Hơn nửa thế kỷ qua, về đủ mọi mặt, các nước trên thế giới đã có những bước nhảy vọt ngoạn mục, nhiều nước trong khu vực đã trở thành những con rồng con hổ, ngay những nước lân bang như Thái Lan, Malaysia, cũng đã bỏ xa chúng ta về sự tiến bộ, thậm chí gần đây còn phát hiện ra có lĩnh vực ta đã kém hơn hai nước Lào và Campuchia mà trước đây chúng ta cứ kẻ cả coi là các nước đàn em cần Dang tay bao bọc.
Nhìn chung, chúng ta vẫn là một nước trong tình trạng chậm phát triển, cả cái điện thoại di động với bao nhiêu chi tiết mà chỉ có khả năng làm được cái bao bì bằng các tông, đến cái ốc, cái vít cũng chưa biết khi nào mới chế tạo được. Nhưng dù chỉ với tốc độ rùa bò hay ốc sên, cuộc sống ở ta cũng có những tiến bộ dù nhỏ. Vào mùa gặt, người nông dân vẫn cắt lúa bằng liềm, bằng hái nhưng đã không còn phải dùng cái cối đá thủng để đập lúa, các nơi hầu hết đều có máy tuốt lúa. Rồi con người cũng không còn phải è cổ gánh lúa về nhà, đã có xe công nông, hay xe cải tiến được kéo bằng xe máy làm giảm sức người. Sân phơi thóc thời hiện đại không còn là cái sân gạch cỏn con một thời là mơ ước của những Lão Am một điển hình trong văn học những năm 60, thóc lúa giờ đây đã được phơi trên hàng ngàn cây số các đường quốc lộ trải dài khắp đất nước. Đi các tỉnh miền núi phía bắc, mới thấy cái điều nhà thơ Tố Hữu mơ ước 60 năm trước nay đã thành sự thực “núi rừng có điện thay sao”, người dân các dân tộc thiểu số nhiều gia đình nay đã biết đến tivi, máy tính, … dù các bản làng xa xôi nơi đường giao thông chưa kịp vươn tới cũng còn nhiều nghèo đói.
Nhưng dù có mang nhiều ưu ái, dù đã dành gần hết cuộc đời đóng góp (tất nhiên có tích cực và cũng không ít tiêu cực), gần bảy mươi năm qua tôi cũng phải thừa nhận, giáo dục nước ta đang “phú quý giật lùi”.
Sau đảo chính Nhật tháng 3 năm 1945, Hoàng Xuân Hãn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Mỹ thuật trong chính phủ Trần Trọng Kim. Trong vòng 2 tháng, chỉ với tấm bằng cử nhân (1935) và thạc sĩ (1936) Toán của trường đại học Sorbonne (Pháp) cấp, và với một nhóm cộng sự ít ỏi, ông đã “thiết lập và ban hành chương trình giáo dục bằng chữ Quốc ngữ ở các trường học. Áp dụng việc học và thi Tú Tài bằng tiếng Việt, dùng tiếng Việt trong những công văn chính thức..” (theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia). Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ tồn tại trong vòng 4 tháng nhưng các Bộ trưởng Giáo dục của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau đó là Vũ Đình Hòe, Đặng Thái Mai và Nguyễn Văn Huyên đã kế thừa chương trình do ông soạn thảo trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp ở các vùng do ta kiểm soát. Mặc dù đời sống vật chất vô cùng gian khổ, điều kiện học tập hết sức thiếu thốn, những lớp học mái tranh liếp nứa trong những cánh rừng heo hút đã đào tạo được một thế hệ thanh niên sau này hầu hết đều trở thành rường cột trong nhiều ngành khoa học ở nước ta cho tới nay.
Bước vào chống Mỹ, chủ trương “trong số lượng có chất lượng” đã đưa giáo dục nước ta đặt một chân vào thảm họa. Chỉ có điều, sự đi xuống của giáo dục lúc này không mấy ai nhận ra, người ta còn mải chú ý tới chuyện bom đạn, chuyện miếng ăn hàng ngày. Những người có tâm huyết với giáo dục khi ấy dù có cảm thấy lo lắng nhưng cũng tự an ủi, chờ sau này khi chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, độc lập, giáo dục sẽ được phục sinh làm tròn trách nhiệm với tiền đồ của dân tộc.
