Không biết mỗi chúng ta - mỗi cái đốm li ti trong dòng đời xuôi ngược này dành được mỗi ngày mấy phút để nghĩ xem mình là ai và về những cái mình cố đạt được trong năm mười năm, hay vài chục năm nữa sẽ có giá trị gì đối với cái vũ trụ mênh mông, chẳng biết bắt đầu và kết thúc tại đâu?
Đối với hắn, năm nay là một năm tràn đầy biến động: chuyển cơ quan hai lần, chuyển nơi làm việc ba lần. Giờ, cứ sáng sáng, hắn và chiếc “giấc mơ” già phải vợt khoảng chục cây số để cùng đồng nghiệp chui tọt vào một Tòa nhà hiện đại, cao ngất ngưởng nơi ven đô, để rồi chiều tối lại từ đấy chui ra, vượt qua cũng từng ấy cây số về nhà.
Đi làm xa, đương nhiên vất vả, mất thời gian và tốn tiền hơn cho xăng, xe, đành an ủi một cách AQ rằng, được hơn người khác ở chỗ ngắm nhìn thành phố cảnh vật và con người từ trên cao.
Từ tầng chót vót tĩnh tâm nhìn xuống, bỗng thấy phố sá, nhà cửa, dòng người ngược xuôi có một diện mạo khác xa so với những gì từng thấy dưới mặt đất. ở dưới đó, đâu cũng thấy nhà cửa, văn phòng, cơ quan, quán sá cả cổ lẫn mới cứ san sát! san sát. Mọi người ai cũng có vẻ sang trọng, thanh lịch và hạnh phúc. Cứ nhìn dòng người chật cứng tại các ngã ba, ngã tư đang hối hả đổ tới công sở, siêu thị, ngân hàng, sàn chứng khoán... sẽ cảm nhận được cuộc sống đang sôi động, đang hừng hực đi lên thế nào.
Thế nhưng trên cao nhìn xuống, các tòa cao ốc đối với người ở mặt đất hoành tráng là thế, hiện đại là thế, giờ chỉ giống những bao diêm to nhỏ nằm lô nhô, lẫn lộn với các ngôi nhà cao thấp khác. Và tất cả chúng đều túa về bốn phương tám hướng, chẳng tuân theo một trật tự kiên trúc nào, hệt như chúng được ai đó vãi ra các bãi đất xung quanh như vãi mạ. Có thể hiểu được sự lộn xộn này vì mỗi ngôi nhà chẳng qua là hiện thân của một cá nhân cụ thể nào đó.
Con người sinh ra có phúc, có phận, nên nhà phải quay đông, quay tây hay quay nam, quay bắc là chuyện bình thường. Thế nên, hướng nhà sẽ phụ thuộc vào số, tức là vào năm sinh, giờ sinh của gia chủ và đương nhiên cũng phụ thuộc nhiều vào trình độ "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu lòng người" của các thày địa lý, bói toán. Và ở đâu có nhà, có hàng quán là ở đó có đường, nên hệ thống đường sá nhìn từ trên cao xuống chẳng khác gì những bộ rễ cây ngoằn nghèo tự do vươn tới nguồn nước, nguồn dưỡng chất. Và trên những bộ rễ cây nhằng nhịt đó là dòng người đang ngược ngược, xuôi xuôi túa về khắp nơi với bao nỗi lo toan.
Hay thật, từ trên toà nhà hai chục tầng nhìn xuống, đã chẳng còn phân biệt được những gì làm ta choáng ngợp khi ở dưới mặt đất. Đã không còn tâm trí để so đo về các kiểu kiến trúc chóp củ hành, Gô-tich, La-mã... đã không còn tâm trí để nghĩ về trang thiết bị nội thất xịn được nhập từ Italia hay từ Đức. về đời điện thoại di động, về mác xe hơi, về hình thức ăn mặc sang hèn… Tất cả đã hòa vào một bức tranh rộng lớn trải ra trước mắt, mà để đánh giá bức tranh này xấu hay đẹp cần có những cách nhìn khác.
Từ trên cao nhìn xuống, có thể biết ngay một khu vực hay thành phố nào đó có được quản lý bởi các nhà quản lý có nghề hay không. Lúc này, không phải là các tiểu tiết như thời trang đông hay hè, không phải là nguồn gốc trang thiết bị nội thất, không phải là kiểu kiến trúc của các toà nhà mà là sự hài hoà hay không của màu xanh lá cây tượng trưng cho rừng, cho lúa, của màu nâu, màu vàng tượng trưng cho sự phì nhiêu đất đai, mùa màng, của mầu trắng bàng bạc tượng trưng cho sông ngòi, hồ ao, của màu xám, màu đỏ, màu đen tượng trưng cho phố phường, đường sá, nhà máy, xí nghiệp... Bức tranh cuộc sống đã được đánh giá bằng các thông số khác.
Lên cao hơn nữa, ví dụ như khi đang ngồi trên một chuyến bay nào đó nhìn xuống, các đường ranh địa lý mờ dần, mờ dần. Thay vào đó là những thông tin vĩ mô như dân số, diện tích, văn hoá lịch sử, mức độ phát triển kinh tế - xã hội mô tả diện mạo bức tranh sẽ xuất hiện trong đầu người ngắm tranh. Đây, dưới cánh máy bay là bức tranh của Hà Nội - thủ đô cả nước, là nơi ngàn năm văn hiến, là nơi có Hồ Gươm, Tháp Rùa, có Quảng trường Ba Đình, có lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi có nhiều cơ quan đầu não của đất nước... Còn đây là bức tranh của TP. Hồ Chí Minh, một thành phố lớn với hơn chục triệu dân, với trên 300 năm lịch sử là nơi tập trung của nhiều nhà máy, xí nghiệp... Đâu nữa là Hải Phòng - thành phố của biển, của hoa phượng đỏ là Quảng Ninh nơi có thành phố Hạ Long với Vịnh Hạ Long, một trong các kỳ quan của thế giới...
