Sự tha hóa của nền giáo dục Việt Nam

Khi giáo dục xa rời mục tiêu chuẩn bị cho những đứa trẻ những phẩm chất đạo đức, tri thức, kỹ năng, phương pháp để trở thành những con người hữu dụng đối với xã hội khi đến tuổi trưởng thành, có nghĩa là nền giáo dục đó đã bị tha hóa.

Tha hóa lần thứ nhất: dạy thêm - học thêm

Chưa bao giờ, chúng ta được nghe nhiều lời phàn nàn về việc dạy thêm, học thêm như hiện nay. Học sinh giỏi cũng học thêm, học sinh yếu cũng học thêm, và học sinh trung bình cũng học thêm. Điều khôi hài là họ cùng học thêm theo một chương trình như nhau nếu học cùng một lớp. Và điều khôi hài nữa là nội dung học thêm lại... nằm trong chương trình học.

Khái niệm "học thêm" tự nó nói lên ý nghĩa là việc học một điều gì đó mới, nằm ngoài chương trình học. Khi chương trình giáo dục phổ thông cơ bản không cung cấp cho học sinh cơ hội phát triển toàn diện, những phụ huynh ý thức được điều đó tất yếu sẽ cho con em mình đi học thêm.

Thực tế, chương trình giáo dục phổ thông của chúng ta từ trước tới nay vẫn đầy khiếm khuyết, khi nó quá tập trung vào khía cạnh tri thức. Nhưng vấn đề là học thêm ở nước ta hiếm khi đi khắc phục khiếm khuyết đó, trái lại còn làm cho khiếm khuyết đó trầm trọng hơn bằng cách tăng cường "nhai lại" những tri thức đã học trong chương trình.

Khi học thêm không mở mang thêm tri thức mới cho học sinh, cũng không nâng cao sự năng động thể chất, sự sáng tạo trong tư duy, hay sự bay bổng trong tâm hồn, nó không còn là biểu hiện tinh thần hiếu học mà trở thành một tệ nạn.

Tệ nạn với học sinh vì làm lãng phí thời gian phát triển của các em. Tệ nạn với phụ huynh vì lãng phí tiền của vào việc trả công cho các thầy, tiền mua dụng cụ học thêm, và công lao đưa đón trẻ. Tệ nạn với xã hội, vì bao nhiều thời gian và nguồn lực bị lãng phí vào việc học thuộc hoặc thực hiện thành thạo những thứ có thể dễ dàng tìm kiếm qua Google, hay qua vài thao tác trên bàn tính, trong khi các công dân tương lai của nó lại thiếu những kỹ năng cơ bản để sinh tồn, thiếu rèn luyện sức khỏe để làm việc, và thiếu óc sáng tạo để phát triển.

Tất cả những tệ nạn đó có lẽ đã được thúc đẩy bởi tệ nạn người giáo viên cần việc dạy thêm như cần câu cơm. Nếu như ở các vùng nông thôn hay miền núi, lương giáo viên trong biên chế tạm đủ để giúp họ nuôi bản thân và góp phần nuôi gia đình thì tại thành thị, mức lương đó có thể không đủ để nuôi một đứa con đi học!

Chế độ tiền lương "độc đáo" của chúng ta đã buộc người giáo viên ở thành thị phải sống với một thu nhập thấp hơn hoặc bằng người giáo viên miền núi hay nông thôn, ở nơi mà mọi thứ đều đắt đỏ hơn, mọi thứ đều phải trả tiền mà không thể trồng thêm cây rau, sào lúa, hay nuôi thêm lợn, gà. Dạy thêm là việc bức thiết để giải quyết nhu cầu cuộc sống, chứ không phải là một việc được lựa chọn với giáo viên trường công ở đô thị. Và tất nhiên, không có chỗ cho dạy thêm miễn phí như chúng ta từng được chứng kiến trước đây 1/4 thế kỷ, khi các trường tổ chức dạy bồi dưỡng học sinh giỏi cho những học sinh đi thi học sinh giỏi, hay dạy bổ túc cho những học sinh yếu.

Khi dạy thêm trở thành cách kiếm tiền chủ yếu và không bị kiểm soát, người giáo viên có cơ hội đẩy học sinh đến chỗ học thêm trở thành việc bắt buộc. Cách bắt buộc hữu hiệu nhất chính là việc cố tình dạy hổng kiến thức trong chương trình chính khóa, và đó chính là hành vi trái đạo đức. Hệ quả là chất lượng giáo dục trong chương trình chính khỏa giảm sút. Một hệ quả lớn hơn là nó làm sụp đổ toàn bộ quá trình giảng dạy đạo đức hay nhân cách cho học sinh, khi chính những người thầy ở vị trí có tính biểu tượng truyền thống về đạo đức và đang giảng dạy đạo đức lại làm việc trái đạo đức với học trò.

Tha hóa lần thứ hai: lớp VIP

Sự hạn chế của nền giáo dục phổ thông kể cả về phương pháp giáo dục lẫn cơ sở vật chất trong khi nó chậm đổi mới, thậm chí tha hóa, khiến cho giáo dục tụt lại với nhu cầu của xã hội, đặc biệt là với mong muốn của những phụ huynh tương đối thành đạt, muốn cho con mình có được tương lai tốt hơn, bằng cách được thụ hưởng giáo dục tốt hơn.

