Đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra về những nguy cơ như lạm phát, tụt hậu, suy thoái, khủng hoảng vv…
Những lời cảnh báo ấy có trong Nghị quyết Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam, có trên diễn đàn của Quốc hội, trên các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là có trong các kiến nghị, góp ý, nhận xét chân thành, tâm huyết, hiến kế của giới trí thức Việt Nam cả trong và ngoài nước. Nhưng xem ra chúng ta, kể cả nhà lãnh đạo, quản lý ở các cấp khác nhau vẫn như đang ngủ mơ hoặc tự ru ngủ mình và ru ngủ người khác trong khi hiện trạng đất nước đang ở mức báo động đỏ!
Nhớ lại thời kỳ khủng hoảng trong phe xã hội chủ nghĩa, mâu thuẫn giữa 2 nước đàn anh Liên Xô và Trung Quốc tác động lớn đến Việt Nam cả về chính trị và kinh tế. Trong nước ta, lúc ấy, cũng rối ren như “canh hẹ” từ cấp xã đến trung ương:
“Nói khốn khổ là xã
Nói vất vả là huyện
Nói lắm chuyện là tỉnh
Nói lỉnh kỉnh là trung ương
Nói nát như tương là quốc tế”.
Ngày nay, tình hình là hết sức hiểm nguy. Có thể nói là hiểm nguy toàn diện. Lởn vởn đâu đó những đám mây đen hắc ám phủ lên bầu trời phía tây Tổ quốc.
Một số bạn hữu đề nghị tôi viết 1 bài lý giải vì sao sau từng ấy năm "đổi mới " mà khoảng cách giữa Việt Nam (kể cả Lào+Campuchia) và các nước khác lại ngày càng rộng ra? Chúng ta còn nhớ trước năm 2000, Việt Nam thường xuyên nhấn mạnh đến "nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa", sau đó thì ...im luôn. Tại sao vậy? Khi nói đến khái niệm phát triển, tự nó đã hàm ý là 1 sự so sánh. Vấn đề là so sánh với ai (trong cùng một hệ quy chiếu)? Kẻ theo chủ nghĩa mỵ dân thì thường so mình với chính quá khứ của mình và "tự suớng " với sự "bò lên" phía trước với ngày hôm qua của chính mình!. Trong các loài chim thì chim đại bàng là có khả năng bay cao và xa. Vì khi nó đã tung cánh lên trời xanh, nó không bao giờ ngoái đầu nhìn về phía sau hay nói một cách ví von như một số người thường dùng là "không ăn mày dĩ vãng"!
Người bạn đang sống ở Úc cho rằng vay nợ để tăng trưởng là một cách thức, và cách này đã được khá nhiều nước áp dụng. Ví dụ: các nước châu Mỹ La Tinh như Brazil trong các giai đoạn 1874-1980 hay 1994-2002. Brazil đến năm 2002 tưởng như vỡ nợ, nhưng với phương thức quản lý kinh tế tài giỏi của tống thống Lula da Silva, Brazil từ nước nợ nước ngoài kinh khủng sau 6 năm đã trả được toàn bộ. Việt Nam nếu cải cách toàn diện cả chính trị và kinh tế, có chính sách phát triển đúng đắn ngay từ bây giờ, hy vọng 10 -15 năm nữa có thể làm được điều này.
Nhìn vào tiềm năng của Việt Nam, thấy hầu như đã bị khai thác gần hết nếu sử dụng phương thức phát triển (chính xác hơn là tăng trưởng) như hiện nay, đó là xuất khẩu sản phẩm thô, nguyên liệu và cung cấp lao động giá rẻ trình độ thấp. Nhật Bản thời kỳ trước sau chiến tranh còn không có năng lượng hay tài nguyên mà họ vẫn phát triển được. Cái quan trọng là chiến lược phát triển của họ khác chúng ta, hoặc chúng ta đang chọn chiến lược sai lầm, hoặc khả năng thực thi chiến lược của chúng ta quá kém. Tại sao kém chắc ai cũng biết, nhưng với thực tế hiện nay, phải có thay đổi thực sự về bài toán hệ thống, nếu không, thì chắc chắn mọi thứ sẽ càng bi đát. Việt Nam dễ đi theo con đường của mấy nước nghèo như Phillipines, Myanmar thời kỳ trước đổi mới, hay Bangladesh hiện nay. Theo đó, 95% dân số nghèo khổ, vật vờ, có một số nhỏ giàu có tập trung tại khu vực nào đó. Tỷ lệ thất nghiệp cao. Một tỷ lệ nhất định dân đi làm thuê cho các nước khác. Chúng ta hiện nay có quá ít động lực để phát triển.
