“Chúng ta được sống trong một xã
hội với hệ thống luật pháp ngày càng đầy đủ, các hệ thống giám sát cũng chặt
chẽ, đa dạng hơn và điều kiện kinh tế cũng tốt hơn nhưng tại sao sự tử tế đang
rời bỏ chúng ta? Có vấn đề nghiêm trọng của văn hóa đang bị phá vỡ”
Trong vài năm trở lại đây số lượng người VN đi du lịch nước ngoài mỗi năm một tăng nhanh, nhất là những 'mùa' du lịch như hè, Giáng sinh - tết Tây, tết ta... Và cũng từ đây, trong mắt của người nước ngoài, nhiều hình ảnh không hay của người VN đã xuất hiện và ngày càng rõ nét.
Trong vài năm trở lại đây số lượng người VN đi du lịch nước ngoài mỗi năm một tăng nhanh, nhất là những 'mùa' du lịch như hè, Giáng sinh - tết Tây, tết ta... Và cũng từ đây, trong mắt của người nước ngoài, nhiều hình ảnh không hay của người VN đã xuất hiện và ngày càng rõ nét.
Dường như người Việt chỉ để ý tới cái riêng của mình còn những thứ chung và không liên quan thường rất thiếu trách nhiệm, nếu như người nước ngoài ý thức được việc giữ vệ sinh hay giữ gìn của cải chung của đất nước thì người Việt lại ngược lại vô ý thức và không có trách nhiệm cao. Nhiều nơi phải in những dòng chữ nhắc nhở như nhắc nhở những đứa trẻ mới lớn chưa biết phải trái đúng sai hay những quy định của cuộc sống hằng ngày vây. Thật đáng buồn cho những con người tân tiến của thế hệ Việt Nam. Chúng ta có thể thấy những điều đó ở phần dưới đây những dòng chữ nhắc nhở như những khẩu hiệu "vàng":
“Xin mời ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu”
Hè năm ngoái, khi đi du lịch Thái Lan, vào một nhà hàng ăn buffet, tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy cái biển ghi chữ tiếng Việt: “Xin mời ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Nếu ăn không hết sẽ phạt từ 200 baht đến 500 baht. Xin cảm ơn!”.
Chuyện ăn uống này đã thành câu chuyện buồn của khách du lịch Việt không chỉ ở Thái Lan mà còn cả ở Singapore. Tại Singapore, biển ghi bằng tiếng Việt (và chỉ có duy nhất tiếng Việt): “Lấy vừa đủ ăn”. Quả thật, phải vào tận nơi mới biết tại sao người ta phải trưng những cái biển đấy. Nhà hàng đông khách, ai ai cũng xếp hàng đợi đến lượt mình lấy đồ ăn. Bỗng dưng một cặp đôi người Việt từ đâu ùa tới chen ngang. Những người xung quanh chỉ biết lắc đầu cười. Hai người này lấy những năm, sáu con hàu, trong khi người phục vụ bàn đang tách từng con hàu một cho khách. Vào một nhà hàng khác thì lại gặp một anh người Việt ăn tham, bê mấy đĩa đồ ăn đầy bự về bàn, cứ như kiểu không lấy thì sợ ai “hốt” hết, ăn không hết rồi bỏ bê luôn.
Có thể nhìn nhận đây đã trở thành một thói quen xấu của người Việt Nam. Một thói xấu gần như khó sửa. Người Việt bất chấp cái bụng của mình có thể ăn được bao nhiêu, mà ăn bằng “mắt”, lấy cho sướng tay, kể cả những món ăn lạ, không hợp khẩu vị, và để trên bàn ngồi ngắm nhìn như thành tích, rồi bỏ đi, trong ánh mắt vừa khó chịu vừa kinh ngạc của những người xung quanh. Lý giải cho điều này thật nhiều chuyện phải bàn. Thói quen? Sự nhận thức lệch pha về khả năng ước lượng? Hay sự sang trọng tức thời? Hoặc một yếu tố nào khác?
