Thật vô cùng nguy hiểm khi có nhiều người lớn không những không nêu gương mà còn nói dối, nói không đi đôi với làm, hay nói một đàng làm một nẻo.
Trước hết, phải nói ngay rằng vấn đề “những thói hư tật xấu của người Việt” bị bạn bè quốc tế chế giễu là chuyện vốn “xưa như trái đất”. Vấn đề này thời gian qua được các chuyên gia văn hóa, chuyên gia giáo dục nước nhà đã bàn luận, hội chẩn nhằm tìm ra nguyên nhân làm nẩy sinh tính những tính xấu ấy rất nhiều lần rồi.
Không phải là thời điểm nhìn lại
Vì thế theo tôi, giờ là thời điểm chúng ta cần nhanh chóng đề ra giải pháp cụ thể và bắt tay vào làm ngay nhằm góp phần giảm thiểu các tính xấu ấy chứ không phải là thời điểm “nhìn lại những giá trị” như phát biểu của nhà sử học Dương Trung Quốc trong bài trả lời phỏng vấn trên Tuần Việt Nam, mặc dù tôi hoàn hoàn toàn tán thành quan điểm cần phải “nhìn lại mình” của ông [1]
Hãy nhìn sang người Nhật để thấy phản ứng của họ. Sau khi nhà chức trách thống kê và thấy rằng những vụ trộm cắp của người Việt đang có chiều hướng gia tăng, họ đã cấp tốc mở những lớp dạy tiếng Việt dành cho các nhân viên cảnh sát (nhằm thuận lợi hơn trong việc điều tra xét hỏi trực tiếp thay vì phải nhờ đến phiên dịch). Đây rõ ràng không chỉ là một “phản ứng văn hóa” nhanh nhạy mang lại hiệu quả tức thì cho giới cảnh sát Nhật mà còn là một cơ hội để họ tìm hiểu về người Việt Nam chúng ta.
Có một điều không thể chối cãi, sở dĩ những tính xấu của người Việt nẩy sinh và bùng phát như hiện nay có nguyên nhân sâu xa từ chính cách giáo dục của người Việt. Vì thế, giải pháp căn cơ và lâu dài cho vấn đề này phải xuất phát từ đây.
Từ trước đến nay, ngành GD nước ta chỉ GD cho thế hệ trẻ những vấn đề mang tầm vĩ mô lớn lao và… chung chung, hướng đến mục tiêu tạo ra con người mang màu sắc lý tưởng, trừu tượng hơn là con người cụ thể, biết hành động, chủ động giải quyết thực tiễn.
Hãy đọc vài nhận xét của du học sinh người Nhật về người Việt:
- “Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường.”
- “Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?”
Nhìn lại những tính xấu của người Việt hiện nay phải thừa nhận đây rõ ràng hệ quả của nền giáo dục chỉ chú ý đến việc tạo ra những con người với những “lý tưởng chung chung”, nhưng hoàn toàn xa lạ thực tế cuộc sống xã hội trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay. Vậy thì cách nào để khắc phục lỗi giáo dục này? Phải làm gì để truyền thống 4000 năm văn hiến của người Việt được cụ thể ra thành những “ứng xử văn hóa” trong cuộc sống thường nhật, chứ không phải “là một chương trong lịch sử”.
Làm thế nào để mỗi người Việt hiểu và tự hào về một “di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn”, cái làm nên những giá trị và bản sắc Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế? Trong điều kiện của GD hiện nay có thể bắt tay làm ngay được không?
Hoàn toàn nằm trong tầm tay
Cá nhân tôi cho rằng vấn đề này hoàn toàn nằm trong tầm tay của các thầy cô giáo, các nhà quản lý GD và ngành GD. Xin mạo muội đưa ra vài kiến nghị cũng là những giải pháp cụ thể cho vấn đề này như sau:
Một, ngay lúc này Bộ GD nên tiến hành soạn thảo để bổ sung vào quy chế đào tạo sinh viên ĐH, CĐ... một học phần mang tính bắt buộc (tạm gọi tên là “Bản sắc và truyền thống văn hóa Việt” ) đối với tất cả mọi ngành học trước khi sinh viên tốt nghiệp ra trường. Phải xem đây là một “cẩm nang văn hóa” quan trọng và cần thiết để các bạn trẻ làm hành trang (bên cạnh kiến thức chuyên môn) chuẩn bị bước vào đời.
Tuy vậy cũng xin lưu ý, vấn đề này cần nhìn nhận trên tinh thần “phản biện, phản tĩnh văn hóa” chứ không nhìn nhận một cách cứng nhắc (thiên về tự hào ngợi ca một chiều) như một số sách có tên gọi “Cơ sở văn hóa VN” đang lưu hành phổ biến hiện nay.
