Karl Marx
Xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Nho giáo Trung Quốc. Trải qua một ngàn năm bị các triều đại Trung Hoa đô hộ. Các hệ tư tưởng và các giá trị văn hóa Trung Hoa đã áp đặt lên cộng đồng người Việt từ xa xưa cho đến ngày nay. Trong đó Nho giáo chiếm vai trò chủ đạo, có ảnh hưởng rất lớn đến truyền thống văn hóa, giá trị xã hội, giá trị con người đối với Trung Quốc và Việt Nam. Các nhà tư tưởng nổi tiếng của Nho giáo Trung Quốc như Khổng Tử, đã đúc kết những giá trị con người, giá trị ứng xử và những quan hệ rộng rãi trong xã hội. Sau đó hệ thống hóa chúng thành những tiêu chuẩn, chuẩn mực đạo đức và giáo dục, thuyết phục nhân quần xã hội noi theo, ngõ hầu tạo ra một xã hội có trật tự, và ổn định. Theo Khổng nho, những tiêu chí đó phải đến từ nền tảng gia đình: “tu thân, tề gia trị quốc, bình thiên hạ”.
Trong đó, chữ Hiếu là cả một hệ thống giá trị, tư tưởng và đạo đức của con người trước hết trong gia đình. Làm người phải hiếu thuận, giữ đạo làm con đối với cha mẹ. Một người giữ trọn chữ Hiếu thành người Nhân, những người đó sẽ được xã hội nể phục, là tấm gương để xã hội noi theo trong việc dạy dỗ con cái. Và ngược lại, làm người nếu phải mang tiếng bất hiếu đó là tội lỗi lớn lao, đi ngược lại truyền thống đạo đức luân lý xã hội, người đời chê bai dè bỉu, xã hội lạnh nhạt khinh bỉ. Cũng như lời dạy trong Kinh Phật: “Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”. Đối với các trí thức Nho giáo, chữ Hiếu là tiêu chuẩn phải có trong tam cương, ngũ thường, lục kỷ. Nói chung chữ Hiếu là yếu tố đạo đức luân lý để con người đi trên con đường Chân- Thiện-Mỹ.
Vậy Hiếu là gì?
Hiếu, trước hết phải nuôi dưỡng cha mẹ. Nhưng đồng thời phải tỏ lòng thành kính cho dù đời sống khó khăn, ăn đói mặc rách nhưng cũng phải làm cho cha mẹ vui vẻ, hài lòng:
Xuyết xúc ẩm thủy, tận kỳ hoan, tư chi vị hiếu (Lễ ký: Đàn Cung Hạ)
Thật chẳng có ngòi bút nào có thể diễn tả hết công ơn cha mẹ đối với con cái. Cha mẹ nuôi nấng, lo cho con từng bữa ăn giấc ngủ. Hy sinh vì con. Khi con lớn lên, cha mẹ dạy cho con những điều hơn lẽ thiệt mà cha mẹ cho là đúng. Vì vậy, khi cha mẹ già yếu, người con phải chăm sóc, nuôi dưỡng lại cha mẹ. Đó là báo hiếu, là đạo làm con. Nói rộng ra một chút, thì sự tương quan đó tạo nên giá trị nhân bản sâu sắc.
Tuy nhiên, theo Khổng Nho, Hiếu không có nghĩa là nghe lời, cho dù cha mẹ là đấng sinh thành, công ơn dưỡng dục lớn lao. Nếu thấy cha mẹ có điều gì sai trái, con có thể phản biện và không làm theo. Con có quyền quyết định, và nói những điều người con cho là đúng. Thấy cha mẹ làm sai, người con có quyền không đồng ý. Tuy nhiên phận làm con phải giữ đạo Trung Dung, chỉ ra cái sái trái của cha mẹ, nhưng giữ được cái Lễ để tỏ lòng thành kính. Nếu cha mẹ giận dữ, thì vẫn không oán trách, hoặc cha mẹ không nghe theo thì vẫn êm đềm, dịu dàng, dùng lời lẽ hợp lý hợp tình thuyết phục. Như vậy là toàn vẹn cả hai:
“Sư phụ mẫu cơ gián, kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi, lao nhi bất oán”. (Luận Ngữ: Lý Nhân IV).
