Con người nếu không trưởng thành thì thật kinh khủng, nó không khác nào cây không ra trái. Trong Kinh Thánh, chúa Jê-su có nói với các môn đệ rằng nếu cây không ra trái, người ta sẽ chặt nó đi, và ném nó vào lửa?
Tại sao phải chặt cây và ném nó vào lửa? Vì nó vô ích và vô sinh, vô nghĩa, không tạo ra gì hết, nó lớn lên mà không trưởng thành, nó to xác mà không khác gì hạt giống, nên phải bị chặt để lấy chỗ trồng một mầm cây mới.
Nhưng đó là cái cây. Còn con người thì không thể bị chặt. Đó là đặc ân lớn nhất dành cho con người. Vì con người là cứu cánh tự thân, con người là cứu cánh của con người, không giống các loại động thực vật, phải làm thức ăn cho nhau và lẫn nhau, con người không phải là thức ăn cho loài nào cả. Con người được đặc ân duy nhất đó đứng trên muôn loài. Nhưng cái đặc ân đó cũng là cách tố cáo con người nhiều nhất, vì Kinh Thánh có câu: “Kẻ nào được cho nhiều thì cũng bị đòi lại nhiều”, nghĩa là: bất cứ ai được hưởng thụ nhiều thì đều phải cống hiến ngang bằng với điều ấy. Đó cũng là cuộc dằn vặt lớn nhất của con người. Bởi vì so sánh như con lợn chẳng hạn, nó không có cứu cánh tự thân, nó được nuôi và giết thịt để phục vụ bữa ăn cho con người. Vì thế, nó không cần thiết phải dày vò “nó sống để làm gì?”. Cũng chính vì đặc ân có cứu cánh tự thân, tức chỉ phục vụ cho bản thân mình cũng như đồng loại mà chỉ mình con người có cuộc trăn trở dày vò duy nhất dẫn đến tự sát. Tự sát vì câu hỏi chính yếu: “Ta sinh ra để làm gì? Ta đã làm được cái gì?”
Ta đã làm được cái gì? Câu hỏi đó là bằng chứng của một sự trưởng thành, giống như cái cây đã lớn lên, đơm hoa và kết trái, đó là lúc nó trưởng thành. Và con người khi thấy mình đã làm được điều gì có ý nghĩa - tức là đã trưởng thành.
Trưởng thành - đó chắc hẳn là hành trình của lý trí, bởi vì chỉ có lý trí mới có thể nhận biết sự tiến bộ- tiến lên từng bước của mình. Ở đây chúng ta cần lưu ý: chúng ta đang bàn đến sự trưởng thành có cứu cánh, giống như cây lớn ra được trái, chứ không bàn đến thứ trưởng thành theo chiều thời gian, giống như một kẻ đần độn tồng ngồng, có lớn mà chẳng có khôn.
Trái với lí trí, thì xúc cảm cũng như tình cảm không có tiến bộ. Một con cá chuối “một con cá chuối đắm đuối vì con”, chúng ta không coi đó là tiến bộ. Một con kăng – gu – ru bế ẵm chăm sóc con bền bỉ trong túi ngực, cũng không được coi là tiến bộ. Giống vậy một gia đình hay một xã hội sống không có lí trí và công lý, “cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”, cũng không thể được coi là đã trưởng thành và tiến bộ.
Gần gũi với chúng ta nhất, để dễ hiểu, chúng ta thử xem vài trường hợp các đấng “cha mẹ” của dân tộc Trung Hoa trong lịch sử và đã trở nên quá quen thuộc trong các bộ phim Trung Quốc được chiếu gần đây để thấy cái “tầm vóc” trưởng thành của dân tộc họ một thời.
- Hòa Đại Nhân, một đại quan của nhà Thanh vừa ngồi bô vừa tiếp các quan lại ở địa phương lên. Khi ăn theo lối “cơm ôm” vừa ăn vừa có người đút như như trẻ con nhiều tuổi. Thử hỏi tầm vóc một đại quan như vậy cá nhân ông ta và nhân dân lựa chọn ông có trưởng thành không?
- Từ Hy Thái Hậu là mẫu quốc thiên hạ, nhìn thấy hai đứa nô tỳ chải đầu giống mình, liền lệnh “lôi ra chém”. Một mẫu quốc mà ghen tị và không bao dung nổi hai đứa nô tỳ đẳng cấp cách mình một trời một vực… vậy quốc mẫu có trưởng thành hơn nô tì? (xem phim “Tể tướng Lưu gù”)
- Vua chúa, quan lại Tần, ngay cả khi đi dạo cũng có một đám nô tỳ theo sau hầu hạ, mất tự nhiên đến nỗi không có thể có những chia sẻ tình tứ. Khi người ta không dám đổi tình yêu lấy quyền uy có kẻ hầu người hạ theo sau, thì đã trưởng thành chưa?
