Một lần đi họp ở Hà Nội, tôi đến sân bay Tân Sơn Nhất. Vì lúc này tình hình kẹt xe ở TP Hồ Chí Minh khá trầm trọng nên tôi cho tài xế rước tôi sớm đến sân bay. May là không kẹt xe nên thời gian chờ khá rãnh rỗi. Hơi “bị rãnh” tôi nhìn hành khách xếp hàng ở cổng ra máy bay. Chợt một cái đập vai làm tôi giật mình: một thằng bạn học hồi thời trung học mà ít có dịp chúng tôi gặp lại. Qua chào hỏi, nó (hiện làm ở Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh) bảo mình với nó đi cùng chuyến bay và cùng . . . chờ bay. Thế là có bạn dể “tám” cho đỡ buồn. Ôi thôi đủ chuyện trên đời từ hồi còn đi học đến chuyện bây giờ. Nó chỉ tôi dòng người đang xếp hàng ở cổng ra máy bay. Một cảnh tượng rất nực cười: “đổ xô” và “chen lấn”. Và tôi chợt giật mình khi người bạn nói: “Tao đi nhiều nước trên thế giới, khi ra sân bay, hể thấy người Châu Á nào ở sân bay mà “lăng xăng”, “hấp tấp” thì chắc chắn là người Việt Nam”. Tôi trãi nghiệm lại và thầm động ý với nhận định trên của nó mà trong lòng không vui một chút nào cả.
Thói quen “đổ xô” và “chen lấn” trông nực cười thật và đáng suy ngẫm về một lối sống (hay là một thói xấu) của người Việt mình: sự “đổ xô” và “chen lấn” luôn hiện diện trong nhiều hoạt động đời sống và người ta không ai mảy may nghĩ rằng đó là một hình ảnh vô cùng xấu xí, thiếu văn hóa. Ở sân bay, ngay quầy làm thủ tục thôi đã có nhiều người chen ngang, lấn hàng rồi. Tới chỗ làm thủ tục hải quan, thay vì đứng chờ dưới vạch đỏ, người ta cứ lấn lên khiến nhân viên hải quan phải luôn miệng nhắc nhở. Thậm chí, khi đã có chắc chắn một chỗ ngồi trên máy bay rồi mà khi nghe loa thông báo: “Mời hành khách cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em v.v…” là tất cả cứ ào ào đổ xô tới cửa boarding. Chỉ có tôi, bạn tôi và vài người khác là điềm nhiên ngồi đợi cho tới khi không còn ai mới ung dung đi vào, vừa không phài đứng chờ tới lượt mỏi cả chân, vừa thoải mái. Tại sao lại cứ phải ào ào lên khi mà đằng nào mình cũng lên được máy bay và chắc chắn có ghế ngồi?
Hôm nọ, chỉ một tin đồn là xăng tăng giá, thế mà người ta cũng đổ xô, chen lấn để mua xăng. Giống như lần trước tin đồn thiếu gạo khiến người ta ào ào chen nhau mua gạo. Chạy xe ngoài đường thấy ai cũng ào ào và luồn lách cốt sao cho xe mình vượt được người khác. Phần lớn nguyên nhân của các cuộc kẹt xe là do người lưu thông chen lấn và tự làm cản trở lẫn nhau.
Những ngày khuyến mãi của các Siêu thị hay Trung tâm điện máy, người ta xếp hàng và chen lấn từ sáng sớm để mua được món đồ mà chưa chắc đã là rẻ, có người còn bị móc mất điện thoại hay ví tiền trong khi chen nhau, thật lợi không bằng hại. Chen nhau không được về la làng lên là bị khuyến mãi lừa, mà không tự trách là tại sao mình tham lam ngu ngốc.
