Cấm loạn luân, một cấm kỵ phổ biến

Tục cấm loạn luân, từ giữa TK XIX, là đối tượng của những ý định giải thích khác nhau: một sự ghê tởm tự phát, một nỗi sợ hãi về những hậu quả xấu của quan hệ huyết thống hay một cơ sở phổ biến của khế ước xã hội?

Một truyền thuyết lan rộng khắp lục địa châu Mỹ kể rằng một cô gái thường xuyên tiếp một người đàn ông đến thăm ban đêm mà cô không biết rõ gốc tích. Một đêm, cô dùng tay đầy bồ hóng của mình sờ mặt anh ta. Sáng dậy, ai cũng có thể nhận ra rằng người đàn ông này là một người anh em của họ. Chàng trai loạn luân kia, chết vì xấu hổ, lên ẩn náu trên trời, nơi anh ta vẫn tiếp tục chưng ra khuôn mặt có vệt đen ngòm. Đó là mặt trăng.

Việc cấm loạn luân có lẽ là một hiện tượng phổ biến. Dù sao thì nó cũng là một khái niệm được các nhà nhân học xếp ngang với dòng họ, hôn nhân, nghi thức chôn cất và thể chế gia đình trong số những thành tố của thân phận con người. Thật vậy, tất cả các xã hội đều nêu lên những quy tắc về những kết hợp tính dục bền vững hay không. Tất cả, trừ vài ngoại lệ, đều chống lại hay cấm đoán và có thể trừng phạt việc kết hợp của một ông bố với con gái mình, của một người anh em với người chị em mình, của một cậu con trai với mẹ mình.

Ngoài mức độ thân thuộc ấy, các quy tắc này quy định một số lớn quy tắc không khác nhau có liên quan với những sự kết hôn bị cấm đoán nhưng được khoan dung hay có thể chấp nhận. Ở Pháp, luật điển của Giáo hội Gia tô giáo, cho đến năm 1215, đã bác bỏ sự kết hôn của những anh chị em họ bốn đời (anh em họ đẻ ra từ anh em cháu chú cháu bác, cháu cô cháu cậu, cháu dì cháu già). Hiện nay, luật pháp nước Pháp vẫn cấm một cháu trai lấy một cháu gái, cấm lấy một người cô (dì) hay một người cậu (chú, bác). Trong nhiều xã hội truyền thống ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ, người ta không tính về thứ bậc mà là về bản chất của mối liên hệ; ở đó một người anh em họ có thể lấy một người cháu họ theo mẫu hệ mà không phải theo phụ hệ, chẳng hạn (1). Người ta cho phép lấy một số cháu gái và em gái của bố mà không cho phép lấy em của mẹ...

Những giải thích cổ điển

Các lý thuyết do các nhà nhân học đưa ra từ cuối TK XIX để giải thích việc cấm loạn luân có ba loại: tâm lý học, sinh học, xã hội - văn hóa.

Các lý thuyết thứ nhất giả định rằng việc cấm loạn luân là nhắc lại, dưới hình thức một quy tắc, một sự ghê tởm tự phát ở con người đối với một đối tác của mình. Nhà tộc người học Phần Lan Edward Westermark năm 1891, nhà tính dục học Anh Havelock Ellis năm 1906 đã phát triển ý tưởng cho rằng sự chung sống lâu dài giữa những thành viên cùng một gia đình sẽ làm cho ham muốn mất đi. Các luận điểm này vấp phải sự phản bác căn bản: có cần phải thêm một sự cấm đoán vào những gì tự nhiên đã gạt bỏ không? Nếu sự ghê tởm là phổ biến, thì giải thích như thế nào tình trạng xảy ra những ngoại lệ ấy một cách tương đối nhiều không?

Các lý thuyết thứ hai coi những hậu quả sinh học là có thể có của sự tái sinh sản giữa những người cùng dòng máu. Sự kết hợp giữa những người thân thích ở con người, động vật và một số thực vật có thể có những hiệu quả di truyền có hại theo hai kiểu: tăng tần số của những khuyết tật di truyền, và trong trường hợp lặp lại ở nhiều thế hệ, một hiện tượng "suy sụp về dòng máu", còn gọi là "thoái hóa". Ở các nước phương Tây, đó là lý do thường được nêu ra. Trong các tín ngưỡng trên toàn thế giới, thường xảy ra những sự sinh đẻ không bình thường được gán cho những tập quán loạn luân đã biết rõ hay được giả định. Nhưng liệu đó có phải là nguồn gốc của hiện tượng này không? Chẳng có gì chắc chắn cả. Sự tăng thêm những trường hợp khuyết tật nghiêm trọng không nhiều lắm và người ta không hiểu các cư dân không có chữ viết hay không có sổ sách có ý thức về điều đó không. "Sự suy sụp về dòng máu" không phải là một hiện tượng tự nhiên hay một thực tế phổ biến. Nhiều loại động vật hoang dã sống trong trạng thái cùng dòng máu mà không gây tai hại gì.

Cuối cùng, các lý thuyết thứ ba dựa vào những lý do xã hội hay những biểu tượng tập thể. Tiểu luận của Emile Durkheim công bố năm 1897 là một ví dụ rõ ràng (2). Ông khẳng định tất cả các xã hội đều trải qua giai đoạn thờ vật tổ. Thế nhưng, việc thờ vật tổ cũng chìm ngập trong nỗi khiếp sợ máu vật tổ, mà vật tổ cũng lại thuộc nhóm họ hàng của người ta. Phạm tội loạn luân là có nguy cơ tiếp xúc với máu vật tổ ấy. Do đó mà có sự cấm kỵ thật sự về hành vi này. Ý tưởng của Durkheim là có hiệu quả: nó không chỉ tính đến sự loạn luân sinh học mà đến cả những quy tắc riêng của mỗi xã hội về cái bên trong và cái bên ngoài của nhóm cùng dòng máu. Nhưng ý tưởng ấy không có chỗ dựa vững chắc: việc thờ vật tổ có lẽ không bao giờ tồn tại dưới hình thức người ta gán cho nó, ít ra cũng không phải là một giá trị phổ biến, và sự sợ máu không có liên hệ tất yếu với những quan hệ tính dục. Nhưng người ta sẽ thấy rằng những nghiên cứu về tín ngưỡng và tượng trưng của những tâm tính (humeurs) là trung tâm của những triển khai mới đây về chủ đề này.

Claude Lévi Strauss và khế ước xã hội

Lý thuyết hoàn chỉnh nhất do Claude Lévi Strauss đưa ra năm 1947 khi mở đầu luận điểm của ông về Những cấu trúc sơ đẳng của hệ thân tộc (3). Đó là sự giải thích xuyên văn hóa và xã hội học đầu tiên có sức thuyết phục về hiện tượng này. Luận cứ xuất phát là như sau: việc cấm loạn luân không phải là một sự kiện bản năng, một tính toán ưu sinh khó có thể có, mà là một sự kiện vừa phổ biến vừa văn hóa. Tính phổ biến của nó dựa vào nguyên lý tự nhiên cho rằng, để sinh đẻ, con người phải giao hợp với giới tính khác; nhưng lại cấm giao hợp với một số đối tác và buộc phải giao hợp với một số đối tác khác. Tính chất văn hóa của các quy tắc này là hiển nhiên, vì chúng thay đổi theo thời gian và địa điểm. nhiều lĩnh vực được thấy như thế: khắp nơi trên thế giới, người ta ăn, uống và ngủ. Đó là những sự kiện tự nhiên. Nhưng đó cũng là những sự kiện văn hóa, vì chúng được thực hiện theo những quy chuẩn khác nhau. Tuy nhiên, việc cấm loạn luân không phải là một quy tắc thông thường: đối với các xã hội con người, đó là một quy tắc nền móng.

Thật vậy, theo C.Lévi Strauss, đó không phải một cấm kỵ mà là một mệnh lệnh để người đàn ông chối từ con gái và chị em của mình. Chối từ để làm gì nếu không phải để nhường cho kẻ khác? Cấm loạn luân là mặt tiêu cực của một ràng buộc tích cực: đó là để thiết lập những liên hệ trao đổi (phụ nữ) giữa các gia đình và, đằng sau đó, giữa các nhóm. Đó không phải là một điều khoản đạo đức tính dục mà là điều khoản đầu tiên của khế ước xã hội nhằm phá vỡ những giới hạn của nhóm gia đình khép kín, "để cho nó tồn tại trường cửu khi nó làm mồi một cách chắc chắn cho sự ngu dốt, sự sợ hãi và sự thù ghét"(4). Về mặt quan niệm, đó là yếu tố lôgic của sự chuyển từ tự nhiên sang văn hóa, từ thân phận động vật sang thân phận con người. Tóm lại, cấm loạn luân là thể chế đầu tiên áp đặt "sự trao đổi phụ nữ, lời lẽ và của cải" giữa những người đàn ông như một quy tắc. Do đó, ông tuyên bố năm 1958 rằng, "cấm loạn luân tạo ra xã hội con người và, theo một nghĩa nào đó, nó là xã hội"(5).

Mỗi người cày luống cày của mình

Lý thuyết của C.Lévi Strauss đã có một ảnh hưởng lớn, vượt qua cả lĩnh vực của nó, đến mức trở thành một thứ kinh thánh nhân học trong ba mươi năm trời. Về mặt này, có thể xếp nó gần với những quan điểm của Freud về vấn đề này: "luật người bố" hay "quy tắc cơ sở", vì loạn luân được coi như nguyên mẫu của sự kiện văn hóa. Tuy nhiên, những cách tiếp cận khác, sinh học, ứng xử hay tâm lý, vẫn có những kẻ bảo vệ.

Trong tập tính học chẳng hạn, ngày nay người ta nhấn mạnh tình trạng có nhiều loài trong trạng thái hoang dã cũng tránh loạn luân. Sinh học xã hội đã lấy lại ý kiến cho rằng những ứng xử ấy là lôgic xét về mặt tiến hóa. Luận điểm ấy đôi khi được trình bày như một thực tế vững chắc. Thế nhưng, như André Langaney và Robert Bador (6) lưu ý, "những cơ chế như vậy không phải là quy tắc chung trong thế giới động vật". Do đó, người ta ngập ngừng khi phải kết luận một cách triệt để. Thế vẫn còn vấn đề "điều đó vận hành như thế nào"? Trên thực tế, những cơ chế ấy chỉ có để các nhà khoa học có thể thừa nhận một "hệ số cùng dòng máu", mà đó không phải là trường hợp của những động vật hay của những người quan sát dân dã về tự nhiên. Việc tránh loạn luân chỉ có thể là một bản năng và nó giới hạn ý nghĩa của nó vào những mức độ sơ đẳng nhất (con trai, bố, anh em) và không phải bao giờ cũng cho phép hiểu được tập quán con người.

Luận điểm về sự cấm đoán tính dục cũng bị đặt lại thành vấn đề. Nhiều công trình khác nhau về sự hấp dẫn tính dục giữa những người bà con gần gũi có thể lấy nhau, hay giữa những người không có họ hàng nhưng được nuôi chung, đã đem lại những kết quả tích cực. Yonina Talmon, năm 1964, và Joseph Shepher, năm 1983 (7), đã mô tả ngoại hôn tự phát của những trẻ em kibboutzin ở Israel nuôi chung: tuy chúng được khuyến khích lấy nhau trong nhóm, nhưng chúng lại thích đối tác bên ngoài hơn, không có ngoại lệ. Các tác giả giải thích điều đó bằng một sự trung hòa về ham muốn giữa những thiếu niên nuôi chung, một hiện tượng mà một số nhà tộc người học so sánh với sự mệt mỏi của những cặp một vợ một chồng. Paul Roscoe đối lập màu sắc gây hấn của các quan hệ tính dục với các quan hệ tình cảm chi phối (hay phải ngự trị) trong các gia đình (8). Tuy là rất thú vị, tất cả những nghiên cứu ấy đều dựa vào một vấn đề lôgic: để gây ra một sự đàn áp, thì ít ra sự loạn luân cũng phải có một chút chủ định, như các nhà phân tâm học chủ trương.

Các cách tiếp cận sinh học và tâm lý học về cấm loạn luân dường như chủ yếu đưa ra một định nghĩa chỉ bao gồm một tế bào sơ đẳng, trong đó những người họ hàng chắc chắn nhận ra nhau. Cứ theo họ thì phải phân biệt giữa loạn luân đích thực - đối tượng bị chối bỏ một cách tự động - với sự vi phạm các quy tắc hôn nhân và ứng xử tính dục, mà các quy tắc đó lại là một cấu tạo theo quy ước của con người. Thế nhưng, loạn luân sinh học không phải khắp nơi đều bị coi là một tội phạm. Có nhiều ví dụ trong lịch sử: vào TK II trước CN, việc kết hôn với một chị em gái thật sự dường như được tiến hành một cách thông thường ở xứ di dân Hy Lạp Alexandrie. Ở các nước phương Tây hiện nay, những liên hệ tính dục giữa cha và con gái không hiếm (ít ra 4% phụ nữ có liên quan với điều này, theo một cuộc điều tra ở Mỹ). Những liên hệ này thường được gia đình giữ kín. Về mặt luật pháp, những sự loạn luân ấy không phải là những tội trạng đặc biệt: chúng chỉ bị trừng phạt vì lạm dụng tính dục đối với người chưa trưởng thành khi xảy ra trường hợp này. Không kinh tởm, cũng không trừng phạt: người ta tự hỏi xem đâu là chiều kích chuẩn mực nếu không phải là ở sự bài xích của công chúng khi những chuyện ấy bị tiết lộ và, đương nhiên, ở cả trong luật hôn nhân. Như vậy, đó đúng là một quy tắc xã hội. Trong những năm 60, những cách tiếp cận xã hội văn hóa về loạn luân đã được triển khai theo hai hướng: củng cố và phá bỏ.

Ở đây, củng cố là nhằm thăm dò những mặt xuyên văn hóa của sự cấm kỵ. Những công trình của Francoise Héritier, chẳng hạn, đã đưa tới chỗ xuất hiện cái được nữ tác giả này gọi là "loạn luân kiểu 2": kiểu này tiêu biểu cho việc cấm một người đàn ông lấy một người đàn bà, rồi sau đó lấy con gái của vợ, hay cấm một người đàn bà lấy một người đàn ông, rồi sau đó lấy một trong những người anh em của mình (9). Có nhiều hình thức về mặt này, mà theo F.Héritier, những hình thức ấy đều dựa vào sự kinh hãi khi tiếp xúc với những tâm tính giống nhau. Đó là một cấu trúc tinh thần bao bọc sự cấm đoán căn bản mà C.Lévi Strauss nói tới.

Phá bỏ, đó là điều Rodney Needham đã làm năm 1971, khi ông xem xét tính đa dạng cực độ của những phản ứng đối với sự loạn luân trên thế giới, từ sự bài xích mơ hồ đến việc hành hình không xét xử. Ông cũng so sánh nội dung của từ ngữ chỉ sự loạn luân trong nhiều ngôn ngữ và thấy rằng trong nhiều trường hợp, có thể dịch thành "không đứng đắn", "điên rồ" hay "ngoại tình". Ông kết luận rằng loạn luân không tồn tại như một phạm trù phổ biến. Theo ông, đó là một cấu tạo của những người quan sát. Do đó, ông nói thêm, "không thể có một lý thuyết chung nào về loạn luân cả" (10). Đó là một sự khẳng định có lẽ được đưa ra bởi chủ nghĩa kinh nghiệm Anh, nhưng đã đem lại tính cập nhật cho nhận xét được Emile Durkheim nêu lên ở trang đầu cuốn tiểu luận của ông năm 1897: "Vấn đề xét xem tại sao phần lớn các xã hội đã cấm đoán sự loạn luân và thậm chí xếp nó vào những tập quán vô đạo đức nhất, vấn đề này thường được khuấy động lên mà sẽ không bao giờ có một giải đáp có thể thừa nhận cả".

Nguồn: Tạp chí VHNT số 303, tháng 9-2009
Tác giả: Nicolas Journet (Trường Giang dịch)
_______________

1. Chị em họ về phía mẹ: con gái một người thân thuộc của mẹ; chị em họ về phía bố: con gái một người thân thuộc của bố.


2. Việc cấm loạn luân và những nguồn gốc của nó, Année sociologiques, vol. I, 1897.

3. Les structures élémentaires de la parenté, Mouton, 1948.

4. Le Regard éloigné, Plon, 1983.

5. Anthropologie structurale 2, Plon, 1973.

6. Di truyền, thân tộc và việc cấm loạn luân trong A.Ducros, M.Panoff, La Frontiere des sexes, PUF, 1995.

7. Y.Talmon, Mate selection in collective settlement, American Sociological Review, No 29, 1964; J.Shepher, Incest: a biosocial view, Academic Press, 1983.

8. P.Roscoe, Amity and agression: a symbolic theory of incest, Man, số đặc biệt, No 29, 1994.

9. F.Héritier, Hai chị em và người mẹ của chúng, Odile Jacob, 1994.

10. R.Needham, Vấn đề thân tộc, Seuil, 1977.
Previous Post
Next Post