Nghề nghiệp buộc tôi luôn luôn phải trở lại với văn chương quá khứ. Qua các trang sách đã đọc, tôi hiểu con người thời nào cũng có những nỗi đau khổ lớn lao. Song, nếu được so sánh, tôi vẫn cảm thấy so với họ, con người thời nay đau đớn gấp bội.
Đau đớn không phải do “trời xanh” hay “con tạo” gây ra, mà đơn giản do cái xu thế chi phối cả xã hội lôi cuốn người ta, đau khổ do người nọ gây ra cho người kia, hoặc suy đến cùng là do chính mỗi người tự chuốc lấy. Cuộc sống trần trần trong ánh ngày đấy mà như trong cơn mê, và thỉnh thoảng người ta tỉnh ra thì cũng lập tức biết rằng tất cả đã muộn, tình thế vô phương cứu chữa.
Trong mục Trà dư tửu hậu trên TBKTSG số 10-2008, tôi đã kể về một cô giáo trẻ chạy trốn khỏi nghề dạy học. Cô không đương nổi nỗi đau mà nhiều thầy giáo có lương tâm bây giờ phải gánh chịu: không có được lớp học trò tử tế để có thể yêu thương tin tưởng, cống hiến hết mình cho nghề.
Những nỗi đau tương tự như thế diễn ra hàng ngày đến mức người ta đâm ra dạn dày không muốn nghĩ tới. Lớp người năm nay sáu mươi, bảy mươi tuổi chúng tôi thỉnh thoảng lại có những buổi họp lớp.
Một kết luận khiến nhiều người sững sờ: kẻ thành công trong đường đời (giàu hơn và có địa vị xã hội cao hơn) nhiều khi không phải là người giỏi giang mà đơn giản chỉ là những kẻ liều lĩnh hơn, dám làm… láo hơn.
Trở thành công chức nhà nước, chúng tôi thèm được làm việc trong những cơ quan mà người đứng đầu thạo việc hơn mình, để rồi khốn khổ thay, đó là ao ước không mấy người đạt được. Nhưng thôi, những nỗi đau đó xem ra còn có vẻ “sang trọng” quá. Có nhiều nỗi đau cụ thể hơn, đời thường hơn. Chẳng hạn bạn hãy tìm đến một gia đình nào đó có đứa con bị nghiện hút.
Bây giờ cuộc mưu sinh quá lôi cuốn, đến mức nhiều người nhắm mắt bỏ qua, con hư mặc kệ, hàng ngày nhẫn nại mở tủ cung cấp cho con tiền bạc tiêu xài. Bản thân thì lấy sự chi tiêu tốn kém cho con làm cái cớ để bước sâu thêm vào vòng tham nhũng hoặc buôn gian bán lận, cốt bòn rút được của cải của thiên hạ và lấy đó làm điều hãnh diện. Song, bên cạnh những người mê muội vẫn còn những người tỉnh táo hơn và tấn bi kịch tinh thần của họ bắt đầu từ sự tỉnh táo đó.
Sau những cố gắng tuyệt vọng để cứu vớt đứa con hư và tìm cách đưa nó về con đường chính đáng, nhiều gia đình rơi vào bất lực và tuyệt vọng. Đến nước ấy, người ta chỉ có cách từ con, rồi lo chạy chọt để tống con vào trại cai nghiện và thầm mong mỏi một điều ngược đời: mong cho đứa con rứt ruột của mình chết đi càng sớm càng tốt. Vâng, đúng thế vậy! Hãy hình dung cái cảnh những bậc cha mẹ mặt lạnh như tiền đến đón đứa con mang đi mai táng, xem như thoát được một gánh nặng và một nỗi nhục nhã. Chẳng phải đó là tình cảnh phi nhân văn nhân đạo, tức trái với tính bản thiện của con người, những tình thế xưa nay chưa từng có mà chỉ ngày nay mới có?
Hàng ngày báo chí loan tin bao nhiêu kiểu giết người mà tôi không muốn kể ra ở đây vì thấy quá kinh dị. Chỉ nói một ca nhẹ hơn, một cháu bé trong cơn điên thèm chơi game, bóp cổ bà già hàng xóm lấy tiền. Tôi ngờ là trong số những người thân của cháu nhỏ này, một lúc nào đó, trong đầu óc sẽ quẩn lên câu hỏi, con mình hay cháu mình có còn là người nữa không. Nỗi đau của những người đó – khi mơ hồ dự đoán tương lai của đứa trẻ – chắc chắn là một nỗi đau vô bờ.
Một người mẹ có hai con có mặt trong chiến tranh. Đứa lớn không trở về, nhưng tấm bằng liệt sĩ mang lại cho bà sự kính trọng của họ hàng và xóm giềng. Đứa em thì ngược lại, trở về với một tâm hồn lạnh giá. Gã tự dành cho mình cái quyền hư hỏng phá phách làm càn để bù lại bao nhiêu gian khổ đã hủy hoại gã trong những năm tuổi trẻ. Không nghiện hút, chỉ cần rượu chè, cờ bạc đề đóm thôi, gã cũng đã thành một hiện thân của bệ rạc và tha hóa. Trong cơn buồn bã bất lực, có lúc bà mẹ chép miệng: “Thà nó cứ chết đi như thằng anh, tôi nghĩ lại thấy đỡ vô phúc hơn là quay trở về hành hạ tôi như thế này”!
Trong cái câu than thở bồng bột cất lên ấy, tôi nghe ra một tiếng khóc thống thiết. Hạnh phúc cuối cùng của con người xưa nay là tình yêu cuộc sống, thấy rằng cuộc sống có ý nghĩa. Chỉ nhờ có được điều hy vọng tự nhiên đó mà con người vượt lên được bao nhiêu thách thức gặp phải trên đường đời. Nay cái ý nghĩa lớn lao đó nhiều người không tìm thấy. Tương lai trở nên vô vọng. Cuộc sống chỉ còn chuồi đi theo thói quen. Tự mình chứng kiến sự hư hỏng của mình và những người thân của mình – hỏi có nỗi đau khổ nào hơn, và về mặt này, những lớp người tiền bối làm sao có thể so sánh với nhiều người chúng tôi hôm nay được!
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn