Nền văn minh là dòng chảy với những bờ đất. Dòng chảy đôi khi tràn ngập con người, trộm cướp, la hét và làm những điều mà các sử gia thường ghi lại, trong khi trên bờ, không được chú ý, con người dựng tổ ấm, yêu nhau, nuôi dưỡng con cái, ca hát, làm thơ và thậm chí dựng tượng. Câu chuyện của nền văn minh là câu chuyện của những điều xảy ra trên bờ. Sử gia là những kẻ bi quan bởi họ tìm đến dòng chảy mà bỏ qua bờ đất.
Chính Herodotus đã biết rằng những người khác là tấm gương mà chúng ta soi vào, rằng để hiểu mình, tốt nhất là phải hiểu người khác. Hàng thế kỷ Châu Âu đã không muốn nhớ điều này. Khái niệm: người khác, những người khác có thể hiểu theo nhiều cách và dùng với nhiều nghĩa, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, ví dụ như để phân biệt giới tính, thế hệ, dân tộc, tôn giáo v.v. Ở đây tôi dùng khái niệm này để phân biệt người châu Âu, người phương Tây, da trắng với những người chúng ta gọi là Người Khác – nghĩa là những người ngoài châu Âu, không phải da trắng.
Thể loại mà tôi theo đuổi là văn học phóng sự dựa trên kinh nghiệm nhiều năm du hành vòng quanh thế giới. Mỗi thiên phóng sự đều có nhiều tác giả và chỉ vì thông lệ lâu đời mà chúng ta ký một cái tên dưới bài viết. Trong thực tế đây là thể loại văn học được sáng tạo một cách tập thể nhất, bởi vì hàng chục người đã tham gia vào sự hình thành của nó, kể cho chúng ta nghe câu chuyện về cuộc đời họ, hoặc về những sự kiện mà họ tham dự hay nghe từ người khác. Những người xa lạ mà chúng ta thường không biết tường tận ấy không chỉ là một trong những nguồn kiến thức phong phú nhất về thế giới của chúng ta, mà còn giúp đỡ chúng ta trong công việc bằng nhiều cách khác nhau – tạo điều kiện cho các cuộc gặp gỡ, cho chúng ta ở nhờ hoặc thậm chí cứu mạng chúng ta.
Mỗi con người chúng ta gặp trên đường ấy đều có hai mặt - điều mà thực ra không phải lúc nào chúng ta cũng nhận thức được. Một trong hai bản thể ấy là con người bình thường như mỗi chúng ta, có những niềm vui và nỗi buồn riêng, có những ngày tốt và ngày xấu của mình, vui sướng vì thành công, không thích bị đói, không thích bị lạnh, cảm nhận nỗi đau đớn như là nỗi bất hạnh và đau khổ, thành công như là sự thỏa mãn và toại lòng. Bản thể thứ hai, bện lấy và chồng lên bản thể thứ nhất, là con người như một người chuyên chở văn hóa, chuyên chở sắc tộc, tôn giáo và niềm tin. Không bản thể nào xuất hiện trong trạng thái thuần túy và cách biệt, cả hai bản thể ấy cùng chung sống và ảnh hưởng lẫn nhau.
Vấn đề và cũng là khó khăn trong nghề phóng viên của tôi là ở chố mối tương quan giữa con người – cá nhân và con người – người chuyên chở văn hóa và sắc tộc không cứng nhắc, bất động, bất biến, được ấn định vĩnh viễn, mà ngược lại, đặc tính của nó là năng động, biến hóa, thay đổi nhịp độ tùy vào hoàn cảnh bên ngoài, vào những đòi hỏi của thời điểm hiện tại, mong đợi của môi trường xung quanh, thậm chí là vào tuổi tác và tâm trạng của chúng ta.
Bởi vậy không bao giờ chúng ta biết được mình đang gặp gỡ ai, mặc dù có thể đó vẫn chính là cái tên và hình hài của con người mà chúng ta đã quen biết từ trước. Chưa nói đến chuyện khi chúng ta chạm trán với người lần đầu tiên gặp mặt. Vì thế, mỗi cuộc gặp gỡ với Người Khác là một câu đố, một điều chưa biết, còn hơn thế nữa - là một bí mật.
