Nếu nhà thơ Nguyễn Bính có sống lại, thì tôi sẽ xin mạn phép tranh cãi với ông đến cùng về cái “chân quê” của ông. Bởi sự chậm phát triển của một bộ phận không nhỏ đó là sự trả giá cho việc “giữ nguyên quê mùa” trong khi loài người lại đang phát triển đến chóng mặt.
Từ nhỏ, ta được dạy “chửi cha không bằng pha tiếng”. Thế là tiếng ta ta choảng. Ra Thủ Đô cứ tiếng miền Trung với nguyên vẹn hình hài của phương ngữ. Người ta nói tiếng Việt cho nhau nghe đôi khi phải cần đến… phiên dịch. “Em không nói được giọng phổ thông à?”. “Tại răng em phải nói? Em ở mô em nói tiếng ở đó”. Rồi, có một việc đơn giản mà cuối cùng cứ giằng đi kéo lại. Cuộc mua bán kết thúc trong thất bại chỉ vì bị… lỗi giao tiếp.
Không ai bắt các ông các bà phải đổi giọng. Hoa chanh của ông bà cứ nở giữa vườn chanh đi, đâu ai cấm. Nhưng về vườn chanh mà nở. Đổi dùm phương ngữ sang ngữ điệu phổ thông, có mất mát gì đâu. Những em gái miền Trung giòn mặn như cà muối, khi đi ra Thủ Đô, vẫn giữ nguyên chất giọng nhưng đổi kiểu nói sang phổ thông, thấy dễ nghe và đáng yêu vô cùng. Thậm chí, có người được đà, đổi luôn thành… giọng Hà Nội. Nói nghe chuẩn không cần chỉnh, khiến không ít người cứ lầm tưởng là người Tràng An.
Nhắc đến người Tràng An, tôi lại mới sực nghĩ ra, ừ, đúng người Tràng An thanh lịch thật, nhiều người cũng cần học phong thái thanh lịch đó thật, tuy nhiên, không ít người vẫn cậy thế Tràng An của mình, khinh người kinh khủng. Người thanh lịch thực sự thường nhìn lên và bước tiến, chứ không phải cứ giậm chân tại chỗ. Khinh người suy cho cùng cũng là biểu hiện của cái “quê mùa” mà thôi.
Đã không ít ông già bà lão sống hoài vọng với phố cổ thâm trầm và chật chội, đã có ít nhiều miệt thị với người tỉnh lẻ, để trở thành “hot ông”, “hot bà” thời gian qua trên báo lá cải. Xin ông bà. Bên cạnh Hà Nội 36 phố phường, thì cũng có “mùa Xuân làng lúa làng hoa” chứ. Có cái gì quý tộc trọn vẹn đâu. Thì khinh người làm gì. Mang chủ nghĩa vùng miền hẹp hòi là biểu hiện của sự triệt tiêu giao lưu văn hóa và bít đường học hỏi văn minh.
Ừ, thì ta “nguyên chất”, vào siêu thị thấy người quen cứ gọi í ới như người đi làm đồng. Vào nhà hàng giữa bộn bề quan khách thì mạnh miệng ai người nói. Rồi thi nhau cười hô hố. Ăn uống thì thìa chén cứ va loảng xoảng. Miệng cứ nhai ra tiếng lắp chắp lắp chắp. Thậm chí là vừa ăn vừa nói. Xin. Ngàn lần xin. Rồi cứ nghĩ cứ như ở quê không có bờ rào, sẵn tay thuổng quả cam quả táo của nhà hàng xóm. Vào siêu thị quen tay mà thuổng như cô gì của đài truyền hình nọ di công tác nước ngoài, hay bà giám đốc của một hãng bia quê mình chẳng hạn, làm xấu mặt người Việt vô cùng.
Ta “giữ nguyên quê mùa” với cái truyền thống… ăn thịt chó. Quê mùa của ta đã đưa nước ta nằm trong danh sách giết hại chó lớn nhất loài người. Tôi thấy nhục nhã, đau đớn khi nhìn thấy cái kỷ lục kia. Ở các nước văn minh, con chó là một trong ba đối tượng được cưng chiều, bảo vệ. Ở ta thấy là…thịt. Bắt sống. Câu trộm. Rồi thuốc cho chết để bắt về ăn. Thậm chí, người ta sang Tây, đêm đêm có kẻ âm thầm xách súng đi bắn chó để đưa về ăn thịt cho đã thèm.
Tham lam, ích kỷ, nhìn vào cái túi mình đẩy người khác vào hoàn cảnh điêu đứng, thậm chí đẩy cả xã hội vào nghèo đói. Người Hàn Quốc sống nhìn lên, mới có ông Lee Kun Hee của Samsung khiến cả thế giới phải ngước nhìn, làm cho đất nước Hàn Quốc phồn thịnh lên nhiều. Ta “giữ nguyên quê mùa” nên túi ta ta đựng. Đã có ông quan chức đựng cho vừa túi tham để nhân dân phải đói nghèo. Ta “giữ nguyên quê mùa” với hội chứng rảnh rỗi bình phẩm “râm ran chè xanh”, ném đá hội đồng của cái đám đông ghen ăn tức ở, nên cái “game con chim” mới chấp chới bay đã phải hạ cánh. Thì bao giờ ta có được những ông như Lee Kun Hee? Hay ta vẫn tự hào và tự sướng như mấy ông doanh nhân nửa mùa, khoe đủ thứ lố bịch như anh trọc phú cà phê?
Có lẽ bớt đi cái “nguyên quê mùa” kia. Chỉ giữ lại những truyền thống tốt đẹp, những ân nghĩa, những phép tắc, những tinh hoa văn hóa từ thời cha ông, còn nữa thì ngước lên rồi chạy theo loài người đang lao như mũi tên kia. Hãy như người Nhật, một mặt, họ vẫn giữ những tinh hoa của họ, nhưng mặt khác họ chấp nhận từ bỏ con người nhỏ bé lủn chủn truyền thống của họ để lai tạo một thế hệ công dân cao lớn mới. Và nước Nhật đã cao lớn từ đó.
Người viết : Theo TGNNT Online, FAME Online