Từ khi bắt đầu biết suy nghĩ về cuộc sống của con người, lúc ấy còn rất nhỏ nhưng tôi đã tự đặt ra cho mình một câu hỏi lớn, câu hỏi ấy là: Mục đích của cuộc đời con người là gì? Rồi bao năm tháng cứ trôi qua trên mái đầu xanh, vẫn không có ai giúp giải đáp cho tôi câu hỏi đó. Thế rồi tôi phải tự mình kiến giải, lập luận theo những hiểu biết và kinh nghiệm của cá nhân. Những hiểu biết tuy sơ khai nhưng cũng đã có những điều gần như là chân lý, rằng: Mục đích của cuộc đời con người không chỉ dừng lại ở tiền tài, vật chất, danh lợi, giàu sang, hạnh phúc gia đình và con cái, mà cao hơn thế nữa là có được một tâm hồn thanh thản, an lạc và tự tại. Cuối cùng phải mất hơn hai mươi năm sau tôi mới có câu trả lời rõ ràng bằng chân lý của một bậc đại giác ngộ - Đức Phật Thích Ca.
Nếu chúng ta coi hạnh phúc là mục đích tối hậu của cuộc sống con người thì thật sự đó là một sai lầm quá lớn, quá nghiêm trọng. Thật sự đúng là như vậy. Tùy hoàn cảnh mỗi người mà hạnh phúc được hiểu theo một cách khác nhau, nhưng tựu chung lại thì hạnh phúc được tôi định nghĩa như sau:
“Hạnh phúc là sự thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất và tinh thần của con người”.
Nhà hiền triết Platon cũng từng nói:
“Nếu thỏa mãn vật chất là hạnh phúc thì ta có thể xem con bò là hạnh phúc”.
Tất cả chúng ta ai cũng đều biết rằng nhu cầu và lòng ham muốn được thỏa mãn của con người thì không bao giờ có điểm dừng, nó luôn thay đổi và đòi hỏi ngày một cao hơn. Hai định nghĩa về hạnh phúc trên đây cũng cho ta thấy rõ bản chất của hạnh phúc không bao hàm nghĩa an lạc và giải thoát. Bởi vì để được giải thoát là phải biết buông xả. Chỉ có buông xả mới được giải thoát. Giải thoát là thoát khỏi mọi ràng buộc về vật chất và mọi sự đau khổ về thân thể và tâm hồn của mình. Vậy buông xả là thế nào và tại sao phải buông xả?
Buông xả là xả bỏ những nhu cầu đòi hỏi về vật chất, thân xác cũng như tinh thần của một người bình thường trong thế gian. Vì không buông xả thì sẽ mãi dính mắc, mà dính mắc là đau khổ, là không hạnh phúc. Ở đời không ai là không coi trọng vật chất, nhưng mấy ai hiểu rằng vật chất mới chỉ là thứ phương tiện để có thể đem đến cho con người sự hạnh phúc mà thôi. Còn nữa, thân mạng ta, rồi những người thân của ta nữa, cả mọi mặt tinh thần tình cảm là những điều mà ai cũng quý, cũng trân trọng. Có ai không đau khổ khi phải mang bệnh trong thân hoặc khi phải từ biệt người thân của mình không?
Có một sự thật phủ phàng là: Tất cả mọi điều trong cuộc sống này chỉ là vô thường mà thôi. Vậy mà con người cứ mãi bị dính mắc vào chúng nên phải chịu bao nhiêu khổ đau, cay đắng. Họ đau khổ mà cứ ngỡ mình hạnh phúc, hoặc cố tình giả bộ tỏ ra mình hạnh phúc. Hạnh phúc, nếu ai coi đó là thứ cảm xúc thật thì thử hỏi: Cảm giác hạnh phúc đó trải qua cuộc đời mình được bao lâu và cảm xúc đau khổ ở trong mình là bao lâu? Chúng ta hãy thử hình dung cảm xúc thăng hoa của một người chiến thắng trên bục vinh quang hay trong sự khoái lạc của nhục dục sẽ duy trì được trong thời gian là bao lâu và họ phải đánh đổi những gì để có được những phút giây ấy? Rồi những hệ lụy đằng sau nó ra sao?