Nhưng trước khi đến được cuộc gặp gỡ này, chúng ta – các phóng viên – đã chuẩn bị trước bằng cách nào đó. Thường là qua sách vở (vào những năm còn chưa có TV). Về căn bản toàn bộ nền văn học thế giới là dành cho Người Khác (...). Còn những nhà du hành lớn thời trung cổ thực hiện những chuyến đi đến tận cùng trái đất để đến với những Người Khác – từ Giovanni Carpine đến Ibn Battuta, từ Marco Polo đến Ibn Chaldun thì sao? Những cuốn sách làm cháy lên trong một số đầu óc non trẻ cái ham muốn đến được những ngõ ngách xa xôi nhất trên thế giới để tìm hiểu Người Khác. Đó là cái ảo tưởng đặc trưng về không gian – niềm tin rằng cái gì ở xa thì phải khác, và càng xa xôi thì càng khác biệt.
Tôi nói “trong một số đầu óc”, bởi vì trái với quan niệm thông thường, niềm đam mê đi xa không phải là niềm đam mê thường gặp. Con người về bản chất là một cá thể định cư, và đặc tính này đã ăn sâu vào anh ta kể từ thời điểm phát minh ra nông nghiệp và nghệ thuật xây dựng các thành phố. Con người rời bỏ cái tổ của mình thường chỉ khi bị ép buộc – bị chiến tranh hoặc nạn đói, bệnh dịch, hạn hán hay hỏa hoạn xua đuổi. Đôi khi anh ta lên đường để theo đuổi một niềm tin, đôi khi để tìm việc làm hoặc cơ hội cho con cái mình. Đối với nhiều người không gian xa xôi đánh thức nỗi bất an, sợ hãi trước điều khôn lường, thậm chí là nỗi khiếp hãi cái chết. Mỗi nền văn hóa đều có hàng loạt các lời nguyền và những hành động thần bí để che chở cho người lên đường đi xa.
Nói đến “đi xa”, tất nhiên tôi không nghĩ tới những chuyến du lịch. Theo cách hiểu của phóng viên chúng tôi “đi xa” là sứ mệnh và nỗ lực, là lao động cực nhọc và hy sinh, là công việc khó khăn, dự án đầy tham vọng cần phải hoàn thành. Khi đi xa chúng tôi cảm nhận được rằng có điều gì đó quan trọng đang xảy ra, rằng chúng tôi tham dự vào một cái gì đó mà chúng tôi vừa là nhân chứng vừa là tác giả, rằng chúng tôi có trách nhiệm về một điều gì đó. Cụ thể là chúng tôi có trách nhiệm về con đường. Chúng tôi thường có suy nghĩ rằng mình đi con đường nào đó chỉ một lần trong đời, rằng mình sẽ không bao giờ trở lại đó nữa và do đó chúng tôi không được làm rơi, bỏ sót, để mất điều gì trong hành trình ấy. Vì từ tất cả những cái đó chúng tôi hiểu được vấn đề, viết tường thuật và chuyện kể – trả món nợ lương tâm của chúng tôi. Bởi vậy khi đi xa, chúng tôi tập trung, sự chú ý của chúng tôi lớn hơn, đôi tai thính hơn. Con đường quan trọng đến thế vì mỗi bước đi trên con đường ấy đưa chúng tôi đến gần tới cuộc gặp gỡ với Người Khác hơn. Chúng tôi lên đường chính vì mục đích ấy.
Không chỉ việc du hành một cách tự nguyện – du hành như một lối sống – là điều hiếm thấy. Lòng tò mò ham tìm hiểu sâu hơn về thế giới cũng không phải là hiện tượng phổ biến. Lịch sử biết đến nhiều nền văn minh không hề tỏ ra quan tâm đến thế giới bên ngoài. Châu Phi chưa bao giờ đóng một chiếc thuyền để ra khơi và nhìn xem có gì sau những đại dương bao quanh nó. Những người dân của nó thậm chí không thử đến châu Âu nằm ở rất gần. Nền văn minh Trung Hoa còn đi xa hơn: đơn giản là họ tự rào mình lại với cả thế giới bằng bức tường thành lớn. (Dù rằng trên thực tế những đế quốc trên lưng ngựa có cách hành xử khác: người Ba Tư, Ả rập, Mông Cổ. Nhưng mục đích của họ không phải là tìm hiểu thế giới, mà là chinh phạt bằng vũ lực và đặt ách nô lệ. Hơn nữa thời kỳ hoàng kim và phát triển mạnh mẽ của họ tương đối ngắn, sau đó các đế quốc này sụp đổ, tan rã, bị chôn vùi trong cát bụi vĩnh viễn).
