Lại một mùa xuân nữa về với con dân đất Việt, sau 29 năm thực hiện Đổi mới. Có nhiều chuyện khác lạ so với các mùa xuân trước, và chắc là sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều, trong việc đánh giá, bàn thảo. Nhóm biên tập “Chuyện thường ngày” chúng tôi vẫn đang mải mê lượm lặt, sưu tầm những kiến giải có chiều sâu trí tuệ và tâm huyết của các tầng lóp cư dân. Đầu xuân 2015 này, anh em chúng tôi lại về Thủ đô gặp gỡ và giao lưu với nhóm đồng môn Tổng hợp Văn 1964-1968, chắc chắn sẽ lại nhận được những ý kiến sâu sắc và mới mẻ. Nội dung trao đổi mà chúng tôi được báo trước khá phong phú. Chúng tôi sẽ lần lượt biên tập để phản ánh lại cho bạn đọc cùng chia sẻ và suy ngẫm.
Xung quanh chuyện “TỬ TẾ”! do VTV đề xướng
Mở đầu, ông Đ, lại vẫn là ông Đ như lần trước, khai mào xung trận với thái độ vừa bức xúc vừa tâm đắc.
- Từ cuối năm 2014 đến nay có khá nhiều chuyện trong đời sống kinh tế – xã hội (KT-XH) của đất nước. Giới truyền thông thì tung hê lên như đó chính là những tín hiệu vui, tốt đẹp thứ thiệt. Nhưng ai có cái đầu biết nghĩ một chút thì đều có quyền nghi ngờ. Tôi thì gọi đó là những chuyện vừa bi vừa hài! Cái kịch bản mới nhất là giao lưu “Cảm ơn cuộc đời”, và trước đó là chuyên mục “Việc tử tế” trong chương trình “Chuyển động 24 h”, cả hai đều đề cập cùng một chủ đề Tử Tế và đều diễn ra trên VTV1.
- Khoan hãy bình luận hay – dở, thật – giả, đúng – sai, mà trước hết phải ghi nhận công tích và bày tỏ sự biết ơn đối với các nhà báo của VTV. Họ đã mạnh dạn đưa ra công luận một trong những điều nhức nhối của sự biến đổi tính cách Việt. Đó là một sự thật là ngày nay người ta ít, rất ít nói đến từ Tử Tế, bởi vì việc tử tế và người tử tế đang trở thành của quý hiếm, thậm chí có người nói Làm Gì Có Nữa! Và ở một mức độ nào đó, trong bối cảnh văn hóa – đạo đức xuống cấp thảm hại, thì phải coi đây là một việc làm đúng hướng. Và hơn thế còn là một hành động dũng cảm, vì lâu nay không ai dám nói ra cả! Chính vì vậy mà, xét ở một góc độ tuy chưa đầy đủ, nhưng chúng ta có thể gọi họ là các nhà báo tử tế, và việc họ đang làm là một việc tử tế.
- Nhưng rất tiếc là, cả hai chương trình đều mới nói được một góc của vấn đề, chưa dám nói thật đúng cái sự Tử Tế hiện nay, đặc biệt là chưa dám chỉ ra đúng cái bản chất của tính cách Tử Tế. Hầu như các tấm gương, các kiến giải minh định khái niệm đều thiên về cách hiểu Tử Tế gắn liền với Lòng Tốt (mà lòng tốt là gì thì lại đang được hiểu khác nhau). Tất nhiên đó là một nội hàm quan trọng của khái niệm Tử Tế, nhưng chưa đầy đủ và có phần hiểu lệch.
- Các khía cạnh khác của khái niệm Tử Tế, đi cùng với các câu chuyện người thật việc thật minh họa tương ứng, phải được bổ sung thì mới làm rõ được nội hàm của khái niệm mà VTV đang muốn đóng góp. Và có lẽ ở đây, nếu dùng thêm biện pháp nêu phản nghĩa (khái niệm đối lập) thì sẽ càng làm rõ hơn nội hàm cơ bản của khái niệm này.
