Sau khi xem màn “leo dốc” ngoạn mục của em Nguyễn Trọng Nhân kết thúc, dư luận đã dấy lên câu hỏi, 13 nhà vô địch đường lên đỉnh Olympia giờ ở đâu? Câu trả lời, chỉ duy nhất Lương Phương Thảo – nhà vô địch năm thứ 3 của giải đang sống và làm việc tại Sài Gòn, còn 12 người kia đang sống, và cống hiến cho một trong những quốc gia văn minh và hiện đại nhất thế giới – Australia.
Đáp án của câu hỏi thứ nhất đã nổi trăn trở cho hàng loạt những câu hỏi tiếp theo. Tại sao 12 nhà vô địc kia lại “vắng bóng” trên quê hương mình? Tại sao một dải đất có chiều dài hơn 2000 km, diện tích hơn 330.000 km2, đã chứa được 90tr dân mà lại không “đựng” thêm được 12 con người ấy? Phải chăng nơi đây đã quá chật chội?
Xin thưa, không chỉ 12 nhà vô địch ấy bị “lạc đường” mà hơn 70% những người con ưu tú khác của mảnh đất này ra đi không tìm được lối về. Lý do không phải vì miền đất này quá chật chội mà là lòng người nó chật, cơ chế nó hẹp, xã hội nó bất công, con người nó u minh, nó không có văn hoá trọng nhân tài, đãi hiền sĩ. Bởi vậy, dù diện tích nơi đây vẫn thênh thang nhưng lại không có đất cho “người tài dụng võ” nói cách khác là đất ở đây không lành nên “chim khôn nó không đậu”.
Trước khi nói thêm về “sự ra đi” không hẹn ngày trở lại của những người con ưu tú và trách nhiệm của người trong cuộc tôi xin phép được điểm qua đôi nét về môi trường chính trị của nước ta như sau: Nếu ai trong chúng ta đang có người thân bạn bè làm trong “vành đai” chính trị, hoặc có quan tâm đến các “vấn đề” xã hội thì ít nhiều ta cũng có được cái nhìn cơ bản về “cảnh quang” của môi trường chính trị Việt Nam, về sự nhập nhằng, nhiễu nhương của của một bối tơ vò chưa có người xở. Và nếu những bạn thật sự quan tâm đến chính trị nhưng chưa được đọc tác phẩm Đại Gia của Thiên Sơn thì quả là một thiệt thòi lớn. Những câu chữ trong tác phẩm ngàn trang ấy tựa như một bản CÁO TRẠNG ĐẦY ĐỦ NHẤT, TRUNG THỰC NHẤT về tội ác của nhà cầm quyền và giới trọc phú trong xã hội Việt Nam đương thời.
Tác giả không những gióng lên hồi chuông báo động đỏ về sự tha hoá và xuống cấp đạo đức trầm trọng của giai cấp quan tham, trọc phú và con buôn, mà còn là tiếng thét gào bi ai của những thân phận cơ hàn, thấp cổ bé họng, những nạn nhân của xã hội nhiễu loạn và cả những tiếng thở dài bất lực của của một bộ phận người tri thức – những nhân tài bị thất sủng, bị trù dập, bị đè đầu cởi cổ. Dù tôi có đọc một số tài liệu lịch sử và chính trị của Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Trung Đông, Singapore, Hàn. Nhưng tôi chưa thấy tác phẩm nào có thể vẽ nên bức tranh sinh động, rõ nét và chân thực về một xã hội đương đại như tác phẩm này.
Đọc Đại Gia, ta không chỉ như được xem những trò “ảo thuật” của các chính trị gia và tầng lớp thượng lưu trên sân khấu mà chúng ta còn được ngó thấy những mảng miếng thấp thoáng hai bên cánh gà và phía sau hậu trường. Một cái nhìn đa chiều, khách quan, và chân thực. Chỉ tiếc tác phẩm đã bị nhà nước cấm bán ngay trong lần xuất bản đầu tiên, số lượng được bán ra (trước khi cấm) là vô cùng ít ỏi. Tôi là một trong những người may mắn vì đã nhanh tay chụp được nó.