Trong tiến trình này nền văn minh châu Âu là một ngoại lệ. Đây là châu lục duy nhất từ thời Hy Lạp cổ đại đã biểu lộ sự tò mò đối với thế giới và lòng ham muốn không chỉ thống trị mà cả tìm hiểu nó. Trong trường hợp của những trí tuệ ưu việt nhất – đó hoàn toàn là ham muốn làm quen, tìm hiểu, tiếp cận và tạo ra cộng đồng nhân loại. Ở đây các mối quan hệ của chúng ta với những cư dân còn lại của hành tinh – những Người Khác – sẽ nổi lên với toàn bộ sự rõ nét, phức tạp và bi kịch.
Các mối tương quan này có chiều dài lịch sử. Trong sách vở chúng bắt đầu từ “Sử ký” của Herodotus. Nhà sử học người Hy Lạp sống cách đây hai ngàn năm trăm năm chỉ ra cho chúng ta thấy rằng cái thế giới mà ông tiếp cận được vào thời ấy đã có các cộng đồng lớn mạnh với nền văn hóa phát triển và ý thức mạnh mẽ về bản sắc riêng, rằng người châu Âu đầu tiên là ông – người Hy Lạp - mặc dù ông gọi người phi-Hy Lạp là những người nói lầm bầm khó hiểu (barbaros), đã ý thức được rằng Người Khác vẫn là ai đó. Chính Herodotus viết về những Người Khác một cách không hằn học và không miệt thị, ông cố gắng làm quen và hiểu được họ, thậm chí thường chỉ ra rằng họ ưu việt hơn người Hy Lạp trên nhiều phương diện.
Herodotus biết rằng để tìm hiểu những Người Khác thì phải lên đường, đến với họ, bởi vậy ông thường xuyên đi xa, ông thăm những người Ai Cập và Scythia, người Ba Tư và Lidia, ông ghi nhớ tất cả những gì nghe được từ họ cũng như những gì chính mắt nhìn thấy. Tóm lại – ông muốn tìm hiểu những Người Khác khi nhận thức được rằng để hiểu chính mình rõ hơn thì phải hiểu những Người Khác rõ hơn, để có thể so sánh, đối chiếu với họ. Ông – một công dân thế giới – phản đối việc tự rào mình lại với những Người Khác, đóng chặt cổng trước họ. Bài ngoại – dường như Herodotus nói - là căn bệnh của những người khiếp nhược, tự ti về sự thấp kém của mình, sợ hãi vì ý nghĩ phải soi vào tấm gương văn hóa của những Người Khác. Và toàn bộ cuốn sách của ông là việc dựng lên những tấm gương để trước hết chúng ta có thể nhìn thấy Hy Lạp và người Hy Lạp nhiều hơn và rõ ràng hơn.
Về sau, các cuộc gặp gỡ giữa người châu Âu và phi–châu Âu lại mang tính chất đặc biệt hung bạo và đẫm máu. Thực ra nó vốn đã là như vậy trước cả thời Herodotus, khi Hy Lạp đánh Ba Tư, và sau này cũng vậy, trong thời kỳ các cuộc chinh phạt của Aleksander Đại Đế, vào những năm bành trướng của Đế Quốc La Mã, trong giai đoạn viễn chinh của quân Thập Tự, vào thời các cuộc xâm lược Tây Ban Nha v.v. và v.v.
Nhân đây chúng ta hãy lưu ý rằng tư duy của chúng ta Âu châu trung tâm chủ nghĩa mạnh đến mức mỗi khi nói hoặc viết về mối quan hệ với những Người Khác, ví dụ về xung đột với những Người Khác, chúng ta ngầm hiểu rằng đây là xung đột của người châu Âu với những người phi-châu Âu, nhưng những xung đột tương tự và chiến tranh đã cuốn đi cả biển nạn nhân trong lòng những dân tộc ngoài châu Âu, trong đó người Mông Cổ đánh nhau với người Trung Quốc, người Aztek với những bộ tộc lân cận, người Hồi giáo với người Ấn Độ giáo v.v.
