Yêu nước, ai chẳng muốn yêu. Con người như một cái cây, rất cần một mảnh đất để cắm - trồng – sinh dưỡng - lớn lên trên đó, mảnh đất đó là quê hương.
Ai cũng yêu quê hương, nhưng chớ tưởng quê hương là thứ sọt rác bao dung vô điều kiện để người ta muốn thì cứ thổn thức “tôi yêu quê hương”, bởi lẽ có một phương ngôn chí tử rằng “Tình yêu không có giá nhưng đòi trả giá”. Tình yêu có tiến trình của nó, giả sử ta yêu hạt gạo thì phải cấy cày chứ không thể cứ ra chợ lấy của người.Ta yêu tiền thì phải lao động từ tay nghề đơn giản đến tay nghề phức tạp chứ đừng làm theo kiểu thò tay vào túi người khác.
Còn ta muốn yêu đời ư, người ta đã phải học từ trí - đến thể - đến mỹ nhọc nhằn thế nào để nâng cao chất lượng sống của cuộc đời.
Nhìn thấy mỹ nhân ai chẳng động lòng, sấn sổ đến mà bảo “anh yêu em” chăng? Ăn tát là cái chắc. Như vậy tình yêu không phải vô điền kiện mà là người ta phải làm gì để xứng đáng nói lời yêu?!
Một lần trong một cuộc gặp, mọi người có bàn đến ảo tưởng “đi tắt đón đầu” của tiến bộ.
“Đi tắt đón đầu ư? Triết học có nói cuộc đời là quá trình, như nụ, ra hoa, rồi mới đậu quả” một người nói.
“Ôi dào, nói thẳng tưng nhé,” một anh kêu “Trong tình yêu, đi tắt đón đầu chỉ là bọn hiếp dâm…
Chí lý! Như ta gặp gỡ làm quen cô nào đó, phải chín hẹn mười hò, tứ sông cũng lội, ngũ đèo cũng qua, may ra mới thành tình yêu, vậy mà đi tắt đón đầu chẳng phải thứ băng sấn qua đường hiếp dâm là gì?
Yêu Tổ Quốc lại càng khó lắm. “Yêu phụ” Từ Hi Thái Hậu mồm lúc nào cũng nói yêu trăm họ - còn tự phong mình là “lão phật gia”, vậy mà hai cô hầu chỉ cần chải tóc giống mụ, mụ liền sai ném xuống giếng, và luôn luôn định nghĩa tổ quốc rằng “Thiên hạ là của Nhà Thanh” thế mà cả nước thiên tử ngót nửa tỉ người chỉ sống dưới - sống vì ngai trướng của một mụ già lẩm cẩm.
Tình yêu đích thực ư? Người Việt nói “Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, có nghĩa đó là tình cảm sắt son không vụ lợi.
Đức Phật Thích Ca vì thương dân chúng lầm than mà Ngài bỏ cả cung điện vàng son gấm vóc nữ tì xinh đẹp để lao vào cát bụi ngồi kiết xác dưới gốc bồ đề, đó là tình yêu hướng về nghèo đói, khi đó nó mới đích thực là bàn tay cứu rỗi. Chúa Jê-su cũng vậy, Ngài chịu đóng đanh lên thập giá, lại còn chịu cảnh nhục nhằn đóng đinh giữa hai tên trộm để thấu hiểu gánh nặng bất công mà con người vẫn giành cho đồng loại của mình.
Tình yêu? Nếu chỉ giành cho người có quyền, có tiền hay gái đẹp, dễ lắm! Ai ai chẳng cần cố gắng đều làm được. Muốn thực nghiệm rất dễ, hãy nhìn cách bọn kẻ trộm làm quen với những con chó của chủ nhà bằng vài miếng mỡ bèo nhèo lấy được ngoài chợ, chúng kết thân buổi chiều để tối mò đến không bị sủa.
Nhưng cũng là tình yêu đồng loại, mà nhường cơm xẻ áo, trời ơi khó như dứt từng khúc ruột! Lại còn lao vào các trại tế bần, bệnh viện, trại hủi, trại aids để cứu người thì quả là thiên khó vạn nan, đó mới là những con người xứng đáng nhất để nói lên “tình yêu con người”
Có những người yêu nước nhưng mà chỉ qua tình yêu với những chức cao lộc hậu, quyền nhiều của lắm, tham nhũng vơ vét, với họ khi ca ngợi tình yêu đất nước thì chẳng khác gì con chuột sa chĩnh gạo ca ngợi chĩnh gạo đẹp lắm rồi, sao các người lắm chuyện cứ gào la? Hoặc giống con chuột nấp sau bình quí tránh được mọi đòn roi của pháp luật cứ suýt xoa không ngừng “cái bình thật đẹp”.