Giả sử một người nào đó cả một đời họ được sống trên tột đỉnh giàu sang, thành công và hạnh phúc đi nữa, thì ngay trong những phút giây hay tháng ngày hạnh phúc đó họ vẫn luôn đối mặt với muôn ngàn cực nhọc, phiền muộn, lo lắng và đau khổ rồi. Trong hạnh phúc đã có sẵn khổ đau, và những nỗi khổ đau ấy là trùng trùng lớp lớp nói tiếp nhau không bao giờ ngừng lại. Và cuối cùng sự đau khổ khủng khiếp nhất như bao người khác vẫn đến với họ: Đó là cái chết. Như vậy, để thoát khỏi khổ đau không có con đường nào khác hơn là buông xả. Thật ra dù ít hay nhiều thì ai cũng hiểu biết điều đó, nhưng để thực hiện nó thì không dễ mấy người làm được. Bởi vì dục vọng là vấn đề khiến mọi người không thể cưỡng lại được. Bên cạnh đó còn có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với những người xung quanh mình nữa.
Thi sỹ Xuân Diệu sớm nhìn thấy điều đó nên ông đã thở than rằng: "Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua/Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già" và "Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt", hay "Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt" cũng với nghĩa như vậy. Danh vọng, quyền lực, tiền bạc vật chất có giữ được họ ở lại mãi trên thế gian này không? Vợ chồng, con cái có cứu họ ở lại mãi trên thế gian này được không? Hoàn toàn là không thể. Có chăng chỉ là một sự níu kéo tạm thời như một nguồn động viên an ủi nhỏ bé mà thôi.
Những ngày dài trên giường bệnh, chúng ta phải đối diện với một sự thật: Nỗi đau đớn đến tột cùng về thân thể và tinh thần. Cuối cùng thì chúng ta vẫn phải vẫy tay chào cuộc đời mà không thể mang theo về bên mình bất cứ thứ gì, kể cả về vật chất, tinh thần hay cả những người thân yêu của mình. Người nào thành công, giàu sang và hạnh phúc nhiều thì sự đau khổ càng vây lấy họ càng nhiều gấp bội. Khi phải xa đời có bao nhiêu điều khiến họ sẽ phải tiếc nuối: danh vọng, quyền lực, sự nghiệp, tài sản, người thân, bạn bè, cuộc sống, vv và vv… Vậy ai sẽ cứu họ ra khỏi những nỗi đau đớn tột cùng ấy? Câu trả lời chỉ có thể là: Chỉ có ta mới tự cứu được chính mình mà thôi! Vậy ta phải làm sao để tự cứu mình? Đó là câu hỏi lớn tôi từng đặt ra và giờ đây tôi đã tìm ra lời giải đáp. Buông xả là câu trả lời của tôi.
Từ nhỏ tôi đã hiểu giá trị vật chất và đề cao giá trị tinh thần. Đó là điều kiện và cơ sở quan trọng để giờ đây tôi biết buông xả một cách rất dễ dàng. Cho đến bây giờ, khi được đến với Phật pháp và tìm hiểu những chân lý của Đức Phật Thích Ca thì tôi mới có câu trả lời một cách chắc chắn rằng: Mục đích cuối cùng của cuộc sống con người không phải là những giá trị vật chất mà là sự giải thoát. Chỉ có giải thoát mới giúp con người thoát khỏi mọi ràng buộc đau khổ về vật chất và tinh thần ở thế gian này mà thôi. Để được giải thoát, không có con đường nào khác ngoài con đường buông xả. Đó là con đường vừa khó vừa khổ nhưng không phải là không thể thực hiện được. Chỉ cần sự hiểu biết và lòng quyết tâm ở chính mỗi người mà thôi.
Và khi thực hiện được điều đó thì ta mới thật sự sống trong hạnh phúc, an lạc, tự tại và làm chủ sinh tử, nghĩa là ta được giải thoát trong từng giây phút của đời sống hiện tại. Xưa Đức Phật Thích Ca vốn là một Hoàng Thái Tử, Ngài có những điều kiện và yếu tố tốt đẹp nhất trên thế gian này: Tố chất thông minh, mạnh khỏe, đẹp đẽ, xuất thân từ dòng dõi quý tộc… nhưng Ngài đã rủ bỏ tất cả mọi thứ: địa vị, danh vọng, tài sản, vợ con, gia tộc… như bỏ một chiếc dép rách rồi trốn nhà để đi tu vì Ngài biết rõ tất cả những thứ ấy chỉ là những sợi dây ràng buộc con người vào khổ đau thêm mà thôi. Ngài chọn cuộc sống lấy rừng làm nhà, lấy gốc cây làm giường và một nghề thấp nhất trong xã hội: Nghề ăn xin. Ngài thực hiện hạnh “Xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo” quyết từ bỏ cả thân mạng mình tìm ra cho bằng được con đường giải thoát và làm chủ sinh tử để cứu bản thân mình và nhân loại. Làm sao để buông xả? Hiểu biết mọi điều trên thế gian này đều là Vô ngã – Vô thường – Khổ, ấy là câu trả lời.
