Văn hóa tự xử (Jiketsu) của người Nhật bản

Kamikaze trong thế chiến thứ hai

Hình ảnh những người lính Nhật quì trước sân mổ bụng tự sát (tuẫn tiết) khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng quân đội đồng minh vô điều kiện vào năm 1945 vẫn còn trong ký ức của những người đã sống vào thời kỳ đó. “Harakiri” (seppuku) là phương cách tự xử của Samurai thời phong kiến, để tỏ lòng thành hoặc nhận trách nhiệm trước chủ soái (lãnh đạo), có khi tuẫn tiết theo người chủ soái thất trận. Nhà văn nổi tiếng Mishima Yukio đã mổ bụng tự sát ngay ở phòng làm việc viên tướng tư lệnh Tổng cục phòng vệ Nhật bản vào năm 1970 với lời hịch “ưu quốc” (lo lắng cho đất nước), cho rằng lực lượng bảo thủ, cánh hữu ở Nhật bản thời bấy giờ quá hèn nhát, không bảo vệ nổi uy tín của Thiên hoàng trước làn sóng dân chủ tiến bộ đòi kết thúc chế độ “quân chủ lập hiến” mà Thiên hoàng (Vua) là người đứng đầu. Hình ảnh quá khích này không khác gì những phi công cảm tử của Nhật bản khi dùng máy bay lao vào tấn công Trân Châu Cảng (7/12/1941) một cách liều lĩnh. Kamikaze (Thần Phong) là cách mà không quân Nhật khiêu chiến với quân đội đồng minh. Ngày nay, tinh thần này của người đàn ông Nhật bản vẫn còn ẩn hiện trong tiềm thức, nhiều người đã chấp nhận lấy cái chết để bày tỏ thái độ “trách nhiệm” hay “lòng thành” trước một sự việc nào đó có liên quan đến họ. Gần đây nhất là bộ trưởng quốc phòng Kyuma Fumio phát biểu “hớ” trong một buổi họp rằng hành động ném bom Nagasaki vào năm 1945 của Hoa kỳ là một việc làm “chẳng đặng đừng” để kết thúc chiến tranh, buộc phải đệ đơn xin từ chức và Bộ trưởng Nông lâm thủy sản Matsuoka Toshikatsu đã tự sát vì bê bối tài chính trước phiên xét hỏi của quốc hội để “nhận trách nhiệm” trong việc gây tác động xấu đến uy tín đang trên đà xuống dốc của liên minh đảng cầm quyền mà thủ tướng Abe là người đại diện.

Các chủ tập đoàn công nghiệp, ngân hàng, chứng khoán hay thương mãi… ở Nhật bản cũng như chính trị gia các đảng phái tại Quốc hội bao giờ cũng sẵn sàng rút lui mỗi khi một sự việc tiêu cực nào đó bị phơi bày ra ánh sáng, cho rằng chỉ có cách này mới có thể làm “yên dân”(hay yên lòng khách hàng) bảo vệ được sự đoàn kết, nhất trí của “tổ chức” và tránh được sự chê bai, bài bác của dư luận.

Văn hóa “tự xử” ngày nay

Văn hóa “tự xử” của người Nhật bản ngày nay tuy không còn quá khích như trước nhưng vẫn tác động tâm lý rất lớn nhằm duy trì sự ổn định và phát triển (của đất nước, đảng phái hay công ty…) tuy nhiên có những người cố tình, ngoan cố chạy tội, chối quanh co và rút cục thì cũng phải tìm cách tháo lui, nhường chỗ cho kẻ khác (trong nhóm) lên thay mà thôi. Chỉ với cách làm này mới có thể duy trì được vị trí hay quyền lợi của phe nhóm một cách lâu dài.

Trường hợp điển hình nổi bật nhất là Cựu thủ tướng Tanaka Kakuei, một nhân vật gây sóng gió nhiều nhất trên chính trường Nhật bản trong thời gian ông ta cầm quyền trong chính phủ và đảng Dân chủ tự do, là nhân vật nổi tiếng, trùm ngành xây dựng ở Nhật bản, người đưa ra chủ trương “cải tạo quần đảo Nhật bản” với hàng trăm công trình xây dựng đồ sộ nhằm củng cố quan hệ với những nhà thầu vốn từng làm ăn với nhóm của ông ta. Cuối cùng Tanaka Kakuei cũng phải chấp nhận từ chức trong khi đang nắm một lực lượng hùng hậu trong đảng, trở thành “nhóm quyền lực đen” ở hậu trường sân khấu chính trị Nhật bản trong những năm 1969-1985 với ô danh là người làm chính trị bằng cách xây dựng “quyền lực bằng đồng tiền (Kinken seiji) và kéo đến tận ngày ông ta qua đời (tháng 12/1993) thì ảnh hưởng của Tanaka dần dà tan rã, chia năm xẻ bảy thành những phe phái khác (*).