- Nhiều khán giả đã xem hai chương trình này, cho đến hôm nay, đều bật ra các câu hỏi: Tại sao tính cách tử tế chỉ nảy sinh trong quan hệ đời thường giữa người này với người kia của một cộng đồng nhỏ hẹp, mà không thể hiện ra trong quan hệ giữa con người với công việc, giữa công dân với đất nước, và rộng hơn nữa,…? Tại sao tử tế lại chỉ là sự chia sẻ, sự cưu mang, đùm bọc, sự giúp đỡ, cho tặng? Tại sao lại không thể có quan chức tử tế, đảng viên tử tế, chính trị gia tử tế, bộ trưởng tử tế, thủ tướng tử tế, chính quyền tử tế, chính phủ tử tế,… và cao hơn nữa là Đảng tử tế? Tại sao chỉ thấy toàn người lao động nghèo tử tế với nhau mà không thấy các đại gia tử tế? Phẩm chất gì là cội nguồn, là bản chất nhất của tính cách tử tế, thói xấu nào là kẻ thù của tính cách này? Muốn cho cả xã hội đều tử tế thì phải làm thế nào, đâu chỉ kêu gọi và chỉ thông qua chương trình truyền hình và báo chí?…
- Gia đình vốn là đơn vị tế bào của xã hội, muốn cho cả xã hội đều tử tế thì nhất thiết phải bắt đầu từ các gia đình tử tế, mà trong đó phải bao gồm những thành viên chồng tử tế, vợ tử tế, con tử tế, ông bà tử tế, các cháu tử tế,… Nếu quên đi cái mảng quan trọng này thì tính cách tử tế, cũng như văn hóa – đạo đức nói chung, luôn có một lỗ hổng cực lớn khó lấp, không thể phát triển bền vững, thực chất, và càng khó thăng hoa.
- Chắc là còn nhiều câu hỏi nữa, nhưng chỉ với chừng ấy thôi mà chúng ta lý giải hết được thì cũng sáng tỏ thêm được khá sâu nội hàm của khái niệm này đấy. Các bạn cứ phát biểu tiếp tục, không nhất thiết phải theo thứ tự các câu hỏi vừa nêu đâu.
- Vì tử tế là tính cách của con người, nên trước hết nó phải là sản phẩm từ trong quan hệ giữa người này với người khác, bắt đầu từ trong các cộng đồng nhỏ nhất là gia đình, xóm giềng, làng xã. Nó phải bắt đầu từ cái mà ta quen gọi là Lòng Tốt, lòng trắc ẩn, mà thái độ biểu hiện ra là sự chia sẻ, sự cưu mang, đùm bọc, sự giúp đỡ, cho tặng,… Từ đó, theo phản ứng dây chuyền và mối quan hệ biện chứng, thì tính cách tử tế phải được mở rộng và nâng cấp lên, nó tiếp tục nảy sinh trong cả quan hệ giữa con người với công việc, giữa công dân với đất nước, giữa người dân với chính quyền và ngược lại, và rộng ra là giữa con người với thế giới,..
- Nếu hiểu tử tế chỉ như là một sự chia sẻ thì tử tế chỉ là sản phẩm của người nghèo, của các xã hội nghèo thôi. Thế thì ớ các nước giàu và trong tầng lớp người giàu và khá giả không cần sống tử tế sao? Và khi chúng ta giàu lên thì vứt cái sự tử tế vào sọt rác hay sao?
- Tôi không có ý nói như thế, mà chỉ muốn nêu ra cái bối cảnh nghèo khó là môi trường rất thuận lợi để nảy sinh ra tính cách tử tế lúc ban đầu. Mọi người đều hiểu nội hàm của khái niệm tử tế không phải chỉ là vậy, còn nhiều thành tố khác nữa, nhiều biểu hiện khác nữa mà chúng ta đang bàn thảo bổ sung đây.
