Ý nghĩa của cuộc sống

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, năm cũ sắp hết, năm mới sắp sang. Trước thềm năm mới, chúng ta hãy dành ít phút để suy tư, quán niệm: chúng ta đã làm gì cho cuộc đời mình được ích lợi, trên phương diện thế gian và xuất thế gian, trong năm vừa qua và những năm trước đó?

Ðồng thời chúng ta cũng thử bàn về vấn đề "Ý nghĩa của cuộc sống", để có một nhận định đúng đắn cho cuộc đời của chúng ta từ đây về sau, trên bước đường tu học theo đúng Chánh Pháp.

Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, từ phương Đông sang đến phương Tây, từ Châu Á sang đến Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Úc, khi bàn về vấn đề ý nghĩa của cuộc sống, bằng cách này hay cách khác, mọi người luôn luôn bày tỏ niềm mơ ước một cuộc sống có ý nghĩa, một cuộc sống lý tưởng. Nhưng thế nào là cuộc sống lý tưởng, thế nào là cuộc sống có ý nghĩa? Làm sao xây dựng cuộc sống lý tưởng, làm sao xây dựng cuộc sống có ý nghĩa? Trải qua nhiều thế kỷ, xuyên qua nhiều địa phương khác nhau, nhiều người có những quan niệm, những quan điểm, những ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Chẳng hạn như có người quan niệm là phải có nhiều tiền của, mới có cuộc sống lý tưởng và cuộc sống mới có ý nghĩa. Tại sao vậy? Bởi vì có nhiều tiền của, con người mới có thể làm được nhiều việc ích lợi cho bản thân và cho mọi người theo như ý của mình mong muốn. Sách có câu: "Có tiền mua tiên cũng được", chính là nghĩa đó vậy.

Chẳng hạn như có người quan niệm rằng phải có nghề nghiệp chuyên môn, phải có công ăn việc làm vững chắc, mới có cuộc sống lý tưởng và cuộc sống mới có ý nghĩa. Tại sao vậy? Bởi vì có nghề nghiệp chuyên môn, con người mới có thể giúp ích cho bản thân và cho xã hội một cách hiệu quả hơn, một cách tích cực hơn.

Chẳng hạn như có người quan niệm là phải có gia đình hạnh phúc, mới có cuộc sống lý tưởng và cuộc sống mới có ý nghĩa. Tại sao vậy? Bởi vì dù có nhiều tiền, dù có nghề nghiệp chuyên môn, dù có việc làm vững chắc, nhưng gia đình không hạnh phúc thì cuộc sống không thể gọi là lý tưởng, không thể gọi là có ý nghĩa được. Thực là thiên hình vạn trạng, muôn hình muôn vẻ, mỗi người một ý, mười phân vẹn mười!

*****
Trong phạm vi bài này, chúng ta thử bàn qua các quan niệm trên đây, nhất là nghiên cứu ý nghĩa của cuộc sống qua giáo lý của đạo Phật, đối với đời sống của người Phật tử tại gia bình thường.

Trước hết, chúng ta thử xét qua các quan niệm phổ thông về cuộc sống lý tưởng hay cuộc sống có ý nghĩa.

Thế nào là cuộc sống có ý nghĩa:

1) Sống lợi mình lợi người là cuộc sống có ý nghĩa.
2) Sống không ưu tư, không phiền não trong mọi hoàn cảnh là cuộc sống có ý nghĩa.
3) Sống trong tỉnh thức là cuộc sống có ý nghĩa.
4) Sống trong an lạc và hạnh phúc là cuộc sống có ý nghĩa.
5) Sống an trú trong hiện tại là cuộc sống có ý nghĩa.
6) Sống trong giác ngộ và giải thoát là cuộc sống có ý nghĩa.

Làm sao xây dựng cuộc sống có ý nghĩa:

Ðể có được một cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức, giữ tâm bình thường, thản nhiên, tự tại trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tư thế, trong mọi hành động, trong mọi lời nói, trong mọi ý nghĩ.

Trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tư thế, dù được hay mất, dù khen hay chê, dù thân hay thù, dù vui hay khổ, dù oan hay ưng, dù đúng hay sai, chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức, vẫn giữ tâm bình thường, không xao động, không khởi niệm.

Khi đi, đứng, nằm, ngồi, chúng ta biết mình đang đi, đang đứng, đang nằm, đang ngồi.