Đối với ngừời Nhật bản, lối “tự xử” này được xem là một cách cứu vãn đạo đức của người biết “tự trọng” không chịu khuất phục hay hèn nhát trước nghịch cảnh. Nhận lãnh trách nhiệm “đạo lý” bằng cách từ chức, thoái lui hay tự miễn nhiệm trước khi tòa án hay cấp trên “xử tội” vẫn là cách làm phổ biến. Vì vậy, không lấy gì làm lạ khi thủ tướng hay lãnh đạo một đảng phái chính trị ở Nhật bản buộc bước xuống vũ đài chính trị sau khi gặp thất bại trong cuộc bầu cử để “nhận lãnh trách nhiệm”, giao lại quyền bính cho nhóm khác trong đảng.

Việc bộ trưởng (chánh văn phòng nội các) từ chức chịu tội thay cho thủ tướng Abe Shinzo để nhận trách nhiệm trong thất bại thảm hại vào kỳ bầu cả thượng viện ngày 29/7/2007 là một thí dụ gần đây nhất.

Việc xử phạt bằng cách buộc kẻ phạm tội phải mổ bụng tự sát (Seppuku) như phong kiến Trung quốc là chém đầu hay treo cổ (treo cổ là biện pháp xử phạt giữ gìn danh dự, cho toàn thây xem như ân huệ của Hoàng đế đối với hoàng thân, quốc thích, quan lại phạm tội chết) đã chấm dứt vào năm 1873, ngay sau Minh Trị Duy Tân, vì vậy từ đó đến nay chỉ còn hiện tượng tự sát theo chủ ý riêng mà thôi, hành động này được lý giải như một sự đền tội hay chuộc lỗi sai lầm.Vì vậy văn hóa “tự xử” của người Nhật bản mang ý nghĩa bảo vệ danh dự của cộng đồng (đảng phải, bè nhóm…) một cách quyết liệt, sẵn sàng hi sinh dù không “tự sát” kiểu xưa kia nhưng họ biết phải “tự rút lui”, hay “lùi” về tuyến sau khi không còn đủ sức để lèo lái hay (nhận được sự ủng hộ) lãnh đạo như Tổng thư ký đảng LDP Nakagawa Hidenao lẫn chủ tịch Hội nghị sĩ thượng viện của đảng Dân chủ tự do(LDP) Aoki Mikio tuyến bố sẵn sàng từ chức sau thất bại đắng cay trong cuộc bầu cử tháng 7 năm 2007, lần đầu tiên sau 55 năm cầm quyền đảng cầm quyền LDP trở thành thiểu số ở thượng viện.

Ảnh hưởng của Thần đạo (Shinto)

Triết lý xử thế theo đạo lý phương đông đồng thời phù hợp với tinh thần của Shinto (thần đạo) là trung thành tuyệt đối với lãnh chúa (hay Thiên hoàng) của người Nhật đã biến thể sang hình thái “mổ bụng”* để được chết một cách “thanh thản” giữ lấy danh dự trong thời phong kiến nay trở thành những vụ thảm sát hay tự vẫn vì hoàn cảnh cá nhân, bất mãn hay thất bại trong công việc ngày càng nhiều. Chọn cái chết là cách “giải thoát” (theo đạo Phật) hay là “con đường về trời” theo tư tưởng của thần đạo(Shinto) Nhật bản.

Không những trong giới doanh nhân, chính trị gia, hầu hết người Nhật sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm của mình bằng cách tuyên bố từ chức ngay lập tức để tránh búa rìu của dư luận. Họ “đập đầu” xin lỗi hay tạ tội trước công luận, trong những buổi họp báo giải trình về nội dung thất bại, hay thất thoát để xoa dịu sự căm phẩn rồi sau đó xin có thời gian chỉnh đốn, sửa sai và cam kết sẽ từ chức khi kết thúc công việc, làm tròn trách nhiệm cuối cùng” trước khi rời nhiệm sở.

Ở chính trường thì điều đó càng thể hiện đậm nét khi tương quan lực lượng phe phái ngang ngữa, đối trọng; chỉ cần phạm lỗi dù nhỏ cũng bị các nghị sĩ đối lập truy xét cho đến khi chịu bước xuống vũ đài mới thôi, hay ngược lại dùng đa số phiếu để đè bẹp đối phương tiếp tục giữ vững quyền bính. Điều đó đã trở thành một tập quán thường thấy ở nước khác nhưng việc ở lại “tham quyền cố vị” này riêng ở Nhật bản thì không thể kéo dài mà chỉ là sự vớt vát để dàn xếp phân bổ quyền bính giữa các phe phái trong đảng cầm quyền, điều này có thể thấy qua việc thủ tướng Abe tuyên bố tiếp tục ở lại với “trách nhiệm” cuối cùng trong sự nghiệp chính trị. Cho nên cuối cùng thì ông Abe Shinzo buộc phải tuyên bố từ chức sau một tháng gắng gượng.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật bản trong nội các mới thành lập ngày 27/8/2007 của Thủ tướng Abe, ông Takehiko Endo đã xin từ chức vì đã nhận một khoản tiền ủng hộ trái phép 50,000 yen (tương đương 450 USD) từ một hợp tác xã nông nghiệp hưởng trợ cấp của nhà nước.

