Hỏi: Kính bạch Thầy, câu tác ý: (Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành) Con hỏi: Đã phá bản ngã thì là gì có tôi và của tôi. Vậy thay bằng chữ thân đi kinh hành có khác nhau không?
Đáp: Dù có thay danh từ nào thì nghĩa của nó cũng chỉ là “tôi”. Người ta đã chịu ảnh hưởng của Thiền Tông và kinh sách phát triển quá sâu cho là con người tu theo đạo Phật thì phải không có ngã, không có cái ta, không có cái của ta thì người ấy mới giải thoát, cho nên thường tránh những danh từ xưng hô cái tôi, cái ta mà xưng hô là trò, là con v.v... là có ý dẹp ngã, đó là một việc làm sai. Là người mà sau lưng thì khác thì cái đó là giả dối chứ không phải diệt ngã xả tâm. Theo đạo Phật sự cung kính trước mặt cũng như sau lưng đều cung kính thì đó là đạo đức chân thật lợi ích cho mình cho người.
Theo chỗ chúng tôi hiểu đức Phật dạy: “Vô thường, khổ, vô ngã”, đây là tam pháp ấn để xác định một sự thật về thế giới hiện tượng này, do chúng ta không hiểu ý này nên lo đập phá cái ngã của mình. Bởi vì người ta thường lầm chấp cho thế giới này là thường hằng, không khổ, là hạnh phúc, vì sự lầm chấp dính mắc này nên đức Phật dạy cho chúng ta hiểu để không dính mắc, chứ đức Phật không bảo chúng ta tu hành để trở thành cây đá (vô ngã, không ta, không cái của ta).
Đức Phật dạy: “diệt ngã” là xả lòng ham muốn của mình, chứ không phải diệt cái ngã, xả lòng ham muốn của mình là diệt đế, diệt đế là một chân lý trong bốn chân lý của đạo Phật, chứ không phải diệt ngã như người ta hiểu.
Vô thường, khổ thì ai cũng rõ, nhưng vô ngã thì người hiểu như thế này, kẻ hiểu như thế kia. Có người lại hiểu rằng: Vô ngã là Niết bàn, hiểu như vậy có nghĩa là trong Niết bàn không có ngã. Vậy không có ngã thì ai là người biết Niết bàn? Không người biết Niết bàn sao đức Phật lại biết mà dạy cho chúng ta Diệt đế. Trong Diệt đế theo chúng tôi hiểu thì phải có ngã, vì Diệt đế là mục đích giải thoát của con người cho nên nó là một chân lý của loài người không ai chối cãi được. Một sự giải thoát chân thật không ai phủ nhận được vì nó có người biết Niết bàn, có người biết tự Niết bàn trong tâm của mình thì không thể nào là vô ngã được.
Đức Phật dạy: “Pháp không có thời gian đến để mà thấy” Vậy khi tu theo đạo Phật chúng ta thấy sự giải thoát rõ ràng, vậy không thể nào vô ngã được.
Ngăn ác diệt ác sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, vậy cái gì ngăn và diệt ác pháp, cái gì sanh thiện tăng trưởng thiện?
Thưa quý vị! Cái gì không giải thoát, cái gì giải thoát? Ác pháp là không giải thoát, thiện pháp là giải thoát. Như vậy người tu có cần gì diệt ngã, cái ngã chỉ cần biết sống trong thiện pháp là Niết bàn rồi.
Đạo Phật ra đời vốn vì con người khổ chứ không phải vì cái ngã của con người, đạo Phật biết lấy cái ngã ác của con người tu sửa trở lại để trở thành cái ngã thiện, nhờ thế con người sống toàn thiện, đó là Niết bàn, chứ không phải vô ngã là Niết bàn như kinh sách phát triển dạy.
Đại Thừa và Thiền Đông Độ đã lầm, nên đã ca ngợi những người vô niệm, vô trụ, vô chứng là tối thượng, vô niệm, vô trụ, vô chứng là vô ngã mà vô ngã là gốc cây cục đá rồi, nếu còn có cái biết thì không thể nào gọi là vô ngã được.
Con người tu để vô ngã thì không bao giờ tu vô ngã được, cũng như con người bảo rằng không tài sản thì không thể nào có người không tài sản được.
Vì thế, hữu ngã thiện pháp mới thật sự là vô ngã. Có của cải tài sản mà không dính mắc của cải tài sản mới thật sự là không tài sản, nhờ đó mà tâm dược an vui, hạnh phúc. Cho nên hữu ngã thiện mới không làm khổ mình, khổ người, gọi là giải thoát. Đạo Phật tu hành chỉ hiểu biết rõ thiện và ác, lúc nào cũng ngăn và diệt ác pháp thì thì mục đích của Phật giáo nơi đó là đã chứng đạo.
Trích ĐVXP tập 10
Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây