Nguyên nhân của đất nước ta vẫn nghèo là vì đâu? Khi hỏi mọi người, chắc sẽ có rất nhiều lý do được đưa ra. Chẳng hạn:
- Nền kinh tế kém phát triển.
- Khoa học công nghệ lạc hậu.
- Vì chiến tranh kéo dài.
Hầu như chúng ta vẫn luôn cho rằng người nghèo là người thu nhập thấp, thiếu thốn cơm ăn, áo mặc, nhà cửa rách nát, vô gia cư,….nghĩa là thiếu thốn tài sản hữu hình, nghèo về vật chất. Chúng ta không lầm nhưng chúng ta đã nghĩ thiếu. Còn một lực lượng, 1 nhóm nghèo nữa, nhóm nghèo này là cội nguồn, là bản chất của vấn đề: Tại sao nghèo vẫn cứ kéo dài? Đó là nhóm nghèo về dân trí.
Các bạn ra ngoài xã hội, nhìn sang hàng xóm, láng giềng các bạn thấy có gia đình ăn mặc bình thường, tiêu pha tiết kiệm, thu nhập thấp, con cái họ không được dùng hàng xịn, các bạn cho rằng họ nghèo. Nhưng các bạn có thể đã nhầm, họ không nghèo vì họ vẫn có khả năng tự nuôi sống bản thân bên cạnh đó họ lại có nhận thức, hiểu biết về tình người, xã hội.
Nhìn gia đình đi xe hơi, ở nhà cao, cửa rộng, mặc đồ hiệu. Các bạn cho rằng họ giàu có. Nhưng có thể các bạn đã lầm to. Giàu không chỉ đánh giá qua những tài sản bên ngoài như nhà cửa, quần áo, xe hơi. Mà còn được đánh giá qua cách cư xử có tình người, sự nhận thức của họ. Người thiếu hiểu biết về nhận thức là người nghèo và đáng thương hơn là những người nghèo về vật chất.
Vì sao người nghèo về nhận thức hay dân trí thấp lại đáng thương và nguy hiểm hơn người nghèo về vật chất. Để hiểu được điều này chúng ta hãy bỏ ra ít phút để suy ngẫm lại vài sự việc mà chúng ta gặp phải và cũng là để xem chúng ta đang nghèo về nhận thức hay nghèo về vật chất.
Nếu như các bạn là người nghèo về vật chất nhưng lại giàu về nhận thức thì xin chúc mừng các bạn, nay mai thôi các bạn sẽ là những người rất giàu, của cải đầy nhà và cuộc sống đầy tình người và sự tôn trọng.
Nếu như bạn là người giàu về vật chất nhưng lại nghèo về nhận thức thì bạn thật đáng thương. Tôi mong bạn hãy sớm nhận ra điều này và mau chóng trau dồi sự nhận trức để nâng cao dân trí của bạn. Nếu không chẳng mấy chốc bạn sẽ mất hết của cải và mất đi sự yêu thương, tôn trọng của mọi người xung quanh. Mà có chăng chỉ còn lại sự thương hại của xã hội.
Nếu như bạn nghèo cả vật chất và nhận thức thì vấn đề cũng lớn đó. Nhưng để giàu có thì trước hết bạn cũng phải nâng cao nhận thức của bạn đã thì bạn mới có thể có thu nhập cao và dần trở nên giàu có được.
Còn nếu như bạn là người giàu cả tiền của và nhận thức thì xin chúc mừng bạn, bạn đã thực sự giàu có. Và bạn đáng được hưởng cuộc sống hạnh phúc.