Liền sau đó, vào ngày 12/9/2007 thủ tướng Abe đột ngột tuyên bố từ nhiệm vì “cảm thấy không đủ sức để thuyết phục đảng đối lập (Dân Chủ) trao đổi về khả năng tiếp tục hỗ trợ quân đội Mỹ, tiếp tế xăng dầu trên Ấn độ dương,chia sẻ sự gánh vác trách nhiệm trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh ở Iraq. Thực tế là ông Abe đã quá mỏi mệt, tình trạng sức khỏe không đảm bảo phải nhập viện. Rõ ràng Ông Abe Shinzo đã không mấy may mắn trong một năm cầm quyền, các vị bộ trưởng của nội các Abe luôn phải đối mặt với những vụ bê bối về  tài chính, thay nhau từ chức liên tục và sự thất bại của đảng LDP trong cuộc bầu cử thượng viện vào tháng 7 đã kết thúc vai trò của ông mặc dù đã ra sức cố giữ !

Ông Fukuda Yasuo, cựu chánh văn phòng chính phủ lên thay, là con trai của nguyên thủ tướng Fukuda Takeo, người đã đưa ra “học thuyết Fukuda” nổi tiếng vào năm 1977, chủ trương đa phương hóa quan hệ đối ngoại của nước Nhật trong đó chú tâm đến việc cải thiện quan hệ giữa Nhật-ASEAN và cam kết Nhật bản không bao giờ trở thành cường quốc về quân sự ở khu vực. Giới bình luận chính trị tại ở Tokyo cho rằng thủ tướng Fukuda Yasuo sẽ có chính sách mềm dẻo hơn người tiền nhiệm để lèo lái con thuyền của đảng Tự do dân chủ (LDP) trước thế yếu tại thượng viện hiện nay. Nhưng trong lúc mọi việc đang bắt đầu, bộ máy chưa kịp trơn tru qua hàng loạt biến cố thì ngày 28/9/2007, tức một ngày sau khi được bổ nhiệm, bộ trưởng bộ giáo dục Tokai Kisaburo bị phát hiện là đã nhận số tiền 4,42 triệu yen (tương đương 40,000 đô la) “hiến kim chính trị”(tiền ủng hộ vận động bầu cử) qua văn phòng bầu cử của ông vào năm 2003 và 2005 từ ba công ty xây dựng đang thực hiện công trình làm đường của nhà nước. Để tránh mũi dùi công kích của dư luận, vị bộ trưởng này vội vàng họp báo cam kết sẽ hoàn trả số tiền nói trên sau khi “gom đủ”!

Những điều này cho thấy dù nhân vật này hay nhân vât khác bị phát hiện, rồi từ chức trước sức ép của công luận và phe phái đối thủ trong đảng nhưng nhìn về đại cuộc thì chính quyền của đảng Tự do dân chủ không hề suy suyển, vẫn tiếp tục nắm quyền binh trong nửa thế kỷ qua, cách tự xử của họ nhằm mục đích tối thượng là tạo niềm tin của nhân dân đối với đảng cầm quyền, việc thay người càng làm cho bộ máy cầm quyền tăng cường khả năng thanh lọc (làm sạch) hàng ngũ và thể hiện sự trung thành như những Samurai ngày xưa đối với lãnh chúa.


*Tanaka Kakuei (1918-1993) buộc phải rời khỏi chức vụ thủ tướng khi đang nắm quyền vào tháng 11-1974 khi bùng nổ scandal tình cảm với cô kế toán trưởng Sato Aki. Sau đó, sự kiện Tanaka Kakuei ăn hối lộ khi còn đương nhiệm trong áp phe “mua bán máy bay Lốc-kít” của hãng hàng không ANA (All Nippon Airways) phơi bày ra ánh sáng, Tanaka bị toà án Tokyo kết tội 4 năm tù giam vào tháng 10-1983 nhưng ảnh hưởng chính trị của Tanaka trên chính trường không hề bị suy giảm, 6 thành viên trong nội các Nakasone (1984) vẫn là người của phe cánh Tanaka.
Previous Post
Next Post