Người bạn sống ở thành phố Hồ Chí Minh phân tích, chúng ta đã bỏ phí mấy chục năm, cụ thể từ sau ngày giải phóng 1975. Có quá nhiều lý do khiến cho thời gian bị lãng phí. Vì ấu trĩ, tin vào những điều tưởng là lý tưởng dẫn đến tầm nhìn, định hướng bị giới hạn hay thậm chí lệch lạc. Vì năng lực, trình độ có hạn nhưng lại không cởi mở để khai thác triệt để những nguồn nhân lực trong toàn dân. Vì chạy theo lợi ích nhóm mà bỏ qua lợi ích chung của dân tộc. Vì cả kẻ thù lẫn các ông bạn vàng o bế ...
Lãng phí thời gian này không chỉ của 1 mà là 2-3 thế hệ. Lẽ ra những con người này phải được hưởng điều kiện thuận lợi để xây dựng cuộc sống tốt hơn. Cuộc đời họ và con cái họ được sống đầy đủ hơn. Cả 2-3 thế hệ người Việt Nam, đặc biệt những người dân nghèo nông thôn, sau khi chiến tranh kết thúc, lẽ ra họ có được điều kiện làm ăn tốt hơn trong điều kiện hòa bình. Hơn nữa, không chỉ từng người dân bị thiệt thòi, mà trên khía cạnh xã hội là lãng phí nguồn nhân lực. Bỏ qua cơ hội phát triển dựa vào ưu thế nguồn nhân lực rẻ. Thời gian trôi đi, lợi thế trôi đi, đất nước vẫn tụt hậu.
Việt Nam chắc sẽ lại bị mắc kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình như những nước láng giềng ASEAN của mình thôi. Mỗi nước chắc sẽ có những nguyên nhân khác nhau trong những điều kiện khác nhau để tạo ra cái bẫy của mình. Nhưng riêng Việt Nam, thật quá đáng tiếc.
Người Nhật, người Hàn đã vượt lên từ chiến tranh. Sao họ làm được thì ai cũng biết. Sao ta không làm được thì ai cũng biết. Đáng tiếc rằng biết mà lại không thể làm gì. Đúng là nhìn thấy chết mà không thể cứu!. Điều đáng quan tâm là không chỉ chuyện kinh tế, mà theo kinh tế là chính trị, và việc giữ được đất nước hay không cũng là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Như vậy thì thật đau đớn vì bao nhiêu xương máu của các thế hệ đi trước trở thành “dã tràng xe cát”! Điều đáng tệ hơn là đi theo sự suy sụp về kinh tế, thoái hóa về chính trị, là sự xuống cấp về văn hóa. Kinh tế - chính trị phục hồi thì khó, nhưng khi lấy lại đà thì còn có thể phát triển kiểu rồng, hổ được, chứ riêng trong lĩnh vực văn hóa, xã hội để lấy lại đà cũ, và phát triển lên thì lại không thể nhanh theo kiểu phi mã được. Khía cạnh văn hóa, xã hội cũng giống như khía cạnh sinh học vậy, không thể ăn bớt thời gian được. Tốn bao nhiêu thời gian để từ trẻ con thành đứa trẻ dậy thì, tốn bao nhiêu thời gian để từ 1 người thanh niên đến người trung niên, thì dù cách đây mấy nghìn năm, đến bây giờ, tình hình cũng vẫn vậy, chả thay đổi được tí nào. Vì vậy, sự xuống cấp về văn hóa là một tổn thất mà khó có thể lường hết.
Lấy ví dụ về quyển sách “sát thủ đầu mưng mủ”. Đó là bề nổi của 1 tảng băng chìm. Đó là biểu hiện của một sự thay đổi lớn về các giá trị cuộc sống. Rồi chúng ta sẽ chứng kiến sự thay đổi lớn lao về giá trị cuộc sống của thanh niên so với thế hệ người lớn. Chúng ta không chỉ mất nước trên khía cạnh kinh tế-chính trị, mà rồi, chúng ta sẽ không còn nhận ra chính con cái chúng ta nữa, khi chúng nó có hệ giá trị hoàn toàn khác. Nói là chúng ta mất con thì nghe hơi quá, nhưng đáng tiếc là như vậy. Điều đó thể hiện trong sự thay đổi về chính trị. Thế hệ đi trước sẽ không hình dung được thế hệ trẻ sẽ tiếp nối như thế nào đâu. Khi thế hệ trước già đi, chuyển giao đất nước cho thế hệ trẻ, và thế hệ trẻ nắm trong tay họ hệ thống chính trị với thang giá trị xã hội thay đổi hoàn toàn thì liệu chuyện gì sẽ diễn ra, sẽ chẳng ai biết trước được. Nói hệ thống chính trị này mất đi thì hơi quá nhưng … e là vậy. Đó chính là câu nhìn thấy chết mà không thể cứu.