- Thoáng nghĩ đến đâu thì xin nói đến đấy nhé! Cứ như điều tôi biết thì tử tế đã từng được hiểu là sự biết điều, không làm việc gì quá mức của các quy chuẩn văn hóa chung và riêng (trước hết là quy chuẩn về đạo đức và pháp luật). Chẳng hạn, không lạm dụng quyền và lợi ích mà mình đáng được hưởng, cũng không cố tình giảm bớt bổn phận mà mình phải thực hiện, không làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của người khác. Trong quan hệ cá nhân cũng như trong quan hệ với công việc, kể cả việc dân, việc nước đều phải vậy. Anh cả lấy quyền huynh trưởng để giành phần nhiều hơn các em trong việc phân chia tài sản thừa kế của bố mẹ để lại, thì là một người anh không tử tế. Quan chức lạm quyền là vi phạm vào tính cách tử tế, quan chức tham nhũng cũng cùng một giuộc ấy.
- Ở một khía cạnh khác, tử tế luôn đi liền với tính trung thực, không lừa dối, không giả tạo, ngụy tạo, không bưng bít giấu diếm, không thủ đoạn, và do đó tử tế cũng có nghĩa là đàng hoàng, công khai, minh bạch. Mọi sự lừa đảo, gian dối, che giấu sự thật,… đã mặc nhiên phủ định tính cách tử tế từ bản chất. Thế mà hiện nay ở nước ta sự dối trá đã trở thành căn bệnh phổ biến trong xã hội. Sự dối trá đã và đang hiện hữu trong khắp mọi ngõ ngách của đời sống KT-XH. Biết nói dối, biết che giấu sự thật đã trở thành nhu cầu sống, thành kỹ năng sống của nhiều người. Bây giờ, chúng ta nhìn vào đâu cũng phải cảnh giác, phải nghi ngờ về mức độ chân thực, phải đặt ra câu hỏi: thật được mấy %? Nào là gian lận trong sản xuất, kinh doanh, nào là không trung thực trong học hành thi cử, trong nghiên cứu khoa học, trong phong cấp học hàm, nào là man trá trong thi đua khen thưởng, phong tặng các danh hiệu cao quí, nào là lừa bịp, khuất tất trong quản lý KT-XH, v.v. & v.v.! Thậm chí người ta còn dám dối trá trong cả hoạt động tư pháp (điều tra, xét xử), trong bầu cử, ứng cử (mua phiếu, chạy chọt), trong hoạch định chủ trương, chính sách (bóp méo luận cứ khoa học, nói sai thực trạng),… Các hành vi đó đều gọi là thủ đoạn, mà đã là thủ đoạn thì đều có bản chất là xảo trá, và trong đó nguy hiểm nhất chính là thủ đoạn chính trị, vì nó dựa vào quyền lực, nó gây thiệt hại cho cả cộng đồng và đất nước.
- Tính cách tử tế còn biểu hiện ra ở cách ứng xử, giao tiếp với người xung quanh, mà chúng ta vẫn gọi là văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp. Phải lịch sự, văn minh, nhã nhặn, luôn tôn trọng người khác, không trịch thượng, không hách dịch. Người già đối với người trẻ phải luôn gương mẫu về yêu cầu này, quan chức đối với dân càng phải nghiêm túc thật sự hơn. Nếu không làm được như thế thì đều là loại người không tử tế. Về khía cạnh này của tính cách tử tế đối với quan chức và cơ quan công quyền thì phải được biểu hiện ra ở yêu cầu thực hiện Dân Chủ với nhân dân. Đảm bảo dân chủ chính là sự tôn trọng Dân thực chất nhất, trong đó điều cốt lõi là tôn trọng quyền con người, quyền công dân của họ. Đỉển hình dễ thấy nhất của sự mất dân chủ là các thủ đoạn đè nén, áp bức, đàn áp, độc tài. Thể chế chính trị nào phản dân chủ thì không thể là một thể chế tử tế.
