Vì sao người ta phải thoát Khổng?

Theo Khổng giáo, người và người không thể sống tách rời nhau mà có muôn nghìn quan hệ gắn bó lại với nhau trọng phạm vi những cộng đồng nhất định. Các cộng đồng cơ bản nhất, từ nhỏ đến lớn là gia đình (gia), nước (quốc), và thiên hạ. Như nhà nghiên cứu Quang Đạm đã vạch rõ, gia đình là chỗ đứng phải giữ vững trong mối quan hệ giữa người với người, trong quan hệ giữa mình với đất nước và thiên hạ. Không bao giờ thoát ly gia đình – đó là một điểm rất cơ bản của Khồng giáo.

Không vướng gia đình, không bị “vướng thê nhi”, “vợ bìu con ríu”, làm một cá nhân độc lập – đó không phải là một giá trị xã hội mà là một bất hạnh lớn lao. Theo Không giáo, đau khổ bậc nhất là những người không thuộc một cộng đồng gia đình nào, không có nhà để gắn mình vào. Đó là bốn loại người (Quan: đàn ông góa hoặc lớn tuổi không vợ; Quả: đàn bà góa hoặc lớn tuổi không chồng; Cô: trẻ mồ côi; Độc: người già không con).

Tính chất cộng đồng thể hiện ở địa vị thống trị của gia đình đối với mỗi thành viên. Cá nhân không tồn tại như một thực thể độc lập, không có quyền tự do cá nhân, mà mọi mặt cuộc sống đều gắn chặt vào gia đình, phải hoàn toàn phục tùng gia đình. Người ta chống lại, kìm hãm những mong muốn riêng tư, coi mục tiêu sống của mỗi người là duy trì sự tồn tại, êm ấm, hài hòa của gia đình, chủ trương hòa tan tất cả những gì của riêng, cá nhân vào gia đình. Tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá hành vi mỗi thành viên là có đúng và tốt cho gia đình hay không, có được mọi người trong gia đình tán thành hay không.

Nét khác biệt giữa gia đình Việt Nam và Á Đông nói chung với gia đình phương Tây là ở chỗ này: nếu như gia đình phương Tây tồn tại để nâng đỡ cá nhân, tạo ra môi trường thích hợp để nuôi dạy cá nhân. Khi cá nhân trưởng thành, gia nhập đời sống xã hội thì gia đình đạt được mục tiêu của nó. Trong khi đó, ở Việt Nam, mỗi người sống để tiếp nối, duy trì, phục vụ gia đình. Chính đặc trưng này – về cơ cấu gia đình – mà theo chúng tôi là nổi bật nhất của gia đình Việt Nam, chứ không phải một số tiêu chí khác, chẳng hạn tiêu chí gia đình hạt nhân, hay mở rộng mà nhiều nhà nghiên cứu vẫn vạch ra. – đã quy định đặc thù của những chức năng cơ bản mà gia đình Việt Nam đảm nhận. Hơn bốn thập niên biến thiên vừa qua, một mặt đã tạo nên những thay đổi lớn lao và mạnh mẽ, ví dụ những nội dung trực tiếp của giáo lý đạo Khổng (hiếu, đễ, v.v…) không còn như cũ nữa, nhưng mặt khác, nhiều yếu tố của cấu trúc cũ vẫn còn lại, đan xen với các yếu tố mới (chẳng hạn tính cộng đồng vẫn còn, thậm chí được tái cấu trúc), tạo nên đặc thù về cơ cấu và từ đó quy định chức năng gia đình Việt Nam ở đồng bằng sông Hồng hiện nay.

