“Không đâu bằng nhà mình” đó là phương ngôn chung của toàn thế giới. Người ta đi đâu rồi cũng mong được trở về nhà. Về nhà làm cho người ta thấy thoải mái nhất, vì ở đó người ta được làm chủ nhà, được làm tất cả những gì mình thích mà không phải giữ ý gì cả. Thế cũng có nghĩa ở nhà mình người ta được tự do nhất. Người Anh ghép chữ Home là nhà với chữ Land là đất để thành chữ Homeland – có nghĩa là quê hương hay tổ quốc. Người Việt không khác mấy khi dùng các chữ “Nhà” ghép với Nước, thành “Nước nhà” hay “Quê nhà” – là tổ quốc quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Khi không có độc lập thì nước mất nhà tan, con người ta phải sống kiếp nô lệ. Nhưng khi có độc lập rồi, liệu tất cả nhân dân sẽ thành “ông chủ” tự do? Không đúng! Độc lập ở mỗi quốc gia, cũng như các gia đình mới chỉ là rào giậu. Nhưng để có một phẩm chất ông chủ ngay trong mái nhà mình thì người ta phải rèn luyện. Tóm lại: tình trạng độc lập rào giậu của đất đai chưa bao giờ là phẩm chất tự tại tự do kiêu hãnh của ông chủ. Để dễ hiểu chúng ta hãy so, nhà của người tự do, và nhà của nô lệ, hai chủ đều có nhà. Nhưng nhà người tự do sống ung dung tự tại, còn nhà nô lệ lúc nào họ cũng cóm róm xun xoe. Trước kia trong khu tập thể của chúng tôi, có một nhà, khi đang ăn cơm, nếu có khách vào, người vợ liền úp đĩa rau lên đĩa thịt, để che đậy sự ăn tươi của mình, thế có là nô lệ không?! Mở rộng ra phạm vi quốc gia, Trung Quốc một cường quốc về dân số kia, vậy mà vào thời cách mạng văn hóa người ta không dám mặc áo mới, nếu có áo mới vẫn phải vá một cái mụn vải chồng lên, vậy có phải dù đã độc lập nhưng vẫn sống trong tâm cảm nơm nớp làm nô lệ.
Người phương Tây giáo dục rất kỹ lưỡng từ cách ăn, nết uống, cách đi, cách ngồi để làm sao người ta được làm ông chủ ngay trong nhà mình và tổ quốc mình. Mặc cảm nô lệ không chỉ có ở các dân tộc yếu mà có mặt ở khắp mọi quốc gia. Dân tộc La Mã dù có phương ngôn “Mọi con đường đều dẫn đến kinh thành La Mã”, nhưng người ta vẫn lo mình chỉ là cơ bắp đi chinh phục Hy Lạp và mô phỏng đến tận lỗ chân lông nền văn minh Hy Lạp. Tất cả những vị thần Hy lạp đều bị biến thành các vị thần La Mã chỉ bằng cách đổi tên gọi. Và Hoàng đế Neron đã sợ mặc cảm cơ bắp đến mức đốt cả kinh thành La mã ôm đàn vờ vịt làm thơ để mong mót chút dư vị văn hóa của thi nhân. Người Pháp cũng mặc cảm không kém, trong suốt 10 thế kỷ họ cố vùng vẫy ra khỏi ảnh hưởng của tiếng Latin mà không được. Người Anh còn khổ sở hơn khi bị Quận công William của Pháp xâm lược và áp chế lên họ một nền văn hóa Normandi, thậm chí còn coi thường họ như súc vật với câu “con chó Do thái, con lợn Xắc Xông”. Nước Mỹ cùng đã từng khốn đốn trong vai thuộc địa dưới sự bảo mẫu của Vương quốc Anh, và nhân dân Mỹ đã phải vùng lên. Còn nước Đức có nhiều triết gia và nhà khoa học nổi tiếng như vậy đã từng trở thành nguyên nhân gây chiến trong cả hai cuộc đại chiến thế giới vì mắc phải mặc cảm lép vế của dân tộc Phổ… Thánh Gandhi đã qui tập nhân dân Ấn Độ đòi độc lập, và ông tuyên ngôn “Độc lập dân tộc không quan trọng bằng có đủ phẩm chất để sống trong nền độc lập”. Lãnh tụ Tôn Trung Sơn thì viết cuốn “Chủ nghĩa Tam Dân” để dạy dân Trung Quốc có phẩm chất ông chủ để ở ngay trong nhà mình. Ông còn dạy cả cách đánh răng – gọi là vệ sinh răng miệng, cả cách nhổ bọt của người Trung Hoa bạ đâu nhổ đấy…
