Cảm ơn ông, viện trưởng Hennessy.
Thật là một vinh dự lớn khi được mời đọc diễn từ Lễ tốt nghiệp tại trường đại học vốn là mẹ nuôi (alma mater) của tôi. Mặc dù có hai bằng cấp ở Stanford, tôi vẫn cảm thấy phần nào như một kẻ đường đột trong khuôn viên thanh tú của ngôi trường này. Một người chẳng bao giờ thật sự trốn thoát khỏi thời thơ ấu của mình.
Trong thân tâm, tôi vẫn là đứa trẻ thuộc giai cấp lao động - nửa phần Ý, nửa phần Mexico - từ thành phố Los Angeles, hoặc chính xác hơn là từ Hawthorne, một thành thị mà phần lớn trong thính chúng ở đây chỉ biết qua bối cảnh của các phim Pulp Fiction (Tiểu thuyết rẻ tiền) và Jackie Brown của Quentin Tarantino - hai phim đã nắm bắt được nét duyên dáng vô tả của thị trấn quê tôi.
Hôm nay là ngày Lễ Cha, vậy nên tôi hy vọng các bạn khoan dung cho tôi được bắt đầu bằng một thanh hiệu thiết thân (a personal note). Tôi là người thứ nhất trong cả gia đình tôi được đặt chân lên bậc cao đẳng, và tôi được giáo dục là nhờ ơn của cha tôi, người đã hy sinh hầu như mọi thứ để cho bốn đứa con nền giáo dục tốt đẹp nhất có thể có được.
Đời cha tôi khá là nhọc nhằn. Ông chẳng biết tiếng Anh nào cho đến khi đến trường. Ông chỉ may mắn sống sót nổi sau một vụ máy bay rơi trong Thế chiến II. Ông làm việc cực khổ, nhưng chẳng thành công bao nhiêu, ngoại trừ với gia đình.
Khi tôi khoảng 12 tuổi, cha tôi bảo rằng ông hy vọng tôi sẽ học ở Stanford, đại diện cho mọi thành công mà ông đã lỡ và mong mỏi cho con cái. Ông hẳn phải hãnh diện vì tôi hôm nay - bất kể bài nói chuyện của tôi có buồn tẻ đến đâu.
Mặt khác, tôi có lẽ may mắn là mẹ tôi không có ở đây. Hôm nay không phải ngày Lễ Mẹ, vậy nên tôi có thể chân thật. Tôi yêu bà tha thiết, nhưng bà không thể là một thách đố. Chẳng hạn, khi bà biết là tôi đã được đề cử làm chủ tịch Quỹ Quyên trợ Quốc gia cho Nghệ thuật, bà gọi điện thoại và nói, “Đừng có nghĩ là mẹ bị xúc động nhé.”
Tôi biết rằng hơi có chút dị nghị khi tôi được loan báo là người nói chuyện trong lễ tốt nghiệp. Một ít sinh viên tỏ ra đặc biệt e ngại rằng tôi thiếu địa vị lừng danh. Tưởng như tôi chưa đủ nổi tiếng. Tôi không thể nào đồng ý hơn. Như tôi thường bảo vợ và các con: “Tôi hoàn toàn chưa có tiếng tăm gì đáng kể.”
Và trong một nghĩa tổng quát hơn và ít thiết thân, đó là chủ đề tôi muốn đề cập hôm nay, sự kiện rằng chúng ta sống trong một nền văn hoá chẳng mấy chút thừa nhận và hiếm khi hoan nghênh nghệ thuật và nghệ sĩ.
Có một thí nghiệm mà tôi ưa tiến hành. Tôi mong làm một khảo sát theo mặt cắt người dân Hoa Kỳ và hỏi họ nêu tên được bao nhiêu cầu thủ Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia [NBA] (National Basketball Association), cầu thủ Liên minh Lớn các đội Bóng chày (Major League Baseball) đang hoạt động và những ngôi sao vào chung kết chương trình Thần tượng Mỹ (American Idol).
