Giáo lý nhà Phật vốn thường bảo: Đời là bể khổ và mỗi người là một cánh bèo trôi dạt trên đó. Như thế, thì thật khó mà tìm thấy hạnh phúc trên cõi đời này. Ấy vậy cho nên những người bi quan mới nghĩ rằng hạnh phúc chỉ là một khái niệm trừu tượng, chẳng hề tồn tại. Thậm chí, có những tay tỷ phú, giàu nứt đố đổ vách, mà vẫn than van: Đời mình gom lại liệu được mấy giờ hạnh phúc. Hay chán đời đi tìm cái chết để “phẹc mê bu tích” chấm dứt một kiếp người lầm than khổ ải.
Ngày xửa ngày xưa có một ông vua sống trong cung điện nguy nga lộng lẫy, thế mà lúc nào lòng cũng rầu rĩ, chút xíu nữa thì râu ria ra rập rạp… Người ta bày đủ trò đủ cách cho ông vua được “dui”: Nào là tiệc tùng linh đình, nào là cung nữ nhảy múa, nào là đờn hát xướng ca… thế mà ông vua vẫn cứ buồn rười rượi. Thế rồi, một kẻ lạ mặt đã xin vào chầu và dâng lên ông vua cao kiến của mình: Nếu bệ hạ mặc được chiếc áo của một người hạnh phúc nhất nước, thì lúc ấy căn bệnh “buôn huyền” mãn tính sẽ được thuyên giảm liền tù tì.
Nghe vậy, ông vua bèn truyền cho mọi quan chức và binh đội, tất tật đều phải lên đường, lùng sục khắp nơi, thậm chí chẳng được bỏ sót bất kỳ một hang cùng ngõ hẻm nào, miễn sao đem về cho ông vua tấm áo của con người hạnh phúc nhất nước. Tuy nhiên, đi tới đâu cũng chỉ cảm thấy sặc sụa mùi đau khổ. Và hình như khổ đau đã phủ bóng trên từng cây số. Bên cạnh chiếc nôi hồng của trẻ thơ, đã thấy phảng phất bóng dáng của thần chết. Bên cạnh ánh mắt rạng rỡ của đôi tình nhân, đã hằn lên vết chân của phản bội, bất trung. Bên cạnh nụ cười mãn nguyện của cặp vợ chồng trẻ, đã để lại dấu ấn của biết bao nhiêu vất vả, cực nhọc…
Quan với quân đi mãi đi hoài mà cũng chẳng thấy được một khuôn mặt hạnh phúc. Thất vọng, họ kéo lê từng bước chân mệt mỏi trở về kinh đô chịu tội với ông vua. Đang lúc ấy, tai họ bỗng nghe thấy một giọng hát véo von và hồn nhiên, chắc hẳn phải là của một người hạnh phúc lắm. Họ vội vã bước tới và nhận ra một em nhỏ đang ngồi trên mình trâu vô tư nghêu ngao. Họ hăm hở xông đến với ý đồ đen tối lột phăng chiếc áo em nhỏ đang mặc mà đem về dâng cho ông vua. Thế nhưng, khi mặt đã đối mặt, họ mới chưng hửng và hụt hẫng. Thì ra em nhỏ quá nghèo, chẳng có được một tấm áo che thân, nên phải cởi trần trùng trục.
Hạnh phúc là thế
Thảo nào mà Nguyễn Công Trứ đã phải than van:
Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,
Đời có vui sao chẳng cười khì.
Còn bàn dân thiên hạ, kẻ thì bảo: Phàm trên cõi đời này, chẳng có chi là sung sướng, nên người ta mới phải mong ước… Hạnh phúc là một cái gì thật mơ hồ, khiến chúng ta bắt buộc phải khát khao đợi chờ.
Người khác thì nói: Hạnh phúc như một thứ tiếng vang, nó trả lời nhưng không bao giờ đến.
Tuy nhiên, chủ trương như trên xem ra có phần bi quan yếm thế, chẳng khác gì đeo cặp kính râm mà soi mói nhìn vào cuộc sống. Kinh nghiệm đời thường cho thấy: Ai trong chúng ta cũng đã từng có những khoảnh khắc sướng rên mé đìu hiu, nhưng giây phút khoái tỷ tuyệt cú mèo và chúng ta bảo rằng: Mình rất ư là hạnh phúc tràn trề.
