Cha - con và tư tưởng thực dân

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, các chính trị gia đã sử dụng cụm từ “các quốc gia thuộc thế giới thứ ba” để chỉ các nước trung lập thuộc phong trào không liên kết. Sau đó, cụm từ này dần trở nên phổ biến trong diễn đàn quốc tế với hàm ý liên hệ đến sự lạc hậu, bất lực và chiến tranh triền miên kèm theo những hình ảnh đói kém đến cùng cực, nhất là ở các nước châu Phi.

Hai phần ba số thành viên của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh là Liên hiệp quốc vô hình trung đã bị nhìn như vậy và rất nhiều trong số đó đã tỏ ra bất bình cũng như có những phản ứng mạnh mẽ với cách sử dụng ngôn từ này. Do đó, những từ ngữ khác đã được sử dụng thay thế nhằm tránh bị chỉ trích là mang giọng điệu của chủ nghĩa thực dân. Một trong số đó là cụm từ “các quốc gia đang phát triển” rất phổ biến hiện nay.

Thực ra, bản thân cụm từ “thế giới thứ ba” chẳng có gì là xấu cả. Theo Ferdinand de Saussure, người lập nên nền móng cho ngành ký hiệu học (semiotics), ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu biểu thị các ý nghĩa nào đó.

Con người cố ý gán ghép các ý nghĩa chìm vào các ký hiệu ngôn ngữ rồi chia sẻ và lưu giữ chúng trong giao tiếp với nhau. Có loài cá biển rất ngon bị gán cho là cá dở. Có loài hoa rất xinh và có ích được gán cho cái tên là hoa cứt lợn.

Tất nhiên, sự gán ghép nghĩa này là cả một quá trình mang tính giao tiếp và văn hóa mà các doanh nhân, có lẽ là những người hiểu rõ hơn ai hết khi cố gắng xây dựng thương hiệu ấn tượng và dễ nhớ cho sản phẩm của mình.

Đôi khi, sự gán ghép ký hiệu ngôn ngữ và ý nghĩa văn hóa này tạo ra những hiệu ứng mãnh liệt trong suy nghĩ và cảm giác của con người. Những nghiên cứu về chủ nghĩa hậu thực dân đã chỉ ra một trong những vết tích của chủ nghĩa thực dân là các ngôn từ biểu đạt sự tiếc nuối quá khứ đô hộ đã mang lại cho một vài người cảm giác quyền lực cao hơn kẻ khác. Bằng cách nào đó, các ngôn từ này có thể được lồng ghép vào các sản phẩm văn hóa như phim ảnh hay báo chí truyền thông.

Edward Said, tác giả của cuốn sách kinh điển Đông phương luận (Orientalism), cho rằng chủ nghĩa hậu thực dân tồn tại sau phong trào giải phóng thuộc địa không chỉ qua bản chất quan hệ kinh tế Bắc-Nam mà còn qua những hàm ý văn hóa mà phương Tây quy chiếu và gán ghép cho phương Đông một cách có chủ ý để duy trì sự thống trị vô hình của mình. Trong thời kỳ đó, các cặp ngôn từ được sử dụng có sự liên hệ mang tính đối lập nhau để gán ghép và hợp thức hóa sự bất đối xứng về quyền lực. Nó cũng tương tự như khi những kẻ thực dân nô lệ hóa hàng triệu người ở lãnh thổ thuộc địa và giải thích đó là vì người dân bản địa “man rợ” và “ngu muội như trẻ con” và nghĩa vụ của những kẻ thực dân - cha mẹ là giáo dục và cải tạo những đứa con để đưa chúng vào cõi văn minh.

Những cặp từ tạo ra sự đối lập mang tính phân cực quyền lực văn hóa và chính trị như “văn minh - man rợ”, “lớn - bé” và “cha - con” theo đó đã lạc hậu và bị húy kỵ trên trường quốc tế. Thế giới dù vẫn nhắc đến bài học lịch sử sâu đậm về chủ nghĩa thực dân nhưng cố gắng không mang theo tư tưởng thực dân vào các mối quan hệ quốc tế, ít ra là về mặt ngôn ngữ giao thiệp và truyền thông đại chúng.

Ngày nay, dù các suy nghĩ theo kiểu thực dân vẫn còn tồn tại đó đây, nhiều quốc gia phương Tây đã nhận ra rằng đó không phải là mục tiêu văn minh mà nhân loại hướng tới. Cố thượng nghị sĩ Mỹ, William Fulbright, trong nỗ lực xây dựng các chương trình trao đổi văn hóa giáo dục quốc tế, đã nói các cá nhân ở các quốc gia khác nhau cần nhìn nhận thế giới từ góc nhìn của người khác để có sự cảm thông và hiểu biết lẫn nhau. Đó cũng là tiền đề để tạo nên một thế giới bình đẳng và hòa bình.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Nguyễn Quốc Cường, trong lần trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNN gần đây đã nói rằng trong quan hệ quốc tế và luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều bình đẳng, không có chuyện nước lớn-nước nhỏ. Chỉ có những kẻ mang tư tưởng bá đạo và tư duy thực dân mới cố tình gán ghép phỏng chiếu mối quan hệ cha - con, lớn - bé vào quan hệ quốc tế để tự tôn vinh quyền lực quốc gia. Đây chắc chắn không phải là tư tưởng có ích cho loài người vào thế kỷ 21 này.

Previous Post
Next Post