Một người đang bắt tay xếp từng viên gạch dính đầy vôi vữa, và một người ngồi hóng mát ca tụng hoàng hôn về trên phố, thì ai là người xây dựng thành phố nhiều hơn?
Cũng vậy, một người yêu đất nước bằng cách mang gánh nặng sỉ nhục của dân tộc, còn người kia thì lảo đảo say xỉn hát bét nhè những lời ca tụng tổ quốc, thì ai yêu nước hơn ai? Hỏi vậy để chúng ta dễ hiểu thôi. Thực ra từ lâu người Trung Hoa khi mắng bất kỳ ai rằng “đồ vô sỉ”, nghĩa là “không biết nhục” thì hạng người đó chỉ là cầm thú. Giờ chúng ta hãy nhìn cụ thể:
- Có ai nhận yêu nước hơn Tôn Trung Sơn, vậy mà ông đã thẳng thắn chỉ ra người Trung Quốc còn dã man. Trung Quốc chỉ có người đọc sách mà không có trí thức.
- Văn hào Lỗ Tấn là người đem lại niềm tự hào về văn hóa lớn nhất cho người Trung Quốc, vậy mà cái lớn nhất trong sự nghiệp nổi tiếng của ông, ông đã tìm cách vả thẳng vào mặt dân tộc mình “Người Trung Quốc chỉ giỏi ăn thịt người”, trong nhiều truyện ngắn của mình ông đã tìm cách tuyên bố lại quan điểm này.
-Nhà văn Bá Dương viết cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” thì coi dân tộc mình như một hũ tương thối.
-Dostoievski văn hào bậc nhất nước Nga, khi nhìn thấy đồng bào mình tí toét ti toe học đòi chủ nghĩa xã hội không tưởng liền than vãn “Nước Nga là một cú chơi xỏ của Thượng Đế”.
-Paris được mệnh danh là thủ đô đẹp nhất thế giới, vậy mà các nhà văn của họ vẫn đua nhau chê bai, dè bỉu thành phố hoa lệ đầy rẫy cống ngầm xấu xa…
-Để làm cuộc cách mạng cho dân tộc, thánh Gandhi đã không tiếc lời chê bai phẩm chất nô tài của người Ấn.
-Một trong vài công dân danh giá nhất nước Mỹ, đó là nhà tư tưởng Thoreau, ông không đóng thuế cho chính phủ vì cho rằng không muốn chính phủ dùng những đồng tiền đó mua vũ khí đi xâm lăng nước láng giềng. Ông còn khẳng khái: sống trong chế độ bất công, thì chỗ ở của người công chính là ở trong tù. Bởi vì họ phản đối sự bất công đó (theo đó, chỗ ở của người tử tế không phải ở trong những thùng gạo, thùng thịt, thùng xe hơi máy lạnh suốt ngày bắt nhịp hát đồng ca ca ngợi thùng gạo, thùng thịt này to nhỉ, ta tham nhũng mãi ăn chơi vô tư mà không hết).
Có lần tôi nói chuyện với một anh chàng, cái gì của quê hương anh cũng khen từ mớ rau muống đến đỉnh núi đến sao trời của Việt Nam thì đều đẹp tuyệt, không có gì có thể đáng chê, anh yêu quê hương đến độ sẵn sàng tin cả những ảo tưởng rằng đội bóng đá Việt Nam có trình độ ngang ngửa với đội tuyển Braxin, và nếu đội Braxin có thắng Việt Nam dù cả nghìn lần chẳng qua chỉ là may mắn.
Tôi có hỏi anh: nếu một anh nông dân ca ngợi một mớ rau hay một chùm nho của tổ quốc Nga chẳng hạn so với những nhà văn mang nỗi sỉ nhục mà bị đầy khỏi nước Nga, thì ai yêu nước hơn ai? Một đằng ca ngợi mớ rau để đem bán, một đằng yêu nước đến nỗi phải mang tù đầy? Anh chàng không trả lời. Tôi liền bảo, người Trung Quôc có câu “Ngu dân bách vạn vị chi vô dân” - người ngu cả vạn kể như không có, người không có trình độ rúc lên bản ngợi ca đất nước nào có khác gì đám côn trùng ri ri khúc ca ở bờ ao, chỉ khi yến oanh cất tiếng hót thì đó mới là bài ca đích thực. Giả sử, chúng ta mời những người yêu nước tấu thổi một bài ca quê hương, họ lại đem mấy cái kèn lá ra thổi, rồi không biết nhạc lý hát như một đám hỗn loạn trống đánh xuôi kèn thổi ngược, mời họ đi tập hát thì họ bảo còn đang bận nhậu, thử hỏi bài ca của cả triệu chiếc kèn lá đó liệu có sánh nổi một chiếc tù và rúc lên vang lừng đồi núi khi ca ngợi quê hương? Nhưng những kèn lá đã hát không ra gì, nhưng thi thoảng lại thọc tay túi quần ngâm nga “quê hương là chùm khế ngọt” thế là mang tiếng yêu quê hương tha thiết…
Không biết mang nỗi sỉ nhục trong lòng con người chắc chắn không làm được gì cả. Nếu không mang nỗi nhục luồn trôn thì Hàn Tín có khi nào trở thành tể tướng? Nếu không mang nỗi nhục là công dân nhỏ bé nơi đảo Corse sơn cùng thủy tận thì làm sao Napoleon trở thành Hoàng đế? Người Trung Hoa dứt khoát: “Tri túc cận hồ chí, lực hành cận hồ nhân, tri sỉ cận hồ dũng”. Nghĩa là muốn có dũng khí làm người con người phải biết nhục. Học còn nói: “Tri túc bất nhục, tri sỉ bất đãi”, nghĩa là: Biết thì không nhục, biết nhục thì không bị ngược đãi.
