Tiếng Anh cũng như tiếng Việt đều có hai chữ riêng biệt để nói lên sự khác nhau của cô độc (aloneness) và cô đơn (loneliness). Cô độc có nghĩa về thể lý, chỉ trạng thái một mình, không có ai khác ở chung quanh. Cô đơn là trạng thái tinh thần, cảm thấy bị tách biệt khỏi mọi người, dù đang ở một mình hay đang có nhiều người chung quanh. Vì thế người ta thường phân biệt là người sống cô độc chưa chắc đã cảm thấy cô đơn, và ngược lại có người vẫn cảm thấy cô đơn dù không ở hoàn cảnh cô độc.
Trong cuộc sống không ai không có lúc cảm thấy cô đơn. Có rất nhiều lý do khiến một người cảm thấy cô đơn. Cô đơn khi không có ai ở bên cạnh để chia sẻ niềm vui hay nỗi buồn, để nói những điều muốn nói, để được thông cảm hay ủi an. Cô đơn khi có một hay nhiều người bên cạnh nhưng chẳng ai hiểu mình, chẳng ai chịu lắng nghe những điều đang làm cho mình bận tâm, lo lắng, khổ sở hay buồn sầu. Cô đơn khi phải làm một công việc nhàm chán, không hứng thú. Người luôn bận rộn sẽ cảm thấy cô đơn khi không có gì để làm. Nỗi buồn bị khước từ, bị làm ngơ, bị coi thường, nhục mạ, hiểu lầm, v.v... thường làm cho một người cảm thấy rất cô đơn. Mặc cảm thua kém cũng thường làm cho một người mang tâm trạng cô đơn khi đến gần những người giỏi giang hay khá giả hơn mình. Đứng trước một thất bại ê chề, hoặc một khó khăn quá lớn không biết phải giải quyết bằng cách nào cũng khiến cho một người chợt thấy rất cô đơn. Và còn rất nhiều lý do khác...
Người mang tâm trạng cô đơn thường tìm cách chạy trốn tâm trạng này vì không dám đương đầu với nó.
Có nhiều cách để một người ứng xử với trạng thái cô đơn của mình. Có những người chạy trốn cô đơn bằng cách tìm đến chỗ đông người, đi gặp một ai đó, hoặc nhắc điện thoại lên gọi tứ tung. Mục đích là để được trực tiếp giao lưu với người khác. Cũng có người tìm cách giao lưu với người khác một cách gián tiếp, như xem ti vi, phim ảnh có nhiều diễn viên sống động, đọc một cuốn truyện có nhiều nhân vật liên hệ với nhau, hoặc nghe nhạc, đọc sách để tìm xem các nhạc sĩ, ca sĩ, hay tác giả muốn chia sẻ với mình điều gì... Ngày nay, với những kỹ thuật tân tiến, người ta không nhất thiết phải rời nhà để tìm đến chốn đông người, mà chỉ cần ngồi vào trước cái máy tính là có thể đi vào thế giới ảo của internet, vào những chat room hoặc diễn đàn là tha hồ trao đổi đủ thứ chuyện trên trời dưới đất với những người bạn không chân dung.
Có những giao tiếp mang tính cách ồn ào, có những giao tiếp mang vẻ tĩnh lặng, nhưng đều là giao tiếp giữa mình và một hay nhiều người khác. Nói chung, khi cảm thấy cô đơn, rất nhiều người có khuynh hướng tìm cách bấu víu vào người khác.