Để miêu tả về tác phẩm Đại Gia một cách chi tiết và rõ nét hơn tôi xin phép được mượn đoạn trích của tác giả Park Chung Hee viết về đất nước Hàn Quốc những năm 1960 trong cuốn sách đầu tay của ông mang tên “Con đường đi của đất nước chúng ta“, xuất bản năm 1961.
“…Trong bối cảnh đó, ý tưởng nguy hiểm đã thắng thế rằng bất kể kẻ khác sống hay chết, bất kể số phận quốc gia mất hay còn, miễn là bản thân tao sung túc no đủ, miễn là gia đình tao giàu sang, miễn là bạn bè tao giành được phần ngon so với bọn khác. Những kẻ láu cá được coi là các gã chơi đẹp, thông minh, còn những người làm tròn bổn phận lại bị coi là ngu ngốc và khờ dại. Những viên chức chính quyền trung thực và liêm khiết không nhận hối lộ thì bị chế độ hắt hủi như kẻ lập dị, còn lũ bê bối và kiếm chác được coi là tất yếu và những ai không làm như vậy bị coi là kỳ cục, điên rồ…
Đó là một thế giới mà trong đó, nắm đấm mạnh hơn luật pháp, là một cộng đồng trong đó chỉ có tiền bạc và con ông cháu cha mới được coi trọng, là một xã hội mà trong đó những người không có quyền hành, không có quan hệ với đám quan chức, và không có tiền bạc thì bị xem rẻ và đá ra rìa không thương tiếc. Đó là một xã hội mà trong đó nghịch lý được coi là logic, sự bất công và phi pháp thịnh hành. Mọi thứ đều bị đảo ngược. Đó là một xã hội của những giá trị đảo ngược..”
Những gì Park Chung Hee viết về Hàn Quốc cách đây nữa thế kỷ chẳng khác gì Thiên Sơn viết về Việt Nam năm 2011.
Đọc báo đọc sách nhiều tôi nhận thấy một luồng dư luận chung rằng, đa số chúng ta đều trách móc xã hội này. Nhưng chẳng mấy ai chịu hiểu chính chúng ta là những người tạo nên xã hội. Nếu nhà nước không biết nhìn người, trọng người và dùng người thì ta hãy học cách tự dùng mình. Không ai khác chính chúng ta phải tự ý thức để gánh vác trách nhiệm cũng như vai trò của mình để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn đói nghèo, lạc hậu chứ không phải ai đó, một vị cứu tinh nào đó. Chúng ta có thể tạm thời phải chấp nhận chảy máu chất xám vì nhát dao của thời đại, của thể chế nhưng chúng ta đừng để lãng phí chất xám ngay bên trong bản thân mình vì như thế không những ta có tội với đất nước mà còn có tội với chính bản thân ta.
Khi viết những dòng này tôi đã cố ngước cổ lên phóng tầm nhìn xa khơi để dò tìm nguyên nhân sâu xa gây ra “vết thương” làm chảy máu chất xám. Trong khoảng không rộng lớn đó tôi nhìn thấy một con “bọ” bụng bự mang tên Hoa Kỳ, nó luôn săn lùng để “hút” mọi nhân vật trí thức tinh tú nhất về phía mình. Không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới này đều là “nạn nhân” của nó nếu không biết cách phòng vệ.
Trong thế giới hiện đại, khi chiến tranh vũ trang đã lùi sâu về quá khứ thì ngày nay xuất hiện một cuộc chiến mới không kém phần khốc liệt – cuộc chiến dành dựt chất xám. Trong sân chơi ác liệt này, miếng bánh dành cho những miền đất u minh, lạc hậu teo tóp đến thảm hại. Nếu chúng ta chưa tìm ra cách ngăn chặn “con dao” đang ngày càng thọc sâu vào “dòng máu chất xám” thì ta nên biết học cách “ăn mày” chất xám khôn ngoan của người Hàn, tinh thần Samurai của người Nhật và nghệ thuật đứng trên vai người khổng lồ của người Israel. Chỉ như vậy ta mới có hy tự cứu được mình trong hoàn cảnh nhiễu loạn, thối nát và gian manh của thời cuộc.