Dù mùa đông lạnh lẽo, thì thỉnh thoảng cũng có được một vài ngày nắng ấm đột xuất. Đau khổ dù đằng đẵng đeo đuổi kiếp người thì cũng có được đôi ba ngày vui. Dù ngày vui mau qua và rất họa hiếm, thậm chí chỉ được đếm trên đầu ngón tay, hay dù thế nào chăng nữa thì cái được gọi là hạnh phúc vẫn có đó. Nhưng hạnh phúc là cái chi chi? Dẫn vào một bài bàn về hạnh phúc trên báo Figaro, được báo “Kiến thức ngày nay” trích dịch, tác giả đã ghi nhận như sau: Không có một từ nào mù mờ về nghĩa bằng từ “hạnh phúc”. Hạnh phúc không thể nói lên bằng lời, không thể diễn tả, cũng không thể nắm bắt… Càng không thể mua được bằng tiền. Nhà thơ Pháp Jacques Prévert có lần đã viết: “Trên tấm bảng đen của sự bất hạnh, mặc cho bao dè bỉu, cậu bé dốt đặc đã vẽ được gương mặt của hạnh phúc”.
Vậy hạnh phúc là gì?
Đứng trước câu hỏi này, chính bản thân gã cũng cảm thấy bí, bèn phải vác tự điển ra để mà tra cứu. Trước hết, theo “Việt nam Tự điển” của Lê Văn Đức, hạnh phúc có nghĩa là điều may mắn cho cuộc đời. Chúc ông được nhiều hạnh phúc thì cùng có nghĩa là chúc ông được nhiều may mắn. Đọc xong câu định nghĩa trên, gã cảm thấy ấm ức, không ổn và còn thiêu thiếu một cái gì ấy, bởi vì rất nhiều người suốt đời chẳng gặp được điều chi may mắn như trúng số, thi đỗ… mà họ vẫn cứ sống phây phây hạnh phúc, như hình ảnh của cặp vợ chồng con nhà nghèo:
Râu tôm nấu với ruột bầu.
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon.
Còn theo tự điển “Larousse” của mấy ông tây, hạnh phúc có nghĩa là một tình trạng được hoàn toàn hài lòng. Câu định nghĩa này hơi “siêu” nhưng xem ra lại đúng hơn. Như thế, người ta khó mà định nghĩa được hạnh phúc bằng lời nói hay bằng ngôn từ, nhưng chỉ cảm nhận được nó mà thôi. Tuy nhiên, cách thức cảm nhận hạnh phúc của mỗi người lại khác nhau, nên mới nhiêu khê và rắc rối.
Thực vậy, có khi cùng một cảnh ngộ, nhưng mỗi người lại cảm nhận một cách khác nhau. Với người lạc quan thì đó là niềm hạnh phúc, còn với người bi quan thì đó lại là nỗi buồn khổ. Chẳng hạn hai người cùng đi du lịch Đà Lạt, được hỏi cho biết cảm tưởng của mình về thành phố này. Người thứ nhất trả lời: Đây là một thành phố buồn. Mưa rơi và gió lạnh chẳng đi được tới đâu, suốt ngày co ro nơi xó nhà. Trái lại, người thứ hai hồ hởi nói: Đây là một thành phố tuyệt cú mèo. Khí hậu thì mát mẻ, cảnh sắc thì đẹp đẽ.
Hơn thế nữa, mỗi người thường lại nhắm tới một thứ hạnh phúc cho riêng mình. Chẳng hạn tiền đôi khi là hạnh phúc của kẻ nghèo, chỗ trú chân đôi khi là hạnh phúc của kẻ lang bạt và mái ấm gia đình đôi khi là hạnh phúc của kẻ cô đơn…
Lắm lúc hạnh phúc đơn sơ của người này lại là hạnh phúc cháy bỏng của người kia. Chẳng hạn trên đường phố: Một người phụ nữ sang trọng đi chiếc xe Dream láng coóng, trong khi đó cặp vợ chồng nghèo đang đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng, phía trước là thằng cu con. Anh chồng thỉnh thoảng lại cạ chiếc cằm đầy râu của mình lên mái đầu thằng cu con, làm nó cười khúc khích vì nhột. Chị vợ ngồi sau tủm tỉm đấm nhẹ lưng anh chồng và nhắc: Cẩn thận kẻo té.
