, thay vì tôn thờ Nho giáo, ta thay bằng việc tôn thờ một chủ nghĩa, với cùng một cung cách tôn thờ. Cái mà đáng ra ta nên làm đó là nhìn nhận tất cả các loại chủ thuyết với những mặt mạnh, mặt yếu của nó. Nhìn tất cả các loại chủ nghĩa với con mắt phê phán, xem xét. Để từ đó học hỏi có chọn lọc cho thực tế Việt Nam .
Cái cách chúng ta học Mác, Lê Nin cũng chỉ là cách học qua người khác. Những người giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng cho sự học Mác có đọc Mác một cách trực tiếp hay không? Những người đó có đọc Mác với con mắt phê phán hay không? Họ có đọc Mác bằng nhãn quan của chính người Việt hay không, hay lại chịu ảnh hưởng nhãn quan của người ngoài? Nói thế để ta thấy rằng đọc, và học trong tư thế độc lập là điều quan trọng.
Ngày trước, sau CM T8, chúng ta đã từng chống Phong kiến, và do đó đã chống Khổng rất ghê. Không hiểu hồi đó ẩn sau khẩu hiệu “phản phong” đó có hàm ý muốn giành độc lập về tư tưởng, tức là không lệ thuộc Tàu hay không? (bác nào làm sử xin cho vài lời đi ạ). Nhưng quả là hồi đó cũng đã từng làm được một số việc. Phá tan hệ thống cai trị thời PK. Cái này xem ra lại giống những gì lịch sử đã làm. Thời xưa, cứ triều đại sau lên thì phá tan những gì thuộc về triều đại trước. Chúng ta phá tan cái vỏ, nhưng cái hồn, cái bản chất thì chúng ta vẫn hành xử, vẫn tư duy theo cùng một cách thức như cũ.
Chúng ta cũng đã từng đả phá những quan điểm của Khổng, chẳng hạn như xóa bỏ “tam tòng, tứ đức”, quan hệ “vua – tôi”. Ấy thế nhưng những tư tưởng chính của Khổng vẫn còn bám riết lấy ta cho đến tận bây giờ. Xem TV, phim ảnh, vẫn thấy hô hào “tề gia, trị quốc”, vẫn “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, vân vân, còn nhiều, nhiều lắm. Đúng sai chưa bàn đến ở đây, cái chính là ta vẫn chưa độc lập về tư duy, về tư tưởng. Ta vẫn viện dẫn đến một ông tận Tàu, tận mấy nghìn năm trước để làm cơ sở cho tư duy của ta hôm nay.
Cái đáng nói chính là ở chỗ, cái ông Thánh đó làm cho ta tê liệt mất khả năng tư duy. Làm cho khả năng phản biện, khả năng phân tích của ta trở nên bất lực. Chắc chắn trong thực tế luôn có những người muốn phản biện lại, muốn phân tích lại, khi nó không phù hợp, không sát với thực tế. Nhưng rồi, ta cứ như gà mắc tóc. Bởi vì ta vẫn quen coi ông Thánh đó là tuyệt đối đúng, là bất di bất dịch, là không thể xem xét lại. Và tất cả điều này cũng diễn ra với CN Mác Lê. Đã có nhiều nhiều thế hệ những người đã từng được coi là cộng sản đã bị khép vào tội “xét lại” và thế là bị xử như thời Trung Cổ. Ngay cả cách đối xử với người khác chính kiến cũng hoàn toàn rập khuôn theo cách của Tàu chứ không có được sự độc lập.
Điều đáng nói ở đây là, hãy chưa nói đến đúng sai, khả năng phân tích, khả năng phản biện, khả năng tư duy độc lập của chúng ta hoàn toàn bị o bế, trói buộc. Liệu có khi nào ông cha ta từng đặt câu hỏi: liệu Khổng đúng, sai ở chỗ nào? Liệu Khổng hay, dở ở chỗ nào? Liệu chúng ta có thể vận dụng Khổng ở mức nào? Liệu chúng ta có thể làm khác Khổng, thậm chí ngược lại với Khổng đến mức nào? Tương tự, chúng ta cũng có thể đặt những câu hỏi như vậy với những lý thuyết, học thuyết mà chúng ta đang áp dụng, đang đi theo, chẳng hạn CN Mác Lê. Điều chính là chúng ta học, vận dụng, và làm khác đi để đạt được mục đích cuối cùng, mục đích tối thượng là nước Việt Nam phát triển, đi lên. Mục đích tối thượng hoàn toàn không phải là tuân thủ theo đúng những gì lý thuyết đã viết ra. Tuân thủ không phê phán, không phân tích chính là cách làm cho lý thuyết đó suy tàn, và làm cho chính chúng ta trở thành bất lực.