- Tử tế còn bao hàm cả yêu cầu Nói và Làm phải đi đôi với nhau, không thể nói một đàng mà làm một nẻo, không thủy chung như nhất. Người bố hứa với các con là sẽ có phần thưởng khi đạt được điểm giỏi hoặc Học sinh tiên tiến trở lên, nhưng khi các con báo cáo thành tích với bố thì bố vẫn lặng thinh rồi sau đó lờ đi hẳn, thì đó là một biểu hiện không tử tế của bố. Chính quyền thanh toán tiền đền bù đất bị thu hồi cho dân thấp hơn rất nhiều so với thông báo chính thức trước đó, chính quyền đã hứa với dân rất nhiều điều tốt đẹp nhưng không hề triển khai hoặc chỉ triển khai lấy lệ vài việc vặt,… thì hẳn nhiên chính quyền ấy không thể gọi là tử tế.
- Tính cách tử tế bao chứa cả sự bao dung, không làm khó, không bắt nạt với người yếu thế, ngay cả với đối thủ, với kẻ thù đã ở vị thế thua bại, với người phạm tội đã hối cải. Có lẽ đây là nét đặc thù của sự tử tế Việt Nam, chỉ có ở Việt Nam, mà lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc đã ghi lại nhiều lần. Nhưng cần lưu ý là sự bao dung phải có giới hạn để tránh bị lợi dụng trở lại, gây thiệt hại cho chính chủ thể và cộng đồng của họ. Trong trường hợp này thì tính cách tử tế đã bị biến dạng, có thể dẫn đến mụ mị, khờ khạo, mất định hướng!
- Có thể coi đỉnh cao của tính cách tử tế là Lòng Vị Tha được không?
Ở đó, sự chia sẻ, chăm lo vô tư cho người khác đã đạt đến tột đỉnh là có thể chấp nhận hy sinh quyền và lợi ích của cá nhân mình, kể cả mạng sống. Tấm gương hy sinh thân mình của người lái xe khách, của tổ bay trên máy bay quân sự gặp nạn là điển hình của những sự tử tế cao thượng, như VTV đã minh họa. Nếu có “Ông Trời” thật, thì tôi xin được hỏi: Sao ông đã sinh ra những tấm gương sáng ngời tính cách tử tế cao thượng, mà ông lại còn đẻ ra những bộ mặt bẩn thỉu, nhớp nhúa của những tên quan chức thoái hóa biến chất, chỉ biết lợi cho mình, rất đểu cáng là vậy?
- Nhận diện tính cách tử tế chủ yếu là nhìn vào việc làm, chứ không phải ở những lời nói hoa mỹ. Các biểu hiện của tính cách tử tế hay của thói xấu phản tử tế đều luôn bộc lộ ra ở việc làm. Trước hết, những việc tử tế phải là những việc tốt, mang lại lợi ích cho bản thân, cho cộng đồng, không gây thiệt hại cho ai cả. Người tử tế khi làm việc, dù là làm giúp người khác hay làm việc công, thì đều tận tâm, chu đáo, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Tính cách tử tế không chấp nhận thái độ làm việc tắc trách, qua loa, đại khái, được đến đâu thì được, không chịu trách nhiệm về sản phẩm, không có thái độ “cha chung không ai khóc”,… Đặc biệt đối với việc công để phục vụ nhân dân thì càng phải tận tâm, chu đáo, có tinh thần trách nhiệm đến cùng.
- Tử tế đối lập với xảo trá, lật lọng, đểu giả,… mà nguồn gốc sâu xa chính là Lòng Tham, là thói ích kỷ, là tư tưởng cá nhân, cùng với sự vô cảm. Lòng tham đối với tiền bạc, danh vọng, quyền lực đều là kẻ thù của tính cách tử tế, là kẻ đồng lõa của thói xấu phản tử tế, đểu cáng.
