Duyên nhân quả vợ chồng

Hỏi: Kính thưa Thầy, vợ chồng lấy nhau, người ta bảo rằng, đều có số định cả, có nghĩa là người này phải lấy người mà có số định với mình, không được lấy người nào khác. Có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp: Không phải số định mà cũng không phải số mệnh mà là duyên nhân quả nợ vay trong thuận cảnh, cũng như trong nghịch cảnh.

Ví dụ: Kiếp trước chúng ta đối xử với những người làm công cho mình quá khắc nghiệt, đánh đập, chửi mắng, trả tiền công ít, v.v..

Kiếp này họ làm vợ hoặc chồng hoặc con cái trong nhà, họ phá tán của cải tài sản và còn chửi mắng đánh đập, khiến cho gia đình đau khổ bất an.

Cho nên, kiếp trước gieo nhân nào thì kiếp này phải trả quả nấy. Tình nghĩa vợ chồng con cái đều do nhân quả, chứ không phải do số mệnh duyên nợ tiền định. Vì không có tiền định. Tiền định là cái vật gì? Ông gì? Ông Ngọc Hoàng Thượng Đế ư?

Vì không hiểu môi trường sống nên người ta đặt ra những câu hỏi để có hỏi mà không có trả lời: “Con người từ đâu sanh ra? Chết đi về đâu?”.

Do không hiểu, người ta dùng tưởng tri, tạo ra một Đấng Vạn Năng, một ông Ngọc Hoàng, một ông Trời, một ông Tạo Hóa sanh ra vạn vật trên hành tinh này. Lại có thuyết cho rằng từ trong Đại ngã vạn vật sanh ra và mỗi vật được sanh ra là tiểu ngã. Những thuyết này mơ hồ và trừu tượng không thể trả lời hai câu hỏi trên. Và vì vậy, hai câu hỏi trên vẫn còn đóng kín cửa.

Duyên tiền định giữa đôi vợ chồng cũng là sự tưởng tri của con người đặt ra, chứ không có số định, số mệnh.

Theo đạo Phật con người từ nhân quả sanh ra, chết trở về nhân quả, chứ không từ đâu đến và chết cũng không đi về đâu.

Còn duyên vợ chồng, con cái đều là do vay nợ của nhân quả theo định luật của nhân quả “Vay thì phải trả”.

Vậy, chồng vợ có số mệnh là không đúng, mà có nợ nhân quả ác hay thiện với nhau là đúng.

Nhìn cuộc sống của họ chúng ta có thể biết chắc chồng nợ vợ hay vợ nợ chồng một cách cụ thể và rõ ràng.

Vì thế, trong cuộc đời này vợ chồng thường làm khổ cho nhau nhiều hơn là đem lại hạnh phúc an vui cho nhau. Họ sống với nhau phần đông là chịu đựng.
*****
Hôn nhân không phải là số phận, mà hôn nhân là nghiệp báo nhân quả tiền kiếp. Hôn nhân không có hạnh phúc chân thật, chỉ là bóng dáng giống như trong giấc mơ.

Cho nên hôn nhân toàn là mọi sự đau khổ, nó phát sinh từ lòng ham muốn của con người. Vì vậy hôn nhân chỉ là cái duyên để lòng dục của con người thực hiện. Người ta nói hạnh phúc là nói phương cách dùng để đi tìm đối tượng thỏa mãn lòng dục, khi chiếm hữu và thỏa mãn lòng dục thì cho đó là hạnh phúc, chứ có hạnh phúc gì đâu. Quí vị có thấy chăng? Lòng dục con người thực hiện qua muôn hình vạn trạng, bằng những danh từ rất hay: Trai gái chạy theo lòng ham muốn thì gọi là TÌNH YÊU. Tình yêu ấy được gắn bó với nhau thì gọi là CHUNG TÌNH, còn nếu không chung tình mà đi đến tình nhục dục mang bầu ngoài hôn nhân thì xấu hổ sinh ra tự tử hay nạo bỏ thai nhi. Đó là những hành động tội lỗi rất lớn. Từ tình yêu thương muốn thỏa mãn lòng nhục dục thì phải đi đến HÔN NHÂN. Hôn nhân được gắn bó với nhau không thay lòng đổi dạ thì gọi là lòng CHUNG THỦY, còn nếu không gắn bó với nhau thì gọi là NGOẠI TÌNH . Mà ngoại tình thì sinh ra ghen tuông chửi mắng, đánh đập nhau hay đi đến bạo lực gia đình, tạt axít hoặc đâm chém, giết nhau, v.v...

 Tình yêu và hôn nhân chỉ là những danh từ chỉ cho những ảo tưởng hạnh phúc, chứ không bao giờ có hạnh phúc chân thật trong hôn nhân.

 Dù trong tình yêu và hôn nhân có thuận duyên thì cũng đau khổ, còn nếu nghịch duyên thì đau khổ muôn trùng. Cho nên tình yêu và hôn nhân chỉ là một cuộc sống khổ đau của hai người, nó không có sự bình an, yên vui chân thật như người ta mong đợi.