Làm con phải hiếu, nhưng cũng phải theo lẽ phải mà làm. Làm con phải hiểu, phải nối được cái chí của cha mẹ, nhưng không thấy cha mẹ làm điều sai mà noi theo. Cái gì người con thấy đúng thì làm theo, thấy dở là bỏ, chứ không vì kính cẩn, không vì theo đuổi chữ hiếu mà nhắm mắt làm theo cha mẹ, không phân biệt sai trái, phải quấy:
“Phù hiếu giả thiện kế nhân chi chí, thiện thuật nhân chi sự giả dã.” (Trung Dung)
Cũng như câu truyện về Tăng Sâm Hiếu đạo. Khi Tăng Sâm bị cha là Tăng Tích đánh vì tội làm chết cây dưa trong ruộng. Tăng Sâm muốn giữ đạo hiếu, không “ cãi”, không giải thích, không phân bua, và chịu đòn roi của cha. Tuy nhiên Khổng Tử không hài lòng. Khổng tử nói rằng khi cha đánh thì phải chạy (bất tuân)… phận làm con mà để cho cha đánh, lỡ cha đánh chết, cha mang tội sát nhân, làm con mà để cha mang tội sát nhân, tức là con bất hiếu.
Trên đây chúng ta thấy được quan niệm chủ đạo của Khổng Nho. Qua sự tương quan, tiếp xúc, đối xử giữa các thành viên trong gia đình như con cái với cha mẹ ông, bà, anh chị em với nhau thì chư Hiếu đã tạo nên giá trị nhân bản. Con người trong gia đình biết yêu thương, lo lắng cho nhau. Những điều đó tạo nên gia đình yên ấm.. Gia đình hạnh phúc là hạt mầm tốt để tạo nên xã hội lanh mạnh và phát triển.
Qua đó chúng ta cũng thấy được Khổng Nho công nhận những quyền căn bản của con người, tuy rằng chưa được hệ thống hóa để chúng ta thấy và hiểu nó rõ hơn. Đó là phản biện, tôn trọng ý kiến khác biệt chính kiến, khác biệt tư tưởng của con người. Không đồng ý với việc giáo dục bằng hình thức bạo lực. Khác biệt chính kiến, phản biện, đồng thuận. hay không đồng thuận là những nguyên lý căn bản để tạo nên một xã hội dân chủ.
Tiếc thay! Cho đến khi Nho giáo nói chung và Khổng Nho nói riêng đến thời Hán Vũ Đế đã bị bóp méo thành một học thuyết nhất tôn do nhu cầu thống trị của kẻ cầm quyền: “Xét kỹ ra, Hán nho có một điều lầm lớn, là từ vua Hán Vũ Đế trở đi, Nho giáo thành ra học thuyết nhất tôn, làm cho nhân trí bởi đó mà không tiến hóa được. Theo cái công lệ thì bất cứ việc gì, hễ muốn tiến hóa là phải có cạnh tranh, có so sánh, rồi cái hay mới hay hơn lên, mà cái dở thì mất dần đi. Nếu chỉ để một cái riêng giữ thế lực, mà đè nén tất cả thì cái thần diệu của thiên diễn không còn nữa”…(1)
Và Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Từ khi Trung Hoa áp dụng và phổ biến do nhu cầu thống trị và biến Việt Nam lúc đó đang chư hầu. Và các trí thức nho sỹ của dòng giống Lạc Hồng, Bách Việt xưa kia tiếp nhận và truyền bá thành hệ thống văn hóa, phong tục và nền tảng chủ đạo trong giáo dục xã hội thì những giá trị tốt đẹp của Khổng Nho bị mai một đi rất nhiều. Lúc đó Khổng Nho thành ý thức hệ, tư tưởng tôn quân quyền, phục vụ cho nhu cầu thống trị của các ông vua bà chúa từ đời này qua đời khác.
Phải chăng chính vì lẽ đó mà chữ Hiếu bị hiểu sai một cách trầm trọng và tệ hại.? Và là một trong những nguyên nhân chính khiến xã hội Việt Nam băng hoại và hư hao, xuống dốc thảm hại như ngày nay? Trong xã hội việt Nam ngày nay, chúng ta có thể thấy rất rõ sự bất bình đẳng giữa quan hệ vợ chồng, sự bất bình đẳng giữa quan hệ con cái cha mẹ. Tính tự quyết, tinh thần độc lập. Ý thức tự chịu trách nhiệm với quyết định của con người hầu như vắng bóng.
