Hôm rồi, tôi được chị bạn mời
sang nhà ăn cơm tối cùng gia đình. Trong hình dung của tôi, đó sẽ là một bữa
cơm đầm ấm khi mọi người quây quần bên mâm cơm vừa ăn vừa trò chuyện. Tôi vốn
là một người tha phương lâu năm, những bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong
gia đình, tính ra mỗi năm chỉ được một hai lần. Chính vì vậy, tôi đã rất háo
hức chờ đợi về bữa cơm ấy.
Nhưng đã không có bữa cơm nào như
vậy vì ngay khi tôi vừa dắt xe vào cổng nhà, chị bạn đã rối rít: Hôm nay cả nhà
mình ra quán X nhé… Tôi vội vàng giấu kín nỗi hụt hẫng vào lòng bởi vì lúc đó
tôi mình biết không có quyền lựa chọn.
Có lần, tôi đọc được ở đâu đó,
một truyện ngắn ngắn đại thể như thế này: có vợ chồng nọ lâu ngày về thăm quê,
để khỏi nấu nướng rườm rà, tối hôm đó hai vợ chồng cùng đề xuất để cả nhà đi ăn
ở nhà hàng. Khuya đó, người vợ nghe dưới bếp có tiếng lạo xạo liền đi xuống thì
bắt gặp mẹ chồng đang… lục nồi. Giọng bà run run: Hồi nãy ở nhà hàng, mẹ chẳng
ăn được gì. Mẹ thèm cơm nhà quá!.
Mẹ thèm cơm nhà quá!. Câu trả lời
của bà mẹ kết lại truyện ngắn vỏn vẹn chưa đến 100 chữ. Sức nặng của truyện
ngắn ngắn đó cũng chính từ câu trả lời này. Nó khiến người đọc rưng rưng xúc
động và sau đó là cảm giác giật mình. Giật mình tự hỏi: lâu nay mình đã được ăn
bao nhiêu bữa cơm nhà? Cơm nhà thực chất là những bữa cơm của gia đình, nó
thường được chuẩn bị từ bàn tay khéo léo của các bà, mẹ, vợ hay các chị em gái
trong nhà. Vậy nên, những bữa cơm một phần thể hiện vai trò không kém phần quan
trọng của những người phụ nữ trong gia đình, đó là xây tổ ấm bên cạnh vai trò
xây nhà của đàn ông.
Trong những bữa cơm từ xưa tới
nay của người Việt, bao giờ cũng có những món ăn như canh, một món mặn, một món
rau luộc hoặc xào. Chỉ đơn giản vậy thôi mà đầm ấm, mà nuôi lớn biết bao thế
hệ. (Tất nhiên, sau này khi đời sống khá giả hơn thì những bữa cơm cũng sang
trọng hơn, thức ăn không chỉ phong phú, đa dạng mà cũng được trình bày rất bắt
mắt). Và những bữa cơm ấy không chỉ ăn để no, mà ăn còn để thấu hiểu tình yêu
thương mà những người phụ nữ trong nhà đã gửi gắm vào đó.
Hồi nhỏ, mỗi lần mẹ chuẩn bị bữa
cơm cho cả nhà, tôi vẫn thường quanh quẩn trong bếp ngắm nhìn mẹ nấu. Không
hiểu sao tôi rất yêu khoảnh khắc đó: một người mẹ tần tảo, lo lắng từng bữa ăn,
mẹ chăm chút cho từng món ăn để không bị mặn quá mà cũng không bị nhạt quá.
Khoảnh khắc đó không thể thiếu những thanh âm của bát đũa chạm vào nhau xôn
xao, của tiếng vung nồi lanh canh.
Có lần do đổ ít nước nên nồi cơm
bị sống, tôi thấy mẹ hớt hải lấy một chiếc que chèn chặt vung nồi trước khi úp
lại trên kiềng rồi châm lửa đun. Cuối cùng nồi cơm cũng chín, bữa ăn được dọn
ra, mọi người vui vẻ ăn như tất cả những bữa ăn trước đây. Bởi vậy mới thấy,
một bữa ăn là cả một sự nỗ lực của những người làm bếp với biết bao thảo thơm
trong đó.
Cuộc sống hiện đại với đầy bon
chen giành giật dường như khiến mọi người sống gấp gáp hơn. Mỗi một phút giây
trôi qua để lại biết bao tiếc nuối vì thời gian là vàng là bạc. Chính vì vậy,
thay vì cặm cụi nấu những bữa cơm cho gia đình, nhiều người chọn ra nhà hàng để
khỏi tốn công sức lẫn thời gian. Đó là một trong những lý do khiến bữa cơm gia
đình dần dần mất đi.
Khi những bữa cơm gia đình không
còn được duy trì, bếp núc lạnh tanh, bát đũa cũng không còn chạm vào nhau xôn
xao, không ai còn cảm nhận được những thương yêu đến từ những món ăn dù là cầu
kỳ hay đơn giản… Và chắc chắn đến một lúc nào đó người ta sẽ thấy điều mình
đánh mất có giá trị gấp vạn lần vàng bạc.
Nguồn:
htlove.org