Vô ngã là gì? Vô thường là gì? Là mọi thứ trên thế gian này dù thuộc về phương diện vật chất hay phi vật chất đều chẳng có gì là ổn định thật chắc chắn và trường tồn mãi mãi. Từ những cung điện pháo đài nguy nga của các đế chế, đến Vạn lý trường thành của Tần Thủy Hoàng, hay đến cả hành tinh, vũ trụ này cũng không nằm ngoài sự chi phối quy luật của vô thường. Đem những thứ đó so sánh với cái thân mạng bé nhỏ của ta thì thấy mình mới nhỏ bé vô cùng, chỉ như hạt bụi trong không gian vậy.
Và khi ta đem so sánh thời gian của một đời người (cứ cho là 100 năm) với cái vô cùng của thời gian thì mới thấy đời người thật ngắn ngủi, chỉ như ánh chớp trong cơn giông hay như vệt sao băng xẹt ngang cuối trời mà thôi.
Về phương diện tinh thần, có bao giờ bạn ngừng suy nghĩ không? Vui đó rồi có thể lại buồn ngay, thanh thản phút giây rồi thấy ngay sầu muộn. Nếu tinh thần là thường (không thay đổi, không vô thường) thì sao bạn không giữ mãi được cảm giác thăng hoa và hạnh phúc? Nếu thân mạng bạn là thường sao nó bị bệnh tật? Vợ chồng, cha mẹ, con cái của bạn là thường sao họ vẫn thay đổi tâm tính và thể trạng từng phút từng giây, có khi là hư hỏng, bệnh tật, mất mát và chết chóc tang thương nữa. Có bao giờ theo được ý bạn mong muốn đâu. Nếu cuộc đời này là vô thường thì làm sao đứa trẻ có thể phát triển về thể lực và trí tuệ được. Vô thường là vậy, là sinh và diệt. Còn sinh và diệt là cuộc đời còn khổ.
Khổ thế nào? Khổ là một sự thật mà một đứa trẻ cũng phải thừa nhận. Cuộc đời có 8 nỗi khổ chính sau đây: Sinh khổ (Thai nhi từ lúc trong bụng mẹ cho đến khi ra ngoài chịu nhiều cực khổ; lớn lên một chút thì lo học hành, sự nghiệp, xây dựng gia đình, mưu sinh cuộc sống…) – Già khổ (Má hóp, da nhăn, tóc bạc, răng rụng, trí nhớ kém, sức khỏe giảm,…) – Bệnh khổ (Thân đau bệnh thì ai cũng biết khổ như thế nào rồi) – Chết khổ (Không ai không sợ cái chết, trừ những người làm chủ được sinh tử như Phật – A la hán) – Ái biệt ly khổ (Yêu thương nhau mà phải xa cách là khổ…) – Cầu bất đắc khổ (Mong cầu mà không được toại nguyện là khổ…) – Oán tắng hội khổ (Thù oán ghét nhau mà phải gặp nhau,…) – Ngũ ấm xí thịnh khổ (Mắt phải nhìn những thứ không ưa nhìn, tai phải nghe những âm thanh khó chịu, mũi phải ngửi mùi hôi thối, miệng lưỡi phải ăn nếm vị đắng cay, thân phải tiếp xúc với môi trường nóng lạnh hay vật thô ráp không như ý,…).
Hầu hết những con người trong thế gian này đều thật hèn hạ, điên đảo và vô minh. Họ chỉ biết ham thích sống trong mọi cám dỗ vật chất và chạy theo dục lạc thế gian mà sợ hãi trước những khổ đau, nhất là khi đối diện với cái chết. Nói đến cái chết và sự đau khổ thì hầu hết người ta sợ hãi và trốn tránh. Người ta sợ hãi vì người ta thiếu hiểu biết, lòng đầy dục lạc, tham đắm và hèn nhát. Nếu họ có hiểu biết mà vẫn sợ hãi là vì họ hiểu biết không đến nơi đến chốn, họ không hiểu chân lý mà chỉ hiểu theo cách hiểu chung của người thế gian. Nếu họ đã hiểu chân lý mà vẫn không dám buông xả là vì họ không quyết tâm. Họ quên rằng họ đang sống nghĩa là họ đang chết từng giờ từng khắc, từng phút từng giây. Sống một ngày là đã chết đi một ngày bởi ta đang tiến gần hơn đến cái chết. Chưa nói đến những biến cố bất thường và bất ngờ như thiên tai, tại nạn, chiến tranh, bệnh dịch,... có thể cướp đi mạng sống của chúng ta bất cứ lúc nào. Bởi Sống – Chết vốn là một cặp phạm trù.