Rồi tôi sẽ hỏi họ kể tên được bao nhiêu nhà thơ, nhà viết kịch, hoạ sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư, nhạc sĩ, nhạc trưởng, và nhà soạn nhạc kinh điển Hoa Kỳ còn đang sống.
Tôi còn muốn hỏi họ kể tên được bao nhiêu nhà khoa học tự nhiên và khoa học xã hội Hoa Kỳ còn đang sống.
Năm mươi năm trước, tôi ngờ rằng cùng với Mickey Mantle, Willie Mays, và Sandy Koufax, hầu hết người Mỹ có thể nêu tên ít nhất cũng là Robert Frost, Carl Sandburg, Arthur Miller,Thornton Wilder, Georgia O’Keeffe, Leonard Bernstein, Leontyne Price, và Frank Lloyd Wright. Không kể những nhà khoa học và tư tưởng như Linus Pauling, Jonas Falk, Rachel Carson, Margaret Mead, và đặt biệt là Tiến Sĩ Alfred Kinsey.
Tôi không nghĩ là khi ấy người Mỹ khá hơn, nhưng văn hoá Mỹ quả đã khá hơn. Ngay cả các phương tiện truyền thông cũng đặt trọng điểm hơn vào việc trình ra một tầm mức rộng về thành tựu của con người.
Tôi lớn lên chủ yếu là trong cộng đồng di dân, nhiều người chẳng bao giờ học nói tiếng Anh. Nhưng đến tối xem các chương trình… trên truyền hình như các màn giới thiệu của Ed Sullivan (Ed Sullivan Show) hoặc ca nhạc của Perry Como (Perry Como Music Hall), tôi thấy – cùng với các diễn viên hài, ca sĩ quần chúng, và ngôi sao điện ảnh – là những nhạc sĩ như Jascha Heifetz và Arthur Rubinstein, các ca sĩ opera như Robert Merrill và Anna Moffo, và những tên tuổi lớn của nhạc jazz như Duke Ellington và Louis Armstrong thu hút hàng triệu khán giả bằng nghệ thuật của họ.
Điều này còn đúng cả với văn học. Tôi lần đầu gặp gỡ được với (các nhà thơ, nhà văn như) Robert Frost, John Steinbeck, Lillian Hellman, và James Baldwin trên các chương trình truyền hình dành cho đại chúng. Tất cả những vị này đều nổi tiếng với người Mỹ trung bình - bởi nền văn hoá xem họ là quan trọng.
Ngày nay, không một đứa trẻ thuộc giai cấp lao động hoặc di dân nào có thể gặp gỡ được phạm vi nghệ thuật và tư tưởng rộng như vậy trong văn hoá đại chúng. Hầu hết mọi thứ trong văn hoá quốc gia của chúng ta, ngay cả tin tức, đã bị giảm trừ thành tiêu khiển giải trí, hoặc hoàn toàn bị loại bỏ.
Việc mất đi sự công nhận đối với nghệ sĩ, nhà tư tưởng, và nhà khoa học đã làm nghèo nàn nền văn hoá chúng ta ở vô số mặt, nhưng tôi chỉ xin nêu một phương diện. Khi gần như toàn thể những khuôn mặt được hoan nghênh trong một nền văn hoá là ở thể thao hoặc giải trí, chúng ta có quá ít gương mẫu có thể nêu ra cho lớp trẻ.
Có biết bao nhiêu là cách khác có thể sống một thời thành công và có ý nghĩa không gọi ra bằng tiền tài hoặc danh vọng. Đời sống một người trưởng thành bắt đầu trong trí tưởng tượng của một em bé và chúng ta đã phó mặc trí tưởng tượng đó cho chốn thị trường.
Dĩ nhiên, tôi không quên rằng các chính trị gia cũng có thể nổi tiếng, nhưng đáng lưu tâm là tiến trình chính trị chúng ta ngày càng trở nên giống như kỹ nghệ giải trí theo từng năm một. Khi một người khách mời thành công xuất hiện trên chương trình Báo cáo Colbert (Colbert Report) thành ra quan trọng hơn việc thông qua đạo luật, nền dân chủ hoá ra đáng sợ. Không lạ gì khi Hollywood xem chính trị là “công nghiệp trình diễn cho những kẻ xấu xí.”