Hãy lên cao nữa, lên tới độ cao của các vệ tinh nhìn xuống. Trái đất sẽ là hình cầu với các biển và lục địa. Việt Nam lúc này chỉ còn là hình chữ S nho nhỏ nằm cạnh biển Đông. Nghĩ đến Việt Nam, người ta sẽ nghĩ đến một quốc gia có mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, đến những người dân nhỏ bé, hiền lành, cần cù, mến khách với nụ cười luôn nở trên môi. Sát ngay liền đó là Trung Quốc, một đất các nước rộng lớn, đã một thời là cái nôi của văn minh nhân loại với các phát hiện về thuốc súng, giấy... Cạnh Việt Nam là Lào, một quốc gia nhỏ bé được nhớ tới bởi điệu múa Lăm vông, bởi Cánh đồng Chum. Rồi Campuchia với Ăng-co-thom, Ăng-co-vát nổi tiếng...
Xa hơn, xuống phía dưới là quốc gia nhỏ bé nhưng nổi tiếng vì đẹp, sạch và sầm uất Singapore, là Malaysia với màu xanh của cọ, là Australia của Kang-gu-ru... Và nằm cách biệt ở phía Tây của địa cầu nghĩa là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mới chỉ có hơn 200 năm lịch sử nhưng đã bứt lên trở thành một siêu cường của thế giới, là Canada của lá dương đỏ, là Brazil với màu vàng xanh của các đồn điền trồng chuối... ở một phía địa cầu là châu Phi với thiên nhiên hoang dã, với kim cương. Rồi Châu Âu với các quốc gia ngày càng trở nên khăng khít khi trở thành thành viên Schengen, là nước Nga rộng lớn với Cách mạng tháng 10...
Từ trên cao nhìn xuống, một cái tôi. một ngôi nhà, một thành phố cụ thể sẽ chẳng là gì. Và thay vào đó, người ta sẽ nghĩ tới những sự kiện trong chiều dài lịch sử, từ khi con người sinh ra và phát triển, qua các thời kỳ cộng sản nguyên thủy chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản, cộng sản chủ nghĩa. Phải chăng chủ nghĩa cộng sản đang xuất hiện cùng với toàn cầu hóa, với thế giới phẳng, với sự chia sẻ không hạn chế về thông tin và tri thức, với sự chuyển đổi cơ chế quản lý (Xin - Cho) sang cơ chế tản quyền theo chiều ngang tạo ra sự Chủ động - Sáng tạo của tất cả mọi người trong quản lý xã hội? Từ trên cao tít nhìn xuống, ranh giới quốc gia, dân tộc, văn hóa, tôn giáo, chủ thuyết... dường như đã nhạt nhòa của thế giới đại đồng được phủ bởi màu xanh của hòa bình, nhân văn, hạnh phúc, bởi màu hồng của hy vọng và phát triển...
Hãy để cho tầm nhìn vươn cao, vươn cao nữa. Trái đất to lớn của chúng ta lúc đó sẽ là gì trong hệ mặt trời, và hệ mặt trời sẽ là gì trong cái vũ trụ mênh mông, vô thủy vô chung? Có buồn cười không chuyện con người cứ cho mình là chúa tể của muôn loài, nhưng mới chỉ nhìn xuống từ một Toà nhà hai chục tầng đã thấy mỗi người chỉ giống như hạt vừng, hay như con kiến gió bé tí ti, có thể bị quét khỏi mặt đất trong tích tắc vì bất cứ tác động ngoại cảnh nào, như động đất, sóng thần, sụp cầu?
Nếu lên cao nữa, lên cao nữa nhìn xuống thì đến cả trái đất với hơn 7 tỷ người đang vật lộn mưu sinh cũng chỉ là hạt bụi. Thế nên, không biết có bõ để hối hả, sống gấp đến từng ấy? Có bõ đánh nhau, tranh giành đất đai, của nả đem về làm của riêng như ai đó vẫn quen làm? Có nỡ kinh doanh làm giàu bằng bất cứ thủ đoạn nào? Có nỡ đối xử với nhau một cách vô lương chỉ vì sự khác biệt về sắc tộc, tôn giáo hay chủ thuyết?
Không biết mỗi chúng ta - mỗi cái đốm li ti trong dòng đời xuôi ngược này dành được mỗi ngày mấy phút để nghĩ xem mình là ai và về những cái mình cố đạt được trong năm mười năm, hay vài chục năm nữa sẽ có giá trị gì đối với cái vũ trụ mênh mông, chẳng biết bắt đầu và kết thúc tại đâu?
Đấy một năm đã hết và Tết đang đến rất gần. Một năm với 365 ngày, mỗi ngày 24 tiếng, cứ tưởng rất dài mà, thế mà nhoáng cái là hết. Đời người ngắn đến nỗi, khi nằm xuống, nhiều người chả kịp để cho trí óc của mình vượt khỏi những tính toán mưu sinh vụn vặt hàng ngày để biết mình là ai, sống để làm gì và vì cái gì?
Nguồn: Nhà quản lý