Dứt bỏ danh lợi trong Đạo

Khi đã khoác chiếc áo Tỳ kheo, chúng ta đã nhận được đời sống xuất gia, không thể như đời sống tại gia được, hoàn toàn phải đoạn trừ tâm luyến ái, viễn ly, xa lìa, từ khước tâm danh, tâm lợi của đời sống thế gian. Không những chỉ đoạn trừ tâm danh lợi ở thế gian mà còn phải đoạn trừ tâm danh lợi trong Đạo. Danh lợi mang hình thức là Đạo nhưng thật sự nó là tâm danh lợi của con người.

Quý Thầy hãy đề phòng cảnh giác, đừng quên rằng cái tâm gian xảo của quý Thầy sẽ lường gạt chính quý Thầy, khiến cho quý Thầy tưởng mình không danh lợi, tưởng mình tu chân chánh.

Quý Thầy đã lầm, nó sai khiến quý Thầy như một tên nô lệ, làm tất cả mọi cái gì nó muốn, chỉ cần nó che đậy mắt quý Thầy bằng những danh từ cao thượng, “độ chúng sanh, làm lợi ích Phật Pháp”. Thế là, quý Thầy đã an tâm, “vì Phật Pháp, vì chúng sanh”.

Quý Thầy nên nhớ kỹ từ khi mới vào chùa xuất gia tu hành, quý Thầy chỉ là một chú “Điệu” chẳng có danh có lợi gì cả. Ăn rồi học giáo lý, hàng ngày cúng bái tụng niệm.

Sau thời gian năm năm, mười năm đi làm giảng sư, làm trụ trì chùa này hoặc chùa kia. Bây giờ, danh và lợi làm mờ mắt quý vị. Quý vị suốt ngày hết làm Phật sự này đến làm Phật sự khác. Nói danh từ Phật sự nghe cho thanh cao chứ thật sự quý Thầy đang hành một cái nghề làm “tôn giáo” để cầu danh, mưu lợi cho bản thân quý Thầy.

Quý Thầy quên rồi, quý Thầy là những người từ bỏ danh lợi, bỏ tất cả tình thương của thế tục, để tu hành tìm đường giải thoát.

Thế mà, bây giờ quý Thầy lại chạy theo danh lợi, bằng những danh từ khác, danh từ cao thượng “Phật sự, Như Lai sứ giả, tu Bồ Tát hạnh, hành Bồ Tát đạo”. Ai nghe đến những danh từ này cũng phải kính nể, quỳ lạy sát đất.

Quý Thầy có tự xét lại mình không? Có buồn cười cho chính bản thân mình không? Hàng ngày quý Thầy đi thuyết giảng dạy người tu cái này, cái kia mà quý Thầy lại tu không được những điều quý Thầy đã giảng dạy, quý Thầy nói láo đó. Quý Thầy có biết không?

Lời giảng dạy của quý Thầy rất tuyệt vời, ý nghĩa thâm sâu tưởng chừng quý Thầy là vị Phật sống. Nhưng xét kỹ cách thức sống của quý Thầy, người ta không khỏi ngạc nhiên, quý Thầy dạy một điều mà cuộc sống của quý Thầy lại sống một ngả.

Hồi mới vào tu, thì nghèo xơ nghèo xác, đến chừng làm trụ trì, giảng sư, Thiền sư thì quý Thầy bắt đầu giàu có, chùa dần dần xây dựng vĩ đại, đồ sộ, vật dụng thế gian không có một vật gì thiếu cả.

Mới vào tu quý Thầy cưỡi chiếc xe đạp cũ mèm, sau thời gian thì có xe Honda rồi xe Dream, càng tu quý Thầy lại càng giàu ra nhiều, có cả ô tô thứ thượng hạng, ngoài đời người ta có cái gì thì quý Thầy có cái nấy.

Ở đời, người ta tìm danh, tìm lợi rất khó, quý Thầy ở trong Đạo tìm danh tìm lợi rất dễ dàng. Ngoài đời, người ta làm lụng tìm ra miếng cơm manh áo rất là vất vả, khổ nhọc. Trong Đạo, quý Thầy ăn không ngồi rồi, học tập chơi đùa chẳng làm động móng tay, quần áo sang đẹp, bánh trái đồ ăn thực phẩm ăn không hết. Vì thế, người đi tu theo đạo Phật hiện giờ không tìm sự giải thoát mà chỉ nhắm vào danh và lợi.