Vậy bây giờ chúng ta quay lại vấn đề vì sao đất nước ta nghèo vẫn cứ nghèo. Đó là vì dân trí của dân ta rất thấp. Chính vì sự nhận thức kém làm cho con người chúng ta không thể tìm ra giải pháp làm giàu lành mạnh và bền vững. Chúng ta cứ nghĩ rằng kiếm thật nhiều tiền là giàu, vì thế mà chúng ta thi nhau lấy tiền của người này , người kia về làm của mình, sao cho lấy thật nhiều, thật nhanh mà lại thật nhàn hạ. Vì thế mà tham nhũng ngày càng mạnh, tham nhũng từ chính quyền đến địa phương, từ cán bộ đến viên chức, từ quản lý đến nhân viên. Nhưng điều đáng buồn nhất là tệ nạn tham ô bây giờ đã len lỏi và phát triển mạnh trong lĩnh vực giáo dục. Giáo dục quyết định đến sự hình thành lên đạo đức và nhận thức con người. Vậy mà bản thân nó lại tồn tại nhiều tệ nạn tiêu cực như vậy thì làm sao mà đào tạo nên được những con người dân trí cao và đạo đức tốt. Người thầy người cô được cho là người lái những chuyến đò tri thức lại có những hành động ăn tiền nâng điểm, ăn tiền cho tốt nghiệp, dùng tiền mua bằng cấp thì làm sao còn đưa được những người trò đến được những chân trời đạo đức và thành công.
Có những người bằng cao thì lại chê bai, khinh bỉ người học thấp. Vì điều kiện của người ta không bằng mình mà sẵn sàng có những hành động xỉ nhục. Vậy thử hỏi rằng họ học nhiều như vậy thì họ học được cái gì, họ nghĩ rằng họ chỉ cần giỏi về chuyên ngành còn về đạo đức và cách cư xử thì họ không thèm quan tâm. Những người như vậy không phải là giàu về nhận thức đâu các bạn ạ. Họ là những người nhận thức rất kém và rất đáng thương. Đáng thương vì họ có điều kiện, có thời gian và tiền bạc để cắp sách tới trường, họ tưởng là họ sẽ học được những điều hay lẽ phải, tiếp xúc mới môi trường văn hóa, tri thức nhưng cuối cùng thì họ lại học được những thói quen, tật xấu, vì lợi ích cá nhân, dùng tiền để mua bằng, mua cấp, mua tri thức một cách bất hợp pháp. Thực tế họ chỉ mua được 1 tờ giấy ghi rằng họ đã là người trí thức này tri thức kia, nhưng thực ra lại rỗng tuếch. Nếu chỉ là 1 tờ giấy ghi nhận thôi thì họ đã quá lỗ, bỏ 1 khoản tiền quá lớn để mua cái tờ giấy vô giá trị con người đó, nhưng lại cứ cho rằng mình là người tài giỏi, được nhiều người ngưỡng mộ, người ta chỉ ngưỡng mộ vì bạn đã dám ném qua cửa sổ 1 khoản tiền rất lớn để mua lại sự khinh bỉ. Đó chính là cái đáng thương ở họ.
Giới thanh niên, tri thức tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học, cao học,… chỉ mong gia đình đầu tư 1 khoản tiền lớn xin vào 1 vị trí nhà nước, ví trí ổn định để sáng đến chơi, chiều về mà lúc ngủ dậy đã có một khoản tiền để sẵn trên đình màn. Chứ không hề quan tâm đến công việc, trách nhiệm của bản thân khi ngồi vào vị trí đó. Một khối lượng thanh niên “ tri thức” sống dựa dẫm, ỷ lại, muốn có tiền nhưng lại không muốn bỏ công sức. Đến lúc lên được vị trí cao thì cố gắng làm sao để thu lại khoản tiền đã mất hay là gấp vài lần, chứ không phải là để lãnh đạo hay chỉ lối đi đúng đắn cho cấp dưới, cho người dân, người kém may mắn. Nhưng họ lại cho rằng họ là người thành đạt, người có dân trí cao, đáng ngưỡng mộ, họ chê bài hành động tự lập của người khác, cho rằng người khác là không có công việc ổn định, là lông bông. Bản thân người lớn cũng cho rằng con mình như vậy mới là thành đạt, còn con mình là tự lập, tự lao ra ngoài đời kiếm đồng tiền chính đáng lại là không giỏi giang.