- Viên Thế Khải là Tổng thống của chế độ Đại nghị, đã bãi bỏ việc cúi rạp mình, bắt tay các quan đại thần, nhưng vẫn giữ thói uy quyền khi đi ỉa vẫn bắt một kẻ hầu đứng túc trực bên cạnh, và vẫn tiếp các quan đại thần ngay bên WC (việc này so với người phương Tây thì thấy, họ không bao giờ muốn khoe phô lúc bẩn thỉu, mà chỉ khoe phô lúc kiêu hãnh. Trái lại quan lại Tần thì muốn bày tỏ uy quyền ngay cả lúc đó, muốn bắt kẻ ở phải chịu sự thối tha của ta, như vậy mới oai).
Cuối cùng, Viên Thế Khải vẫn đi giật lùi về mặc cảm quan lại. Nửa đêm, y cùng vợ vùng dậy, mở chiếc hòm đựng trang phục của nhà vua và hoàng hậu ra, lén lút mặc như ăn trộm. Than ôi, tưởng là đã trưởng thành tiến bộ, nào ngờ vẫn thò ra cái đuôi khao khát quyền lực quân vương độc tài! (phim “Cộng hòa”).
Trong phim, “Người đàn ông Thượng Hải” có cảnh thế này: tập cuối của một bộ phim nhiều tập, người đàn ông tụ họp cùng gia đình bề thế của mình và ông đã trưng tiện một cái thật to. Sau đó một nô bộc chịu ơn còn ca tụng: “người ta phải có gì mới đánh được như thế”. Chao ơi, đó quả là thứ văn hóa gì đây, không thể chấp nhận được, đã thế lại còn trương lên để quảng bá bàn dân thiên hạ. Ta thử đặt câu hỏi thế này: nếu đánh rắm là điều tốt đẹp, vậy, liệu các thành viên gia đình nhà ông ta, vợ con cũng như nô bộc muốn đánh rắm có được không? Chắc chắn là không! Và có thể lại bị lôi ra xử trảm. Vậy thì vấn đề nằm ở chỗ nào? Đó cũng là cách biểu thị nền quân chủ tuyệt đối, ngay cả đến cái xấu xa bắt người khác phải ngửi, cũng chỉ có những ông chủ, vua chúa mới được quyền làm.
Lãnh tụ Tôn Trung Sơn có nói về sự trưởng thành của dân tộc Trung Quốc như sau: ở Trung Quốc chỉ có gia tộc và tông tộc mà không có quốc tộc. Dân số Trung Quốc bởi vậy chỉ là một bãi cát rời rạc bị phân hóa thành cá nhân và gia đình, không đủ giá trị công lý để liên kết toàn xã hội thành giá trị quốc gia. Những từ như “tự do”, “dân chủ”, “cộng hòa”, kể cả “cá nhân” là những từ Trung Quốc trước đây chưa từng có, bởi vì họ vẫn hằng sống như những thuộc hạ a dua, bị khuất phục tuyệt đối dưới ngai vàng của quân vương. Giống Từ Hy Thái Hậu một bà già lẩm cẩm thường nói: “thiên hạ của nhà Thanh”, thực ra là: thiên hạ của bà già lọ mọ.
Tôi nêu những dòng này không có chủ ý say sưa nhìn vào thói xấu của người Trung Quốc, bởi vì: “Chân mình những lấm bê bê/ cớ sao cầm đuốc mà rê chân người”. Nhưng tôi soi vào đó để thấy và tham chiếu: dân tộc họ dù mệnh danh là “thiên tử”, dù là một dân tộc già đời hạng nhất lịch sử, nhưng vẫn có những con người đặc biệt như Tôn Trung Sơn đã phản tỉnh và nhận ra cái thiểu năng, cái “vỡ lòng” cũng như tầm vóc trưởng thành của họ.
Giờ đến chuyện xứ ta. Trước tiên chúng ta hãy thử bàn với nhau về: thế nào là một người trưởng thành? Trưởng thành ư, chúng ta hãy tạm coi đó là những đứa trẻ đã lớn thành quý ông, quý bà. Người phương Tây biểu hiện nó qua ngôn ngữ, xưng hộ đối xử như: thưa ngài, thưa ông, thưa quý bà, hoặc có những lời chào như “xin chào niềm hân hạnh của tôi”…Tóm lại người ta dám hạ mình nâng người khác lên làm quý ông quý bà, để mình cũng được làm quý ông quý bà.
Ở ta thì sao? Có rất nhiều người đã học đại học hẳn hoi đến nhà người, một lời chào cũng không mở miệng, đến không ai biết về không ai hay, hình như họ cho rằng: chào người khác là sự hạ mình, lép vế, thua thiệt.