Chỉ tiếc rằng, đất nước thống nhất, bắc nam liền một giải, rồi đổi mới, bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã bốn chục năm, cho tới nay, sự xuống cấp của giáo dục đã không thể nào che giấu nổi, nhiều người đã phải cho rằng giáo dục “đang xuống dốc không phanh”, giáo dục “sắp chạm đáy”, giáo dục “không thể tồi tệ hơn được nữa”.…Và nhiều người biết lo xa, đã tìm mọi cách để cho con cái “tỵ nạn giáo dục” càng sớm càng tốt.
Thành công lớn nhất của nền giáo dục cũ (phong kiến và thực dân) ở nước ta theo tôi là đã bồi dưỡng được lòng ham hiểu biết cho người học. Họ không chỉ học trong nhà trường dưới sự chỉ dạy của người thầy. Chỉ cần sau những năm tiểu học, được tiếp thu những tri thưc cơ sở, mỗi người đã có thể nghe giảng các môn học bằng tiếng Pháp khi có điều kiện học lên lớp trên hay tự học. Việc học tập theo họ suốt cuộc đời dù chẳng mấy người biết tới lời của Lênin. Đã có một lớp trí thức ở ta dù bằng cấp rất khiêm tốn nhưng là những tài năng thực sự trên nhiều lĩnh vực. Những tấm gương của thầy cô giáo, những người được nể trọng trong làng xã từ những ông Cử, cụ Nghè cho tới ông hương sư là mẫu mực về sự hiểu biết, tấm gương về cách cư xử hợp đạo lý, trụ cột của các gia đình tử tế được mọi người ngưỡng mộ cũng là động lực thôi thúc lòng ham học của mỗi người khi được cắp sách tới trường. Người ta tiếp bước truyền thống coi “nhân bất học bất tri lý”, học để mở mang tầm nhìn, học để sống cho ra con người.
Từ cải cách ruộng đất, thang bậc giá trị đã thay đổi, những người tử tế, có học hành, có liêm sỉ bị coi thường trước sự lên ngôi của dốt nát và bất lương. Người ta đi học, dù có học đến đại học hay làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, vẫn không lấy sự mở mang hiểu biết là mục đích, dù đã mòn đũng quần trên ghế nhà trường vẫn không có lòng ham học. Mục đích học tập của ta hiện nay chỉ là bằng cấp, có bằng cấp cùng với cái “thủ tục đầu tiên” sẽ có điều kiện để tiến thân. Bằng thật hay giả, bằng thật nhưng kiến thức giả đã trở nên phổ biến. Một đứa trẻ miệng còn hơi sữa, mới đặt chân vào lớp 1 đã được tạo hứng thú tới trường bằng những bộ quần áo của Trạng nguyên, Tiến sĩ mong được vỗ tay chào mừng làm sao có thể thờ ơ với những giá trị ảo, những cái danh hão khi lớn lên sau này. Biết bao viên chức nhà nước, nhờ cái bằng giả (mua được từ trong nước hay sang trọng hơn, ở nước ngoài) leo lên những chức vụ cao khi bị phát hiện vẫn nghiễm nhiên tồn tại càng khiến người ta không cần học mà chỉ cần cái bằng. Có lẽ trong nhiều việc trên đời, học là công việc hoàn toàn không thể làm hộ, không thể học hộ. Con người một khi không có lòng ham học chỉ cần nhờ tấm bằng mà “công thành danh toại” quả thật là thảm họa đầu tiên cho giáo dục.