Trạng thái cô đơn nói lên điều gì? Trước hết ta cảm thấy cô đơn khi một mình phải đương đầu với hoàn cảnh trước mặt, và vì không đủ sức để đương đầu nên ta chỉ muốn chạy trốn ra khỏi hoàn cảnh đó, để đi tìm sự trợ giúp của đồng minh, hoặc tạm gác hoàn cảnh đó sang một bên và mong nó sẽ tự biến đi. Cô đơn nói lên trạng thái sợ hãi, và nỗi sợ hãi này tuy tiềm ẩn chứ không lộ rõ nét, nhưng nó có thể rất ghê gớm. Sợ hãi điều gì? Thưa, hình như nó rất gần với nỗi sợ hãi về sự chết. Vì theo cách nhìn bình thường. quả là không còn sự cô đơn nào tuyệt đối cho bằng sự cô đơn khi chết. Khi chết, ta hoàn toàn bị tách rời khỏi mọi người, mọi sự việc, hoàn toàn bị tách rời khỏi sự sống. Về thân xác, ta không còn hiện hữu như mọi người đang hiện hữu. Nếu tin có linh hồn, thì sự hiện hữu của linh hồn sau khi chết không còn được biết đến bởi những người đang còn sống. Ai cũng nghĩ rằng sau khi chết mình sẽ phải một mình đương đầu với "thế giới bên kia" mà ta chưa hề biết nó như thế nào. Cô đơn là thấy sự hiện hữu của mình không được người khác biết đến, đời sống của mình vẫn tiếp tục với những khó khăn nhưng không có bạn đồng hành, vì thế cảm giác cô đơn gần giống như một nhắc nhở về sự chết, mặc dù ta có ý thức được sự nhắc nhở đó hay không.
Qua những cách chạy trốn tâm trạng cô đơn nói trên, có thể nói rằng sự cô đơn khơi động bản năng sinh tồn cùng đồng loại, và dẫn ta đến sự liên kết, hoà hợp với sự sống của muôn loài. Sự kết hợp đó xác định giá trị của sư hiện hữu của mỗi người, và sự kết hợp đó làm tăng sức sống chung cho tất cả. "Hợp quần gây sức mạnh", "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao"... vì khi có nhiều người tụ họp lại và nhất là cùng hướng vào một việc chung, thì năng lượng tổng hợp của 1 + 1 + 1 sẽ không phải là 3, mà là 5, 6 hoặc mấy lần nhiều hơn. Ngược lại, những người không thoát ra được và cũng không đương đầu được được với nỗi cô đơn dằng dặc của mình, có lẽ là những người đã đánh mất bản năng sinh tồn đó.
Vì cô đơn khơi dậy bản năng sinh tồn, nên người ta thường biết cách đi tìm lối thoát cho mình, và đa số thường theo kiểu "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Theo kiểu xếp hạng những nhu cầu của con người theo Abraham Maslow (1908-1970) thì sau những nhu cầu sinh tồn như cơm ăn, áo mặc, nhà ở, công ăn việc làm... thì nhu cầu kế tiếp là được làm một phần tử của một hay nhiều tập hợp, và nói cho đúng là được chấp nhận, hoà nhập, và được yêu thương bởi những những phần tử khác trong tập hợp đó. Những tập hợp này là gia đình, những nhóm bạn hữu, những đoàn thể hoặc tổ chức khác nhau. Những tập hợp lớn hơn là các cộng đồng đạo hoặc đời. Nơi trường học, ngay từ cấp tiểu học, trẻ em cũng đã biết tìm những đưá bé khác hợp với mình để có một nhóm chơi chung vào giờ chơi, và có nhiều em nhỏ cũng đã mang tâm trạng cô đơn khi chẳng nhóm nào muốn cho em vào. Các bậc cha mẹ rất cần hỏi han và tìm hiểu xem con mình có bị khước từ nhiều lần và mang tâm trạng cô đơn hay không, để giúp em biết cách ứng xử với hoàn cảnh của mình một cách hữu hiệu.
Có những trường hợp không tìm được sự bấu víu vào người khác vì không ai cảm thông được với mình, một người có thể đi đi tìm quên chính mình trong sự nghiện ngập, và ngược lại sự nghiện ngập cũng thường đưa một người đến chỗ rất cô đơn. Không phải chỉ nghiện những chất làm cho mình nghiện như ma túy, rượu bia hoặc thuốc lá, nhưng nghiện vì tâm lý nữa, như nghiện ăn hoặc ngủ quá nhiều. Đời sống ở Mỹ mang nặng tính cá nhân chủ nghĩa, gia đình ít con, cha mẹ và con cái thích chọn cho mình đời sống độc lập, nên khi con cái trưởng thành và cha mẹ đã già, mỗi người có một đời sống riêng. Cha mẹ, anh em, họ hàng ở xa nhau, hàng xóm thì chẳng mấy người quen biết nhau, nên người ta rất dễ cảm thấy cô đơn. Thêm một nỗi, các hãng sản xuất thức ăn vặt và nước ngọt ở Mỹ lại tranh nhau sản xuất và quảng cáo tối đa, nên số lượng người giải khuây bằng việc ăn uống cũng rất cao. Ngồi coi ti vi hằng giờ, cơ thể không hoạt động, trong nhà lúc nào cũng sẵn nước ngọt và những món ăn vặt vừa nhiều đường vừa nhiều chất béo. Nhiều thống kê cho thấy nhiều người béo phì cũng là những người rất cô đơn. Càng béo phì càng mặc cảm, càng cô đơn nhiều hơn. Đúng là cái vòng lẩn quẩn.