“Sorry, turn back please”
Tôi ít khi nói về những gì mình trải qua nếu mình có điều kiện hơn những cá nhân khác dù chỉ là một nhóm. Nhưng kinh nghiệm học tập tại Singapore từ những năm sau đại học khoảng 1999 - 2000 đến những cơ hội tập huấn về tư vấn ở một vài quốc gia như: Philippines, Malaysia hay xa hơn là Đan Mạch thì chuyện ứng xử đặc thù của người Việt vẫn là sự trăn trở tất bật trong suy nghĩ mỗi khi tình cờ gặp đồng hương xa xứ. Vừa mừng, vừa lo vì không biết mình có phải nhạy cảm quá đáng... Hay chuẩn bị gặp một tình huống đặc biệt nào đó trong cuộc sống từ người đồng hương ấy.
Có lần tôi lang thang ở Singapore và tình cờ gặp một sinh viên rất trẻ được một giải thưởng công nghệ. Vốn đang nghiên cứu về nghệ thuật nói trước công chúng, tôi sẵn sàng nhận lời mời để tham gia buổi nhận thưởng của bạn ấy cách trung tâm TP 3 km. Cùng lên chuyến xe taxi do một tài xế người gốc Malaysia lái. Anh ta từ chối thẳng thắn, không chịu chở cả tôi và cậu sinh viên ấy khi hai lần đề nghị cài dây an toàn nhưng chàng trai cứ giả vờ không nghe thấy. Tôi hỏi cậu ta không nghe rõ à. Cậu bảo: Nghe chứ, nhưng bên mình có cần cài đâu. Đi có chút xíu cài chi cho mệt. Không chở thì đi xe khác...
Có lần tôi lang thang ở Disneyland từ sáng sớm đến khuya chỉ để làm một thao tác khá đơn giản. Vốn khi học sau đại học ngành quản trị hành vi trong tổ chức, tôi muốn xem xét hành vi giám sát thương mại ở các khu vui chơi. Chọn Disneyland làm điểm đến, tôi kiên nhẫn chờ đợi, quan sát.
Mọi sự cứ lặng lẽ trôi nếu như không có cảnh nao lòng và buốt dạ. Một du khách bị tống cổ ra khỏi vị trí cuối cùng khi chuẩn bị được dạo chơi để hàn huyên cùng chị hằng. Người phụ trách giám sát trưng ra bằng chứng là một hình ảnh. Ban đầu, vị khách ấy đứng sau khoảng 8 người khách Tây và 4 trẻ em trong nước (có lẽ là người Hồng Kông hay Trung Quốc). Nhưng hình ảnh ghi nhận từ camera cho thấy anh ta đã len lỏi hai lần để tiến hơn 12 bậc để được lên sớm. Hành vi ấy được thực hiện bằng cách khều người phía trước để ra hiệu tìm người quen, nhưng rồi khi đến vị trí mới, anh ấy lại “sorry” để tiếp tục thực hiện. Và người cuối cùng tìm được cũng không phải người quen.
“Sorry, turn back please”. Câu hỏi “Anh đến từ VN?” cất lên bởi giọng lơ lớ của cô nhân viên giám sát làm tôi điếng người. Cái đau như vọng từ tiềm thức về hành vi công cộng bị xem thường hay sự xem thường chính mình của người Việt?
“Đi vệ sinh nhớ dội nước”
Thêm một lần choáng nữa ở nhà vệ sinh khi tôi bắt gặp cái biển to tướng, đánh máy bằng tiếng Việt hẳn hoi “đi vệ sinh nhớ dội nước” được gắn trên một nhà hàng đồi cát trên đất Thái. Vẫn đáng chú ý là chỉ có mỗi tiếng Việt mà không có ngôn ngữ khác.
Chuyện đi vệ sinh cũng là chuyện tế nhị, và với du khách người Việt thì phải luôn có sự nhắc nhở “giữ vệ sinh chung”, như nhắc trẻ mẫu giáo, nhưng cũng chỉ là “nước đổ lá khoai”. Họ cứ thẳng tiến “vào”, và đi “ra” tự nhiên, để người đến sau phải nhăn mặt bởi những gì người đi trước để lại. Đã có những chuyện cười ra nước mắt ở châu Âu, du khách Việt bị nhốt trong toilet, bởi muốn cửa mở ra thì phải có động tác giật nước xả.