Làm việc gì tập trung tinh thần vào việc đó, không xao lãng, không lo ra.

Ðược như vậy, chúng ta không gặp tai nạn nghề nghiệp, có thể làm xong công việc một cách tốt đẹp và chúng ta có một cuộc sống ý nghĩa.

Trong mọi hành động, chúng ta phải luôn luôn không nên làm tổn thương đến người và vật.

Trong mọi lời nói, chúng ta luôn luôn giữ gìn khẩu nghiệp, không nói những lời làm tổn thương đến mọi người, dùng lời nói chuyên chở tình thương, những khi cần thiết mang lại ánh sáng chân lý, giảng giải giáo lý cho mọi người được gội nhuần nước cam lồ tươi mát.

Trong mọi ý nghĩ, chúng ta phải luôn luôn giữ gìn chánh niệm, không theo các tạp niệm dong ruỗi bốn phương, không để tâm theo việc thương ghét thân thù, giữ tâm bình thường, bất tùy phân biệt, không kỳ thị, không thành kiến, luôn luôn chăn trâu kỹ lưỡng, không để trâu dẫm đạp lúa mạ của người.

Khi tâm tham khởi lên, khi tâm sân nổi lên, chúng ta phải tỉnh thức, biết ngay và buông bỏ, không theo.

Chúng ta không nên để các vọng tâm tham sân đó xúi giục làm điều xằng bậy.

Ðược như vậy chúng ta có cuộc sống ý nghĩa và lý tưởng, đồng thời mới có thể giúp mọi người chung quanh sống đời có ý nghĩa vậy.

Trong cuộc đời trên thế gian này, muốn cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta nên thường xuyên quán chiếu rằng: mình đã để cho cuộc đời của mình trôi qua trong quên lãng đã bao nhiêu ngày tháng năm rồi?

Hãy thử lắng lòng nghiệm xét xem: mình đã làm gì cho đời mình, ngoài những việc làm kiếm tiền sinh sống và giải trí vui chơi?

CÂU CHUYỆN HAI NHÀ SƯ VÀ CÔ GÁI BÊN DÒNG SUỐI

Chúng ta cùng suy ngẫm câu chuyện sau đây:

Một hôm hai vị sư huynh đệ có việc cùng xuống núi.

Khi xong việc trở về đến bên một con suối, hai vị thấy một cô gái ăn mặc đàng hoàng, đang lúng túng chưa biết cách nào lội qua suối.

Sau khi hỏi qua cớ sự, vị sư đệ liền bồng cô gái đưa giùm qua suối.

Trên suốt quãng đường còn lại, vị sư huynh lầu bầu, cằn nhằn sư đệ đã đụng chạm cô gái, như vậy là phạm giới, đó là những việc không nên làm.

Vị sư đệ cứ bình thản bước đi, im lặng, không đối đáp.

Lúc về tới cổng chùa, vị sư huynh vẫn còn tiếp tục lãi nhãi, vì tưởng rằng sư đệ lặng yên, nghĩa là nhận tội đã làm.

Cho đến lúc đó, vị sư đệ mới thốt nên lời: Ðệ đã bỏ cô gái ấy lại bên bờ suối từ lâu rồi, tại sao huynh vẫn còn cõng cô ta về đến đây vậy?

Suy ngẫm qua câu chuyện này, chúng ta nghiệm xét hai điều:

1. Một là, người sống với chánh niệm thường im lặng, không tranh cãi, không thị phi, không đính chính, oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả, lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh.

2. Hai là, trong cuộc sống thường ngày, sau khi đi làm hay đi chơi, chúng ta cõng không biết bao nhiêu là nhân vật về nhà, có khi còn cõng luôn lên giường ngủ nữa là khác!

Bởi vậy cho nên, chúng ta chứa biết bao nhiêu là hình bóng người thương, kẻ thù trong kho tàng tâm thức của chúng ta.

Nhân dịp cuối năm, chúng ta thường dọn kho chứa đồ đạc cho sạch sẽ, luôn tiện hãy dọn dẹp kho tàng tâm thức cho trống trải.

Ðược vậy cuộc sống chúng ta sẽ bớt phiền não và khổ đau.

Từ đây, cuộc sống mới có ý nghĩa vậy.

Tỳ-khưu Thích Chân Tuệ
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây 
Previous Post
Next Post