Tôi nghĩ, nếu chúng ta nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của bản thân thì sẽ nhận thấy nguyên nhân của một nền kinh tế ì ạch, lẹt đẹt, èo uột của nước ta là do giới tri thức của chúng ta chưa phát huy hết vai trò và sứ mệnh của mình. Một phần là dòng máu chất xám đang bị chia nhánh đến các xã hội văn minh; phần khác là chúng ta đang bị kiềm kẹp, bị cột, bị trói chặt, tư duy, tư tưởng và ý thức hệ bởi gọng kìm và sợi dây của chế độ. Trong bối cảnh này, nếu chúng ta không sớm thức tỉnh để tự mình ngăn chặn, phá khoá, chặt dây thì chẳng thể nào thoát được ra cái vòng xoáy luẩn quẩn nghèo nàn và lạc hậu. Dần dà, những tri thức cũng bị đẩy vào con đường “lưu manh hoá” phải dẫm đạp lên nhau để mưu sinh và tồn tại. Đó là một viễn cảnh đau thương mà tôi tin không ai trong chúng ta muốn chứng kiến và bị nhúng vào.
Trên cái mảnh đất mà những “con chim ưu tú” không thèm đậu, vậy những bầy chim “tuấn tú” đã lỡ đậu rồi phải làm sao? Tôi gọi chúng ta là những bầy chim tuấn tú là vì, nước ta hiện có hơn 9. 000 Giáo Sư, 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và 2.700.000 cử nhân đại học (theo thống kê của Gs Nguyễn Văn Tuấn). Một con số lý tưởng cho nền kinh tế tri thức. Nước ta còn có lợi thế về giao thông thuận lợi, giàu tài nguyên và một nguồn lao động trẻ dồi dào. Thế nhưng chúng ta vẫn đang mãi nằm trong danh sách “đội sổ” của thế giới về mọi mặt.
Đưa ra con số thống kê trên là tôi đang muốn nói đến vai trò và trách nhiệm của giới trí thức trong xã hội chúng ta. Tôi cảm thấy dường như họ đang dùng cái “trí” mà mình có được để “ngủ” chứ không phải để thức tỉnh và dẫn dắt xã hội, để đấu tranh cho công lý và quyền bình đẳng của con người, để ngăn chặn, bài bài trừ những con dao đang khoét sâu vào nguồn tài nguyên “chất xám” của đất nước, để cải tạo và thuần hoá mảnh đất nguy hiểm này thành mảnh ĐẤT LÀNH, phì nhiêu và màu mỡ, để những “con chim” khôn dù đã sãi cánh bay xa cũng sẽ bị “quyến rũ” và luôn sẵn lòng quay về đất mẹ, để cải tạo, cống hiến và dựng xây quê hương đất nước.
Bây giờ, đã đến lúc chúng ta ngồi lại để nhìn thấu vào sự thật, nhận lãnh vai trò và trách nhiệm của chính mình. Dẫu biết rằng chẳng dễ gì để xoay chuyển càn khôn. Để thức tỉnh và dẫn dắt một xã hội u minh và phá bỏ gông cùm của những kẻ khổng lồ quyền lực không phải là việc sớm chiều. Nó là một cuộc chiến trường kỳ và dai dẳng, cần phải hợp nhất được lòng dân và công lý, mà ở đó nhóm người trí thức nắm vai trò chủ chốt. Chỉ có như vậy thì bình minh mới có ngày ló rạng, và “chim khôn mới có đất để đậu”.
Hãy tin rằng nếu Hàn Quốc làm được ta cũng làm được, nước khác làm được nước ta cũng làm được. Nó là trách nhiệm chung của mỗi chúng ta chứ không phải ông quan tướng hay thái quốc nào cả.