Và ngoài những yếu tố tôi vừa nêu trên còn là tư duy độc lập, khả năng, ý thức phản biện trước cái bất công sai trái, tính đồng thuận, hay không đồng thuận cũng hầu như vắng bóng. Buồn thay! Tất cả những yếu tố đó là điều kiện tiên quyết giúp cho từng cá nhân trong xã hội có nhận thức, để đấu tranh cho một xã hội dân chủ và có nhân quyền.
Sự chèn ép tư duy độc lập cá nhân. Sự kiềm tỏa thô bạo đối với ý kiến khác biệt. Sự áp đặt độc tài, độc đoán và…độc ác của cha mẹ lên người con. Nói nôm na, là sự tước đoạt những quyền căn bản của con người nói chung và trẻ em nói riêng.
Giống như bên Trung Hoa và một số nước Á Đông khác, thì với số đông người Việt, chữ Hiếu vẫn là phạm trù đạo đức luân lý quan trọng và cần thiết hàng đầu. Tuy nhiên trong xã hội Việt Nam, chúng ta chỉ thấy trong chữ Hiếu là sự vâng lệnh, nghe lời. Con cái vâng lệnh, nghe lời cha mẹ. Ngoài ra không thấy có chính kiến, không có phản biện của người con. Người ta chỉ thấy trong chữ Hiếu là sự áp dặt của cha mẹ lên con cái. Vì cha mẹ cũng từng làm con và những người con đó cũng từng bị cha mẹ áp đặt lên những ý kiến, những quyết định mà trong đó có cả những sự vô lý, phản khoa học, đi ngược lại với lẽ phải và tinh thần giáo dục.
Khi còn nhỏ thì những đứa con phải nghe theo những lời giáo huấn hay áp đặt của cha mẹ vì sợ hãi. Khi những người con lớn dần, đã có tư duy, đã bắt đầu có nhận thức về gia đình về cuộc sống xung quanh và xã hội thì những đứa con vẫn nghe theo những ý kiến, những áp đặt vì được cha mẹ giáo dục trong gia đình, thầy cô giáo dạy dỗ trong nhà trường. Những người con đó không thể nói lên chính kiến của mình hay không muốn nói lên chính kiến của mình, nếu họ họ nhận thấy hay cảm thấy sự vô lý của cha mẹ do định kiến xã hội. Mà những định kiến xã hội đó được tạo ra bởi ý thức, nhận thức cộng đồng từ hàng ngàn năm.
Cộng đồng xã hội đó bao gồm rất nhiều người là bậc cha mẹ đều giống nhau một thứ, đó là não trạng bị thiêu chột, bị ăn mòn, trong đó, bao gồm, phát huy chính kiến, tư duy độc lập cá nhân, quan điểm cá nhân và tinh thần phản kháng lại cái sai, cái bất công của cha mẹ nếu có. Và khi những đứa con đó sau này lớn lên, kết hôn, thành vợ thành chồng và có con cái. Lúc đó họ lại áp đặt lên con cái họ những gì họ bị áp đặt từ khi họ còn là đứa nhỏ. Nếu bạn muốn biết rõ hơn những điều tôi đề cập ở trên, xin hãy đọc những câu ca dạo tục ngữ của Việt Nam:
Cổ xúy con trẻ nhắm mắt nghe lời, vâng lệnh trong ca dao tục ngữ:
“Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”
Con nghe lời, vâng lời cha mẹ cũng chẳng có gì sai. Tuy nhiên ở đây giá trị, nhân phẩm con người đều bình đẳng như nhau, nhân quyền con người cũng giống nhau, không kể màu da, giới tính, tuổi tác già trẻ. Con cãi cha mẹ, trước hết đó là quyền được nói của người con. Cho dù người con có nói ra ý kiến của mình là sai, thì đó cũng là quyền căn bản của con người trong gia đình hay ngoài xã hội. Người con khi thấy cha mẹ có điều sai trái, hay áp đặt những điều vô lý lên con cái, lúc đó người con có quyền phản đối và chỉ ra cái sai của cha mẹ, và cái bất công mà người con phải chịu. Và nếu trong trường hợp cha mẹ có đứa con thông minh, có tư duy độc lập, khả năng phản biện, đứa con đó chỉ ra cái vô lý của cha mẹ một cách đúng đắn và khoa học. Lúc đó người con là thầy của cha mẹ, giúp cha mẹ hiểu ra cái sai của mình thì điều đó cũng rất tốt cho cha mẹ.
Cổ xúy cho bạo lực, đe dọa trên lý do dạy dỗ:
“Trẻ không nghe già, chết làm ba mảnh”.