Con người vì vô minh, như người mù có mắt mà không thấy, không hiểu biết lòng tham dục của con người quá to lớn. Do lòng tham dục quá to lớn nên con người dễ bị nhân quả nắm đầu sai khiến và điều khiển như một tên nô lệ. Vì thế nhân quả điều khiển dẫn dắt họ đi đâu là họ theo đó không dám cưỡng lại. Cho nên nó dẫn dắt vào con đường tình yêu thương trai gái một cách dễ dàng, do đó họ đã dính bẫy rập tái sinh luân hồi không thể thoát được. Cho nên loài người không ai mà tránh khỏi, họ cứ nghĩ rằng phía trước của tình yêu thương trai gái là hạnh phúc bình an, nhưng nào ngờ càng đi tới thì càng lún sâu vào tội ác và tràn đầy mọi sự khổ đau, cho đến nhắm mắt xuôi tay đi về lòng đất lạnh vẫn mơ tưởng đó là con đường hạnh phúc.

Trên đời này chỉ có duy nhất có con đường ly dục, ly ác pháp là con đường không còn đau khổ nữa. Vì vậy người nào đã ly dục, ly ác pháp thì suốt ngày chỉ có một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự, đó là một hạnh phúc chân thật của một người đã biết sống cho mình và cho mọi người.

Vì khi còn sống tại tiền như mọi người, nhưng họ đang sống trong hạnh phúc an vui chân thật, và khi chết họ cũng sống trong hạnh phúc an vui đó. Chính vì đó là con đường độc nhất hạnh phúc an vui thực sự, ngoài ra không còn có con đường nào khác nữa.

Như quý vị đã biết, con đường đó là con đường đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo, nó luôn luôn thực hiện nhân cách con người sống không làm khổ mình, khổ người, để được sống trong tình thương yêu và tha thứ mọi lỗi lầm của người khác, để đem lại sự bình an yên vui cho mình cho người. Đó là chân lý DIỆT ĐẾ của Phật giáo.để được sống trong tình thương yêu và tha thứ mọi lỗi lầm của người khác, để đem lại sự bình an yên vui cho mình cho người. Đó là chân lý DIỆT ĐẾ của Phật giáo.

NHÂN QUẢ GIA ĐÌNH

Kính gửi: Vợ chồng, con cái là nợ nhân quả nhau trong tiền kiếp, nên kiếp này phải gặp nhau để trả quả, để đòi nợ nhau. Cớ sao các con lại không thấy nhân quả mà cho đó là chồng, là vợ, là con của các con. Nếu là chồng, là vợ, là con của các con sao họ lại đối xử với các con quá tệ bạc, quá bạo lực: đánh các con, chửi mắng các con thậm tệ, v.v...

Các con có thấy chăng, biết bao gia đình trong xã hội này, có gia đình nào không xung đột, không cãi cọ, không mắng chửi nhau? Họ còn dùng những lời lẽ thô tục, kém văn hóa mạt sát nhau như những người thù địch. Họ lại còn đánh đập nhau, gây thương tích, để lại một vết thương tinh thần khó quên. Trong khi đó họ là chồng, là vợ, là con, là những người thân thương cùng sống chung nhau trong một mái nhà, cùng nhau chia vui sẻ buồn khi trở trời trái tiết; cùng nhau chia cay xẻ đắng khi bệnh tật tai nạn; lúc nào đều cũng có bên nhau. Thế sao họ lại đối xử với nhau như vậy, thật là cay đắng trăm phần. Phải không hỡi các con?

Chính vì các con đang mê mờ, mù ám không thấy biết nhân quả trong ba thời gian: quá khứ, vị lai và hiện tại. Do không thấy biết nhân quả nên không sợ nhân quả quá khứ, không sợ nhân quả hiện tại và không sợ nhân quả tương lai, nên tạo cảnh bất an cho mình, cho người và cho cả hai. Bởi vậy, kiếp trước vay như thế nào thì kiếp này phải trả như thế nấy. Không ai tránh khỏi quy luật nhân quả này.

Đường đi của nhân quả thì có ba nơi trên thân người; nó luôn ở đó để thực hiện vay trả, trả vay từ kiếp này sang kiếp khác. Ba nơi này gồm có:

1- Ý hành: là bộ tham mưu của nhân quả. Nó tính toán tư duy theo tưởng tri nên tạo ra muôn ngàn nhân, khi nhân đã tạo ra thì ngay đó liền có quả. Đó là nhân hiện tại, quả hiện tại. Nhưng cũng có khi nhân hiện tại mà quả tương lai. Thường con người sinh ra trên cuộc đời này đều do nhân quả quá khứ, đó là nhân quá khứ mà quả hiện tại. Vì nhân quá khứ, quả hiện tại nên mới thọ lấy thân người; thọ lấy thân người nên mới trả quả khổ đau vô cùng, vô tận. Nhưng con người đâu biết tất cả các pháp đều là nhân quả, nên cứ đam mê ham thích những cái gì trên đời này, cho nó là thật có, là ta, là của ta. Vì lầm chấp như vậy, nên con người đã tạo ra biết bao nhân mới để rồi phải gặt lấy biết bao quả khổ đau.