Trao đổi thường xuyên với bạn hữu, chúng tôi băn khoăn, bức xúc thế thôi chứ cũng chả giải quyết được gì khi mà ý thức hệ và “cái ghế” đã làm mờ mắt nhiều người có trách nhiệm. Cách đây 20 năm một người bạn của tôi là chuyên gia về xã hội học ở Hà Nội đã nói với 1 phóng viên khi trả lời phỏng vấn rằng Việt Nam cần 100 năm nữa để bằng Thái Lan lúc đó. Bạn phóng viên đó đã phật ý, và cắt luôn câu trả lời đó. Bây giờ, theo dự đoán của WB, Việt Nam cần 95 năm. Hóa ra rút ngắn được 5 năm. Cũng không đến nỗi quá thất vọng!???
Bản chất con chim đại bàng là dũng mãnh với những phản ứng theo bản năng cực kì chính xác và kịp thời, với nó, tất cả các khoảnh khắc trong đời đều là hôm nay, không ăn mày dĩ vãng và không vay mượn. Có thể nói, các chiến thắng của chúng ta với những siêu cường là những chiến thắng đầy bất hạnh, đầy đau thương và mất mát. Chỉ có một chiến thắng năm 1945 là trọn vẹn. Xét về mặt tinh thần các cuộc chiến còn lại chỉ là sự hiện diện cho sự thất bại của tất cả các bên. Người Nhật và người Đức vốn đã mang trong mình bản chất tự tôn dân tộc, họ không thể mang trong mình hai nỗi quốc nhục: Bại trận và nghèo hèn. Chính vì thế cả một thời gian dài họ làm việc và tích lũy như chưa bao giờ được làm việc. Ít nhất hơn hai thế hệ của họ luôn ghi nhớ hai nỗi nhục này như nỗi ám ảnh khôn nguôi.
Đối với Việt Nam thì khác, có thể nói cả một thời gian gần 20 năm, không đâu tập trung nhiều đến thế, phổ biến đến thế những hình nhân AQ không biết tiếng Tàu. Nỗi nhục của nghèo hèn lại trở thành liều thuốc tinh thần làm rạng rỡ thêm ánh hào quang chiến thắng. Gần 20 năm sống vật vờ và ít ai nghĩ rằng quãng thời gian ấy dài bằng cả một đời người của những người không bao giờ trở về từ những cuộc chiến. Nên nhìn lại quá khứ 20 năm sau đổi mới.Thật ra đối với đất nước chúng ta phải là mỗi năm nhìn lại một cách hết sức nghiêm túc và khắt khe. Sức đã yếu, sự tiến lên bền vững chủ yếu nhờ cần cù, xuất phát chậm không cho phép biên độ lệch hướng thông thường, mà biên độ đó là biên độ của cơ khí chính xác.
Ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) luôn ân hận xót xa là đã chưa làm được điều đó, ước muốn đó đã ra đi theo người cộng sản chân chính. Có thể nói cho đến năm 96 chúng ta đã đi tương đối đúng hướng, và nhờ thế ta vượt qua khủng hoảng 97 khá tốt. Bất hạnh nảy sinh từ đây. Bất chấp những lời cảnh báo của các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước, đáng nhẽ phải nhận ra rằng ta mạnh lên một chút là bởi một phần các nước khác yếu đi nhiều chút, rằng Việt Nam thực chất không giầu và muốn tiến được phải ổn định để tăng trưởng, rằng Việt Nam phải xây dựng nền văn hóa ứng xử phù hợp giữa lý và tình, rằng phải hi sinh nhiều thứ để có nền giáo dục chí ít cũng phải theo kịp Thái Lan, Singapore, rằng phải sử dụng tài nguyên rừng, biển, dầu mỏ, khoáng sản một cách tiết kiệm nhất, rằng phải nâng cao giá trị tài nguyên đất theo giá trị hiện vật mà nó có thể sinh ra bằng cách đa dạng hóa hình thức sở hữu chứ không phải là một thứ hàng hóa đem rao bán...vv và vv…
Ngây ngất với men say, với tâm trạng của anh nhà quê quen ăn gạo lức muối mè, lần đầu được ăn súp vi yến cứ tự sướng rằng ta là giỏi lắm, cái gì cũng làm được, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, ta sẽ chạy bộ một lèo tới sao kim, sao hỏa!!! Thế là đâm đầu như thiêu thân vào tăng trưởng diện rộng với trình độ quản lý và văn hóa thấp, với các chính sách vĩ mô bất cập. Thêm vào đó là những biến động ngoài sức tiên liệu của khủng hoảng thế giới thì điều phải đến đã đến. Việt Nam được gọi là anh hùng với tỷ lệ tăng trưởng GDP ấn tượng. Nhưng ít ai ngờ tỷ lệ tăng trường ấy là nhờ đầu tư công, tỷ trọng đầu tư công có lẽ cao nhất thế giới! Còn chất lượng đầu tư công thì có lẽ cũng tồi tệ nhất thế giới.
Cần chú ý rằng tổng giá trị đầu tư công cao hơn rất nhiều so với qui mô của nó, bởi tổng gíá trị ấy có một phần rất lớn dành cho các chi phí thiệt hại do chất lượng kém, do chậm tiến độ, do tham nhũng (vào loại khủng nhất thế giới) của các năm trước để lại nhân với lãi suất tích lũy (cũng lại khủng nhất thế giới), đó là chưa kể đến có những đầu tư công hàng chục năm không đẻ ra một đồng giá trị. Chỉ riêng một điều này thôi đã cho thấy phát triển kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng theo số đếm bước chân của người đi bộ trên máy tập thể dục.
Mức tăng trưởng GDP còn được mang lại trong những năm qua bởi xuất khẩu khoáng sản và lâm sản. Khoáng sản đang nằm trong lòng đất, dầu, khí đốt dưới lòng đất và dưới đáy biển khơi được đánh giá một cách hết sức tù mù đôi khi chỉ cần lấy giá Xuất khẩu - chi phí khai thác - chi phí vận chuyền - thuế cứ miễn là một số không âm là được. Cách tính này lố bịch đến mức chỉ cần cộng tài sản của các đại gia về gỗ trên toàn quốc so với chi phí phải trồng mới và nuôi dưỡng đủ lớn số cây mà các đại gia đã khai thác trong 20 năm qua ta sẽ thấy thế nào là bài toán “trade off” được- mất. Lại nữa, nguồn kiều hối chiếm tỉ trọng từ 8 đến 12,3% GDP nhưng lại phục vụ ngược trở lại cho nước ngoài chênh lệch lãi suất ngân hàng giữa hai quốc gia. Thủy hải sản cũng đang cạn kiệt. Dầu mỏ đã không có ưu thế về hàm lượng lưu huỳnh lại thêm hai mối đe dọa ngoại kích (Trung Quốc) nội công (ngu dốt và tham nhũng). Có muốn tăng GDP cao cũng không được nữa.
Mức tăng trưởng GDP còn được mang lại trong những năm qua bởi xuất khẩu khoáng sản và lâm sản. Khoáng sản đang nằm trong lòng đất, dầu, khí đốt dưới lòng đất và dưới đáy biển khơi được đánh giá một cách hết sức tù mù đôi khi chỉ cần lấy giá Xuất khẩu - chi phí khai thác - chi phí vận chuyền - thuế cứ miễn là một số không âm là được. Cách tính này lố bịch đến mức chỉ cần cộng tài sản của các đại gia về gỗ trên toàn quốc so với chi phí phải trồng mới và nuôi dưỡng đủ lớn số cây mà các đại gia đã khai thác trong 20 năm qua ta sẽ thấy thế nào là bài toán “trade off” được- mất. Lại nữa, nguồn kiều hối chiếm tỉ trọng từ 8 đến 12,3% GDP nhưng lại phục vụ ngược trở lại cho nước ngoài chênh lệch lãi suất ngân hàng giữa hai quốc gia. Thủy hải sản cũng đang cạn kiệt. Dầu mỏ đã không có ưu thế về hàm lượng lưu huỳnh lại thêm hai mối đe dọa ngoại kích (Trung Quốc) nội công (ngu dốt và tham nhũng). Có muốn tăng GDP cao cũng không được nữa.
