Vạn-vật xoay vần theo bốn mùa: Xuân tươi mát, Hạ nóng ấm, Thu hiu hiu, Đông giá lạnh, rồi lại trở về Xuân.... Đức Phật Thích Ca nhận thấy vòng luân-hồi con người là Sinh, Lão, Bệnh, Tử, chu-kỳ này truyền từ đời này qua đời nọ. Nói một cách thực-tiễn hơn, tôi nhận thấy cuộc đời chúng ta phần lớn gồm có 4 giai-đoạn: Rong chơi, Đi Học, Đi làm, và cuối cùng là Về hưu.
Rong chơi là một giai-đoạn có thể gọi là vô tư lự: không phải làm bất cứ điều gì ngoài tam khoái (ăn, ngủ, tiêu hóa) và chơi (một mình, với bố mẹ, với gia đình và bạn bè ở vườn trẻ hay lớp mẫu giáo). Và cũng không phải bận tâm bất cứ chuyện gì.
So với giai-đoạn trên, về hưu cũng có nhiều điểm tương-tự: bớt phải bận-tâm nhiều vì con cái phần đông đã lập gia-đình, nhà cửa đã trả xong, không còn công việc phải làm, mà lại có đủ tứ khoái nữa.
Giai-đoạn "đi học" thì sướng ở điểm không phải lo nghĩ chuyện gì ngoài việc học và khám phá cuộc đời. Ngược lại, ta phải tuỳ thuộc bố mẹ và không có phương-tiện tài chính hay hợp-pháp để làm tất cả những gì mình muốn.
Đi làm là giai-đoạn mình hăng say lao thân vào đời để kiếm tiền nuôi thân, nuôi gia-đình và để "thành công" ngoài đời. Có tiền nhưng phải vất vả, phải bon chen.
So với giai-đoạn này, về hưu cũng được điểm lợi chính là có tiền (tuy là ít hơn) nhưng không phải làm gì hết, chỉ lo hưởng đời.
Tôi nhận thấy người Pháp dùng chữ "partir à la retraite" (đi hưu), nghĩa là từ vị trí đang làm việc, trong khi Việt-Nam mình gọi là "về hưu", nghĩa là trở về cuộc sống của mình, trở về giai-đoạn đầu là rong chơi (?)
Mỗi giai-đoạn có những đặc-điểm của nó, có điểm lợi, điểm bất lợi nên khó mà nói giai-đoạn nào là "sướng" nhất trong đời, chỉ biết sống "theo thời" mà thôi.
Tôi thì đã về hưu 4 năm nay rồi, còn vợ tôi vừa về hưu non bốn tháng nay nên cũng là cơ-hội để chia sẻ cùng bạn đọc một vài cảm nghĩ, cảm xúc qua kinh nghiệm bản thân.
Về hưu: một sự lựa chọn cá-nhân
Tùy theo mỗi nước, tùy theo mỗi nghề, mỗi ngạch, vấn-đề về hưu có nguyên-tắc và qui-luật định rõ điều-kiện (tuổi tác, số năm làm việc, lương bổng, ...) để được nhận tiền hưu-trí, trợ-cấp xã-hội, phúc-lợi về y-tế, ... Phần đông mọi người cứ theo luật, chờ đến đúng tuổi thì về hưu. Đối với những ai muốn về hưu sớm hơn thì cũng có luật-lệ qui định điều-kiện và quyền-lợi một cách rõ ràng để mỗi người có đủ yếu-tố khách quan để phân-tích, so sánh và quyết-định về hưu trong điều-kiện nào.
Những yếu-tố khách quan thì áp dụng cho mọi người, nhưng những tiêu-chuẩn còn lại hoàn toàn tuỳ thuộc mỗi người nên quyết-định là một sự lựa-chọn riêng của từng cá-nhân. Nếu chỉ so-sánh trên phương-diện tài-chánh thì đương nhiên là về hưu đúng tuổi (hay trễ hơn) vẫn lợi hơn. Và ngược lại, muốn về hưu non thì phải chịu được ít trợ-cấp hơn. Cho nên chúng tôi đã phải suy-nghĩ cách khác là:
"Tôi muốn ngưng làm việc càng sớm càng tốt và trong trường-hợp của tôi thì bao giờ tôi mới có khả năng này và với điều-kiện nào?" Nhưng muốn trước khi đặt câu-hỏi này, chúng tôi đã phải tự đặt và tự trả lời một vài câu hỏi chính yếu.
Đi làm để sống hay sống để đi làm?
Nói cách khác, việc làm (và tiền) là một phương-tiện hay một mục đích?
Có những người lấy sự-nghiệp, quyền-quí, danh vọng hay tiền bạc làm mục đích sống và dùng việc làm để thành công và dĩ nhiên đó là lựa chọn của mỗi người.