Những dịp lễ hội là dịp cư dân mạng lại xôn xao về những hành vì phản cảm thiếu văn hóa như vụ giẫm đạp nhau trên đường hoa Nguyễn Huệ, hay vụ phá ngày hội Hoa Anh đào ở Hà Nội. Mùa lễ hội những đền chùa, đình miếu đều chen chúc và giành giật, chẳng thấy còn chút gì là linh thiêng hết. Lễ khai ấn đền Trần, hội Chùa Hương, Hội bà chúa xứ núi Sam v.v… chỉ là dịp để khách hành hương hành xác nhau trong khổ sở, là dịp cho bọn buôn thần bán thánh trục lợi. Đâu đâu cũng thấy những biểu hiện của sự giành giật, bon chen, không ai chịu nhường ai.
Có lẽ tư tưởng: “trâu chậm uống nước đục”, hay “mội miếng giữa đàng bằng một sàng xó bếp” đã ăn sâu vào đầu óc người Việt nên người ta luôn muốn mình phải nhanh chân hơn kẻ khác, luôn muốn giành giật chút phúc lộc của giời? Thật không lý giải được.
Tôi có một đứa cháu 6 tuổi, vừa học hết Mầm non, chuẩn bị vào lớp Một. Cha mẹ cháu chạy hết gần 50.000.000 đồng để cháu được vào học trường Tiểu học điểm (dù cha mẹ cháu không mấy gì khá giả). Chạy được xong cha mẹ cháu đến khoe với tôi “thành tích” “chạy” đó mà còn nói thêm nhiều người khác giàu có nộp tiền nhiều hơn nhưng vẫn không được vì thiếu “quen biết”!. Tôi ậm ờ cho qua nhưng trong lòng chợt nghĩ mình hồi nhỏ đi học trường làng, cha mẹ nghèo con đông nên có “chạy” gì đâu (mà lúc đó không ai có khái niệm “chạy” đó) mà cũng học giỏi, thi đâu đậu đó. Chợt nhớ lời thằng bạn nói lúc “tám” ở sân bay: Bây giờ muốn được việc thì phải “chạy” từ lúc sinh cho đến lúc chết. Có bầu, đẻ phải “chạy nhà bảo sanh”; đi học phải “chạy trường, chạy lớp, chạy thầy; chạy điểm”; bệnh phải “chạy nhà thương, chạy thầy, chạy thuốc”; đi làm phải “chạy việc”; muốn thăng tiến phải “chạy chức, chạy quyền”; lỡ bị tội thì phải “chạy án”; mà có chết đi cũng phải “chạy chỗ chôn” . . .
Chỉ khi nhìn thấy những người Nhật trật tự xếp hàng nhận hàng cứu trợ sau cơn động đất, sóng thần mới thấy rõ ràng sức mạnh của giáo dục. Người dân Nhật được giáo dục về nền nếp và trật tự xã hội từ nhỏ, nên ý thức ấy đã ăn sâu trong họ. Còn người Việt mình, từ bé nhiều đứa trẻ đã được cha mẹ dạy một cách cố tình hay vô thức rằng: phải tranh giành, chen lấn, xô đẩy mới có được cái tốt hơn cho mình, vì thể tư tưởng ấy đã ăn sâu bén rễ và trở thành một lối sống xấu lúc nào không hay.
Có lẽ chẳng bao giờ người Việt mình thay đổi được những thói xấu làm hình ảnh Việt Nam trở nên “kỳ quặc” trước mắt những du khách nước ngoài. Nhất là giới trẻ ngày nay, được sinh ra và chiều chuộng trong nhung lụa, thì cái tính ích kỷ cá nhân còn tăng lên gấp nhiều lần, họ sẽ ít biết hy sinh vì người khác. Nhưng tôi vẫn mong sao có nhiều người biết nhìn ra thế giới và nhìn lại nước Việt mình, để thấy cần phải nỗ lực thay đổi. Thay đổi để chính bản thân mình tốt hơn, đất nước mình tốt hơn.
Nguồn: bacsingan.vnweblogs.com