Tóm lại, sự va chạm của các nền văn minh không phải là một phát minh hiện đại, đồng hành với nó là cả lịch sử loài người. Ngoài ra cũng cần nhớ rằng xung đột, va chạm chỉ là một hình thức giao tiếp giữa các nền văn minh, và nó hoàn toàn không phải là hình thức bắt buộc. Hình thức thứ hai thậm chí còn thường thấy hơn là sự trao đổi, nhiều khi diễn ra đồng thời bên trong tình trạng xung đột. Ví dụ vào đầu thập niên 90 tôi đến Liberia. Ở đó đang có nội chiến. Tôi đi ra mặt trận cùng với một đội quân của chính phủ. Mặt trận chạy dọc theo một con sông có chiếc cầu bắc ngang. Bên phía quân chính phủ có một cái chợ lớn. Phía bên kia sông do quân du kích của Charles Taylor chiếm đóng không có gì hết, là một vùng đất trống. Ở mặt trận những cuộc bắn súng và pháo kích diễn ra đến trưa. Buổi chiều tất cả yên tĩnh, quân du kích đi qua cầu, sang chợ mua sắm. Họ gửi vũ khí cho người của quân chính phủ giữ, những người này sẽ trả lại vũ khí cho họ khi họ mua xong đồ trở về. Như vậy là ở nơi có xung đột quân sự đẫm máu sự trao đổi hàng hóa và những thứ khác vẫn diễn ra đồng thời. Người Khác có thể vừa được xem như kẻ thù, vừa như khách hàng. Chính là tình huống, hoàn cảnh quyết định trong một thời điểm chúng ta nhìn người đó là quân địch hay đối tác. Bởi vì Người Khác ấy có thể vừa là thế này vừa là thế kia, và bản chất mơ hồ bất định của anh ta cũng như hành xử mâu thuẫn mà chính anh ta cũng không hiểu được nguyên do phụ thuộc vào điều này.
Cuối thời trung cổ châu Âu và đầu thời kỳ hiện đại – cuộc viễn chinh lớn của châu Âu đi xâm lược thế giới, bắt Người Khác làm nô lệ và cướp bóc những gì anh ta sở hữu, đã ghi những trang đẫm máu và tàn ác vào lịch sử của hành tinh chúng ta. Qui mô của những hành động diệt chủng kéo dài hơn ba thế kỷ của thời kỳ đó mãi đến tận thế kỷ XX mới bị vượt qua, dưới hình thức của Holocaust.
Hình ảnh Người Khác mà những người châu Âu thời đó mang theo khi lên đường chinh phạt thế giới là bức tranh một người mọi rợ ăn lông ở lỗ, một kẻ ăn thịt người, một kẻ tà đạo mà người Cơ Đốc giáo da trắng châu Âu có quyền và nghĩa vụ thiêng liêng phải chà đạp và hạ nhục. Nguyên nhân của sự tàn ác và hung bạo lạ lùng đặc trưng của người da trắng này không chỉ là lòng thèm muốn vàng bạc và nô lệ đã làm hỏng trí óc và làm mờ mắt giới tinh hoa châu Âu, mà còn là mức văn hóa và đạo đức quá thấp của những người được cử ra thế giới. Phần lớn thủy thủ đoàn của những con tàu thời đó là các tội phạm, kẻ cướp, những kẻ cặn bã, trong trường hợp tốt nhất thì là những kẻ vô gia cư, thất thế, du thủ du thực. Bởi vì khó lòng thuyết phục được một người bình thường quyết đinh đi một chuyến giang hồ mà kết cục thường là cái chết.
Việc châu Âu cử đến cuộc gặp gỡ với Người Khác - hơn nữa lại là cuộc gặp gỡ đầu tiên – những đại diện tồi tệ nhất, gớm ghiếc nhất của mình đã bao phủ một bóng đen buồn bã lên các mối quan hệ của chúng ta với Người Khác, hình thành quan niệm phổ biến của chúng ta về họ, nuôi dưỡng trong đầu óc của chúng ta những định kiến, cảnh báo, ám ảnh, đôi khi còn tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác cho đến tận ngày nay.
Xâm lược, thực dân hóa, cai trị, bắt phải lệ thuộc – đó là phản ứng đối với Người Khác luôn lặp lại không ngừng trong lịch sử thế giới. Bản thân tư tưởng bình đẳng với Người Khác trong tư duy nhân loại được nảy sinh ra rất muộn, nhiều ngàn năm sau khi con người bắt đầu để lại dấu vết của mình trên trái đất.
