Người đời thường nói: “Thà nghèo mà mạnh giỏi, còn hơn giàu sang mà đau ốm”. Mọi vật sanh ra trong vũ trụ không có con vật nào mà không sợ chết, sợ khổ đau và bệnh tật. Thế nên tha mạng chết cho người (ân xá), cho vật (không sát sanh) là một ân huệ lớn.
Loài vật sắp bị giết mà được tha thì nỗi vui mừng không thể tả được. Hòa Thượng Thiện Hoa dạy: “Như khi chúng ta thả một con chim sắp bị cắt cổ, nhổ lông, thả một con cá sắp đem chặt kỳ, đánh vảy. Chim được sống vui mừng bay nhảy, cũng như cá khỏi chết hớn hở lội bơi.” Vậy, không giết hại chúng sinh mà còn thả chúng sinh, là nghiệp lành đứng hàng đầu trong mười điều lành.
Chúng ta ai cũng ham sống, sợ chết, lẽ đâu lại cướp mạng sống của loài vật? Thử hỏi chúng ta tự đặt mình vào hoàn cảnh con vật xem chúng ta có còn lòng dạ nào giết hại chúng không? Đừng mượn câu: “Vật dưỡng nhân” mà cho rằng: “Trời sanh ra con vật để cho mình giết nó ăn thịt”. Vậy nếu vào rừng mình bị cọp ăn thì có phải ta là: “Nhân dưỡng vật không”? Chớ có lý luận theo kiểu ăn thịt chúng sanh mà tạo cho đôi tay luôn vấy máu và tâm hồn trở nên hung ác. Hãy quán sát và so sánh: Chúng sanh giãy giụa trên thớt, dưới dao, còn chúng ta lăn lộn trong cơn bệnh ngặt nghèo, cơ thể rã rời, đau nhức. Niềm đau, nỗi khổ của chúng ta và nỗi khổ đau của muôn loài cũng giống nhau không khác!
Muốn không giết hại chúng sinh, chúng ta hãy chế ngự và khắc phục tâm mình, đừng chạy theo sự ăn ngon của khẩu nghiệp mà tạo tội lỗi, máu đổ thịt rơi như núi, như biển. Hãy quán chiếu nỗi khổ của chúng sanh cũng là nỗi khổ của mình để tránh không sát sanh. Người tu còn phải quán chiếu ăn thịt chúng sanh như ăn thịt con mình, vì con vật hôm nay bị giết mà tiền kiếp lại là ông bà, cha mẹ của mình.
Theo luật nhân quả: “Sát sanh là cái nhân của bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn. Nợ máu xương phải nền bù bằng máu xương, dù trốn đi đâu cũng không khỏi”.
Kinh MƯỜI ĐIỀU LÀNH dạy: “Nếu ai không sát sanh thì sẽ được mười điều lợi ích” như sau:
1. Tất cả chúng sanh đều kính mến.
2. Lòng từ bi mở rộng đối với tất cả chúng sanh.
3. Trừ sạch thói quen giận hờn.
4. Thân thể thường được mạnh khỏe.
5. Tuổi thọ được lâu dài.
6. Thường được người tốt giúp đỡ.
7. Ngủ ngon giấc và không chiêm bao, ác mộng.
8. Trừ được các mối thù oán.
9. Khỏi bị đọa vào ba đường ác.
10. Sau khi chết được sanh lên cõi Trời.
Thật vậy, kẻ nào biết làm lành, làm phước, thường giúp đỡ, săn sóc người nghèo khổ, bệnh tật, tai nạn, khổ đau, v.v... thì tự thân mình ít bệnh tật, ít tai nạn. Nếu ai biết lo tạo phước lành thì ngay trong đời hiện tại thân thể được khỏe mạnh, tinh thần được thơ thới và tâm hồn lúc nào cũng an vui. Nếu thấy người nào được sung sướng, an vui, ít bệnh thì ta phải hiểu rằng đây là cái quả do nhân lành đời trước, và của đời này mà người ta được như thế.
Là phật tử, thọ năm giới hay mười giới cũng đều có giới không giết hại chúng sinh đi đầu. Không giết hại mọi vật là hành nộng từ bi, là đang học theo hạnh nguyện từ bi của chư Bồ Tát nối với vạn vật trong vũ trụ.
Học hạnh từ bi của Phật thì chẳng những chúng ta không giết hại mọi vật, mà còn phải thực tập ăn chay, không ăn thịt chúng sanh. Người xưa đã nói: “Kiến kỳ sanh bất nhẫn kiến kỳ tử”. Thấy nó đang sanh sống thì không thể nào nhẫn tâm giết hại cho đành.
Chúng tôi biết có nhiều người ở miền quê, hiểu đạo Phật, nhưng khi nuôi con gà, con vịt thì họ không muốn ăn thịt chúng vì “thấy thương”. Thấy thương nên chúng ta phải ăn chay, ăn rau đậu, không ăn thịt, cá. Lúc đầu thì mình ăn chay kỳ, mỗi tháng hai ngày, sau đó lên bốn ngày, sáu ngày, mười ngày. Rất nhiều Phật tử sau một thời ăn chay một tháng mười ngày thì họ ăn chay kỳ, nghĩa là mỗi năm ăn chay suốt tháng giêng (Thượng nguơn), tháng bảy (Trung nguơn), tháng mười (Hạ nguơn).
Người tu sĩ xuất gia theo Phật mỗi khi ăn còn phải “Tam Đề, Ngũ Quán”. Tam Đề là ăn ba miếng cơm lạt, trước mỗi bữa ăn và thầm nguyện: “Nguyện đoạn các điều ác, nguyện làm các điều lành, nguyện độ tất cả chúng sanh”. Tại Tu viện Chơn Như thì Tăng Ni và Phật tử nguyện như sau: “Nguyện sẽ không làm khổ mình, nguyện không làm khổ người, nguyện cho tất cả chúng sanh không gây đau khổ cho nhau”.