Phẩm chất ông chủ được các chuyên gia tư sản hết sức đề cao, họ thách thức rằng: “Các nước nô lệ dù có được trả tự do nhưng vẫn chỉ là vô trật tự, hỗn loạn, đổ nát và diệt vong”. Và họ đã đưa ánh mắt của quan điểm đó thách thức các nước như Cu Ba, Triều Tiên và không ngoại trừ cả Việt Nam… và thấy: dù được độc lập, nhưng các nước này vẫn giữ thói quen phong kiến cha truyền con nối hay nhóm lợi ích vô cùng lạc hậu. Chính thức họ xếp: Ấn Độ là văn phòng của thế giới. Trung Quốc là công xưởng của thế giới. Còn Việt Nam là nhà bếp của thế giới.
Có câu “tri túc bất nhục, tri sỉ bất đãi”, nghĩa là: hiểu biết thì không bị nhục, biết tự sỉ thì không bị ngược đãi. Người Việt chúng ta nên thấy mình trước khi để người khác thấy mình. Một cách chính thức, nạn buôn bán phụ nữ trẻ em ở Việt Nam đang ở mức dẫn đầu châu Á. Trong khi đó giá phụ nữ Việt Nam là rẻ nhất. Người Việt bị nhốt như nô lệ trong các trại trồng cần sa bằng đèn ở châu Âu, và các xưởng may mặc ở Nga. Người Việt không chỉ bị xua đuổi bằng thái độ mà còn bằng khẩu hiệu nhắm vào mình như “chớ ăn cắp sẽ bị phạt nặng”, “đừng ăn lãng phí, ăn cái gì lấy đủ”… Ngay tại Sapa mới đây mấy anh bạn kể, một nhà khách có chủ Tây quản lý đã không nhận mấy người này ở trọ. Thậm chí có một nhà hàng ven biển ở ngay Việt Nam còn từ chối cả đồng hương luôn. Tại sao? Vì người ta thấy người Việt nhiều thói xấu quá, ồn ào, ném rác khắp nơi, gây phiền hà, không bõ khoản tiền thu được, thậm chí còn lỗ vốn nhiều… Cái cảnh người Việt xô nhau vào đền thờ mua ấn, rồi còn mua bán ấn như phe vé, trong đó không chỉ có dân thường mà có rất nhiều quan to mặt lớn, càng thấy rõ hơn tính cách buôn thần bán thánh, hám chức quyền, mặc cảm kẻ dưới của người Việt lớn mức nào?
Vậy thì thế nào là óc nô lệ? Trung Quốc có phương ngôn “Quân tử hòa nhi bất đồng, tiểu nhân đồng nhi bất hòa” , có nghĩa: Quân tử hòa với mọi người mà bất đồng về chính kiến, tiểu nhân thì về hùa với mọi người mà không hòa … Ông chủ là người trên, nô lệ là kẻ dưới, nhìn cái thấy ngay. Nhưng đây là một đề tài lớn, chúng ta nên bàn về nó một cách xác tín nhất:
1- Danh dự là cái đầu tiên phân biệt Ông chủ và nô lệ. Cho đến nay để bình bầu, có lẽ triết gia Hegel vẫn là triết gia bàn về đề tài ông chủ và nô lệ một cách đồ sộ và đầy đủ bậc nhất. Ông viết: người trọng danh dự hơn thì luôn sẵn sàng chết cho danh dự, người ấy luôn luôn làm chủ. Người lo giữ mạng sống của mình hơn sẽ sợ hãi nhường bước mà thụt lùi xuống làm nô lệ.
