Định Sáng Suốt

Hỏi: Kính bạch Thầy! Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con, cách thức tu Định Sáng Suốt như thế nào? Để chúng con tu hành cho đúng, nếu không chúng con sẽ tu sai thì vừa mất thì giờ và còn có thể đưa đến bịnh tật.

Đáp: Định Sáng Suốt gồm có hai cách tu tập:

1- Bình thường tâm không tán loạn, không thùy miên, không vô ký, không lờ mờ, không nửa tỉnh nửa mê, không bần thần lười biếng, thì dùng pháp hướng khi đi kinh hành hoặc ngồi một chỗ, như lý tác ý: “Tâm phải sáng suốt như ban ngày, tâm phải thanh thản, tâm phải vô sự”.

2- Khi tâm bị thùy miên (buồn ngủ), hôn trầm (ngủ gục), vô ký (mất tỉnh giác), hôn tịch (tỉnh tỉnh mê mê) bần thần, lười biếng. Không nên ngồi, nên đi kinh hành dùng pháp hướng tâm: “Tâm phải tỉnh thức, sáng suốt đêm như ngày”, “Tâm phải tỉnh táo như ban ngày”, “Tâm phải sáng suốt như ánh mặt trời”.

Định Sáng Suốt tuy trong kinh Nikaya đức Phật dạy phải dùng tưởng tâm sáng suốt như ban ngày, sáng suốt như mặt trời v.v.. nhưng theo kinh nghiệm của chúng tôi hiểu định này là một loại Thiền định thư giãn các cơ và thần kinh trong thân.

Khi dụng công tu tập nhiều thì thân tâm mỏi mệt, sanh ra lười biếng mệt nhọc, u tối, trí óc không còn sáng suốt. Gặp trường hợp này, chúng ta phải tu Định Sáng Suốt.

Định Sáng Suốt tức là phương pháp thư giãn của đạo Phật, giúp chúng ta thư giãn thân tâm, khiến cho các cơ và tinh thần không còn căng thẳng, mỏi mệt.

Biết được công năng của định này, do đó khi mỗi thời gian tu tập một loại định nào xong, chúng ta đều dùng định này để thư giãn, nhờ đó thân tâm chúng ta liên tục tu tập không thấy mỏi mệt hôn trầm, thùy miên; càng tu càng tỉnh thức và càng sáng suốt; càng tu càng thích thú và ưa thích ham tu hơn; càng tu càng thấy tâm hồn thanh thản, an lạc và giải thoát rõ ràng.

Nếu người tu hành theo đạo Phật mà không biết loại Định Sáng Suốt này thì dễ bị ức chế thân tâm và nếu ức chế thân tâm quá căng thì dễ sanh ra bệnh tật, hoặc bị căng mặt, căng đầu có khi rối loạn thần kinh, sanh ra điên khùng mất trí.

Tóm lại, cách thức tu Định Sáng Suốt là dùng pháp Hướng Tâm thư giãn các cơ trong thân cũng như thư giãn thần kinh, khiến cho các cơ và thần kinh buông xuống không còn một chút xíu dụng công và ức chế nào, nên thấy cơ thể và tinh thần nhẹ nhàng thoải mái.
Khi thư giãn, chúng ta cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng an lạc, nghe rất thoải mái vô cùng.

Ở đây, quý Thầy và quý Phật tử nên dùng câu pháp hướng, ra lệnh cho các cơ và thần kinh thư giãn bằng cách hướng tâm. Khi cảm giác nghe cơ thể mệt nhọc, đầu óc căng thẳng thì chúng ta nên ngồi nghỉ, hai chân duỗi thẳng dài ra, hai tay buông thỏng, thả nhẹ xuống, các cơ trong thân không được gồng, tinh thần không được suy nghĩ và tập trung nơi nào cả, chỉ để nó tự nhiên theo tự nhiên của nó. Khi cảm giác thân tâm buông thỏng chúng ta mới hướng tâm: “Toàn thân an tịnh, tôi biết tôi đang thư giãn” hoặc “Toàn tâm an tịnh, tôi biết tôi đang thư giãn”.

Xong, chúng ta để thân tâm tự nhiên thư giãn và an tịnh.

Kế tiếp, chúng ta lại hướng tâm nữa: “Các cơ trong thân thư giãn, buông xuống không được gồng phải nhẹ nhàng thanh thản, an lạc và vô sự”.

“Đầu óc phải thư giãn, không được tập trung chỗ nào hết, phải tự nhiên, hồn nhiên với vạn pháp”.

Đó là những cách hướng tâm để thư giãn, quý vị nên nhớ mà tu tập đừng nên biếng trễ.

Định Sáng Suốt sẽ giúp cho quý vị mau chóng tỉnh giác, để luôn luôn quý vị ở trong chánh niệm, nhờ đó, quý vị mới ly tham đoạn ác pháp. Có ly tham đoạn ác pháp thì quý vị mới nhập được Thiền định và Tam Minh.

Nếu không có Định Sáng Suốt thì quý vị tu hành sẽ rơi vào pháp ức chế tâm, và chừng đó quý vị sẽ nhập định tưởng, quý vị sẽ rơi vào tà đạo giống như các Thiền sư Đông Độ.

Định Sáng Suốt là một loại định rất quý cho quý vị trên đường tu tập giải thoát, quý vị cần phải tu tập nhiều hơn để thấy được trạng thái thanh thản, vô sự và an lạc của loại định này.

Trích Đường về xứ Phật I
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây


Previous Post
Next Post