Thật khó mà tưởng tượng được rằng tại sao câu tục ngữ giáo dục đó vẫn được truyền tụng đến ngày nay. Không ít ông bố bà mẹ muốn con nghe lời mình, muốn áp đặt lên con cái quyết định của mình đã nói cho con câu “ tuyên ngôn” bất hủ đó. Ở đây, chúng ta hiểu rộng ra là trẻ em, hoặc là những người còn trẻ không nghe lời, nghe ý kiến hay dạy dỗ của người già sẽ “chết làm ba mảnh”. Nghe lời đó khiến chúng ta liên tưởng đến những bộ phim kinh dị hay bạo lực của Hồng Kong, Trung Quốc hay của Mỹ, toàn những cảnh máu me, đầu rơi máu chảy.. Còn “già” không nhất thiết là phải bố mẹ, có thể là ông bà, chú bác, cô di, cậu mợ, thầy cô giáo hay một người lớn tuổi ngoài xã hội. Tuy nhiên với đa số quan niệm của người Việt Nam thì người lớn tuổi không khác gì cha mẹ là mấy, thế nên phải nghe lời người lớn, biết kính trên nhường dưới.
Câu tục ngữ trên còn thể hiện điều gì? Cái ngu của con người nói chúng và các ông bố mà mẹ nói riêng là luôn cho rằng mình đúng mà không tự chất vấn những suy nghĩ và việc làm của mình. Đó cũng thể hiện sự độc tài trong tư duy của cha mẹ: Tao luôn luôn đúng. Tao là người lớn, có kinh nghiệm. Còn mày là thứ trẻ ranh. Nếu mày cãi lại hay không nghe lời sẽ gặp hậu quả khôn lường. Sẽ hối hận không kịp. Cứ cho rằng người lớn, hay người già có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, nói gì cũng đúng, làm gì cũng chẳng sai. Nhưng nếu muốn con trẻ nhận ra cái sai của chúng thì tại sao không để chúng có ý kiến phản biện lại. Trong quá trình trao đổi giữa người lớn và con trẻ, con trẻ sẽ tiếp thu và nghe lời người lớn, nếu người lớn đưa ra những lời hay ý đẹp, những lý luận hợp lý phù hợp với tư duy của người con, và mang tình yêu thương, ân cần của cha mẹ
Hoặc là khi nghe con trẻ cãi lại, lấy đủ lý do hợp lý hay không hợp lý phản biện lại thì bố mẹ cũng nên vui vẻ chấp nhận và coi đó là việc đương nhiên. Không nên giận dữ, nổi nóng khi thấy con cãi lời mình, để rồi thốt ra những lời tưởng mang tính giáo dục nhưng thực chất rất phản giáo dục, đe dọa và cổ xúy cho bạo lực. Những quan niệm đó nó giết chết sự phản kháng của con trẻ ngay từ đầu, nó dẫn mọi vấn đề cần trao đổi đi vào ngõ cụt. Giống như Đảng, Đảng luôn luôn đúng. Chưa cần phân tích, tìm hiểu việc là của Đảng là đúng hay sai, hợp lý hay không hợp lý. Nhưng trước tiên là Đảng phải luôn luôn đúng cái đã. Trường hợp đó cũng giống như bao trường hợp trong các gia đình Việt Nam vậy.
Nếu ai sống trong xã hội văn minh, nhân bản, tôn trọng quyền con người khi nghe câu tục ngữ đó chắc không tránh khỏi rùng mình, ghê tởm trước nhận thức bán khai, man rợ trong việc giáo dục, dạy dỗ con trẻ của người lớn ở xã hội Việt Nam. Thử tượng tượng bạn là người con bắt đầu có nhận thức, ý thức, bạn bất đồng hay phản ứng trước sự áp đặt của người lớn, nhưng khi người lớn, hay cha mẹ bạn nói câu đó, bạn có nghe lời không? Hay bạn phản ứng?.
Thế nên chúng ta không ngạc nhiên khi đọc những tin, em Nguyễn Văn X, Nguyên Văn Y hay Trần Thị Z nào đó tự tử hay phát điên, phát khùng khi nghe tin trượt đại học đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông báo chí của Việt Nam. Sự áp đặt của người cha người mẹ hết ngày này qua tháng khác trở thành sự chấp nhận, vâng lời của người con. Đại loại như: “Con hay nghe mẹ, con đừng thi vào trường Kinh Tế, con tốt nghiệp trường đó không xin được việc làm ổn định đâu. Mẹ có quen bác O, bác là bạn thân của mẹ, hiện tại bác đang làm to trong công ty U. Nếu con thì thường Luật thì ra trường sẽ vào làm công ty bác, bác sẽ giúp cho.”