2- Có danh ông chủ luôn luôn là trách nhiệm. Ông chủ nghĩa là “có cứng mới đứng đầu gió”, như Kinh Phúc Âm nói “kẻ được cho nhiều sẽ bị đòi lại nhiều”, kẻ trên uy quyền bổng lộc hơn thì phải mang nhiều trách nhiệm hơn kẻ dưới. Theo đó việc ẩn danh và nặc danh để viết luôn luôn kề cận việc của kẻ dưới. Ngay cả trong kháng chiến, người ta phải ẩn danh, cũng vì lúc đó đang là kẻ “bên lề”, và chắc chắn là kẻ yếu lo bị bắt. Đức dũng cảm cũng là đức đầu tiên để làm ông chủ, và ngược lại.
3- Nô lệ là những người không có chính kiến và hay vào hùa. Theo câu “tiểu nhân đồng nhi bất hòa”, thấy rằng tiểu nhân không có chính kiến gì để bất đồng, dẫu vậy lại luôn bất hòa với nhau. Cãi lộn khắp nơi, a dua, cạnh tranh, vào hùa, ẩu đả nhưng không biết vì cái gì cả, bởi vì họ rất giống nhau.
4- Kẻ dưới hay mày tao chí tớ. Ông chủ xưng hô tôn trọng người khác, đó cũng chính là cách tôn trọng chính mình. Còn kẻ hèn mặc cảm hạ thấp người khác bằng cách mày tao chí tớ.
5- Không muốn chấp nhận ai. Kẻ dưới vì mặc cảm tự ti nên không muốn thấy ai cao hơn mình. Có những lời bình thế này, “bọn Tây đã là gì”, “BBC, RFA, … tất cả đã là gì? Không hiểu người này trình độ đến đâu mà cái gì cũng chê tuốt. Một người như vậy không biết sẽ có bao nhiêu can đảm đứng trước gió nêu tên mình lên để thiên hạ nhìn loáng một cái từ đầu đến chân toàn bộ giá trị của anh ta?!
6- Tiểu nhân đắc chí. Theo các số liệu, giáo dục Việt Nam tụt hậu rất nhiều bậc trong khu vực. Ở các nước học đại học chỉ là đại trà, còn ở nước ta đại học là thứ khoe mẽ tự hào. Rồi nạn mua bằng cấp giả làm giáo sư, tiến sĩ cũng được dùng để khoe mẽ. Làm được mấy bài thơ vụn, thời gian đầu tư một lúc một nhát vậy mà đã ôm mộng đề cử giải Nobel. Chúng ta nên chắc chắn với nhau, tất cả những người vĩ đại trên đời đều phải chứng tỏ được mình là kiến trúc sư của những công trình lớn. Có thế người ta mới gọi là “vĩ đại”. Cảm xúc tức thời chốc lát dù có đẹp đến đâu, bài ngắn tũn một trang giấy, làm sao có được tính kiến trúc của tác phẩm mà cứ ôm hy vọng hão huyền?
Văn hào Stendhal có nói một câu: “Bọn người ở chế giễu ông chủ ở dưới nhà bếp, nhưng lại bắt chước ông chủ ở ngoài cuộc đời”. Làm ông chủ khó lắm vì phải trọng danh dự đắt như mạng sống, lại còn phải chịu trách nhiệm về danh dự của mình. Làm nô tì dễ lắm vì đâu có phải chịu trách nhiệm lớn về danh dự. Làm ra chiếc phi cơ thì khó, nhưng để phá nó chỉ cần ném một nắm cát. Vì thế để trở thành ông chủ xứng đáng ngay trong mái nhà mình, cũng như quê hương mình, chúng ta nên có thái độ xây dựng nhiều hơn là đi “ném cát”, muốn “ném cát” thì phải đưa ra bằng chứng. Làm ông chủ tức là cách đầy tớ một ranh giới rất lớn, muốn được vậy thì chúng ta phải rèn luyện và xây dựng, chứ không thể cứ sống tự nhiên theo cảm xúc bản năng mà có được.
Nguyễn Hoàng Đức