Mọi thứ bây giờ đều là giải trí. Và mục đích của thứ giải trí thương mại có mặt khắp nơi này là bán cho chúng ta một thứ gì đó. Văn hoá Mỹ phần lớn là trở thành một quảng cáo - thương mại (infomercial).
Tôi bị một cơn ác mộng cứ tái diễn hoài. Tôi đang ở Roma, viếng Nhà nguyện Sistine. Tôi nhìn lên bức bích hoạ vô song của Michelangelo tên là “Sự sáng tạo con người”. Tôi thấy Thượng Đế giơ cánh tay chạm vào ngón tay của Adam đang nắm một lon Diet Pepsi.
Khi nào là lần chót bạn thấy một khách mời chuyên đề trong các chương trình truyền hình của David Letterman hoặc Jay Leno mà lại không ráng sức bán một thứ gì đó cho bạn? Một cuốn phim mới, một tiết mục truyền hình mới, một cuốn sách mới hoặc một lá phiếu mới?
Xin đừng hiểu lầm tôi. Tôi yêu giải trí, và tôi yêu thị trường tự do. Tôi có văn bằng Cao học Quản trị kinh doanh ở Đại học Stanford và đã trải qua 15 năm trong công nghệ thực phẩm ở địa phương. Tôi mê chiếc truyền hình màn ảnh lớn của tôi. Sức sản xuất và hiệu năng của thị trường tự do thì khỏi cần tranh luận. Nó đã tạo ra một xã hội thịnh vượng chưa từng có.
Nhưng chúng ta phải nhớ rằng chốn thị trường chỉ làm có một việc – là đặt giá cả lên mọi vật.
Tuy nhiên, vai trò của văn hoá là phải vượt khỏi kinh tế. Nó không chú mục vào giá cả của sự vật, mà vào giá trị của chúng. Và, trên hết, văn hoá phải bảo cho chúng ta biết cái vượt trên giá cả, gồm cả những gì không thuộc về chốn thị trường. Một nền văn hoá cũng phải cung ứng một quan điểm kiên định về đời sống tốt đẹp vượt trên sự tích luỹ đại lượng. Xét về mặt này, nền văn hoá của chúng ta đã thất bại cho chúng ta.
Chỉ có một lực lượng xã hội duy nhất ở Hoa Kỳ có tiềm năng rộng lớn và sức mạnh đủ để cân bằng lại sự thương mại hoá các giá trị văn hoá được lợi nhuận thúc đẩy này, đó là hệ thống giáo dục của chúng ta, đặc biệt giáo dục công cộng. Theo truyền thống, giáo dục là thứ độc nhất mà quốc gia chúng ta đồng ý là không giao phó hoàn toàn cho chốn thị trường – nhưng phải sao cho là mệnh lệnh và sẵn cấp miễn phí cho mọi người.
Với tuổi 56, tôi chỉ vừa đủ già để nhớ lại một thời mà mọi trường trung học công trong xứ sở này đều có một chương trình âm nhạc với dàn đồng ca và ban nhạc, thường có ban nhạc jazz, nữa, đôi khi còn có cả dàn đại hoà tấu. Và mọi trường trung học đều có mở một chương trình kịch nghệ, đôi khi có dạy cả múa. Và có những cơ hội sáng tác cho báo và tạp chí văn học của trường, cũng như cơ hội học tập hội hoạ trong xưởng vẽ.
Tôi lấy làm tiếc mà phải nói rằng những chương trình này không còn cung ứng rộng rãi cho dân Mỹ thế hệ mới nữa. Hệ thống đã từng mang tính viễn kiến và dân chủ đã bị gần như tháo gỡ hoàn toàn bởi những ban điều hành trường học, những uỷ viên giáo dục hạt và những viên chức cấp tiểu bang có thiện ý nhưng mắc tật cận thị, với sự không quan tâm nói chung của chính quyền liên bang. Nghệ thuật trở thành một món xa xỉ có thể bỏ qua, và 50 triệu học sinh đã phải trả cái giá này. Ngày nay, một trẻ em có tiếp cận được với giáo dục nghệ thuật không phần lớn tuỳ vào thu nhập của cha mẹ.