Khi nói về những Người Khác, ở đây tôi giới hạn lại những mối quan hệ giữa các nền văn hóa và giữa các sắc tộc, bởi vì đó là môi trường mà tôi thường tiếp xúc nhất. Xem xét lĩnh vực này dưới góc độ lịch sử, có thể thấy rõ sau ba thể kỷ bành trướng tàn bạo và không khoan nhượng của các triều đình và tư bản châu Âu (ở đây không chỉ là các cuộc xâm lược người và đất đai bên kia đại dương, mà còn là các hành động trong châu lục – ví dụ như sự tàn sát các dân tộc Syberi của người Nga), vào thế kỷ VIII đã có sự thay đổi phần nào nhưng quan trọng trong bầu không khí và các mối quan hệ đối với Người Khác, thường là các cộng đồng phi-châu Âu. Đó là thời phục hưng, thời kỳ của chủ nghĩa nhân đạo, của phát hiện cách mạng rằng người không da trắng, không theo Cơ Đốc giáo man rợ ấy, cái Người Khác gớm guốc và rất không giống chúng ta ấy cũng là con người.
Con đường đến sự khai sáng này trước hết được văn học mở ra. Xuất hiện các tác phẩm của Daniel Defoe và Jonathan Swift, Rousseau và Voltaire, Fontenelle và Montesquieu, Goeth và Heder. Đó là sự bùng nổ rực rỡ của các tài năng, trí tuệ và trái tim; hàng chục tác giả lên án sự tàn bạo của những kẻ xâm lược thuộc mọi dân tộc, họ kêu lên rằng những Người Khác đang bị cướp bóc và giết hại ấy là bình đẳng với chúng ta, rằng đó là “những người anh em Thiên Chúa” cần được tôn trọng. Phong trào đấu tranh với chế độ chiếm hữu nô lệ phát triển, ngành vẽ bản đồ nở rộ, các cuộc thám hiểm khoa học được tổ chức, không phải để xâm lược và cai trị, mà là để khám phá những miền đất mới và tìm hiểu các sắc dân chưa từng được biết đến cùng văn hóa của họ. Thay cho nỗi sợ hãi trước Người Khác là lòng tò mò và ý muốn tìm hiểu họ kỹ hơn. Đồng hành với nó là sự phát triển chưa từng thấy của phóng sự và du ký, để ví dụ có thể kể ra những tác phẩm ngày nay đã trở thành kinh điển như “A Description of the East” của Richard Pocoke hay tác phẩm của James Cook hoặc Mungo Park, nhưng trước hết là “Histore generale des voyages” của Prévost – tuyển tập các tường thuật từ khắp thế giới. Người đồng niên với ông, triết gia và nhà tự nhiên học vỹ đại người Đức Albrecht von Haller vào giữa thế kỷ XVIII đã viết: “ Để xóa bỏ định kiến, không gì tốt hơn là hiểu biết về nhiều dân tộc với các phong tục, luật lệ và quan điểm khác biệt – sự khác biệt dạy cho chúng ta bằng một nỗ lực không lớn loại bỏ điều làm người ta khác nhau và nhận thấy điều mà tất cả các dân tộc đều giống nhau là tiếng nói của tự nhiên, bởi vì những quy luật tự nhiên ban đầu của tất cả các dân tộc là như nhau. Không xúc phạm ai, công nhận quyền sở hữu của mỗi người...”
Khi đó nhiều nhà tư tưởng, nhà văn và nhà du hành đồng tình với quan điểm của Heller, họ đã góp phần lớn vào việc mang lại sắc thái cho thời kỳ được xem như là thế kỷ của chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa đa cảm. Trong số họ có nhà sử học và triết gia vỹ đại người Pháp Guillaume Raynal, nhà bách khoa đã lên án mạnh mẽ sự chiếm hữu nô lệ và sự bóc lột của chế độ thực dân. Lần đầu tiên hình ảnh Người Khác như một thực thể duy nhất, có một không hai, được phác họa một cách sắc nét và nhân đạo đến vậy. Đó là một bước lớn đi từ hình ảnh sáo mòn của một người man di bất lường đến hình ảnh người đại diện đầy cá tính của nền văn hóa hay chủng tộc khác. Đó là cả một cuộc cách mạng trong tư tưởng Âu châu, khi người ta bắt đầu đi từ hình ảnh một người mọi rợ thô lỗ đến một cá nhân có đường nét con người và nằm trong gia đình nhân loại.
Lần đầu tiên, với tầm vóc và sự mạnh mẽ lớn đến thế, Người Khác trở thành vấn đề nội tại của văn hóa châu Âu, vấn đề đạo đức của mỗi chúng ta.
Ryszard Kapuściński
Bài đăng trên tạp chí Newsweek Polska số ra ngày 3.10.2006, Thái Linh dịch