- Có người nói thế này, nhưng tôi thấy chưa thật thuyết phục, tôi nêu lại để các bạn bàn thêm. Họ nói điểm xuất phát của tính cách tử tế là lòng yêu thương con người (lòng nhân ái), là ý thức trách nhiệm với cộng đồng, là tính hướng thiện của con người, là các giá trị Chân – Thiện – Mỹ của văn hóa dân tộc. Bạn đồng hành của tính cách tử tế là lòng tự trọng. Và kẻ thù của tính cách tử tế là Lòng Tham (trùng với ý của bạn vừa nêu). Chả biết cách hiểu như vậy đã đúng và đủ chưa, nhưng rõ ràng là nếu thiếu vắng những phẩm chất ấy, hoặc mắc phải thói xấu ấy, thì không thể trở thành một nhân cách tử tế, và càng không thể tạo nên một tổ chức tử tế, một thể chế tử tế, một xã hội tử tế.
- Phấn đấu để có một xã hội tử tế luôn là khát vọng của người dân chúng ta từ ngàn đời nay, tất cả những người Việt chân chính. Xã hội Việt Nam hiện nay đang khủng hoảng thiếu nghiêm trọng về sự tử tế, chứ đâu có dư thừa đến mức đặt nhầm chỗ, như tướng Hữu Ước lớn tiếng lo ngại khi trả lới phóng viên! Nước ta đã từng nêu ra mục tiêu dân chủ, công bằng, văn minh, từng đề ra chiến lược xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc,… rất hay. Về mặt lý thuyết thì đó chính là sự đáp ứng khát vọng muốn được sống tử tế của nhân dân, bởi vì các mục tiêu trên mà thành công thì sẽ làm cho xã hội ta trở nên tử tế, và ngược lại. Nhưng về mặt thực hành thì đâu có dễ, vì nước chúng ta đang thiếu những điều kiện tiền đề! Trước hết, đó là ý thức và trí tuệ của toàn xã hội. Dân thì có sẵn sàng, còn lãnh đạo thì chưa có, chưa cần có và cũng chưa sẵn sàng (?!). Thế nên có người đã nói: những thứ ấy luôn có mặt trên bàn của lãnh đạo, luôn hiện diện trên báo chí và nghị quyết, còn trong thực tiễn thì còn lâu mới thành hiện thực!
- Vậy thì VTV làm các chương trình nói trên để làm gì nhỉ? Tôi xin đặt lại vấn đề: họ có thực lòng mong muốn như người dân chúng ta không, hay chỉ là cái mẹo (thủ đoạn) lừa mị (từ cấp trên) để ru ngủ dân, để dân tạm vui chốc lát mà quên đi cái khổ, cái đói nghèo, cái lạc hậu,… đang hiện hũu (dựa theo ý của một Phó ban Tuyên giáo TW) ?…
- Không nên suy diễn, đâm nặng nề ra, mà cứ nhìn vào việc làm thực tế của họ thì phải ghi nhận và biểu dương chứ, trước hết là cái công “nêu vấn đề”. Mọi người cần coi đây là một việc tử tế cần làm, thì anh em chúng ta hãy cùng góp sức với các nhà báo của VTV để tiếp tục triển khai các chương trình trên tiến đến tận cùng của vấn đề, như chúng ta vừa bàn thảo đó. Chúng ta cũng rất mong đông đảo bạn đọc xa gần cùng lên tiếng hưởng ứng việc làm tử tế này! Chúng ta trân trọng đề nghị các nhà báo của VTV hãy tham khảo bài tường thuật này để cái tiến và nâng cao chất lượng các phần tiếp theo của hai chương trình đậm tính nhân văn nói trên.
Chúng ta kỳ vọng sẽ đến lúc chúng ta ra đường toàn được gặp người tử tế, toàn được thấy và biết việc tử tế, chứ không phải buồn, lo và xấu hổ như hiện nay! Cầu mong cho tính cách tử tế chóng được phục sinh như trước đây đã vốn có trên dải đất Việt này!
Sắc Ly