Còn chuyện xả rác bừa bãi thì nhiều vô kể. Hay gặp nhất là ở sân bay. Có lần tôi đang ở sân bay Đài Loan, vì thời tiết xấu nên bị hoãn chuyến bay lại 2 giờ. Sân bay đông người không đủ chỗ ngồi, rất nhiều người nước ngoài phải đứng. Thế mà một đoàn người Việt, toàn những người trẻ 8X, 9X lôi báo ra trải dưới sàn ngồi, lôi bài ra đánh reo hò ầm ĩ. Đến khi đứng dậy thì báo mỗi chỗ một mảnh, mặc đấy cho nhân viên sân bay dọn dẹp. Đúng hôm ấy, chủ đề tôi chia sẻ lại là: bản sắc văn hóa và mối quan hệ với hành vi ứng xử.
Bài nói làm tôi ngậm ngùi lâu không hẳn chỉ vì sự cảm xúc quá lên khi trình bày về văn hóa người Việt mà đó là những gì thuộc về lòng tự trọng.
Người Việt luôn được đánh giá là thân thiện, hòa hiếu trong mắt bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, đáng tiếc là hình ảnh “người Việt xấu xí” trong lẫn ngoài nước đã và đang làm phai nhòa những nỗ lực ngoại giao văn hóa của quốc gia, trong đó có cả những du học sinh. Những hành động của một cá nhân khiến người khác đánh giá toàn đất nước.
Bẩn, khoa trương và vô kỷ luật
Khi tiếp xúc với bạn mới quen, tôi thường tránh tự giới thiệu ngay từ đầu mình là người Việt Nam. Tại sao? Đơn giản vì tôi đã phát ngán việc chưa kịp để cho thiên hạ hiểu bản thân mình là ai thì đã ngay lập tức bị đóng khung hoặc găm kim vào những định kiến tốt xấu, hoặc bị đem ra so sánh với những người Việt mà họ có dịp tiếp xúc trước đó. Những biểu cảm trên gương mặt họ, những câu cảm thán thốt ra, và nhất là những suy nghĩ không buông thành lời luôn khiến tôi chột dạ. Tôi thấy bất công khi nhất cử nhất động của mình với tư cách một cá nhân đều có thể bị đem ra đánh đồng cho văn hóa và tính cách của cả một dân tộc.
Không thể đếm xuể số lần tôi nghe bạn bè ta thán hoặc ca ngợi cả một dân tộc chỉ dựa vào một vài cuộc gặp gỡ, một chuyến công tác nước ngoài ngắn ngủi, hoặc một bộ phim tư liệu tình cờ hoặc hữu ý rơi vào tay. Không chỉ là một dân tộc, đôi khi cả một dải văn minh bị tổng kết dựa vào hành động của một gã trời ơi: Bọn Tây nó sạch nhỉ/bẩn nhỉ/lịch sự nhỉ/thô lỗ nhỉ...
Những lời khen tặng thường dễ đoán trước, như “chăm chỉ học hành làm ăn”, “đánh giặc giỏi” (!)... Nhưng những chê bai thường muôn hình vạn trạng, biến chuyển đầy bất ngờ. Cái hồ sơ của người Việt - ở thời điểm được dân bản xứ dùng như một thước đo để thẩm định nhân cách của tôi trong lần đầu gặp gỡ - đầy những thói xấu.
Thứ nhất là bẩn. Tôi nhớ mãi ánh nhìn dò hỏi của họ khi kể rằng sinh viên Việt Nam đi mua cá tươi ở chợ trời về xách cái mớ trơn lẳn tanh nồng ròng ròng nước ấy lướt thướt qua khắp ba tầng gác. Thứ nhì là sự khoa trương lố bịch khi chính những người luôn kêu gào đòi học bổng hay trợ cấp chính phủ ấy lại hào hứng khoe khoang về những đồ chơi công nghệ mới nhất. Tiếp theo nữa là sự vô kỷ luật, coi việc có thể qua mặt những luật lệ lớn nhỏ là một chiến công hơn là một sự cố đường cùng. Tôi vẫn còn nhớ sự hào hứng phấn khích của một số khuôn mặt trẻ du học sinh Việt khi họ bày cho tôi cách trốn vé tàu, cách ăn cắp mật mã mạng, hay cách dùng một đồng xu nhỏ và một chiếc kim băng để có thể hack các máy điện thoại công cộng và gọi về nhà hàng tiếng liền miễn phí.