Chỉ nói riêng về thu thuế địa ốc, mà nhiều nước như ở Mỹ là nguồn thu chính nhằm tài trợ giáo dục công. Ở Việt Nam thu không đáng kể, hình như dưới 1% GDP. Vấn đề không phải chỉ là thu mà là do biên chế của nhà nước to quá, chi nhiều quá. Càng hô hào cải cách hành chính biên chế càng phình to. Việt Nam năm 2011 có tỷ lệ để dành là 30 % GDP (đang giảm so với trước đây năm 2006 là 36,5%) nhưng chi tiêu của nhà nước lên tới 31.5% GDP và lại đang tăng (so với 2006 là 29.1%), là quá cao. Và lại ham đầu tư nên tất nhiên phải vay nước ngoài. So với Trung Quốc, chi tiêu của nhà nước Việt Nam cũng quá cao (TQ là 20% GDP, VN là 31.5% GDP). Số người làm cho khu vực hành chính là 119 ngàn năm 2005 đã lên 185.5 ngàn. Nhưng con số này chẳng ăn thua gì với con số làm cho đảng, công an và quốc phòng, trên 1,6 triệu người.
Có nhiều ý kiến cho rằng do ý thức hệ, chỉ còn trông chờ xem Trung Quốc cải cách ra sao? Tôi mới đọc bài viết “In China, Following in Footsteps of Reform” By DIDI KIRSTEN TATLOW. Chương trình cải cách ở Trung Quốc, họ nhìn nét lớn của cải cách thay vì những cái quá tỉ mĩ.
Có mấy bước trong 10 năm:
1. Giải quyết vấn đề sở hữu ruộng đất, bằng chính sách tư hữu hóa, một vấn đề không khác gì Việt Nam
2. Giải quyết vấn đề hộ khẩu, để tự do cư trú. Điều này VN đã làm rồi.
3. Cải tổ tư pháp. Không quy kết tội phạm vì phát biểu chính kiến. Tự do báo chí.
Nhìn chung, các đề nghị cải cách của Trung Quốc chẳng khác gì bản kiến nghị của nhóm trí thức Việt kiều gửi lãnh đạo nhà nước Việt Năm năm 2011 nhưng không đuợc hồi âm!?
Đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn, lòng người phân tán. Vì sao? Nhiều người biết, thôi thì:
“Vì ai cũng chẳng vì ai cả
Thôi cứ cho rằng nó vì ta?”
Ta đang cố bước đi nhưng đất dưới chân ta sụt xuống. Mọi sự còn tùy thuộc vào thế cuộc vần xoay. Không có sự cải tổ nào thực sự xảy ra trong cánh cửa đóng chặt. Chỉ còn một con đường duy nhất là đi cùng nhân dân dựa vào sức dân. Nhưng nhân dân bây giờ không phải là đàn cừu hay những con bò sữa nữa. Nhân dân không chấp nhận tham nhũng, không chấp nhận lãng phí, không chấp nhận cường quyền, không chấp nhận dối trá, lọc lừa, không chấp nhận lưu manh làm công bộc. Nhân dân muốn nền dân chủ, nhân dân muốn nghe tiếng nói hiến kế của văn hóa trí thức, chứ không phải của cái thứ văn hóa tại chức đáng ngờ, học giả, bằng thật, nhân dân cần thứ pháp luật áp dụng công bằng với hết thảy mọi người chứ không phải thứ pháp luật mù lòa đối với các công bộc.
Đất nước ta đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, không thể quá chủ quan hay quá bi quan mà nói khác đi. Nói cho công tâm, nguyên nhân cơ bản thì chỉ có một thôi, chứ không thể là tất cả mọi thứ. Nguyên nhân cơ bản ở đây của tình hình hiện nay là bản chất chế độ chính trị đã tạo dựng nên tình hình như hiện nay. Các phần tử ăn bám khác cũng không phải là nguyên nhân chính. Nhưng chúng ta vẫn tin ở bản lĩnh và sức sống của dân tộc mình, một dân tộc nghìn năm Bắc thuộc mà vẫn tồn tại và phát triển với bản sắc văn hóa riêng độc đáo. Với bản lĩnh và sức sống ấy, dân tộc ta đã bao lần thoát hiểm cùng với những bậc minh quân, những nhà lãnh đạo hết lòng vì dân, vì nước, biết cách đi cùng dân. Bởi “dễ một lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” như các vị tiền bối đã từng khẳng định và nhắn nhủ hậu thế.