Người ta cho con tới trường là để được “nên người”, nghĩa là vừa được thêm nhiều hiểu biết để vận dụng vào đời sống (để tồn tại, để kiếm ăn) sau này và vừa được rèn luyện những phẩm chất đạo đức cho hợp với luân thường đạo lý. Nội dung học hành ở ta vừa thừa thãi vừa lạc hậu. Thừa vì những tri thức mang tính hàn lâm, chỉ có tác dụng khoe hiểu biết của người soạn sách; lạc hậu vì nhiều điều loài người tiến bộ đã ném vào sọt rác của lịch sử từ nhiều chục năm nay, thậm chí cả những điều bịa đặt hiển nhiên vẫn làm người học tốn thời gian tới cả một năm học. Cho nên, hàng chục năm học ngoại ngữ nhưng vẫn là những kẻ “vừa câm vừa điếc”; dù có cử nhân hay thạc sĩ, thất nghiệp vẫn chiếm một tỷ lệ không nhỏ vì muốn làm được nghề đã được đào tạo, người học cần được đào tạo lại, nghĩa là sau ba bốn năm học, thời gian và tiền của trở thành “nước lã ra sông”. Đó là nói chuyện dạy chữ. Còn dạy người thì sao?
Trẻ em nước ta tới trường không phải để được tạo điều kiện phát huy những năng lực cá nhân mà để dần thành thạo “nghệ thuật diễn”. Sắp tới trường, các em đã được cha mẹ dạy cho cách “diễn”, “diễn” để làm đẹp lòng thầy cô, “diễn” để cha mẹ được đẹp mặt với thiên hạ vì con là học sinh giỏi, là học sinh của các trường chuyên lớp chọn. Bài học đầu tiên của mỗi học sinh ngay từ cấp tiểu học cũng là học cách “diễn”. Từ “diễn” khai giảng tới “diễn” vẻ “tự nguyện” tham gia vào các lớp học thêm do thầy cô tổ chức, “tự nguyện” è cổ đóng góp biết bao những khoản tiền “trời ơi đất hỡi”, “tự nguyện” tham gia những cuộc thi vô bổ chỉ nhằm lập thành tích cho nhà trường, cho thầy cô, và các “ban ngành đoàn thể” … Vì thế, không lạ khi theo kết quả điều tra gần đây, người có trình độ học vấn càng cao, tỷ lệ gian dối càng nhiều, từ khoảng 20% ở tiểu học lên tới 80% ở đại học và chắc sẽ luôn tiệm cận 100% sau khi dời ghế nhà trường. Chẳng trách những danh hiệu “anh hùng”, “chiến sĩ”, “nhân dân”, “ưu tú” nhan nhản như nấm mọc sau mưa nhưng đạo đức xã hội lại đang thê thảm. Người xưa bảo “nhân bất học bất tri lý”. Giáo dục nước ta đã lập được một “kỳ tích” là làm điều ngược lại, càng học, càng có bằng cấp cao càng vô liêm sỉ.
Nền giáo dục của chúng ta hôm nay chỉ tạo nên những “rôbốt” biết “gọi dạ bảo vâng”, không nhìn thấy gì khác ngoài miếng ăn của bản thân kể cả nếu cần sẵn sàng tranh cướp bằng mọi thủ đoạn cùng đồng loại. Nó đi ngược lại đòi hỏi của cả dân tộc, cần những con người phát huy năng lực cá nhân góp phần làm dân giàu nước mạnh. Nền giáo dục này nếu có ích, chỉ cho một thiểu số ít ỏi các nhóm quyền lực từ cao xuống thấp.
Những người có quyền ra các quyết sách cho giáo dục hôm nay chính là những sản phẩm, thậm chí sản phẩm hạng sang do nền giáo dục này tạo nên. Cứ nhìn vào những Dự án trăm tỷ ngàn tỷ để đổi mới chương trình hay sách giáo khoa, những tuyên bố nặng về chém gió theo kiểu “trận đánh lớn” với niềm “tin vào đội ngũ” hay cái vòng luẩn quẩn của những phương án này nọ là có thể thấy cái vô tích sự của nền giáo dục mà con em chúng ta đang thụ hưởng.
Phải gọi đích danh đó là một nền giáo dục phản tiến bộ.