Trong một thời tiến bộ về xã hội và thịnh vượng về kinh tế, tại sao chúng ta lại trải qua sự suy thoái khổng lồ về văn hoá và chính trị như thế này? Có một vài lý do, nhưng tôi đành liều làm mất lòng nhiều người bạn và đồng nghiệp khi nói rằng chắc chắn các nghệ sĩ, nhà trí thức có phần đáng trách. Hầu hết nghệ sĩ, trí thức và giới khoa bảng Hoa Kỳ đã đánh mất khả năng trò chuyện với phần xã hội còn lại. Chúng ta đã trở thành chuyên gia tuyệt vời khi nói chuyện với nhau, nhưng chúng ta đã gần như trở nên không nhìn thấy được và không nghe tiếng được trong văn hoá phổ quát.
Sự xa lạ nhau từ cả hai phía đã dẫn đến những hậu quả to lớn về mặt văn hoá, xã hội và chính trị. Nước Mỹ cần có các nghệ sĩ và các trí thức của nó, và những người này cần phải lập vị trí đúng đắn của họ trong nền văn hoá phổ quát. Nếu chúng ta có thể mở lại cuộc đàm thoại giữa những trí tuệ tốt nhất của chúng ta và công chúng, kết quả sẽ không chỉ biến cải xã hội mà còn luôn cả đời sống nghệ thuật và trí thức.
Không có nơi nào tốt hơn để khởi đầu sự xáp gần lại này hơn là trong giáo dục nghệ thuật. Làm sao chúng ta có thể giải thích cho xã hội rộng mở những lợi ích của sự đầu tư công dân này khi người ta còn tin chắc là mục đích của giáo dục nghệ thuật hầu hết chỉ là để sản xuất thêm nghệ sĩ – là một lập luận chẳng mấy thuyết phục được người đóng thuế trung bình hay ban điều hành trường học eo hẹp về tài chính?
Chúng ta cần tạo một sự đồng thuận quốc gia mới. Mục đích của giáo dục nghệ thuật không phải là sản xuất thêm nghệ sĩ, tuy đó là một phó sản. Mục đích thật sự của giáo dục nghệ thuật là đào tạo những con người toàn diện có thể sống cuộc đời thành công và có năng suất trong một xã hội tự do.
Điều này hiện không đang xảy ra ở các trường học Hoa Kỳ. Ngay cả khi bạn quên đi cái tai hoạ lớn hơn là chỉ 70% trẻ em Hoa Kỳ ngày nay tốt nghiệp trung học, chúng ta phải làm sao với một hệ thống giáo dục công mà mục tiêu cao nhất dường như chỉ là sản xuất ra những người lao động ở cấp nhập việc với năng lực tối thiểu.
Tình trạng này là một thảm hoạ về văn hoá và giáo dục, nhưng nó còn có những hậu quả to tát và cảnh báo về kinh tế. Nếu Hoa Kỳ muốn cạnh tranh hữu hiệu với cả thế giới còn lại trên thị trường toàn cầu, nó sẽ không thể thành công bằng nhân công rẻ hay nguyên liệu thô rẻ, hoặc ngay cả trong dòng chảy tự do về tư bản hoặc một cơ sở công nghiệp… Để cạnh tranh thành công, xứ sở này cần sức sáng tạo, phát minh, và canh tân liên tục.
Rất khó thấy sao cho những đức tính trên nảy nở trong một quốc gia mà hệ thống giáo dục nằm ở dưới đáy của thế giới phát triển và đã loại trừ hầu hết các bộ môn nghệ thuật ra khỏi giáo trình.