Chức năng xã hội hóa của gia đình

Ở Việt Nam con cái được hình dung chủ yếu để bảo đảm sự tiếp nối gia đình, dòng dõi, kể cả đảm bảo bảo vệ và sự sống còn của những thành viên người lớn, và người già trong gia đình. do đó khác biệt đầu tiên giữa gia đình Việt Nam với gia đình phương Tây trong chức năng xã hội hóa là quan hệ giữa chủ thể và khách thể xã hội hóa, tức là giữa cha mẹ và con cái. Ở phương Tây, tiêu biểu là Mỹ, nơi cơ cấu giá đình điển hình là hạt nhân, quan hệ cha mẹ - con cái phổ biến là quan hệ một đối một bền vững, chủ yếu chỉ có mẹ/ cha với con cái. Hơn thế, xã hội Mỹ đặt ra những chế tài văn hóa nghiêm khắc chống lại việc một nhóm đông người chăm sóc trẻ em. Trong khi đó, ở Việt Nam, một đứa trẻ ra đời trong gia đình có cơ cấu hoặc mở rộng, hoặc mang hình thái gốc (ông bà sống gần con cháu) không chỉ thuộc về người mẹ trong xã hội Mỹ. Trẻ em Việt Nam thuộc về cả gia đình đông người đó, tiếp thu sự xã hội hóa nhiều người, của một tập thể. Do đó, con cái ngoan nhờ công cao của cả gia đình, con cái hư là do lỗi của chung, không của riêng ai.

Điều trước tiên cần vạch rõ là cộng đồng gia đình Việt Nam được tổ chức rất chặt chẽ. Các thành viên được dạy phải đặt lợi ích của gia đình ở địa vị tối cao, quyền lợi mỗi người không được trái với lợi ích gia đình, mà phải phục tùng gia đình. Muốn vậy, người ta không dạy trẻ em tính tự lập, khả năng phân biệt đúng – sai, những điều cần thiết nhằm phát triển nhân cách độc lập, tự chủ - mà dạy cách nhận thức những gì được cộng đồng tán thành hoặc không tán thành, thừa nhận hay bác bỏ.

Con người phải kìm nén, dập tắt những ý muốn, nguyện vọng riêng tư nếu nó trái với chuẩn mực cộng đồng đã quy định. Nếu không sẽ bị “kẻ chê, người cười”, bị mất “thể diện”. Khi so sánh khác biệt giữa văn hóa Nhật bản và văn hóa phương Tây, Ruth Benedict đối lập nền “văn hóa xấu hổ” của Nhật vốn lấy động cơ là sự xấu hổ, sợ xã hội chê bai với “văn hóa của tội lỗi” ở phương Tây vốn dựa vào ý thức cá nhân, nhận thấy mình tội lỗi trước Chúa, lương tâm cắn rứt, do đó xưng tội cho nhẹ người. Nguyên nhân của sự khác biệt đó là: một bên là những xã hội vẫn khẳng định tính cộng đồng Nhật bản và Việt Nam. Còn một bên là xã hội đã giải phóng cá nhân.

Ở Việt Nam, người ta đề cao cộng đồng và hạ thấp cá nhân đến mức phi lý. Người ta thủ tiêu cá tính, cào bằng hết thảy cố sao mỗi người như mọi người, không hơn, không kém. Mọi người được rèn luyện từ nhỏ theo tinh thần cộng đồng, coi sự đánh giá của cộng đồng là thước đo cao nhất, và chỉ ứng xử cốt sao được cộng đồng tán thành, chứ không phải theo đúng, sai. Trong hai mươi bốn người con hiếu vẫn được truyền tụng (thập nhị tứ hiếu), người ta ca ngợi cả “ngu hiếu”, tức là hiếu một cách mù quáng, quái gở).

Ý kiến của người xung quanh hết sức quan trọng. Trong nhà, con cái được đánh giá trước hết ở chỗ có ngoan- theo nghĩa có vâng lời người trên – hay không, chứ hoàn toàn không chấp nhận những trẻ em dám “lý sự”.

Với tinh thần ấy, kỷ luật dựa trên cơ sở những điều mà người xung quanh, đặc biệt những những “người quan trọng” tán thành hoặc coi là thích hợp. Con trẻ được dạy để hiểu rằng phải ứng sử sao cho những người xung quanh nói rằng cha mẹ hạnh phúc có đứa con như vậy. Đừng làm gì để bản thân bị “mất mặt” cũng như gây tổn hại đến thanh danh chung của cả gia đình, dòng họ. Con đường sống trên đời là nhượng bộ quyền uy người trên, và ý kiến những người có thế lực, có ảnh hưởng ở hàng xóm. Và tuân thủ mô hình hành vi của những người xung quanh. Lối giáo dục đó khiến trẻ em không biết tự định hướng, và khả năng phân biệt đúng sai rất kém. Chỉ biết dựa theo gia đình và số đông. Chính vì thế bố mẹ có thể dạy bảo con làm việc trái đạo đức, thậm chí phi pháp. Nếu con cái không nghe theo thì dứt khoát là “con không nghe cha mẹ trăm đường con hư”, dù có đúng lẽ phải vẫn là hư.

