Chuyện quả táo

Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé có một quả táo rất đẹp và to, nhưng không may, lúc đi ngang qua một con sông, cậu làm rơi nó xuống nước. Cậu bé rất buồn và ôm mặt ngồi khóc. Chúa nghe thấy tiếng khóc của cậu bé, ngài xuất hiện và ân cần hỏi: “Vì sao con khóc?”. Cậu bé mếu máo nói rằng quả táo của cậu đã bị rơi mất, và giờ cậu đang rất đau khổ. Chúa mỉm cười và nói rằng chuyện đó dễ giải quyết thôi, ngài liền biến ra một quả táo khác và đưa cho cậu. Nhưng tới đây cậu càng khóc dữ hơn nữa, Chúa lại hỏi vì sao con vẫn khóc? Cậu bé òa lên nức nở: “Nếu như con không làm rơi mất quả táo thì lẽ ra bây giờ con đã có hai quả rồi!”

Trong cuộc sống, có hai cách nhìn: một là cho rằng bản thân mình vốn không sở hữu bất cứ thứ gì, chúng ta sinh ra và chết đi, đều không thể mang theo bất cứ điều gì, kể cả thân thể này. Và do vậy, bất cứ thứ gì cuộc sống mang lại cho chúng ta đều là những món quà, hãy cứ tận hưởng và quý trọng nó tại phút giây hiện tại này, và khi nó đi, không hối hận, cũng không nuối tiếc. Còn cách nhìn thứ hai, là cho rằng cuộc sống nợ bạn tất cả mọi thứ, và nếu bạn không có điều gì thì đó là lỗi của cuộc sống, lỗi của tất cả. Và mỗi khi có thứ gì đi ra khỏi cuộc sống của bạn, thì hãy đau khổ và nuối tiếc, hãy cố mà bám víu lấy nó, dằn vặt và trách móc.

Hai cách nhìn đó, chọn lấy cách nào là quyền tự do của mỗi người.

Mọi thứ đến rồi đi, như những cơn sóng ngoài biển, như những ngọn gió thổi cát qua kẽ tay. Chẳng có gì là mãi mãi, chẳng có gì là bất biến, kể cả những thứ mà bạn cho là quan trọng nhất. Nhưng như vậy không có nghĩa là cuộc sống này không có ý nghĩa gì, nó vẫn luôn ở đó, ẩn đằng sau tất cả những màn kịch này, chỉ chờ có ngày bạn nhìn thấy nó.

Nhiều bạn nói với tôi, họ sống vì gia đình, do đó họ không thể làm những điều họ muốn. Họ còn phải sống vì người khác. Họ sống vì danh dự, vì tiếng tăm, vì sĩ diện của những người thân yêu với họ.

Tất cả những cái đó chỉ đều là những màn kịch do cái tôi giả tạo của họ dựng lên, để có một lý do cho họ khỏi phải đối diện với con người thật của mình, để họ cảm thấy họ an toàn trong cái vỏ bọc đó, và có vẻ như nó cũng vĩ đại đấy chứ? “Sống vì người khác.”

Nhưng mà, nếu bạn chưa nhìn thấy được con người thật của mình, chưa sống với con người chân thật của mình, thì bạn chẳng bao giờ sống vì ai được cả, bạn thân mến. Và bạn chẳng giúp được ai cả, bạn chỉ giúp cho cái cái tôi giả tạo của bạn được ăn no nê mà thôi.

Việc sống trong một cái vỏ bọc giả tạo, tự nó tạo ra một năng lương vô cùng tiêu cực xung quanh bạn, và nó làm ô nhiễm mọi thứ bạn chạm vào, mọi mối quan hệ xung quanh bạn, mọi hành động của bạn đều chỉ mang một năng lượng tiêu cực và giả tạo. Chẳng bao lâu, tất cả sẽ sụp đổ xung quanh bạn, và tới lúc đó bạn mới ôm đầu khóc và ước rằng, giá như…

Bạn hãy yên tâm.

Chúa sẽ luôn tặng cho bạn quả táo thứ hai.

Nhưng mà, đầu tiên, bạn phải học cách quên quả táo thứ nhất đi đã.

Xem thêm: Giả dối lên ngôi; "Những chiếc mặt nạ".

Previous Post
Next Post