Cuối cùng, đó là sự gian dối và thói tắt mắt, nhất là chuyện tiền nong, từ những vấn đề nhỏ như cầm nhầm, trộm đồ siêu thị, cho đến những vấn đề lớn hơn nhiều như thuê nhân công trái phép để khỏi đóng thuế, nói dối là thất nghiệp để hưởng trợ cấp, giả mạo giấy tờ để trốn thuế, hoặc thậm chí lên đến thành hàng thiện nghệ như nhân vật Don Nguyen, người đang cùng Ngân hàng Commonwealth đối mặt với bản cáo trạng khiến cả nước Úc sửng sốt sau khi bài phóng sự về những gian dối trong quá trình tư vấn khách hàng được phát đi vừa qua, khiến số tiền đền bù lên đến 20 triệu đô la Úc.
Tự ti khiếp nhược và tự hào mù quáng
Gánh nặng của hai chữ “người Việt” không dễ định hình. Đó là một tay nải lẫn lộn cả tự ti đến thành khiếp nhược và tự hào đến thành mù quáng. Vì thế, chẳng có gì thiếu logic cả khi một tay chìa ra xin tiền và tay kia vung lên khoe hàng hiệu. Vắng mặt chủ là trốn việc, thiếu cái roi kè kè của quản lý giám sát là thành vô kỷ luật, coi việc vi phạm nguyên tắc xã hội như một chiến công vì đã qua được mặt chủ chứ không phải bản thân mình đã có một hành vi thiếu văn minh. Không tin bạn hãy nhìn những kẻ vượt đèn đỏ. Đối với họ, cột đèn giao thông không phải là một công cụ để đảm bảo an toàn cho chính họ mà được coi như một dạng gông xiềng cần phá bỏ để có tự do.
Đáng sợ hơn, tự ti và tự hào, hai mớ quần áo vừa bẩn vừa sạch đó lại bị xếp lẫn lộn vào nhau, khiến chính kẻ phu thồ khi mở ra đôi khi cũng không biết mình phải tự hào về cái gì, và niềm tự hào đó có chính đáng hay không.
Bước chân qua biên giới để hòa vào thế giới xôn xao ngoài kia, đương nhiên, không người Việt nào vác theo một tay nải giống nhau, nhưng có một điều chắc chắn rằng mỗi cá nhân đó góp phần hình thành nên định kiến về dân tộc Việt trong con mắt thiên hạ.
Người Việt cũng khó chịu với chính thói xấu của người Việt
Lâu nay, mình chỉ quen tâng bốc nhau về những giá trị viển vông kiểu AQ. Khi nói về những thói xấu người Việt, nhằm đánh động lòng tự trọng và cả tự hào dân tộc để sửa sai, nhiều người liền bị chụp mũ “nói xấu người Việt”.
Một số bạn nước ngoài, có thời gian sống và làm việc khá lâu ở Việt Nam thường có chung nhận định: Người Việt đang từng ngày làm xấu hình ảnh đất nước. Từ việc xả rác, khạc nhổ, vệ sinh tùy tiện cho đến hàng gian, hàng giả, tham ô, lãng phí…Chẳng ai nỡ đối xử với nhà cửa và gia đình của mình như vậy.
Thật ra, người Việt cũng có nhiều tính cách cao đẹp nhưng chỉ bộc lộ trong những điều kiện và hoàn cảnh nhất định. Ngược lại, những hành động xấu xí của người Việt lại diễn ra mọi lúc, mọi nơi. Ngay cả người Việt cũng cảm thấy khó hiểu và khó chịu với chính người Việt. Người Việt rất khó khăn khi phải nói từ “xin lỗi”, kể cả khi đã lỗi mười mươi. Chả bù cho người Mỹ, cứ mở miệng là “Excuse me” là “I’m sorry” hoặc “Please” nên khó mà giận được nói chi việc gây sự.