Một nội dung xã hội hóa hết sức quan trọng trong gia đình Việt Nam truyền thống, bất kể gia đình quan lại, nhà nho, hay nông dân, là phải quán riệt cho trẻ em thấm nhuần cơ cấu có tôn ti trật tự trên dưới theo chiều dọc và tinh thần cộng đồng chặt chẽ của gia đình. Mỗi người trong gia đình bao giờ cũng có vị trí nhất định trong 3 thứ bậc trật tự trên dưới như sau: 1- thế hệ; 2- lứa tuổi; 3- giới tính. Như vậy tôn ti của gia đình đè nặng lên 2 loại người: những người thuộc lứa tuổi trẻ hơn và thế hệ bé hơn; và những người phụ nữ. Trẻ em được dạy dỗ là phải thấm nhuần rằng họ chỉ là một thành viên của gia đình, họ hàng. Giá trị của mỗi người được tính theo tiêu chuẩn là con ai, cháu ai, dòng họ nào, chứ không phải theo tư cách cá nhận, bản thân họ là gì, tài đức họ thế nào.

Hơn thế, ngay cả những người thành đạt, thì trong gia tộc vẫn chỉ là một thành viên bình thường, có kẻ trên, người dưới, và phải tuân thủ những quy tắc ứng xử theo vị trí của mình trong gia tộc. đó không phải là gì khác hơn là sản phẩm của một xã hội đặt cộng đồng lên trên cá nhân. Đây cũng là nét khác biệt giữa xã hội Việt Nam với nhiều xã hội Đông Nam Á. Ví dụ Thái lan, Một mặt Thái Lan người ta tôn trọng vị trí con người trong xã hội. Mặt khác họ công nhận phẩm giá mỗi người, bất kể địa vị của họ ra sao.

Trẻ con được giáo dục theo Khổng giáo, tuân theo “hiếu” “lễ”

Đi liền với cách giáo dục theo khuôn mẫu Khổng giáo là hệ thống kiểm soát xã hội. Những biện pháp khen thưởng, trừng phạt, gây sức ép nhằm đảm bảo sự tuân thủ những chuẩn mực đã được thừa nhận và tránh vi phạm, lệch lạc. Những biện pháp kiểm soát xã hội trong gia đình truyền thống Việt Nam là nhằm phát huy cao nhất tinh thần tuân thủ thụ động. Hòa tan cá nhân trong cộng đồng. và trong hệ thống xã hội hóa theo tinh thần cộng đồng, cơ chế kiểm soát xã hội chủ đạo là bắt chước, và thưởng phạt.

Khác hẳn với hệ thống xã hội hóa theo tinh thần cá nhân. Nơi chủ yếu là cơ chế tự điều chỉnh. Khác biệt cụ thể là ở chỗ. Trong cơ chế đầu, sự kiểm soát được thực hiện từ bên ngoài. Phải có một lực lượng chuyên thực hiện sự kiểm soát. Và điều buộc người ta tuân thủ là sợ bị trừng phạt. Còn trong cơ chế thứ hai, mỗi người biết tự mình phân biệt đúng sai, áp dụng những quy chuẩn hành vi để tự xem xét hành vi của mình. Tự thực hiện sự kiểm soát bên trong. Mong mọi người thừa nhận mình.

Trong cơ chế kiểm soát mang đậm tính cộng đồng như vậy, sự trừng phạt thường rất nặng nề. Bản thân gia đình rất chú trọng sự trừng phạt nghiêm khắc đối với mọi hành vi của con em mà gia đình coi là trái với lợi ích gia đình. Trừng phạt nghiêm khắc là đặc điểm nổi bật của cơ chế kiểm soát hành vi con cái trong gia đình Việt Nam so với một số xã hội láng giền, chẳng hạn Lào, và Thái Lan. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đều xác nhận điểm này. Ví dụ trong gia đình Lào, trẻ em không biết đến những chuẩn mực và quy tắc nghiệt ngã như gia đình Trung Quốc và Việt Nam.