Tôi đã đích thân thấy sức mạnh chuyển hoá to lớn của nghệ thuật – trong đời sống của cá nhân, cộng đồng, và ngay cả toàn xã hội.
Marcus Aurelius tin tưởng rằng con đường trí tuệ gồm việc học đổi những lạc thú dễ dãi lấy những lạc thú đa phức và thách thức hơn. Tôi lo âu về một nền văn hoá đang từng chút một đánh đổi những lạc thú thách thức của nghệ thuật lấy những tiện nghi dễ dãi của giải trí. Và đó đúng chính xác là những gì đang xảy ra – không chỉ trong các phương tiện truyền thông, mà là trong trường học và đời sống công dân của chúng ta.
Giải trí hứa hẹn với chúng ta một lạc thú đoán trước được – khôi hài, gây cấn, kích gợi cảm xúc, hoặc cả sự thích thú lạ kỳ là được gây kinh hoàng gián tiếp qua trung gian. Nó khai thác và thao túng với hiện trạng của chúng ta hơn là thách thức chúng ta bằng một thị kiến về việc chúng ta có thể thành những người ra sao. Một đứa trẻ trải qua cả tháng trời luyện cho giỏi những trò chơi điện tử như Halo hoặc NBA trực tiếp trên máy Xbox không được thức tỉnh và chuyển hoá theo cung cách như đứa trẻ chịu bỏ cả tháng trời tập diễn một vở kịch hoặc học vẽ.
Nếu bạn không tin tôi, bạn nên đọc những nghiên cứu thống kê hiện đang công bố về sự tham dự công dân ở Hoa Kỳ. Xứ sở chúng ta hiện đang phân chia làm hai nhóm hành vi phân biệt. Một nhóm tiêu hầu hết thì giờ tự do rảnh rỗi bằng cách ngồi nhà làm những kẻ tiêu thụ thụ động về giải trí điện tử. Ngay cả trao đổi trong gia đình cũng bị phá tan khi các thành viên ngày càng tiêu thì giờ một mình, ai nấy ngồi trước màn hình cá nhân của mình.
Nhóm kia cũng sử dụng và thích thú nền kỹ thuật mới, nhưng những cá nhân này cân bằng nó với một phạm vi hoạt động rộng hơn. Họ đi ra ngoài - để tập dượt, chơi thể thao, tình nguyện và thực hiện công cuộc bác ái từ thiện gấp ba lần mức độ của nhóm thứ nhất. Đo lường bằng mọi cách, họ đều năng động hơn và dấn thân về mặt xã hội hơn nhóm thứ nhất.
Đâu là sự khác nhau có tính cách định tính giữa những công dân thụ động và năng động? Lạ lùng, nó không phải là thu nhập, địa lý, hoặc ngay cả giáo dục. Nó tuỳ thuộc vào việc họ có đọc sách báo vì lạc thú và tham gia vào các bộ môn nghệ thuật hay không. Những hoạt động văn hoá này dường như thức tỉnh một cảm quan nâng cao hơn về nhận thức cá nhân và trách nhiệm xã hội.
Vì sao những vấn đề này quan hệ với các bạn? Đây là nền văn hoá các bạn sắp bước vào. Trong vài năm vừa qua, các bạn đã có được đặc quyền là ở một trong những trường đại học lớn nhất thế giới – không chỉ học, mà còn là một phần của một cộng đồng coi trọng nghệ thuật và tư tưởng. Dù cho các bạn có tiêu hầu hết thì giờ tự do rảnh rỗi để xem Cơ thể học của Grey (Grey’s Anatomy) [1] , chơi Anh hùng Guitar (Guitar Hero) [2] , hoặc lập danh sách gương mặt bạn bè, những gắng sức quan trọng ấy, được cân bằng do những khoá học và chuyện trò về văn học, chính trị, kĩ thuật học, và tư tưởng.
Các bạn tốt nghiệp xuất sắc, chế độ hỗ trợ các bạn sắp chấm dứt. Và các bạn bây giờ giáp mặt với sự lựa chọn là muốn làm một kẻ tiêu thụ thụ động hay một công dân năng động. Các bạn muốn xem thế giới trên một màn hình hay sống trong nó một cách đầy ý nghĩa đến nỗi các bạn có thể thay đổi nó?