Một bộ phận người Việt hung hăng, hễ va quệt là muốn ăn thua đủ. Một bộ phận người Việt đố kỵ, chẳng muốn ai hơn mình, càng không thể giúp ai để họ hơn mình. Một số người Việt khôn ranh, cái gì cũng muốn hơn thiên hạ, kể cả việc phá giá chơi nhau và tư duy kiểu thằng Bờm; không trung thực từ việp xếp hàng, khai báo, mua sắm…
Vẫn còn nhiều trường hợp đi du lịch rồi trốn ở lại hoặc đi hợp tác lao động rồi bỏ ra ngoài bất hợp pháp; kết bè, lập đảng gây rối trật tự; nguyên nhân chính dẫn đến việc chính quyền các nước hạn chế người Việt nhập cảnh. Nhiều việc bình thường ở xứ mình nhưng tối kỵ ở xứ người... Nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch, lắm lúc tôi xấu hổ muốn độn thổ vì thói xấu của người Việt. Có không it người Việt thích nói dối, chuộng hình thức và ít chú trọng thực chất. Lòng tự trọng vốn là phẩm chất tốt đẹp của cha ông giờ gần như mai một. Khi lòng tự trọng quá hiếm thì biết xấu hổ cũng là chuyện lạ.
Ra nước ngoài, người Việt ít chịu xếp hàng. Ăn buffet cứ chen ngang dưới nách Tây và lấy đồ ăn thừa mứa, chưa kể còn lén đem về. Vào thang máy hay lên tàu điện chẳng chịu nhường ai; trong chưa ra, ngoài đã ào vào. Ra đường mà như đang ở nhà mình, cứ vô tư mặc đồ ngủ. Các thói quen xả rác, khạc nhổ, hút thuốc, đi bộ sai luật, hay ngậm tăm sau khi ăn…cứ tưởng chỉ có ở dân quê mà cả cánh trí thức, nhà văn, chủ doanh nghiệp cũng hành xử như vậy. Tham quan ít chịu nghe thuyết minh, không quan tâm đến văn hóa, lịch sử bản xứ mà cứ ào đi chụp ảnh. Không thấy ai là dẫm lên cỏ, ngồi lên hoa chụp hình dù có bảng cấm. Thích khoe của, khoái phô trương và luôn tìm cách trốn vé, ăn gian khi mua hàng vì “Ăn vụng thú vị và đã hơn”. Có người còn xem đó là chiến tích.
Đã quá trễ nhưng muộn còn hơn không, người Việt phải nghiêm khắc nhìn lại mình. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, “Không có lửa sao có khói?”. Không ai tự nhiên gây sự khi mình ra nước ngoài, đem tiền và đem sức làm giàu cho xứ họ. Chung quy cũng bởi những người Việt xấu xí luôn tìm cách “xuất khẩu tệ nạn”. Không còn “Con sâu làm rầu nồi canh” nữa mà là “Bầy sâu làm hỏng nồi canh”. Từ việc lợi dụng các lễ hội để móc túi, giựt dọc đến việc mãi dâm và lao động trái phép với nhiều tệ nạn nhưng Việt Nam chưa có động thái tích cực nào để chấn chỉnh. Ở nhiều nước, không chỉ có Việt kiều mà còn có “Việt liều” (ở và lao động trái phép). Các nước như Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đều có bảng cảnh báo về thói xấu của người Việt. Có nước còn cấm hẳn một số tỉnh phía Bắc nhập cảnh.
Làm sao để người Việt bớt xấu xí trong mắt bạn bè? Điều này phải chứng minh bằng hành động cụ thể. Mỗi cá nhân cho đến các tập thể cần có những việc làm thiết thực. Phải chấn chỉnh từ trong nước. Thời đại internet, bất cứ việc tốt xấu gì xảy ra trên trái đất này, chỉ cần vài phút là cả thế giới biết. Cần tăng hình phạt và xử lý nghiêm những người Việt xấu xí ở nước ngoài; chức càng to, tội càng lớn. Giận thiên hạ thì ít mà buồn và xấu hổ cho mình thì nhiều. Nếu không có những biện pháp quyết liệt, e rằng những chuyến đi xa ngày càng có thêm nhiều vị đắng, người Việt càng tiếp tục bị khinh thường. Chỉ có ta mới giúp ta được. Không thể bắt thiên hạ phải nghĩ tốt trong khi mình còn nhiều cái xấu mà không chịu sửa.