Đó là chưa đến đoạn cao trào, đoạn “cao trào” xảy ra nếu người con đối kháng lại, hay không nghe lời khuyên của mẹ, và mọi việc sẽ như thế này:
Đồ ngu! Mày luôn luôn nhớ, áo mặc không qua khỏi đầu đâu con ạ!
Những việc áp đặt như vậy thường xảy ra rất nhiều trong mỗi gia đình Việt Nam. Cái ngưỡng của quan trọng nhất đời người là đến khi mười tám tuổi người đó sẽ quyết định đi làm nghề gì hay đi học nghề gì. Trong những lúc đó, khả năng, niềm đam mê, hay tư duy sáng tạo của các em vào một ngành nghề hay một bộ môn nào đó đáng lẽ phải được phát huy, được khuyến khích từ cha mẹ, lúc đó cha mẹ là liều thuốc tinh thần, là chỗ dựa cho con cái, để con cái cố gắng nỗ lực, phát huy khả năng, trí tuệ của các em. Để sau này các em được đi đúng con đường mình chọn, con đường các em thích. Điểm đến của con đường đó là những kỹ sư tài năng, những văn nghệ sỹ sáng tạo, hay những nhà khoa học có sản phẩm, hay công trình cống hiến cho nhân loại. Tiếc thay! điều đó rất ít khi thành hiện thực!
Trên thực tế, hiện nay không ít các gia đình trong xã hội Việt Nam có những người cha, người mẹ không gương mẫu, không làm tròn trách nhiệm của mình. Họ dính vào những tệ nạn như rượu chè, hoặc là đàn ông nghiện rượu, say xỉn tối ngày, hay người chồng có tính vũ phu đánh đập vợ con tàn bạo. Thậm chí còn nhiều ông bố, bà mẹ lao vào những tệ nạn, những điều xấu xa hơn nữa. Và khi người con có thái độ chống đối, phê phán những việc làm của cha mẹ các em, các em dùng lời lẽ thẳng thắng để chỉ trích, chống đối cái sai, cái xấu của cha mẹ các em, thì các em lại bị chữ Hiếu xiết vào họng bằng cả thái độ nhã nhặn, mềm dẻo của người cha, người mẹ:
Thôi con ạ! Dù sao cũng là cha con, là người sinh thành ra con, thế nên con phải ngoan ngoãn. Đừng nên hận hay trách móc cha con. Phận làm con đừng để mang tiếng xấu, rồi hàng xóm láng giềng họ cười cho.
Có lẽ khi những bậc cha mẹ khuyên con như vậy, chắc họ không thấy được cái ngu của họ, mà họ chỉ thấy đó là lời dạy bảo người con mang tính đạo lý truyền thống ngàn đời.
Vậy là người con vẫn phải Hiếu kính cha mẹ, cho dù cha mẹ có tồi tệ hay băng hoại nhân cách đạo đức. Người con vẫn phải phục tùng sự sai trái, những việc làm càn quấy của cha mẹ. Người con vẫn phải tôn trọng người cha, hiếu kính người cha khi người cha say xỉn, đánh đập mẹ em như con vật! Nói nôm na là các em nên phục tùng và câm lặng trước những sai trái, đàn áp, bất công. Ở đây, cha mẹ ngu đần đến nỗi họ không biết rằng, khi họ dạy dỗ con em họ như vậy, là họ đã khuyến khích những bất công, những sai trái trong gia đình và cả xã hội tiếp diễn và sinh sôi nảy nở.
Đối với cái sai, cái xấu. Con người phản ứng và tỏ thái độ bất tuân là lẽ đương nhiên. Trừ trường hợp những con người đó đui mù nhân cách.Việc các em chống đối cái sai trái của cha mẹ, thậm chí, khi các em tỏ thái độ ghê tởm, hay khinh bỉ những bậc cha mẹ xấu xa, đồi bại, thì đó cũng là dấu hiệu tốt cho nhân cách của các em. Vì suy cho cùng, thì con người muốn hướng đến những điều tốt đẹp, thì trước hết, phải biết phẫn nộ, và ghê tởm những điều xấu xa. Khi còn trong gia đình, các em chống đối lại cái sai trái của cha mẹ. Và các em khi trưởng thành bước chân ra ngoài xã hội, nếu các em thấy những điều bất công vô lý, các em sẽ mạnh dạn phê phán, chỉ trích, thậm chí can đảm đứng lên tranh đấu, chống lại những điều bất công, những băng hoại trong xã hội.