Ngược lại có những người vì cô đơn nên không còn thiết tha với bất cứ việc gì, kể cả việc ăn uống. Những người già ở cô quạnh một mình thường rơi vào tình trạng này. Ăn quá nhiều hay ăn không đủ, ngủ quá nhiều hay không ngủ được, đều là trạng thái mất quân bình, dễ đưa đến bịnh hoạn về thể xác hoặc tình thần, và cơ thể không đủ sức chống đỡ được bịnh hoạn như người bình thường. Nhiều người rơi vào trạng thái trầm cảm, và không ít người đã chọn cái chết và tự kết liễu đời mình. Khi quá cô đơn, có lẽ rất dễ thấy rằng sự có mặt của mình trên đời này không đáng kể, còn đang sống mà không khác chi đã chết rồi, nên thà lo 'trả nợ thần chết' cho xong, còn hơn là kéo dài sự giằng co không biết đến bao giờ.
Tuy con người ai cũng sợ cô đơn, sợ bị tách rời và cô lập, nhưng cũng chính con người hay dùng sự khước từ như một thứ quyền hành để đối xử với nhau. Những tù đày (khước từ sự tự do), án tử hình (khước từ sự sống), những kỳ thị (khước từ sự bình đẳng), những ghét bỏ, khinh khi (khước từ giá trị), những thờ ơ, lãnh đạm, quay lưng và bỏ rơi (khước từ sự liên hệ vốn có)... luôn xảy ra giữa con người với con người từ ngàn xưa cho đến bây giờ.
Chúa Giêsu hơn ai hết đã hiểu rõ thảm cảnh xã hội này và Ngài luôn đứng về phía những người bị khước từ. Những người bị khước từ vì bệnh hoạn, khuyết tật, vì nghèo khổ, vì tội lỗi... đều được Ngài đón nhận, chữa lành và chở che. Người ví mình như một chủ chăn lo lắng đi tìm những con chiên lạc đàn, lẻ loi. Nhưng chính Ngài, cuối cùng lại bị khước từ bằng tất cả mọi hình thức trong suốt đêm cuối cùng.
Người Kitô hữu, khi nhận mình là môn đệ của Chuá Giêsu và muốn sống như Ngài đã sống, thiết tưởng cần biết cách ứng xử với những lúc cảm thấy cô đơn, và giúp người khác thoát khỏi trạng thái cô đơn của họ bằng những vòng tay mở rộng và đón nhận, những lắng nghe và cảm thông. Khả năng ứng xử với trạng thái cô đơn cũng nói lên mức độ trưởng thành về mặt tình cảm, trí tuệ, và tâm linh của người Kitô hữu trên bước đường theo học Chúa Giêsu.
Có nhiều cách để thấy cô đơn chẳng có gì là đáng sợ, đôi khi còn là sự cần thiết, nhất là đối với những người có một cuộc sống quá bận rộn. Có những người thay vì luôn tìm kiếm sự giao tiếp với người khác, thì ngược lại rất thích có dịp được tách rời khỏi mọi người trong một thời gian, vì họ cần sự tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng rất cần thiết để một người tập trung vào một việc nào đó, dù đó là việc chân tay hay trí óc. Khi đó, tuy không ai khác có mặt, nhưng công việc đang có mặt. Ta và việc, việc và ta. Và việc thường liên quan đến người khác. Việc đưa đến sự hoàn tất một sản phẩm như đồ dùng, hay một tác phẩm tinh thần như một cuốn sách, một bản nhạc, một bức tranh, một vở kịch, một hoạ đồ, một kế hoạch làm việc, v.v... Tất cả đều được sử dụng hoặc thưởng lãm bởi người khác. Những người này có thể cũng cảm thấy cô đơn lúc ban đầu khi vừa tách rời khỏi mọi người, nhưng sau đó thường đi ngay vào sự đam mê của công việc, hoà nhập với sự sáng tao của mình, và dù biết hay không biết, họ cũng đang góp phần vào sự hiện hữu và tồn tại của mạch sống. Dù biết hay không biết, họ cũng cũng góp phần vào công việc của Thượng Đế, của Đấng sáng tạo và làm chủ mạch sống của muôn loài.