2- Khẩu hành: là nơi xuất phát ra hành động ngôn ngữ do ý hành chỉ đạo để tạo ra nhân quả thiện hay ác. Người trên đời này khổ đau vì khẩu hành không sao kể hết. Nếu không mở miệng ra thì thôi, mà khi đã mở miệng ra là có việc, không việc này thì việc khác; việc vui cũng có, nhưng việc buồn không sao kể siết. Do nhân quả như vậy, chúng ta làm người phải cẩn thận khẩu hành, khi nói ra phải toàn lời nói thiện thì mới mong thoát khỏi mọi sự khổ đau trong cuộc đời này.

3- Thân hành: là nơi xuất phát ra những hành động nhân quả tay, chân do ý hành chỉ huy để tạo ra nhân quả thiện, ác. Cho nên hãy cẩn thận, lúc nào cũng tĩnh giác, khi làm một điều gì thì nên tránh không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Người tu sĩ Phật giáo, những oai nghi chánh hạnh đi, đứng, nằm, ngồi phải nhẹ nhàng êm ái, không vội vàng, không hấp tấp, thường khoan thai, ôn tồn, êm dịu đối xử với mọi người, mọi vật như nhau.

Do từ ba nơi này mà nhân quả theo đó điều khiển con người trả vay, vay trả mãi mãi từ đời này sang đời khác không bao giờ dứt. Cho nên, các con hãy cẩn thận lời nói, hãy cẩn thận hành động tay, chân. Khi nói ra coi chừng trả quả khổ đau; khi nói ra coi chừng nhân không lành. Về tay, chân cũng vậy. Vì thế, đức Phật dạy: “Chánh Ngữ và Chánh Nghiệp”.

Khi trả quả, các con hãy vui vẻ chấp nhận nhân quả, thì có việc gì làm cho các con buồn lo được. Phải không hỡi các con?

Các con có biết không, họ là chồng, là vợ, là con của biết bao nhiêu người khác, chứ đâu phải của riêng các con mà các con ghen tuông nói thế này, nói thế khác; các con lại còn muốn chiếm hữu. Làm sao chiếm hữu được, khi các con đang sống trong quy luật của nhân quả. Có vay phải có trả; vay đâu thì trả đó. Cho nên, mọi sự việc trên đời này xảy ra đều theo nghiệp nhân quả, thế sao các con không hiểu, mà khư khư chấp có, chấp không để rồi lại buồn rầu than khóc khổ đau. Cái gì làm cho các con đau khổ? Chính các con không hiểu nhân quả nên cuộc đời các con mới khổ đau không bao giờ dứt.

Hãy cứu mình ra khỏi biển khổ; không ai cứu các con bằng chính các con, như đức Phật đã dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi”. Đời toàn là nhân quả khổ đau; có vật gì trên đời này đáng cho các con tiếc rẻ. Phải không hỡi các con?

Tất cả các pháp trên đời này đều vô thường; có pháp nào vĩnh viễn thường hằng đâu. Có pháp nào là của các con; có pháp nào là bản ngã của các con đâu. Rồi đây, ngày mai các con chết thì chồng hay vợ và các con của các con có còn là chồng, là vợ, là con của các con nữa đâu. Các con chết đi có mang theo họ được không? Hay chỉ chết một mình... Ôi! Thật là đau thương!

Nhân quả! Nhân quả! Sao người công bằng đến đỗi không còn ai tránh né trốn chạy người được. Tạo nhân nào thì phải gặt quả nấy; các con hãy cẩn thận, trước khi nói hay làm phải suy nghĩ cho thật kỹ rồi mới nói, mới làm, đừng vội vàng nói ra hay làm hấp tấp rồi sẽ gặt lấy quả mình khổ, người khác khổ hoặc cả hai cùng khổ. Đó là hành động nhân quả ác thiếu suy nghĩ chín chắn, thiếu cảnh giác và cẩn thận trong lời nói hay trong hành động làm. Nếu các con bình tĩnh, cẩn thận, dè dặt suy tư chín chắn trước khi nói hay trước khi làm, thì sẽ mang lại sự an vui cho mình, cho người hoặc cho cả hai, thì đó là các con thực hiện nhân quả thiện mà tránh được nhân quả ác.

Chỉ vì con người không sợ nhân quả nên nói và làm không cân nhắc kỹ lưỡng, vì thế nên luôn luôn làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thật đáng trách.

Cuối cùng, chúc các con vượt qua nghiệp lực và làm chủ nhân quả, đừng để nhân quả làm chủ các con.

Kính thư

Thầy của các con

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post