Tôi gặp rất nhiều tri thức xưng hô mày tao chí tớ, đã thế dùng cả trí nhân và sự càn quấy vào việc thay đổi cũng như đánh lấn đại từ nhân xưng… Tại sao những con người này không cúi được người để hạ mình xuống mong được tôn vinh cao hơn? Kinh Thánh có câu “Kẻ nào nâng lên sẽ bị hạ xuống, người nào hạ xuống sẽ được nâng lên.” Bởi vì người ta chưa có đủ tầm cao để trưởng thành để dám cúi xuống, mà vì thấy mình nhỏ loi choi nên họ không dám hạ mình để thấp hơn. Đúng lúc này, có lẽ chúng ta nên cùng ôn lại cái nhìn của thi sĩ Tản Đà dành cho dân tộc:
“Dân hai nhăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”
Thử hỏi nước ta có bao nhiêu người ý thức về việc mình là quý ông, quý bà, cư xử đĩnh đạc, đường hoàng, làm người trưởng thành? Hay chúng ta vẫn sống bản năng tùy tiện, văn hóa quê mùa, hè phố, thích kiểu gì thì chiều kiểu ấy, không có một nguyên tắc ứng xử cao cấp nào? Chúng ta thử nhìn, người phương Tây, ngay cả trong các bộ phim họ giáo dục cả cách ăn, nết nói, cách ăn mặc quần áo, cách cầm thìa cầm dĩa…
Tầm vóc dân tộc ta trưởng thành ở mức nào? Chúng ta đã có rất nhiều thí sinh đi thi toán quốc tế, và một số ngành khác giật quán quân và đỉnh cao, nhưng hiện nay chúng ta vẫn loay hoay cải cách sách lớp một không xong? Công việc khó thế ư? Không quá khó nhưng chúng ta cố tình làm cách sình lầy để có cớ “đục nước béo cò”. Nói thì tiết kiệm là hàng đầu nhưng mà chi tiêu như nhiều lần làm đi làm lại từ đầu.
Một dân tộc trưởng thành là gì? Chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Kinh đô văn hiến Thăng Long- Hà Nội. Một dân tộc chỉ là quốc gia khi nó có văn hiến. Văn hiến là gì? Văn là người, Hiến là hiến pháp. Các sắc tộc và dân tộc không phải là quốc gia nếu không lập hiến. Như vậy rõ ràng, các cộng đồng, sắc tộc nếu chưa tham dự vào lý trí phổ quát – tức công lý, thì chưa thể tiến bộ và trưởng thành trở nên quốc gia được. Trong những mái nhà, những làng xóm, những cộng đồng dù có thể mang rất nhiều tình cảm nhưng dứt khoát chưa thể trưởng thành bởi vì ở đó chưa chứa đựng sự chuyển mình của lý trí lập hiến.
Một triết gia Ấn Độ có nói: “Hân hạnh thay chúng ta được sinh ra làm trẻ con, nhưng kinh khủng thay nếu chúng ta mãi phải làm trẻ con”. Mãi mãi làm trẻ con, tức là không được lớn, không được phát triển, và không được trưởng thành.
Mà muốn trưởng thành người ta cần chuẩn bị từ nhỏ như nuôi nấng một mầm cây vậy. Đó cũng chính là ý nghĩa của hai từ “Văn hóa” và “Giáo dục”.
Đi học để làm gì? Để nhận biết chân lý khách quan. Đó là điều hiển nhiên toàn thế giới đã thừa nhận như một giá trị mặc định. Người Ấn Độ có câu: “Một mầm cây cứ ấp mãi gốc mẹ chẳng thể nào lớn được”. Đứa trẻ bứt khỏi váy mẹ đi học để được lớn lên. Nhưng khi đi học mở đầu nó đã phải dùng đại từ nhân xưng sai, làm sao học đúng? Đứa trẻ đi học rất cần khoảng cách xa hơn mẹ nó để bắt đầu nhận biết hiện thực khách quan, đằng này ngay cả đến trường, nó vẫn phải gần gũi “cô cô- con con” kéo dài đến cấp tiểu học, thì làm sao có thể tự tin và lớn lên? Khổng Tử có phương châm quý báu rằng:
1. Cách vật
2. Trí tri
3. Chính tâm
4. Thành ý
5. Tu thân
6. Tề gia
7. Trị quốc
8. Bình thiên hạ
Bốn câu trên là chuẩn bị cho nhận thức của bản thân. Muốn quan sát một vật trước hết cần lùi xa, thứ hai tìm hiểu, thứ ba phải xây dựng sự phán xét công bằng ngay trong tâm hồn, sau đó mới có thể thành ý niệm về sự vật đó. Sau khi “tu thân” xong mới có thể “tề gia, trị quốc và bình thiên hạ”
Vậy mà mở màn đi học, đứa trẻ của chúng ta vẫn vào cô, dùng đại từ nhân xưng thái quá thì sẽ làm sao?