Hai, đối với bậc phổ thông từ tiểu học đến THPT, những vấn đề này phải được cụ thể hóa qua môn “GD đạo đức công dân” tùy theo tâm lý lứa tuổi học sinh ở mỗi cấp mà biên soạn thành những bài dạy phù hợp. Đặc biệt những bài học mang tính căn cơ cốt lõi và cụ thể như: Lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm, sự trung thực, ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng và bảo vệ môi trường... của mỗi cá nhân trước cộng đồng và xã hội.
Ba, việc biên soạn những bài học đạo đức có tính chất khởi đầu cho các em bậc tiểu học rất quan trọng nhưng. Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi cho rằng, các nhà quản lý GD nên gạt bỏ quan điểm và định kiến hẹp hòi, tận dụng chất xám vốn là di sản văn hóa tinh thần của cha ông để lại. Đó là xem xét sử dụng lại hai bộ sách có tên gọi “Quốc văn giáo khoa thư” và Luân lý giáo khoa thư [2] do học giả Trần Trọng Kim và các đồng sự biên soạn dành cho học sinh cấp tiểu học (mà họ phân ra thành các lớp “đồng ấu”, “dự bị” và “sơ đẳng”) trước đây.
Theo người viết, đây là bộ sách rất hay để GD các em học sinh bậc tiểu học những nhận thức ban đầu về giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa người Việt. Bộ sách này cũng là di sản tinh thần quý báu trong tâm thức nhiều thế hệ học giả và trí thức miền Nam trước đây.
Tuy có một số bài học, câu chữ trong hai bộ sách trên không còn phù hợp với thời đại ngày nay nữa, nhưng đó chỉ là số ít mà nếu sử dụng chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn hoặc chú giải, chú thích thêm cho phù hợp với tình hình và điều kiện mới hiện nay.
Trong hoàn cảnh xã hội VN hiện nay, những giải pháp GD ở trên chỉ phát huy hiệu quả khi có sự “hợp tác”, cụ thể là hành động tự nêu gương của những “người lớn”. Nếu không có khi sẽ gây ra những “tác dụng ngược”. Thật vô cùng nguy hiểm khi có nhiều người lớn không những không nêu gương mà còn nói dối, nói không đi đôi với làm, hay nói một đàng làm một nẻo. Hậu quả là vô tình tạo ra một “phản ứng tâm lý ngược” nơi những người trẻ tuổi: “Mấy ông bà kia chỉ giỏi nói người khác chứ có làm được đâu, mấy ông bà ấy làm bậy nhưng có ai bị xử lý gì đâu...”.
Thế là chẳng ai nghe ai, chẳng ai tin ai, mạnh ai nấy làm, xã hội theo đó mà “loạn” cả lên. Bạn bè quốc tế nhìn vào với đôi mắt đầy e ngại và không thiện cảm, giống như nhận xét của người bạn Nhật: “...Người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để manh mún, lọc lừa.”
Tóm lại, trong hoàn cảnh hiện nay để góp phần giảm thiếu “tính xấu của người Việt” nếu như giải pháp GD là giải pháp mang tính căn cơ lâu dài thì việc làm gương của “người lớn” chính là giải pháp trước mắt. Tất cả những vấn đề này là trong tầm tay của mỗi người Việt chúng ta. Vấn đề là có chịu bắt tay vào làm ngay hay không mà thôi.
Chú thích:
[1]: Xem http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/167776/-buc-thu-du-hoc-sinh-nhat-neu-hien-trang-co-thuc-.html; http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/167133/tranh-cai-buc-thu-noi-trung-tat-xau-cua-nguoi-viet.html
[2]: Hai bộ sách này gần đây đã được Nhà xuất bản Trẻ tái bản lại, ở đây chúng tôi tham khảo bản in tháng 10/2007.
Chúng ta vội vã và nghiêm khắc với mọi thứ vặt vãnh trong khi lại bình thản đến đáng sợ với những đe doạ đang đến gần.
Tương lai vụn vì suy nghĩ vặt
Nhà văn hoá Vương Trí Nhàn từng nói: "Nước nào cũng có gian giảo, Tây, Nam, Chệt, Chà đều có kẻ tốt người xấu. Song nước ngoài người ta gian khéo xảo lớn, còn nước mình gian vụn xảo vặt."
Một đường ống nước cấp cho hàng chục nghìn hộ dân ở giữa thủ đô mà một năm vỡ đến 5 lần vì dùng chất liệu xấu trên nền đất không gia cố. Một con đường sẽ là huyết mạch nối hai trục giao thông chính mà đang thẳng lại uốn cong.