Lại là hiểu sai chữ Hiếu mà ra! Cha mẹ hiểu sai chữ Hiếu và lạm dụng quyền lực. Con cái sợ mang tiếng bất hiếu, và không muốn “chết làm ba mảnh” hay làm “cá ươn” nên vâng lời.
Còn bọn Chính quyền, bọn Nhà nước hả hê khi thành quả chúng đạt được thông qua áp đặt lên giáo dục quá ư mỹ mãn. Một công dân ra ngoài xã hội và bước chân vào sự tương tác xã hội sẽ rất “có ích” cho bọn Nhà nước, khi công dân đó được “đào tạo” trong gia đình sự vâng lời, nghe lời răm rắp, không phản kháng, không có ý kiến. Và khi những người công dân đó mang não trạng đó từ khi còn sống trong vòng tay cha mẹ ra đến ngoài xã hội, sống trong sự tương tác quyền lực giữa đám đông và kẻ độc tài, chắc chắn sẽ khó phản kháng trước những bất công, trước những điều vô lý xảy ra hàng ngày trong xã hội. Và ai hưởng lợi? Chắc không khó để tìm ra câu trả lời.
Và tổ trưởng tổ dân cư hay cụm dân phố nào đó cũng thích thú khi đứng đầu nhóm dân cư có nhiều gia đình, được xếp vào loại “gia đình văn hóa”. Gia đình được xếp vào loại “văn hóa” đó tất nhiên là vợ nghe lời chồng. Và tất nhiên, gia đình đó phải có những đứa con có “Hiếu”. Những đứa con không cãi lời cha mẹ. Và không có bất đồng quan điểm, không có cãi lại, sẽ không xảy ra việc thằng chồng chửi bới đánh đập người vợ, nếu người vợ phản kháng lại, hoặc không có chuyện cha mẹ nóng giận chửi bới người con, khi người con cãi lời. Sẽ không có tiếng nồi niêu xoong chảo bay vào tường, không có tiếng chửi bới hay chai lọ vỡ. Vậy là gia đình yêm ấm, hàng xóm không bị phiền lụy, quấy nhiễu nửa đêm hay ban ngày.
Vẫn biết vấn nạn xã hội thê thảm như ngày hôm nay là do cái ngu của mỗi cá nhân chúng ta mà ra. Còn bản chất bọn nhà nước là man rợ, là băng hoại, là lạm dụng quyền lực. Nhưng khi chúng nó, bọn Nhà nước mang những giá trị cao đẹp nhất của con người là yêu thương, hiếu thuận với nhau để làm mưu đồ chính trị cho chúng nó khì không tránh khỏi ghê tởm. Còn bọn khoa bảng ngu đần thì tha hồ tô vẽ cho chữ hiếu thật đẹp, thật óng ả mà rất ít phân tích con người phải giữ chữ Hiếu nhưng vẫn phải đảm bảo cho chính cá nhân trong xã hội được quyền gì.
Và thành quả của bọn khoa bảng, cả trí nô lẫn trí không nô là chữ Hiếu được tô vẽ, được dát vàng óng ánh, khiến chữ Hiếu thành sợ dây xích bằng vàng, trói buộc con người bởi các định kiến xã hội, định chế gia đình. Và vì nó bằng vàng nên ít ai có nhận thức để chặt đứt nó ra. Chứ nếu có nhiều người nhận biết chữ Hiếu trong xã hội ngày hôm nay là sợi xích bằng sắt hay bằng thép, nó trói buộc con người, nó kiềm tỏa con người, nó khống chế mọi tư duy sáng tạo của con người, nó chà đạp lên nhân phẩm con người thì người ta đã chặt đứt nó rồi. Chặt đứt để thay nó bằng chữ hiếu nhân bản hơn, tôn trọng giá trị con người hơn.
Giống như lời Đức Phật: Sợi dây xích cho dù có bằng vàng thì cũng chỉ trói buộc con người mà thôi!
Nguyễn Mạnh Chung
(1) Nho Giáo. Trần Trọng Kim. Trang 351.