Vậy ai, người nào có khả năng phán xét Khổng giáo? Từ kinh nghiệm của Nhật, Cao Huy Thuần đã ghi lại nguyên văn lời tự sự của Sorai: “Từ thuở bé, tôi đã sống ở nông thôn; năm 13 tuổi, tôi dời đến Kazusa và nếm đủ mùi khổ cực, thấy đủ mọi cảnh. Chính tại vì tôi là dân quê mùa cục mịch, vừa chui ra khỏi nông thôn, nên tôi mới dám nói với quan lớn thứ ngôn ngữ mà người thường không dám bắt chước… Ở mãi trong phủ chúa, người ta tất nhiên nhiễm thói quen sống và suy nghĩ để trở thành những kẻ nói sao cũng được và tựu trung chẳng biết gì. Nghĩ cho kỹ, các quan lớn hoặc các quý tộc sống mãi trong đó chẳng biết gì cả và chẳng bao giờ nói được câu gì khác với các ý kiến nghe đến nhàm tai”. Như vậy những người được phủ chúa nuôi sống, có quyền lợi gắn với phủ chúa đã không còn khả năng phán xét gì. Còn Sorai, một người trải qua cực khổ, và cái chính là ông đã “thấy đủ mọi cảnh” đã có được khả năng xét lại. Ông đã dám nói ngược lại với luân lý của quan.
Người Việt có câu “Thánh cũng có lúc nhầm”. Nhưng tiếc thay, cách nói đó chỉ nhằm biện hộ cho việc làm sai sót của mình, chứ hoàn toàn không có nghĩa là ta có quyền phán xét đến cái sự nhầm của Thánh. Khi nói “Thánh cũng có lúc nhầm” thực tế là người Việt đã công nhận rằng Thánh về lý thuyết là đúng, chẳng qua là có lúc nào đó ông Thánh sơ xuất trong hoàn cảnh nào đó thôi chứ lý thuyết của ông thì không bao giờ sai.
Ngày nay, thời buổi thông tin, và tri thức, có rất nhiều cách để tiếp cận tới các nguồn thông tin và tri thức tiên tiến. Việc tiếp cận là một chuyện, việc học nó là một chuyện, và việc phân tích, phản biện nó để có được những lựa chọn thông minh cho mình mới là điều quan trọng.
Vậy làm gì để thoát khỏi nô lệ tư tưởng đây? Giáp Văn Dương đã nói: “Mấu chốt của việc Thoát Thân theo phương thẳng đứng là tháo gỡ những mô hình và luận thuyết lạc hậu, những thang giá trị giả tạo, những ngoại lai xa lạ với văn hóa Việt, những gông cùm vô hình đang kìm kẹp đầu óc và phá hoại sức sáng tạo của con người Việt Nam, v.v…, để từ đó vượt qua tâm lý tự mãn, sức ì văn hóa, tư duy tiểu nông, v.v… nhằm vượt lên chính mình, vươn vai đứng dậy với những thang giá trị mới trong một tâm thế và tầm cao mới; đồng thời tránh được những cạm bẫy do các mô hình, luận thuyết; thang giá trị giả tạo, lạc hậu… tạo ra, như: bẫy ngôn ngữ, bẫy giá trị, bẫy quan hệ, bẫy phát triển, bẫy thành tích, bẫy hành chính, v.v… Những gông cùm vô hình và thang giá trị giả tạo, lạc hậu này đến từ đâu: châu Á, châu Âu hay châu Mĩ…; chúng chỉ mới kịp bén rễ trong xã hội hay đã ăn sâu từ ngàn đời? Trả lời những câu hỏi này không phải là điều quan trọng nhất hiện giờ. Điều quan trọng là phải nhìn thẳng vào chúng, gọi đúng tên, chỉ rõ mặt, rồi dũng cảm thoát khỏi chúng trước hết, không để chúng kìm kẹp và níu giữ chân mình”.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cũng cho rằng chúng ta cần có sự thay đổi lớn. Tại cuộc hội thảo về các vấn đề kinh tế vĩ mô do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua tại Tp.HCM. Trong bài trình bày với chủ đề “Điều chỉnh kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, tái cơ cấu và cải cách kinh tế” tại hội thảo này, ông Doanh đã hơn một lần nhấn mạnh rằng cần phải nhìn thẳng vào sự thật và “cần có đổi mới lần hai” một cách sâu sắc, toàn diện. Trong đó ông nhắc đến điều chỉnh vai trò của phản biện. Ông nói: “Chỉ có điều vai trò phản biện cũng chưa được coi trọng đúng mức, thể hiện ở cách làm vội vã. Thông báo trước hai ngày bảo mời anh đến thì làm sao mà chuẩn bị tốt được. Lẽ ra anh phải đặt hàng trước một số vấn đề để người tư vấn có thời gian chuẩn bị thật tốt. Sản phẩm 24 tiếng dĩ nhiên phải khác với sản phẩm được nghiên cứu nghiêm túc trong 2, 3 tháng chứ”.
Khả năng phản biện, khả năng phân tích chính là điều người Việt cần để có được sự độc lập tư tưởng, và từ đó là chính trị.
Ông Bạch Cư Dị, nhà thơ đời Đường bên Trung Quốc thế kỷ thứ 8 có bài thơ thế này. Không biết An Nam mà ông nói tới có phải là nước ta hay không. Cho dù phải hay không thì điều ông nói ra cũng khiến ta suy nghĩ.
“An Nam xa xôi vừa dâng chim vẹt đỏ,
Màu lông giống tựa hoa đào, tiếng giống tiếng người.
Văn chương và học thuật nếu cũng đều như thế,
Vậy đến năm nào mới thoát khỏi kiếp chim lồng!”
Từ cả nghìn năm trước, câu hỏi vẫn còn đến bây giờ.
Từ cả nghìn năm trước, quân đại Hán đã nhìn rõ điểm yếu của dân ta.
Từ cả nghìn năm trước, đến bây giờ biết làm sao đây để … thoát.
Phạm Quỳnh Hương