Trong một hội chợ du lịch có tầm quốc tế vừa khai trương, các gian hàng bên trong vẫn chỉ chăm chăm bán tua khuyến mãi, đặc sản địa phương, và khoe tài tỉa dưa hấu.
Chẳng còn lạ nữa việc những con đường cứ đào lên rồi lại lấp xuống, những mục tiêu năm năm bị hy sinh vì lợi ích 1 năm, những đề án mà mục tiêu cứ thay đổi còn nhanh hơn đổi cover facebook.
Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao chúng ta chả có nổi một công viên mới dù năm nào ra xuân các cơ quan đoàn thể cũng đều nô nức trồng cây.
Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao những chung cư vẫn quảng cáo là "cao cấp hiện đại" chỉ sau vài năm đã trở thành những miếng vá xấu xí của đô thị.
Đã bao giờ bạn thử hỏi, tại sao sau gần 80 năm, số km đường sắt chúng ta xây mới so với thời thuộc pháp chỉ là 870km. Tính ra mỗi năm trung bình xây mới được 10km.
Vâng, con số đó quả là rất ngắn. Ngắn như những suy nghĩ của đa số người Việt.
Dường như làm gì, người Việt đều có tư tưởng "ăn xổi ở thì".
Chúng ta nên trách cha ông đã nghĩ ra câu tục ngữ đó để nó ám vào đời sống Việt? Hay ta nên trách những người đang sống ngày hôm nay, đã nuôi dưỡng mầm mống kém phát triển của đất nước ngày mai bằng nếp nghĩ, nếp sống tủn mủn, thời đoạn?
Tư duy nào, số phận ấy
Ngạn ngữ có câu: suy nghĩ tạo ra hành vi, hành vi tạo thói quen, thói quen tạo tính cách, tính cách làm nên số phận. Với tư duy ăn xổi ở thì, chưa hiểu tương lai số phận người Việt sẽ đi về đâu?
Nhiều người nông dân sau luỹ tre làng sẽ chẳng nghĩ gì xa hơn màu xanh của những đồng tiền có thể giúp họ dựng được ngôi nhà tử tế.
Những suy nghĩ như "đi Tây đổi đời", "làm Kiều mới sướng"... đã đi vào không biết bao nhiêu lời ru mà các bà mẹ chân quê hát cho giấc ngủ con mình. (Và thực tế là nhiều đứa trẻ lớn lên từ những lời ru đó, nếu có cơ hội xuất ngoại, sẽ bằng mọi cách bám trụ lại "vùng đất hứa"... ).
Không ít phụ huynh ở những thành phố lớn, đang đầu tư mọi thứ cho con cái, chỉ với mục đích là có một công việc ổn định, thu nhập khá sau này. Mọi ước mơ nằm ngoài tầm nhìn đó đều lãng nhách. Bao nhiêu trong số những ước mơ trở thành hoạ sĩ, ca sĩ, nhà văn... của trẻ không bị cười nhạo bởi định kiến xã hội và lời doạ dẫm của cha mẹ về những "nghề nghiệp chết đói"?
Những thế hệ con trẻ "rập khuôn", lớn lên bằng ước mơ đầy toan tính của cha mẹ chúng liệu có thể tiến xa.
Ăn xổi mọi thứ, ở thì mọi đoạn
Có những thực tế đang lặp lại hàng ngày. Mà nếu sống chậm lại, ta sẽ hiểu.
Đó là, chúng ta cố nới từng phân vuông trong không gian sống của mình mà không cần biết nó sẽ thu hẹp khoảng sáng chung của ngõ. Chúng ta cứ vô tư xả rác mà không cần biết nó sẽ cướp đi sự trong lành của các con sông. Chúng ta cứ ung dung phá rừng mà không cần biết có ngày điều đó sẽ làm ra lũ.
Chúng ta có thừa thời gian để tranh luận vô bổ trên những diễn đàn nhưng lại không đủ kiên nhẫn để chờ một nhịp đèn đỏ. Chúng ta có thừa ý thức về chỗ đỗ xe của mình nhưng lại rất đãng trí về không gian chơi của người khác. Chúng ta cho mình cái quyền được nói oang oang trong thang máy nhưng lại đòi người khác phải biết tôn trọng sự riêng tư của mình.
Chúng ta vội vã và nghiêm khắc với mọi thứ vặt vãnh trong khi lại bình thản đến đáng sợ với những đe doạ đang đến gần.
Chúng ta vội vã thoát nghèo, vội vã làm giàu, vội vã hưởng thụ. Nhưng thoát nghèo có hết hèn không, được giàu có thêm sang không, hưởng thụ mà tâm có bình an không, thì chúng ta không mấy khi nghĩ tới.
Liệu có thể hy vọng vào một tương lai bền vững nếu hiện tại được xây bằng tư duy ăn xổi ở thì như thế?