- Người ta giáo dục con cái chúng ta khôn vặt vãnh, trí trá quá ông ạ.
Tôi hỏi:
Đáp:
- Thì đấy, anh nông dân bảo con hổ: Trí khôn tao để ở nhà, mày muốn xem trí khôn ra sao thì tao phải về nhà lấy. Nhưng tao phải trói mày lại, để mày khỏi ăn thịt trâu của tao chứ.
Trói hổ xong, anh nông dân liền chất rơm đốt hổ. Hổ vùng vẫy thoát chết. Những vệt vằn vện trên thân hổ là dấu vết của sợi dây thừng trói hổ xưa kia.
Anh chẹp miệng:
- Thế là khôn vặt, khôn trí trá với cả con thú chỉ biết sống theo bản năng hoang dã. Cái sự khôn trí trá bây giờ núp dưới nhiều danh nghĩa, nhiều vỏ bọc rất sang trọng. Mấy vụ đổ nợ hàng nghìn tỉ đồng của ngân hàng vừa rồi không phải là sự khôn trí trá thì gọi là khôn gì? Những truyện kiểu anh nông dân và con hổ chỉ là chuyện ngụ ngôn, truyện tiếu lâm tầm thường, không nên coi đó là sự thắng lợi vẻ vang của trí tuệ con người, rồi dạy dỗ con cháu anh ạ…
Nhấp chén trà, anh nói tiếp:
- Cả chuyện con gấu và anh nông dân thoả thuận với nhau trồng hoa màu nữa. Vụ gieo trồng thứ nhất con gấu nhận phần ngọn thì anh nông dân trồng củ cải. Vụ thứ 2 con gấu nhận phần gốc thì anh nông dân trồng lúa. Vụ thứ 3 con gấu nhận phần gốc và ngọn thì anh nông dân trồng ngô… Cũng lại là trò khôn vặt, khôn trí trá, khôn ma mãnh. Chúng ta không thể lớn được vì trí khôn của chúng ta đem giải quyết ba cái việc lặt vặt như thế, riết rồi quen, không thể nghĩ và làm được bao việc lớn lao như thiên hạ…
Rồi bỗng anh cáu bẳn:
- Đấy là chuyện xưa cũ, chuyện mới còn ghê gớm hơn. Việc chạy theo thành tích ảo dai dẳng triền miên mấy chục năm nay của nền giáo dục nước ta là sự trí trá tồi tệ nhất, một căn bệnh mãn tính. Người ta không nghĩ tới hệ quả của sự trí trá ấy là tạo ra rất nhiều lớp trẻ coi sự trí trá là một hành vi bình thường trong cuộc sống …
Những truyện anh kể thế hệ chúng tôi, những người 60 tuổi trở lên, ai mà không biết. Và quả thật thời ấy tôi chưa từng nghe ai phản biện, phân tích tính trí tuệ của con người trong loạt truyện này như anh nói. Mà có khi sự phản biện mang đến tai hoạ cũng nên. Thời ấy, tôi cũng chưa nghe ai phản biện rằng cô Tấm trong truyện Tấm Cám là một kẻ man rợ rùng rợn. Tấm đã dội nước sôi cho Cám chết, đem làm mắm rồi đưa cho mẹ Cám ăn. Thời ấy tất cả chúng ta hỉ hả, vui sướng vì một cái kết “có hậu” của câu truyện “đầy tính nhân văn” ấy. Câu truyện đã ăn sâu vào tâm hồn thơ ấu của bao nhiêu thế hệ trẻ em Việt qua sách vở, qua cách kể hấp dẫn truyền cảm của bà của mẹ… Để bây giờ ngày nào mở báo giấy báo mạng ra chúng ta cũng thấy nhan nhan những án mạng tiền tình tù tội, đâm cướp giết hiếp và sự vô cảm đến lạnh lẽo của con người…
Chúng ta chưa từng có các nhà hàng hải học vượt Đại dương như người Tây Ban Nha đi chinh phục các thuộc địa. Chúng ta chưa có các nhà Thiên văn học tìm ra và đặt tên cho các vì sao cách chúng ta hàng nghìn, hàng tỷ năm ánh sáng. Chúng ta chưa từng có các nhà hoá học tìm ra các nguyên tố hoá học và đặt tên cho các nguyên tố ấy bằng tiếng Việt. Tôi cũng chưa từng nghe nói có bất kì một định lý, một tiên đề toán học, một công thức hoá học, vật lý nào do người Việt Nam phát minh ra được in trong sách giáo khoa của học sinh phổ thông toàn cầu…
Chúng ta chưa chế tạo được máy bay, tàu hoả, ô tô, máy tính, đồng hồ đeo tay và nhiều vật dụng thiết yếu khác trong sinh hoạt hàng ngày.
Chúng ta có một số các nhà Toán học, Vật lý học, Hoá học xuất sắc đang giảng dạy tại các trường Đại học danh tiếng trên thế giới. Nhưng hầu hết họ thành danh ở nước ngoài, nơi họ được hưởng thụ một nền giáo dục hiện đại và ưu tú…
Còn tôi, tôi cũng đang thể hiện sự khôn vặt vãnh cố hữu trong bài viết của mình đây này. Tôi vừa muốn nói đến sự thật một cách thẳng ruột ngựa, mà lại không dám chấp nhận mọi sự phiền hà có thể từ trên trời rơi xuống…
Thế đấy!