Thương cái xương chẳng còn

Những câu tục ngữ xưa – chứ không phải tục ngữ hiện đại – nhưng hình như tính bất nhất và tính khôn vặt của người Việt được phản ánh trong đó không xưa một chút nào. Nó vẫn vậy, tươi rói, sống động và đặc biệt phổ biến trong lối suy nghĩ, lối ứng xử của người Việt ngày hôm nay.

Tính khôn vặt của người Việt còn có những biến thể khác, in dấu trong tục ngữ.

Biến thể 1: nếu không nhanh tay tranh cướp để hưởng lợi được, thì ít ra, anh cũng phải biết cách giảm thiểu rủi ro cho mình, bằng việc lảng tránh đương đầu với những khó khăn, quay lưng lại hoặc đi đường vòng trước những thách thức:

“Một sự nhịn, chín sự lành”, “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, “Lắm người yêu hơn nhiều kẻ ghét”, “Biết tay ăn mặn thì chừa, đừng trêu mẹ mướp mà xơ có ngày”, “Chú bạo chú khốn, tôi dát tôi trốn, tôi hãy còn đây” v.v... (Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương từng nói về chuyện này: tục ngữ Việt Nam dạy con người Việt Nam cách biết sống... hèn!).

Biến thể 2: anh cần phải biết cách nắm cho chặt, giữ cho chắc quyền lợi của mình, của gia đình mình, của cộng đồng mình, và chỉ cần quan tâm đến điều đó thôi, mọi thứ quyền lợi khác của những người khác đều không đáng phải để ý: “Ăn cây nào rào cây ấy”, “Lệnh làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, “Ai có thân người ấy lo, ai có bò người ấy giữ”, “Thừa người nhà mới ra người ngoài”, “Thương, cái xương chẳng còn”, “Thương người thì khó đến thân” v.v...

Biến thể 3: Anh cần phải biết một trong những phương cách tốt nhất để giữ an toàn cho mình, đó là xóa bỏ sự tồn tại độc lập của cá nhân, chạy trốn vào tập thể, lấy tập thể và cơ chế chịu trách nhiệm liên đới của chủ nghĩa tập thể làm thành lũy, làm lá chắn:

“Lụt, thì lút cả làng”, “Toét mắt là tại hướng đình, cả làng toét mắt riêng mình ai đâu”, “Dại đàn còn hơn tốt lỏi”, “Xấu mặt xin tương, cả phường cùng húp” v.v... (Về điểm này, nhiều nhà nghiên cứu, từ giác độ xã hội học, dân tộc học, sử học v.v..., đã lý giải bằng cách chỉ ra căn tính tiểu nông của người Việt Nam, những con người được cố kết và bị chi phối rất chặt bởi những quan hệ cộng đồng huyết tộc, quan hệ Làng – Họ, nếu muốn diễn đạt theo cách khác).

Từ kho tàng tục ngữ của người Việt, nói chung, có thể đọc ra khá nhiều nét trội trong tính cách của người Việt được “găm” vào đó. Tôi mới chỉ nói đến tính bất nhất và tính khôn vặt mà thôi, dù rằng thực ra có thể và cần phải liệt kê nhiều hơn thế. Nhưng chỉ thế thôi đã thấy gợn lên một mối lo: những câu tục ngữ xưa – chứ không phải tục ngữ hiện đại – nhưng hình như tính bất nhất và tính khôn vặt của người Việt được phản ánh trong đó không xưa một chút nào. Nó vẫn vậy, tươi rói, sống động và đặc biệt phổ biến trong lối suy nghĩ, lối ứng xử của người Việt ngày hôm nay. Với những “phẩm chất” ấy, đến lúc nào mỗi người Việt Nam mới trở thành một công dân thế giới đích thực, cho dẫu không phủ nhận được là rất nhiều người trong số chúng ta đang sở hữu và sử dụng thành thạo các phương tiện của nền văn minh hiện đại không thua kém gì ai? Đây là câu hỏi chắc chắn không dễ trả lời.

Nguồn: vinabase.com
Previous Post
Next Post