Ngũ Quán là: “Trong bữa ăn hôm nay, con nghĩ đến công lao khó khổ của bao nhiêu người làm nên thức ăn này, nguyện cố gắng tu tập tốt để xứng đáng thọ nhận những thực phẩm này, nguyện ngăn ngừa những tật xấu ác, chỉ xin nhận thức ăn vừa đủ để nuôi thân, vì muốn thành tựu đạo giải thoát và cứu độ chúng sanh nên con xin thọ nhận thức ăn này”.
Người tu sĩ của đạo Phật, khi đi kinh hành còn phải lưu ý tránh giẫmnạp, làm chết cỏ. Cỏ cây còn không làm tổn hại thì có lý nào lại giết hại mạng sống loài vật cho đành? Cho nên người nào làm đồ chay mà đặt tên đồ mặn như: “Thịt kho Tàu, gà xé phay, thịt gà xào sả ớt, xá xíu, tôm kho, mắm chay, v.v...” là còn tâm thèm ăn mặn. Người đệ tử Phật muốn thoát sinh tử luân hồi mà còn ăn mặn thì tu ngàn đời cũng không giải thoát. Nếu ai bảo rằng Phật cho phép chúng ta, kể cả các tu sĩ, được ăn thịt chúng sanh “nếu ăn không thấy, không nghe, không nghi”, thi đó là lý luận của người sau để biện minh cho “cái tâm thèm thịt”, hợp thức hóa chuyện ăn mặn của mình, nghĩa là không giữ được giới cấm giết hại chúng sanh. Trong kinh sách Nguyên Thủy, Đức Phật không có dạy điều nó. Đây là lời chân thật, xin các phật tử phải ghi nhớ và hành trì để được phước báu và tu tập có kết quả tốt. Trong kinh Nguyên Thủy, bài kinh Jivaka dạy: “Người cư sĩ cúng dường Phật và chư Tăng bằng thực phẩm động vật thì có năm niều phi công đức”. Thế sao các cư sĩ lại cúng dường thực phẩm động vật cho chư Tăng? Như vậy có đúng không?
Đức Phật đã cấm đệ tử cư sĩ “Giới thứ nhất không giết hại chúng sanh”. Thế sao các cư sĩ lại sát sanh, cúng dường thực phẩm động vật cho chư Tăng? Điều này có trái và mâu thuẫn lại với lời dạy giới cấm của Đức Phật chăng?
Tóm lại, Đạo Phật là Đạo từ bi, thương yêu tất cả mọi người, mọi loài chúng sanh, kể cả cầm thú, côn trùng, cỏ cây, đất đá...
Người đệ tử Phật giữ giới không giết hại chúng sanh là giữ gìn ĐỨC HIẾU SINH. Thử tưởng tượng một ngày mà chúng ta không ăn thịt thì biết bao nhiêu sinh mạng được thoát chết! Nếu chúng ta có “Làng Trường Chay” thì mọi người đều giữ giới sát sanh thật dễ dàng. Người người giữ giới không giết hại chúng sinh, nhà nhà giữ giới không giết hại chúng sinh thì làm gì có chiến tranh, gây cảnh máu đổ thịt rơi, cửa nhà tan nát! Ngày xưa, vào những ngày rằm lớn, tại chợ Long Hoa, Tây Ninh, vùng tôn giáo Cao Đài, không có một nơi nào bán thịt, quả là một niều hy hữu. Giết mạng thì phải đền mạng, đó là luật nhân quả. Thế nên Nức Phật dạy cho hàng cư sĩ, sau khi qui y thì phải từ bỏ sáu nghề, cũng là để trau dồi đức hiếu sinh vậy.[1] Không giết hại chúng sanh mà còn đem chúng sanh ra thả thì phước đức vô lượng.
Để kết luận bài này, chúng tôi xin ghi lại đây bài thơ của Cổ Đức để sách tấn mọi người con Phật cố gắng hành trì giới không giết hại chúng sinh để đem lại sự an vui cho mình cho người và cho muôn loài chúng sinh.
“Hàng ngày trong bát cơm ăn,
Oán sâu như bể, hận bằng non cao.
Muốn xem binh lửa thế nào,
Hãy nghe lò thịt, tiếng gào đêm thâu”.
Đúng vậy, qua bài kệ này chúng ta thấy cuộc sống của con người không bảo đảm. Những tin tức khắp nơi trên thế giới qua báo chí và điện đài truyền hình đã cho chúng ta biết gió bão, lũ lụt, động đất, núi lở, người chết, nhà cửa tan nát không nước này thì nước khác, và hơn nữa chiến tranh người giết người không nơi này thì nơi khác. Hình ảnh tang thương như vậy, thế mà con người còn chưa thức tỉnh cứ mãi mê sống trong mười điều ác.
Nhân quả rất thực tế, dân chài lưới là những người chết nhiều nhất trong những năm gần đây, hễ có lũ lụt là có hằng trăm người chết trôi. Bởi vậy người nào chuyên nghề đánh cá thì không tránh khỏi nước cuốn trôi xuống sông, xuống biển để làm mồi cho cá tôm ăn thịt.
Trưởng Lão ThíchThông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
[1] Sáu nghề không nên làm là: Không săn bắn, không hành nghề chài lưới, không buôn bán thịt sống, không buôn bán thịt chín, không làm nghề buôn bán rượu, các chất say, và không làm nghề buôn bán người (làm nô lệ, hoặc hành nghề mãi dâm).