Sự ích kỷ dường như đã nằm sẵn trong bản ngã của con người ngay từ lúc mới sinh ra. Và khi biết nhận thức thì cái mầm ích kỷ đó cũng bắt đầu trỗi dậy. Tốc độ phát triển của cái mầm ấy nhanh hay chậm tùy thuộc vào bản lĩnh, khả năng kiểm soát bản thân của mỗi người.
Sự ích kỷ dường như đã nằm sẵn trong bản ngã của con người ngay từ lúc mới sinh ra. Và khi biết nhận thức thì cái mầm ích kỷ đó cũng bắt đầu trỗi dậy. Tốc độ phát triển của cái mầm ấy nhanh hay chậm tùy thuộc vào bản lĩnh, khả năng kiểm soát bản thân của mỗi người.
Khi người khác có được điều gì đó tốt hơn mình, nhiều hơn mình, người ta đố kỵ.
Khi người khác có được điều mà chính mình mong muốn, người ta đố kỵ.
Ngay từ bé, những đứa trẻ đã bắt đầu tỏ ra đố kỵ khi bạn bè, anh chị em được chia cho phần quà nhiều hơn, phần ăn ngon hơn hay được mua quần áo đẹp hơn, đồ chơi nhiều hơn… Lớn hơn chút nữa, chúng thậm chí còn đố kỵ khi nhà bạn này bạn kia giàu hơn, bạn ý được bố mẹ đưa đến trường bằng ôtô, hay bạn ý có căn phòng đẹp hơn mình…
Khi đi học, bạn bè lại tiếp tục đố kỵ nhau về điểm số, về việc ai được thầy cô giáo yêu quý hơn…
Và khi trưởng thành, người ta bắt đầu đố kỵ bởi những cái lớn hơn như công việc của tốt hơn, lương cao hơn, vị trí cao hơn, được sếp nhân nhượng hơn… Một số người thì vẫn đố kỵ bởi không ít cái nhỏ nhặt như: Cô ấy xinh hơn, dáng đẹp hơn, có nhiều quần áo đẹp hơn, được nhiều người yêu mến hơn…
Cấp độ của sự đố kỵ tỷ lệ thuận với sự ích kỷ trong con người. Sự ích kỷ càng lớn, người ta càng đố kỵ với những điều nhỏ nhặt hơn, với tất cả mọi thứ mà người ta “hơn” mình…
Vâng, cũng chỉ bởi một chữ “hơn”! Người ích kỷ thường không mong muốn ai hơn mình, luôn muốn mình có được những điều tốt đẹp nhất.
Một trong những điều gây ra cái “khổ” cho con người chính là do họ thích quan tâm đến chuyện người khác rồi đem so sánh với mình… Mà tất cả mọi sự so sánh vốn khập khiễng, người ta mấy ai hài lòng về bản thân và lòng tham thì lại là không đáy.
Sự đố kỵ chính là một “cái khổ” của con người! “Nhìn lên thì chẳng bằng ai…”, những người ích kỷ, hay đố kỵ lại chỉ nhớ vế này mà quên mất vế sau: “nhìn xuống chẳng ai bằng mình”. Nếu họ cứ suốt đời đi so sánh để rồi thấy mình thua đường này, kém đường kia thì không bao giờ họ có thể hài lòng và sống thanh thản, hoàn toàn vui vẻ được.
Xóa bỏ được sự đố kỵ, lòng ích kỷ cũng chính là xóa bỏ cái “khổ” cho bản thân. Để chữa lành “căn bệnh” đố kỵ, cần triệt tiêu cái gốc rễ “ích kỷ”. Mỗi con người cần biết tiết chế bản thân, tiết giảm dần lòng ích kỷ và thay thế vào đó sự vị tha, cao thượng, phóng khoáng… Nên mừng cho người khác khi họ có được may mắn, đạt được những điều tốt đẹp… Cần nhìn những thứ người khác hơn mình để làm mục tiêu phấn đấu, vươn lên cho chính bản thân chứ không phải nhìn vào đó mà ghen ghét, đố kỵ và mong cho họ mất đi những điều đó, thậm chí mong lấy được những thứ đó từ tay họ. Nếu khả năng không thể cố gắng, hãy cố học cách hài lòng với những gì mình có.
“Ông trời vốn không cho ai tất cả”, bạn tin vào điều đó đi. Cái bạn nhìn được chỉ là những thứ mà họ hơn mình chứ chưa thấy được những điều họ không bằng bạn hay những vất vả, gian khổ, nỗ lực… mà họ phải trải qua để có được những thành quả hiện tại.
Chẳng gì bằng “dạy con từ thuở còn thơ”, những bậc cha mẹ, ngay từ khi con còn nhỏ, nên chú ý dạy trẻ cách chia sẻ với bạn bè, anh chị em để bé không ích kỷ. Nhờ đó cái mầm ích kỷ không có cơ hội nảy nở, phát triển, để bé lớn lên không mang theo tính cách này vào cuộc sống.
Vậy, bạn sẽ lựa chọn dứt bỏ cái khổ của sự “đố kỵ” hay cứ giữ lấy nó như một căn bệnh, dù cho mình biết thuốc chữa?