Riêng tôi, sau 15 năm đi làm công, tôi đã từ bỏ sự nghiệp và quyết định ra làm riêng nhưng cũng chỉ làm một mình chứ không muốn (không biết) mở và khuếch-trương một công-ty riêng. Công việc tôi là cố-vấn quản trị (management consulting) nên rất là thú vị, nhất là làm riêng thì tự do, thoải mái hơn đi làm công. Tôi đã lựa chọn Tự-Do trên Sự-Nghiệp.
Phần vợ tôi thì đã từng làm việc 32 năm cho cùng một hãng, trong cùng một ngành.
Cho nên, đối với riêng chúng tôi, công ăn việc làm chỉ là phương-tiện mưu sinh mà thôi, phải nói thẳng là như vậy.
Mục đích cuộc sống là gì?
Không cần phải triết-lý xa vời. Nói cách khác, nhu-cầu thiết yếu của mình là gì? Thế nào là sống đủ? Thế nào là sống vui?
Trên đời này, ai chẳng thích có tiền để mua sắm, để đi chơi, nhất là bên thiên-đàng tiêu-thụ này? Nhưng thế nào là đủ giàu?
Tôi nhớ lại một lần nói chuyện với một thằng bạn, tôi kể rằng tôi chẳng bao giờ kiểm tra sổ sách ngân hàng thì nó nói tôi: "Như vậy có nghĩa là mày giàu". Có lẽ tôi không cần theo dõi sổ sách vì tôi tự biết mình có thể mua những gì mình có khả năng mua, vì tôi tự biết giới hạn của mình? Có lẽ là vậy: mình (đủ) giàu nếu mình không cần chạy theo tiền để (đủ) vui sống.
Dĩ nhiên là nếu trúng số hay hưởng gia-tài một ông chú, bà bác nào thì tôi sẽ mừng lắm nhưng không có, tôi vẫn sống vui thôi.
Tính toán: Mưu sư tại nhân, thành sự tại thiên
Tính xa tính gần, tính ngược tính xuôi nhưng có một điều chính yếu mà không ai có thể đoán chắc được là bao giờ ông Giời sẽ gọi mình đi. Trên phương-diện này, chúng ta chỉ có thống-kê, cái gọi là tuổi thọ trung bình, hay kỳ-vọng sống (espérance de vie / life expectancy).
Nhưng thống-kê chỉ tính trên người đã chết thì làm sao dự-tính cho người còn sống?
Mặt khác, tôi sinh trưởng ở Việt-Nam (tuổi thọ trung bình 73 tuổi) nhưng đã sống bên Bỉ (78 tuổi), bên Pháp (79 tuổi), bên Mỹ (75 tuổi) thì tôi phải dựa trên thống-kê nào đây?
Một điều quan-trọng nữa: lấy thí dụ một người đàn ông Pháp, thọ trung bình 79 tuổi, về hưu đúng tuổi, nghĩa là 65 đến 67 tuổi (tuỳ theo năm sinh), hoá ra chỉ "hưởng nhàn" được có 12 đến 14 năm sau khi "đi cầy" hơn nửa đời người thôi ư?
Đã bao nhiêu bạn bè cùng lứa tuổi tôi đã vĩnh-viễn ra đi rồi?
Cho nên thôi, nhất là vợ chồng chúng tôi gặp nhau ở đầu thu cuộc đời, nếu không dành thời-gian còn lại cho nhau thì chờ đến bao giờ?
Tuổi già
Tôi quen một vài anh bạn tuổi đã ngoài 70 nhưng vẫn còn leo lên mái nhà cào tuyết hay vẫn còn chơi trượt nước (water ski). Nhưng trừ một vài ngoại lệ như vậy, vào tuổi này, chúng ta bắt đầu khó mà dối già nữa. Tôi thiết nghĩ mình còn (tương đối) trẻ trong đầu, trong tim, nhưng thật ra thì đến một lúc nào, Thân không còn biết vâng lời Tâm nữa.
Chúng tôi bây giờ đi chơi nhạc đến 1 giờ sáng rồi khiêng dọn đồ nghề và lái xe 3 tiếng nữa để về nhà thì thôi, xin đầu hàng vô điều-kiện. Thật ra, muốn "gồng" thì cũng được, nhưng "hành hạ" cái thân già để làm gì? Còn bao nhiêu dịp chơi, bao nhiêu điều hưởng-thụ khác, "chơi xả láng" để làm gì?
Nói cho ngay, đến tuổi này rồi, mình cũng không còn những hoài bảo, những nhu-cầu như lúc còn 30 hay 50 tuổi nữa. Mình cũng không còn suy nghĩ "như trước" nữa.
Đến tuổi này, có lẽ mình sống với chính mình hơn, với thế-giới bên trong nhiều hơn, sống với tinh thần, tình cảm nhiều hơn là vật chất.
Không gian mình cũng thu hẹp lại với gia-đình, bạn bè, người thân nhiều hơn. Liên-hệ với mọi vật, với người, với chính mình cũng thay đổi.