Đức Phật sau khi thành đạo, Ngài đã không vào Niết bàn ngay, vì thương chúng sinh đang vẫy vùng trong biển khổ luân hồi nên Ngài đã ở lại thế gian để độ chúng sinh thoát khỏi biển khổ ấy bằng những gì mình chứng ngộ được. Chủ trương của Ngài là không sinh, vì Ngài biết rõ có sinh thì ắt phải có diệt, mà diệt là đau khổ. Vậy để đoạn tuyệt hết đau khổ thì phải cắt đứt sinh. Sinh ở đây cần phải hiểu thật rộng: sinh khởi, sinh sống, sinh mạng, sinh đẻ, sinh hoạt, vv… Sinh từ đâu mà ra? Dục là câu trả lời. Dục ở đây cũng cần hiểu rộng: dục vọng, ham muốn, tình dục, vv… Dục có một sức lôi cuốn mọi sinh vật trên thế gian này một cách vô cùng mạnh mẽ. Từ loài vật nhỏ bé như côn trùng cho đến loài người, càng tiến hóa thì dục càng mạnh mẽ hơn. Con người ta ai cũng ham tiền tài vật chất, ham quyền lực danh vọng, ham sắc đẹp, ham ăn, ham ngủ, ham tình dục, ham đủ thứ trên đời. Chỉ có Phật và bậc Thánh nhân là không ham bất cứ thứ gì.
Trưởng lão Thích Thông Lạc, thế danh là Lê Ngọc An – một tù nhân chính trị từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm tra tấn chết lên chết xuống nhiều lần mà vẫn một mực trong thành với Đảng. Sau khi chứng được quả vị A-La-Hán (Bậc Thánh nhân) thầy Thích Thông lạc đã đến xin phép sư phụ của mình là thầy Thích Thanh Từ được xả bỏ báo thân của đi vào Niết bàn, nhưng sư phụ không đồng ý nên thầy tôi đã trụ lại thế gian để cùng sư phụ gầy dựng lại chánh pháp của Đức Phật Thích Ca mà hơn 2000 năm nay đã bị lấp đầy bởi một rừng những kinh sách phát triển theo kiến giải, tưởng giải của những vị thầy tổ tu không đắc đạo xưa kia làm Phật pháp bị méo mó, sai lệch đi rất nhiều.
Tôi may mắn nhờ gặp được chân lý của Đức Phật Thích Ca mà Thầy tôi đã chỉ dạy nên giờ đây tôi thật sự đã và đang từng bước đi trên lộ trình của sự giải thoát. Tôi đã thật sự không còn chút sợ hãi trước cái chết và sẵn sàng đón nhận nó đến với mình bất cứ lúc nào. Giờ đây tôi thật sự đã không còn đau khổ về tâm, dù thân này có thể một mai bị bệnh tình hành hạ. Dù tôi không đủ điều kiện sức khỏe để tu tập và làm chủ được sinh tử thì tôi cũng thật sự hài lòng với điều mà tôi đạt được. Có lẽ phải hàng triệu người may chăng mới có một người đạt được điều đó. Tôi thấy mình thật hạnh phúc, một thứ hạnh phúc không thể diễn tả và không thể so sánh với bất cứ niềm hạnh phúc nào của người thế gian.
Trong cuộc sống hằng ngày chung quanh mình tôi gặp rất nhiều người tài giỏi, thông minh, nhiều trải nghiệm, nhưng không hiểu sao họ vẫn luôn sợ hãi, đau khổ và tâm đầy phiền não. Tôi thầm thắc mắc và biết họ biện cớ vì cuộc sống gia đình, con cái và sự nghiệp. Điều đó có thật chính đáng không? Trên đây là bài học vỡ lòng về chân lý cuộc đời dành cho mọi người và đây cũng chỉ mới là một vài điều rất nhỏ trong nhận thức mà tôi có thể chia sẻ với mọi người. Nhưng dù sao thì với chừng ấy tôi cũng hy vọng sẽ là một lời nhắc nhở những người đọc được những trang viết này hãy thay đổi cách nhìn về cuộc sống của mình. Để rồi từ đó biết cách sống một cuộc sống sao cho có ích cho bản thân, đừng uổng phí cuộc đời trong dục lạc thế gian để rồi phải chịu bao nhiêu cay đắng khổ đau và mãi luân hồi sinh tử ở trần gian này nữa.