Cùng lúc, vai trò của giáo dục gia đình ngày càng mờ nhạt. Nó dẫn những phụ huynh "có điều kiện" đến hai ngã rẽ khác nhau. Ngã rẽ thứ nhất cho con vào học trường quốc tế hoặc trường tư. Đó là những phụ huynh tin vào một môi trường giáo dục lành mạnh, phương pháp giáo dục hiện đại sẽ giúp con mình phát triển tốt.

Trường quốc tế và trường tư, dân lập thoát khỏi cơ cấu lương của nhà nước, giúp giáo viên không hoặc ít chịu áp lực mưu sinh bằng dạy thêm. Trang thiết bị học tập của trường cũng sẽ không bị giới hạn bởi mức tài trợ từ ngân sách, mà sẽ tương ứng với các khoản đóng góp từ phụ huynh.

Nhưng có không ít phụ huynh "có điều kiện" chọn cho con mình một ngã rẽ khác: vẫn là trường công, nhưng với chế độ "được ưu đãi". Lý do đầu tiên là các trường công giàu truyền thống hơn, với những trường điểm và hệ thống trường chuyên, lớp chọn với đội ngũ giáo viên được chọn lọc từ hệ thống. Vì thế, không ít phụ huynh chấp nhận bỏ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để mua suất học cho con mình ở trường công. Lớp học quá đông hay giáo viên vô tình thì phụ huynh trả tiền để mua sự chú ý hay ưu đãi cho con mình! Cứ coi như khoản chênh lệch học phí giữa trường tư và trường công được sử dụng để mua ưu đãi từ giáo viên!

Tuy nhiên, những ưu đãi cá biệt này không làm thay đổi được thực tế về cơ sở vật chất hạn chế của trường công, và giải pháp được đưa ra: lớp VIP hay lớp chọn mở rộng. Tại đó, phụ huynh được đáp ứng mong muốn về cơ sở vật chất cho việc học tập của con mình, được ưu đãi về chất lượng giáo viên hay những hoạt động đặc biệt khác, tương ứng với mức đóng góp "tự nguyện". Mâu thuẫn giữa chủ trương xã hội hóa giáo dục tại trường công để nâng cao điều kiện dạy và học với mức độ sẵn sàng đóng góp của đa số phụ huynh đã dẫn tới việc "khoanh vùng xã hội hóa" trong chính trường công; mâu thuẫn giữa lòng tin của phụ huynh vào truyền thống và phương pháp giáo dục của trường công với sự ngờ vực về lương tâm và trách nhiệm nghề nghiệp của giáo viên trường công đã dẫn tới đòi hỏi mua sự ưu đãi ngay trong chính trường công. Cả hai hội tụ lại ở một sản phẩm quái thai: lớp VIP, hay lớp chọn mở rộng (lớp chọn ban đầu chỉ dựa trên học lực của học sinh, lớp chọn mở rộng thì phụ thuộc "điều kiện" của phụ huynh học sinh).

Gọi là quái thai, vì nó công khai sự phân biệt đối xử ngay trong một trường học, trong khi một xã hội văn minh trao cho con người quyền bình đẳng về cơ hội, mà đầu tiên là quyền bình đẳng trong giáo dục công. Đó là lý do các quốc gia phát triển miễn phí giáo dục công ở bậc phổ thông, và chúng ta, trên lý thuyết, miễn học phí giáo dục công ở bậc tiểu học.

Tuy nhiên, với những trường học, những phụ huynh đã góp công tạo nên những lớp VIP nói trên, có thể họ không coi đó là sự quái thai, bởi vì sự phân biệt đối xử vẫn hiện hữu công khai trong cuộc sống của họ, và đặc quyền với họ và với con cái họ là hiển nhiên khi họ có quyền và có tiền. Đó lại là câu chuyện của xã hội.

Nếu ở nơi làm việc, người ta được hưởng đủ thứ đặc quyền, được cung phụng bởi cấp dưới và xã hội, về nhà lại được người giúp việc phục vụ tận răng, người ta khó tránh khỏi ngộ nhận về đặc quyền đương nhiên của mình, và cũng đòi hỏi con mình phải có đặc quyền tương ứng.

Nhưng cũng không ít những phụ huynh còn lam lũ vất vả, ban đầu phải chọn trường công vì vấn đề kinh tế, rồi cũng cố đua theo vào lớp VIP, lớp chọn với tâm lý không để con mình phải thua kém thiên hạ, và hy sinh đời bố - củng cố đời con.

Họ không hình dung tới những đứa con được nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường đặc quyền đặc lợi khi trưởng thành sẽ biết ứng xử ra sao với cuộc đời. Hay họ tin rằng họ chính là sự bảo đảm cho việc con mình khi trưởng thành cũng sẽ ở vị trí đặc quyền đặc lợi như thế? Hoặc tin rằng những tài sản mà mình tích cóp được đủ để con mình được cung phụng suốt đời, ngay cả khi chúng là những kẻ vô dụng vì từ nhỏ đã được nuôi dưỡng thói lười biếng và ỷ lại?

HỒNG NGỌC (TUẦN VIỆT NAM)
Previous Post
Next Post