Pháp môn của Phật giáo phát triển hiện giờ quý Thầy đang tu là pháp môn dạy tu danh lợi. Tại sao chúng ta biết như vậy?

Thấy cách thức sống của quý Thầy là thấu rõ, còn những pháp môn dạy tu giải thoát thì quý Thầy đã ném qua một bên, không còn lưu ý đến nó nữa. Không phải quý Thầy không biết, nhưng vì pháp môn đó sống không dục lạc.

Những pháp môn này dạy xả ly, bỏ danh, bỏ lợi, đời sống tu sĩ chẳng có gì, thiểu dục tri túc, khắc kỷ với mình, sống ba y một bát. Đời sống giải thoát là như vậy, mới chính là người tu sĩ của đạo Phật.

Muốn giải thoát theo nghĩa của đạo Phật, mà không chịu vứt bỏ đời sống thế gian thì đâu còn nghĩa lý gì giải thoát của đạo Phật nữa.

Người tu sĩ đạo Phật muốn thể hiện độ người tu giải thoát thì phải thể hiện sự sống giải thoát tức là ly dục ly ác pháp, ly vật chất của cải tài sản tiền bạc châu báu thế gian, lìa chùa to tháp lớn, lìa danh lìa lợi, lìa nữ sắc, lìa ăn ngon, mặc đẹp v.v.. Nếu sự sống mà ly được như vậy thì đó là gương hạnh độ người tu tập. Lời nói thuyết giảng giáo lý kinh điển của đạo Phật đều phải phù hợp với cách sống của mình không sai một mảy. Nếu sống ngược lại, thì lời nói thuyết giảng kinh sách không đi đôi với cuộc sống của mình, như vậy là lừa bịp, lường gạt người khác, sống trong mát ăn bát vàng, bằng mồ hôi nước mắt của người khác. Thật đáng phỉ nhổ và khinh bỉ. Đã không độ được người giải thoát mà còn làm hoen ố đạo Phật, khiến cho Phật Pháp suy đồi, chánh pháp chìm mất. Người trí hiểu biết nhìn vào đạo Phật khinh dễ và nghi ngờ.

Này, quý Thầy! Bổn phận và trọng trách đối với đạo Phật, quý Thầy không thể làm ngơ làm điếc làm đui được. Quý Thầy đã từng học và đã nghiên cứu kinh sách của đạo Phật. Đã thông suốt lý của Đạo, đời sống của Đạo. Cớ sao quý Thầy lại sống, lại tu tập không đúng lời dạy của đức Phật. Đó là, một lỗi lầm rất lớn mà quý Thầy phải chịu trách nhiệm đối với đạo Phật và tín đồ.

Nếu không có Tạng Kinh A Hàm và Tạng Kinh Nikaya, thì làm sao còn biết đâu là đạo Phật nữa; còn biết đâu là đường lối tu hành chân chánh của đạo Phật.

Muốn làm sáng tỏ đạo Phật; muốn cứu mình ra khỏi cuộc đời trầm luân đau khổ và sanh tử luân hồi, không gì hơn là quý Thầy phải quay về đường tu tập chân chánh của đạo Phật mà hai Tạng Kinh này đã dạy rất rõ. Quý Thầy phải bỏ danh lợi trong Đạo mà đức Phật đã dạy: “Có danh có lợi thì nên ẩn bóng”, vượt ra khỏi những dây xích sắt danh và lợi của tôn giáo, chọn đời sống Phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo chân chánh, thì đạo Phật chẳng làm gì nó sẽ sáng chói và huy hoàng.

Gương hạnh sống đó, ly dục ly ác pháp, giúp cho quý Thầy nhập được các định làm chủ được sự sống chết, chấm dứt được sự tái sanh luân hồi và còn giúp mọi người biết buông xả, dứt các điều ác, tăng trưởng các điều lành mang lại hạnh phúc, an vui cho mình, cho người và xã hội.

Trích Đường về xứ Phật I
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây


Previous Post
Next Post