Cần xả bỏ mê tín, lạc hậu

Hỏi: Kính thưa Thầy, đời thường của cư sĩ tại gia chúng con thường xuyên phải va chạm nhiều vấn đề, nếu không cẩn thận thì phạm giới. Hiện giờ, chúng con cứ lo tu tập sống đúng đạo đức nhân bản - nhân quả. Những việc ma chay và cưới xin, nói chung là tất cả phong tục, tập quán đều có thể ảnh hưởng đến việc tu tập của chúng con không ít, mà trong giáo án của Thầy không có dạy. Vậy cúi xin Thầy từ bi lân mẫn chỉ dạy cho chúng con.

Đáp: Là đệ tử của Phật, dù cư sĩ hay tu sĩ đều phải theo lời dạy của đức Phật, lần lượt xả bỏ không những thế giới siêu hình mà còn xả luôn cả thế giới hữu hình.

Bởi vậy, nếu đúng theo tinh thần của Phật giáo, thì trong gia đình người cư sĩ đệ tử của đức Phật, việc ma chay và cưới xin phải giản đơn và không sát sanh, không nên tổ chức linh đình, vì chung quanh chúng ta còn biết bao nhiêu người bất hạnh thiếu cơm ăn, áo mặc. Tổ chức đám tiệc thực phẩm trai tịnh, thanh khiết, trang nghiêm, thanh tịnh, không được làm ồn náo, ầm ĩ, ca nhạc phải khéo chọn những bài hát có ý nghĩa sâu kín của người Á Đông, nói lên được sự hạnh phúc của đôi tân hôn với truyền thống Việt Nam, phải trang hoàng, thanh nhã, lịch sự, không quá cầu kỳ.

Tổ chức ma chay không được trống kèn ầm ĩ, ca, xướng, hát, tán tụng, hò hét, đàn địch, phải giữ gìn im lặng, trang nghiêm. Cúng bái, tế lễ phải nghiêm túc, hết sức, phải có tôn ti trật tự hẳn hòi, không nên tổ chức ầm ĩ cả ban đêm, ảnh hưởng trật tự an ninh và sức khỏe của mọi người.

Tổ chức đám cưới, tuy có ca hát, nhưng không được ca hát quá trớn, biết rằng đám cưới là đám vui, vui trong đạo đức lành mạnh của người dân Á Châu. Cho nên, phải chọn những bài ca chúc tụng, những bài ca có tình, có nghĩa, ca ngợi những lòng chung thủy, không được dùng những bài ca nhảm nhí, thương vay, khóc mướn, tình tứ bi thảm. Điều cấm kỵ nhất trong đám cưới cũng như đám tang, không được chè chén, say sưa, tiếng qua, tiếng lại, tranh luận hơn thua, hoặc la hét chửi mắng hoặc đấm đá nhau, v.v... Phải giữ gìn im lặng, trang nghiêm, để bầu không khí thiêng liêng trong những giờ phút chia vui đám cưới, chia buồn đám tang thêm đầy đủ ý nghĩa...

Nếu tất cả mọi việc đều giữ được sự trang nghiêm, thanh tịnh và không làm theo sự mê tín, dị đoan của kinh sách Đại thừa và phong tục tập quán dân gian, thì sự tu tập theo đạo Phật rất dễ dàng. Trong việc ma chay và cưới hỏi, nếu không giết hại chúng sanh làm cỗ bàn, thì sự tu tập rất là an tịnh, tinh thần thoải mái, thanh thản và an lạc.

Nếu tổ chức ma chay và cưới xin đúng cách theo đạo Phật, thì mọi người trong gia đình đều được an vui, hạnh phúc. Vì tạo nhân làm điều thiện và đơn giản, nên sau khi đám tiệc xong rồi, người trong nhà không có ai nợ nần, và không có thấy máu chúng sanh đổ, nên tâm hồn thảnh thơi. Vì tổ chức làm đám giản đơn nên mọi người không mệt nhọc, không bề bộn, cả nhà đều được khỏe khoắn, an vui.

Ở đời, người ta chạy theo những lời khen, chê ngoài miệng: “Nhà đó tổ chức đám tiệc linh đình, ầm ĩ, không có gia đình nào hơn được”. Chỉ là những lời khen rỗng tuếch đó, mà tất cả mọi người trong gia đình đều mệt nhọc và khổ sở, lại còn mang nợ nần và gieo nhân quả ác khác nữa. Đám tiệc xong, có khi mọi người trong gia đình phải đau bịnh. Thật là vô minh, u tối, chỉ có một lời khen hão mà con người từ xưa cho đến nay đều ngu si chạy theo danh hão đó, nên bảo sao đời người khổ là vậy.

Theo đạo Phật chỉ cầu sự giải thoát, còn tất cả phong tục, tập quán, dù có truyền thống lâu đời, ta vẫn tổ chức rất đơn giản, không chạy theo xu hướng của người khác. Cứ làm y theo sự đơn giản mà đức Phật đã chỉ dạy, còn tất cả những phong tục nào mê tín, lạc hậu, thì mạnh mẽ, cương quyết không chấp nhận, đình chỉ, phá bỏ, nhất định không tổ chức những điều mê tín đó. Mục đích đập, phá như vậy là để giúp cho con cháu đời sau đỡ hao tài, tốn của một cách vô ích và phi lý.

Người cư sĩ đệ tử của Phật phải sáng suốt nhận định, cái nào đúng có lợi ích cho mình, cho người, và những việc làm nào không làm khổ mình, khổ người thì hãy duy trì và giữ gìn bảo vệ những phong tục đó, để mang lại cho cá nhân, gia đình, xã hội và đất nước một sự an vui, thanh bình, trật tự, hạnh phúc và phồn vinh. Ngược lại, những phong tục mê tín, lạc hậu nào làm hao tiền, tốn của, chẳng ích lợi gì, mà còn gây tai hại, tạo nhân ác làm đau khổ mọi người và chúng sanh thì ta phải phá bỏ và dẹp sạch để, làm lợi ích cho con cháu về sau không bị ảnh hưởng cha truyền, con nối, hoặc theo kiểu “Tổ Tổ truyền nhau”.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây


Previous Post
Next Post