Hầu hết những gì thuộc tình cảm thì ngược chiều với lý trí tức sự tiến bộ và mang tính vụ lợi cao. Khi chưa có pháp lý đủ mạnh để bảo vệ mọi người, người Trung Quốc thường có thói quen kết nghĩa anh em để cấu kết tụ bạ bảo vệ lẫn nhau. Chuyện kết nghĩa trong Tam Quốc Lưu – Quan- Trương là một thí dụ. Và Trình Giảo Kim khi kết nghĩa với bè đảng buôn lậu là một thí dụ, cấu kết nhau đến mức “không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, nhưng nguyện chết cùng ngày, cùng tháng, cùng năm”. Kéo bè kết đảng cũng là cách phổ biến nhất của lũ thổ phỉ, lục lâm, phường trộm cướp, vì không có sức mạnh của lẽ phải nên chúng phải cấu kết tình cảm để tấn công người lương thiện và pháp lý. Trong gia đình, ngay cả những thành viên tình cảm mật thiết nhất, nếu không sống có lý với nhau thì tình cảm cũng đổ vỡ.
Ở ta hiện nay vẫn còn nhiều kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”, rủ rê, kéo họ hàng, đồng hương vào cơ quan, cứ chuẩn theo tình cảm cha chú, con cháu mà thực hành, vì thế sinh nhũng nhiễu và ách tắc.
Có một kiểu mẫu, câu chuyện viết rất điển hình và phổ biến rằng: chàng kia có bằng tiến sĩ và đã ngoại tứ tuần. Anh trình cái gì lên, cấp trên cũng lấy giọng cha chú bảo: “Cậu ngựa non háu đá, còn nhiều sơ hở lắm!”
Nhiều lần cấp trên mắc lỗi đều nói với nhân viên rằng: “Tôi mắc lỗi cũng như bố các cậu ở nhà, to tiếng mà làm gì?”. Qua nhiều lần như thế, vào buổi họp tổng kết của cơ quan, anh chàng bèn đứng lên phát biểu: “Tôi mong ở đây, các đồng chí lãnh đạo đừng coi chúng tôi như trẻ con- người lớn nữa; ngược lại chúng tôi cũng không nhìn các vị như như người lớn- trẻ con. Đấy, các vị xem ngay cuộc họp này, và nhiều cuộc họp trước nữa, nhiều vị về hưu không chịu về nghỉ để lớp trẻ làm việc, lại còn cứ lê lết đến đây ngồi ám người ta. Thử hỏi có phải các vị dù già, dù về hưu cũng như chưa trưởng thành. Các vị luôn luôn chưa tự thấy mình đã lớn lên, đã trưởng thành và đã nghỉ hưu. Như vậy có phải người lớn mà vẫn trẻ con không?”
Thế rồi anh chàng bị chuyển sang ngành khác. Gặp môi trường mới anh tiến vù vù, trở thành tổng công trình sư. Một hôm có vài cán bộ trẻ bên cơ quan cũ tìm đến gặp hỏi anh:
- Tại sao anh ở cơ quan cũ thì bị đổ tội ngang bướng, còn sang đây thì tiến nhanh như vậy?
- Có gì đâu, vì ở cơ quan cũ mình luôn luôn vẫn bị coi là con cháu. Sang đây, mình đứng thẳng lưng lên, đệ trình tài liệu với sếp “Thưa anh, tôi thấy ta nên làm thế này…” Mình làm việc như một công dân, một người trưởng thành, tự tin về bản thân, không cúi lom khom cóm róm như con cháu nữa, mình cứ chiểu theo lý mà làm, chiểu theo lý mà đồng ý hay bác bỏ, vì thế mà mình tiến bộ không phải nhanh mà như năng lực cũng như sự thật về bản thân mình.
- Anh dũng cảm thật? Anh có khuyên gì bọn em không?
- Chúng ta phải dám trưởng thành. Cá nhân trưởng thành mới có gia đình trưởng thành, và dân tộc trưởng thành. Sự trưởng thành đó chỉ có thể có nhờ tinh thần công lý và lập hiến. Một quốc gia mà không sống lập hiến chỉ là một bộ lạc bán khai.
Mà muốn lập hiến chúng ta buộc phải tiến bộ bằng cách chui khỏi mái nhà tình cảm để bước trên con đường công lý. Tôi nói thế có đúng không?
- Chẳng lẽ còn cách nghĩ tiến bộ nào khác hơn?
Mong rằng những câu chuyện lấy từ thực tế này có thể thay thế cho lời kết bài viết của tôi.