Văn hào Dostoievski thì diễn giải theo cách triết lý của người Đức thế này: Sự sám hối và tự sỉ của con người tỉ lệ thuận với lương tâm của họ, giống như một cái cây muốn vươn mình uống nắng mặt trời bao nhiêu, thì rễ của nó phải cắm sâu trong lòng đất tối tăm bấy nhiêu. Chúng ta thấy rễ của bèo trắng phơ ngắn cun củn nhưng nó chỉ là bèo bọt trôi lung tung mà thôi.
Còn trong Kinh Thánh, Chúa trời nói: “Mặt con hãy héo để lòng được tươi”. Tức là, con người hãy biết ưu tư trước những vấn đề của cuộc đời, nhờ đó mà gánh nặng cuộc đời ở trong lòng mới trở nên nhẹ nhõm, bởi vì bằng cách ưu tư, người ta đã giải quyết những vấn đề của cuộc đời.
Người Việt có câu “Lười hay cười nụ”, nghĩa là những kẻ lười biếng, vô vị, bất tài thường hay cười nụ để nịnh người ta hãy tha bổng cho mình. Tha bổng bỏ qua cho nó ăn chơi nhảy múa.
Một lần, đứng cạnh một giàn nhạc, tôi tiến ra hỏi người thổi cây kèn lớn nhất, “cây kèn nặng bao nhiêu cân hả anh?” “Dạ, thưa 17 cân”. Quả là thích đáng! Anh chàng không chỉ biết nhạc lý, không chỉ phồng mồm thổi, mà vừa đi vừa vác cây kèn ngót hai mươi cân. Quả là đáng nể! Quả là người xứng đáng để rúc lên một bài ca! Bài ca của anh là một gánh nặng thực sự.
Người mẹ yêu con, chị phải mang nặng đẻ đau, phải bú mớm nâng niu, tình yêu đó là một gánh nặng và một bổn phận. Và bổn phận thì bao giờ cũng nặng.
Chúng ta là người có quê hương. Như cây cắm trên mặt đất. Nhưng tình yêu đó mới chỉ là trình độ của cái cây vô tri vô giác. Chúng ta có tổ quốc độc lập, đó mới chỉ là trình độ độc lập rào dậu.
Thánh Gandhi có nói với dân Ấn Độ:
Chúng ta đấu tranh không chỉ giành độc lập mà cái quan trọng hơn là đào luyện mọi người đủ phẩm chất để sống trong độc lập. PHẨM CHẤT ĐÓ LÀ CỦA TÂM HỒN.
Phẩm chất của tâm hồn là gì? Là tự do, bình đẳng, công lý, và bác ái.
Nhưng trong tất cả những thứ giá trị đó nếu không có CÔNG LÝ sẽ không có tất cả.
Nếu chúng ta chỉ có bài ca ăn uống thì đó là một bài hát của những con chuột ở trong kho, hay con lợn ở bên cái máng của mình. Và quê hương lúc đó dù có được ca ngợi cũng chỉ là cái máng to của tập đoàn mà thôi.
Bạn muốn tấu khúc ca ngợi quê hương ư? Bạn hãy tập luyện để trở thành một nhạc công đi. Hãy trở thành một công dân tương thích xứng đáng là người hội đủ trong người những phẩm chất nhạc lý, sức khỏe, và nhiệt huyết để vác theo cây đàn trong khúc quân hành của quê hương tiến về công lý, nhân bản và tiến bộ.
Khi một khúc ca nào đó đó ị ẹo vang lên tiến về nhà kho hay máng ăn giá áo túi cơm, thì bạn đừng có bao giờ nghĩ đó là âm nhạc.
Nguyễn Hoàng Đức