Nếu như xã hội chê bai, lên án công việc của một cô gái cave là xấu xa, không lành mạnh, nằm ngửa ăn tiền, làm ô nhục đạo đức. Thì họ lại đề cao, kính trọng những con người ăn không ngồi rảnh, ăn cắp, bóc lột tiền của sức lao động của khác một cách hiên ngang. Trong khi chính những con người này mới là mất đạo đức nhất, tha hóa nhất.
Còn với lứa tuổi trẻ thơ, các ông bố bà mẹ, thầy cô, người lớn chỉ nhồi nhét vào đầu chúng làm sao để thông minh, khôn lỏi hơn người, ai là người giàu, đâu là hàng xịn mà quên đi cách dạy chúng thành những con người có đạo đức và thấu hiểu tình người, biết vâng lời người lớn, yêu thương bạn bè, biết cách nhường nhịn, nói lời hay. Họ chỉ mong những đứa trẻ đó lớn lên trở thành những người có nhiều tiền, nhà cao, cửa rộng, khi chúng làm được 1 phép tính khó, chửi được 1 câu người lớn thì họ vui mừng khôn xiết vì con họ thông minh, giỏi giang. Chứ họ không mảy may là lớn lên con mình có là người tốt không, có hiểu biết không, có biết đối nhân xử thế không. Họ mong con họ lớn lên lấy được người chồng, người vợ giàu có, thông minh, gia đình bề thế, đẻ những đứa con xinh. Mà họ không hướng dẫn để con họ lớn nên là người ngoan ngoãn, có đạo đức, gặp và lấy được người tốt, biết cách ứng xử với mọi người. Con họ ra ngoài mua mớ rau, cân thịt, quần áo; họ chỉ hỏi xem con mình có mua được giá rẻ nhất không, họ cho rằng con họ là thông minh, là giỏi giang khi mua được hàng giá rẻ nhất, và buồn rầu, mắng con mình là ngu là dại khi mua đồ không biết mặc cả, đắt hơn vài nghìn, hay là mua rau của người khuyết tật vì sợ lây bệnh.
Vì vậy, các bạn đừng trở thành người đáng thương như vậy nhé. Vì nguồn gốc của những vấn đề trên đều là do dân trí thấp.
Các bạn , hay chính bản thân tôi, nhìn thấy người nghèo thì thương họ, đem cho họ manh áo, miếng cơm. Nhưng nó chỉ có thể giúp họ giải quyết được vấn đề tạm thời thôi. Còn nếu chúng ta muốn họ hết đáng thương, hết nghèo đói thì về lâu về dài chúng ta cần cho họ cái gọi là dân trí. Nhưng để làm được điều này thì chúng ta cần phải có kế hoạch cụ thể và cùng nhau chung sức để thực hiện. Phải là 1 đám đông, 1 tập thể, 1 xã hội cùng nhau thực hiện thì mới thành công được.
Cốt lõi vấn đề ở đây là tôi mong rằng bản thân tôi và mọi người trong xã hội loài người này hãy nâng cao dân trí mình lên, nâng cao đạo đức bản thân, biết đối nhân xử thế. Sau đó hãy nghĩ đến cách làm giàu một cách lành mạnh, bền vững, đừng học đòi thói quen xấu tiêu cực, nhìn thấy người khác làm điều tiêu cực thì chúng ta phải khuyên họ, và tránh làm việc xấu chứ đừng làm theo và cho rằng đó là “ xã hội nó thế, nên mình thế”
Hãy cùng nhau chung sức để nước Việt Nam ta giàu mạnh nên, chứ đừng xa lánh, chê bai rồi bỏ mặc!
Người Việt Nam sẽ mãi luôn đoàn kết và cùng nhau xây dựng đất nước giàu mạnh, cuộc sống ấm lo, hạnh phúc và dân trí cao!
Nguồn: thucteviet.com