Công việc ấy không dễ, vậy nên đừng quên nghệ thuật cung ứng những gì.
Nghệ thuật là một cách không thể thay thế để thông hiểu và biểu hiện thế giới – ngang bằng nhưng phân biệt với những phương pháp khoa học và khái niệm. Nghệ thuật đạo đạt với chúng ta trong sự tràn đầy của hiện thể chúng ta - đồng thời nói với trí tuệ, tình cảm, trực giác, tưởng tượng, ký ức, và giác quan. Có một số sự thật về cuộc đời chỉ có thể biểu hiện bằng truyện, bài hát, hoặc hình ảnh.
Nghệ thuật làm vui, dạy dỗ, an ủi. Nó giáo dục tình cảm chúng ta. Và nó nhớ. Như Robert Frost có lần đã nói về thơ: “Nó là cách dễ nhớ cái mà nếu quên đi sẽ làm chúng ta nghèo.” Nghệ thuật thức tỉnh, mở rộng, tinh hiện, và phục hồi tính người của chúng ta. Các bạn không bao giờ tăng trưởng quá tầm nghệ thuật. Cùng một tác phẩm có thể mang một ít nghĩa khác ở mỗi giai đoạn cuộc đời các bạn. Một cuốn sách hay đổi khác khi bạn đổi khác.
Nghệ thuật mà tôi theo đuổi là thơ, dù cho cuộc sống thường ngày hiện hành đôi khi làm tôi quên đi điều đó. Vậy xin cho tôi kết thúc mấy nhận xét bằng một bài thơ ngắn thích hợp với dịp này.
Ngợi ca nghi lễ ăn mừng thay đổi
Ngợi ca nghi lễ ăn mừng thay đổi,
những áo choàng xưa mặc cho những khởi đầu mới,
nghi thức long trọng nơi linh hồn biến dịch,
bao quanh bằng kinh nghiệm xưa, thành
trẻ trung trong áo trắng của trí tưởng tượng.
Bởi đâu phải chúng ta vinh danh nghi lễ
mà là niềm tin cậy của chúng ta vào ý nghĩa của chúng
những nghi lễ này vinh danh chúng ta như người chứng – dù ngắn
đôi tình nhân thề thốt thuỷ chung trong một thế giới nhẹ dạ
hay một bé sơ sinh được xức nước thoa dầu.
Vậy hãy ngợi ca sự ngây thơ - bồng bột và xanh mãi –
và xin cho người già cảm động vì thanh niên
bốc đồng ngạc nhiên khi học được điều mới,
và mơ một tương lai rất vừa xứng và rất công bình
dễ ước vọng chúng ta sẽ đem nó thành hình.
Chúc mừng Niên khoá 2007!
(Diễn văn cho lễ tốt nghiệp của sinh viên tại Đại học Stanford, ngày 17-6-2007)
Nguyễn Tiến Văn dịch
Nguồn: http://news-service.stanford.edu/news/2007/june20/gradtrans-062007.html
Dana Gioia (sinh năm 1951) là nhà thơ, nhà giáo, nhà phê bình xuất sắc của Hoa Kỳ, vốn gốc Ý pha Mexico, gương mặt tiêu biểu của trào lưu Tân hình thức (New Formalism) trong thơ. Hiện ông là chủ tịch Quỹ Quyên trợ Quốc gia cho Nghệ thuật (the National Endowment for the Arts) của Hoa Kỳ.
Bản tiếng Việt © 2008 talawas
[1] Một chương trình kịch truyền hình có đề tài về y tế được khởi chiếu từ tháng 3 năm 2005 trên kênh truyền hình Mỹ ABC. Chương trình này đã nhận được giải EMMY và Golden Globe. (N.D)
[2]Một trò chơi âm nhạc điện tử do Hãng Harmonix Music System phát triển. (N.D)