Sự tĩnh lặng cũng rất cần thiết cho việc cầu nguyện và chiêm niệm. Trong lúc cầu nguyện chỉ có một Đấng thiêng liêng ta tìm đến và chính mình mà thôi. Ai cũng có lúc gặp những vấn nạn, những khó khăn trong cuộc sống. Những người biết có Đấng Khôn Ngoan để tìm đến vấn kế, chắc chắc sẽ nhận được sự hướng dẫn vượt hẳn sự khôn ngoan bình thường của chính mình. Và khi ta 'vấn kế' với Đấng ta tin tưởng hơn cả, Đấng vĩ đại hơn cả, thì chỉ cần Đấng ấy biết đến sự hiện hữu của ta là đủ
Thay vì cầu nguyện, một người có thể thích đi tìm sự giao tiếp với thiên nhiên, gồm vũ trụ bao la hoặc cây cỏ, súc vật... Và sẽ có những lúc họ chợt nhận ra sự hiện hữu vĩnh hằng và đầy quyền năng của Đấng đã tác tạo ra mọi sự và làm chủ tất cả những gì hiện hữu và tồn tại trong thiên nhiên. Họ cũng nhận ra sự hiện hữu của mạch sống nơi muôn loài, mạch sống đó bắt nguồn từ đâu và tồn tại ra sao.... Khi đó, họ cảm thấy được sự hiện hữu của chính mình cùng lúc với sự hiện hữu của muôn loài trong một bức tranh tổng thể, một bức tranh thể hiện được sự sống mãn liệt, một sự sống bao la và vĩnh hằng. Và tác giả của bức tranh đó chính là thương đế, là Thiên Chúa, là Đấng nơi sự sống xuất phát ra. Nếu nhận biết được sự hiện hữu của mình trong bức tranh đó, thì cũng cảm thấy sung sướng được tác giả bức tranh đó biết đến. Tuy tác giả vĩ đại và cao siêu quá, ta không đủ sức nhận ra Ngài, nhưng được Ngài biết đến và không quên "vẽ" ta trong bức tranh tuyệt hảo đó, thử hỏi còn gì hạnh phúc hơn?
Một số người theo phương pháp thiền, dùng sự thinh lặng bên ngoài và thinh lặng bên trong để 'biết'. Tuy sự 'biết' này không diễn đạt được bằng ngôn ngữ, nhưng có thể mượn tạm câu nói của Descarte “tôi suy tư vậy tôi hiện hữu”, và sửa lại thành "tôi biết, vậy tôi hiện hữu". Như thế, sự hiện hữu của tôi được biết đến bởi chính tôi là đủ, dù người khác có biết hay không.
Tóm lại, sự hiện hữu của mỗi người là một điều trọng đại đối với dòng sống của muôn loài trong vũ trụ, và ý thức được sự hiện hữu của chính mình cũng là điều then chốt của từng người. Vì sự hiện hữu thật sự không nằm trong giới hạn giữa hai điểm sinh và tử, không bị giới hạn bởi xác thân, bởi không gian và thời gian. Đó là sự hiện hữu vĩnh hằng được chính Đấng Tự Hữu và Vĩnh Hằng tạo ra và được kết hợp với Đấng ấy. Như vậy không thực sự có tình trạng cô đơn hay cô độc, và cái chết chỉ là bước chuyển tiếp của sự hiện hữu vĩnh hằng. Vấn đề là ở chỗ không phải tất cả mọi người đều tự ý thức về sự hiện hữu thực sự này của chính mình, ngay cả khi thân xác còn đang sinh hoạt bình thường ngày hôm nay. Và không mấy ai luôn ý thức được sự hiện hữu vĩnh hằng của mình trong mọi lúc ...