Cần vạch rõ: xã hội, thông qua luật pháp, coi việc vi phạm uy quyền gia đình là đe dọa trực tiếp trật tự xã hội, nên tiếp tay rất đắc lực cho sự kiểm soát hành vi các thành viên trong gia đình.

Để tăng cường sự kiểm soát của gia đình đối với hành vi của các thành viên, để xiết chặt thêm mỗi thành viên vào cuộc sống cộng đồng, gia đình, pháp luật cũ quy định tư cách pháp nhân của gia tộc, coi gia tộc - chứ không phải mỗi cá nhân – như một đơn vị xã hội. với đường lối “liên đới trách nhiệm”, luật pháp của các chế độ cũ chỉ nắm lấy cộng đồng gia tộc chứ không phải từng người, buộc mỗi thành viên trong gia tộc phải theo dõi hành vi của nhau, chịu trách nhiệm lẫn nhau trước pháp luật. Tạo thành một hệ thống kiểm soát xã hội “trăm tay nghìn mắt”. Không những đạt hiệu quả kiểm soát cao mà còn kìm trói, không bao giờ cho phép mỗi người có tư cách pháp nhân độc lập, trở thành những cá nhân. Như vậy, trong xã hội Việt Nam truyền thống, quan hệ kinh tế trong nội bộ họ hoàng có thể yếu ớt, không đáng kể, nhưng quan hệ pháp lý lại hết sức chặt chẽ.

Lối giáo dục nhấn mạnh tuyệt đối các chuẩn mực nhóm và tư cách thành viên nhóm không chấp nhận việc nuôi dưỡng cái “tôi” lấy mình làm trung tâm với tư cách là yếu tố then chốt trong xây dựng nhân cách sẽ đem lại kết quả gì?

Không thể phủ nhận được rằng nếu mỗi thành viên trong gia đình không có nhiều nhu cầu. Không có khát vọng riêng trái với lợi ích cộng đồng hoặc biết kìm nén cái riêng thì không khí gia đình như thế thật vô cùng thân thương, và đầm ấm. Gia đình bảo đảm thỏa mãn mọi nhu cầu của mỗi thành viên. Nhưng mặt khác, nếu đạo lý, lễ nghi khắt khe đến mức bóp nghẹt sự sống của con người, thì không khí ấy cũng cực kỳ khắc nghiệt.

Hơn thế nữa, với lối xã hội hóa như thế, nhiều trường hợp ra ngoài xã hội, thiếu sự kiểm soát của gia đình, nhiều khi chỉ sự tán thành của một nhóm bạn bè, một hội cùng tuổi, cũng dễ làm trẻ em hư hỏng. Không chỉ khi còn nhỏ mà cả lúc đã trưởng thành, những người được rèn luyện phải sống theo số đông, theo cộng đồng như thế đều không có tính độc lập, tự chủ trong suy xét, phán đoán, chỉ biết rập khuôn nghe theo số đông. Không biết độc lập suy nghĩ, không có và không dám bảo vệ ý kiến trái với số đông. Họ “gặp việc ác không dám phản đối, gặp điều hay mà trái ý kiến nhiều người thì không dám theo, cho nên chỉ thích an thường thủ phận mà tiến thủ” (câu của Đào Duy Anh, 1939. Khổng giáo phê bình tiểu luận. Huế. Quan hải tùng thư).

Những con người chỉ biết vâng lời theo số đông, “ai sao tôi vậy” như thế không phải giàu tinh thần đoàn kết, tinh thần tập thể mà chính là con đẻ, là sản phẩm của lối xã hội hóa đặt cộng đồng lên trên hết thảy, bóp nghẹt tính độc lập, tự chủ từ trong ý nghĩ trở đi. Và lý tưởng của loại gia đình như thế không phải là sự biến đổi phát triển mà là hòa thuận, ổn định đến mức trì trệ, bảo thủ.

MAI HUY BÍCH
Previous Post
Next Post