Thời gian cũng không còn giá-trị như trước nữa. Lúc mới đi làm, chúng ta chạy theo sự mưu sinh, lúc kinh-nghiệm rồi thì chạy theo sự-nghiệp, lúc lập gia-đình rồi thì tiếp tục chạy để làm tròn nhiệm-vụ cha mẹ, lúc có tiền thì chúng ta sống vội để hưởng thụ. Chúng ta cứ cắm đầu chạy theo thời-gian để "thành công" ngoài đời. Chúng ta "sống không kịp thở". Chúng ta có thể thành công nhưng chúng ta đã thành nhân chưa? Chúng ta thành công ngoài đời (réussir dans la vie) hay thành công cuộc đời mình (réussir sa vie)?
Giờ đây, chúng tôi không còn gì để chứng minh với ai hay với chính mình. Chúng tôi không còn hẹn với sự thành công, với tình yêu, tiền tài, danh vọng nữa. (Vả chăng, thành công hay thất bại thì cũng đã trễ rồi, bài thi đã phải nộp và điểm đã được công-bố). Không còn sếp lớn, sếp nhỏ hối thúc, không còn đối thủ hay đồng nghiệp tranh dành vị trí với mình, không còn chủ nợ đến đòi tiền, không còn lo ăn học cho con cái. Giờ đây, ngày nào cũng là cuối tuần, là ngày nghỉ, nơi nào cũng là nơi vui hưởng, là nơi nghỉ chân.
Giờ đây, chỉ còn lại hai thân già dắt nhau đi thung dung trên con đường còn lại. Chúng tôi đã đặt hành-trang xuống, tâm và thân cũng đã nhẹ nhiều. Cuộc sống đầu đông cũng bắt đầu chậm lại, tạo hoá đã như vậy rồi.
Nghỉ việc để làm gì?
Đi làm 8 tiếng, cộng thêm giờ ăn và di chuyển, tổng cộng khoảng 10 tiếng mỗi ngày. Không đi làm thì 10 tiếng đó, thay thế bằng cái gì?
Về hưu là thôi đi làm, nghĩa là thời-gian của mình "hoàn toàn" là của mình, mình đã trở thành "tỷ phú thời-gian", mình muốn làm gì thì làm. Nhưng làm gì bây giờ?
Câu hỏi này không dễ vì "thiên-nhiên không thích khoảng trống" (la nature a horreur du vide, Aristote). Tôi biết một vài người đã đủ tuổi nhưng chưa "dám" về hưu vì sợ ở nhà không biết làm gì?
Nói đến về hưu, chúng ta thường nghĩ đến hai chữ "hưởng nhàn". Nhàn có nghĩa là không bắt buộc phải làm gì, hoặc chỉ làm việc nhẹ và không bị hối thúc. Nhàn cũng có nghĩa là tự do, muốn làm gì thì làm, không muốn làm gì thì không làm gì.
Có những bạn có thời giờ rảnh thì ghi tên đi học nhảy, học đàn, học hát. Có những bạn viết văn, làm thơ, soạn nhạc, học vẽ, ... Có những bạn lo cho sức khoẻ của mình, xoay ra đi chơi golf (sau khi phải bỏ tennis), đi xe đạp, tập yoga hay khí công hay tai-chi (thái cực quyền) hoặc ở nhà làm vườn.
Có những bạn hưởng hạnh-phúc gia-đình, để ý đến bố mẹ hơn, lo cho con, trông nom cháu. Bạn bè cũng là một liên-hệ quí giá đem lại niềm vui trong tuổi này.
Lại có những bạn hăng say làm việc từ-thiện, chia sẻ với người, với đời.
Việc làm cho mình không phải ít, chỉ tuỳ theo sở-thích và khả-năng mỗi người, nhưng nói chung thì làm gì cũng đem lại niềm vui trong đời.
Đôi khi, đây cũng là cơ-hội để thực-hiện một giấc mộng ấp ủ từ lâu. Đây cũng là đề tài của cuốn phim "The bucket list" (2007), chuyện hai người đàn ông đã kê ra và thực-hiện danh sách những việc mình muốn làm trước khi chết.
Sống cho trọn vẹn
Nhưng mà này, tôi không có chủ-trương đi làm hay về hưu, không có lập-trường phải làm gì hay không làm gì khi về hưu. Tôi không bàn luận về một "sự thật" nào cả.
Tôi chỉ muốn nói mỗi tuổi mỗi khác và chúng ta khó mà bơi ngược giòng.
Tôi chỉ muốn nói đời sống mỗi người là một sự lựa chọn riêng và không ai đúng, ai sai.
Nhưng làm gì thì làm, tôi nghĩ đây là những cơ-hội cuối cùng, là chuyến tàu cuối đời.
Đến "ngày đó", lúc đó, tôi không muốn phải tự hỏi: "Tôi đã sống đủ chưa? Tôi đã được sống như tôi muốn sống không?". Tôi không muốn phải tự nói "Nếu lúc trước..."