Người phụ nữ sang trọng kia đã nhìn cảnh tượng ấy bằng ánh mắt thèm khát. Còn anh chồng nghèo lại mơ có chiếc xe Dream cho đỡ cực cái thân ròm của mình. Đúng như dân La Mã ngày xưa đã bảo: Ta muốn tìm hạnh phúc của người, còn người thì lại thèm hạnh phúc của ta.
Cha ông chúng ta cũng đã phát biểu:
Được voi đòi tiên.
Đứng núi này, trông núi nọ.
Nhiều khi quả thực hạnh phúc rất đơn sơ. Chẳng hạn ngày xưa mỗi khi tết đến được bố may cho bộ quần áo mới, hay mỗi khi mẹ đi chợ về cho một chiếc kẹo là gã liền cảm thấy vui sướng quá chừng. Bộ quần áo mới và chiếc kẹo ấy chính là niềm hạnh phúc đối với gã hồi nhỏ. Còn bây giờ, chẳng hạn mỗi khi viết xong một mẩu chuyện phiếm, gã bèn bắn một phát thuốc lào, điếu kêu ro ro, mắt lim dim thả hồn theo khói và thầm nghĩ: Ôi đời sao mà đẹp thế!
Và như vậy, nói nôm na theo kiểu bình dân học vụ thì hạnh phúc chính là cái tình trạng “sướng rên”, “khoái tỉ” của mỗi người. Gã rất tâm đắc với ý tưởng sau đây của Chamfort: Hạnh phúc giống như chiếc đồng hồ. Càng ít rắc rối bao nhiêu, thì càng ít hư hỏng bấy nhiêu.
Mới đây, gã đã đọc một bài của Phương Thủy trên báo Phụ nữ Chủ nhật, trong đó có đoạn như sau: “Hạnh phúc cũng có giá. Song ít ai biết được giá của hạnh phúc là bao nhiêu. Có khi rất đắt, có khi rẻ lắm, nhưng cũng có khi vô giá hoặc được cho không một cách hào phóng. Cũng có khi người ta đem hạnh phúc ra mua bán hoặc đánh đổi. Nhưng mà chỉ có thể bán hạnh phúc đi, chứ không thể nào mua được nó…”.
Sau đó, tác giả đã đưa ra một vài trường hợp cụ thể của việc bán đứt hạnh phúc của mình: “Một anh bạn trai đã bộc bạch chân thành: Mình nghèo, lấy vợ nghèo, chỉ mong có nhiều tiền nên lao vào việc kiếm tiền. Ngày ấy hạnh phúc của mình là tiền. Bây giờ, nhà mình giàu có, nhưng con cái bị bỏ bê, hư hỏng, nghiện ngập. Vợ mình suốt ngày ca cẩm, mình chán lắm… Một cô bạn gái xinh đẹp khác thì buồn sầu: Hồi ấy mình chán “lão chồng” suốt ngày chỉ nghiên với cứu. Vài đồng lương kỹ sư thì có mà ăn cám. Tưởng theo “tay” này khôn lanh, nhiều tiền sẽ hạnh phúc. Nào ngờ… Tôi bắt gặp ánh mắt luyến tiếc của cô nhìn về phía “lão chồng” cũ cũng có mặt ngày hôm ấy. Cũng phải thôi. Cô và tay chồng mới, một gã buôn xe, quá chênh nhau về trình độ học vấn. Đã thế, “chàng” đi rong khắp nơi, bồ bịch khắp chốn thì được, nhưng về nhà lại ghen đứng ghen ngồi với vợ. Vì vậy, cô được “bảo quản” rất cẩn thận…”. Trong cả hai trường hợp kể trên, anh bạn trai và cô bạn gái đều đã bán đứt hạnh phúc của mình. Anh bạn trai thì bán đứt cho những đồng tiền còm, còn cô bạn gái đã bán đứt cho tên lái xe nọ với giá là một căn nhà ba tầng với đầy đủ tiện nghi. Nhưng mà hỉ thương ôi…
Còn trường hợp thứ ba là tình yêu đơn phương của một cô gái: “Suốt bao nhiêu năm liền, vào những ngày thứ bảy, cô đạp xe hai mươi cây số, từ nơi cô sống về thành phố chỉ để nhìn người cô yêu vài phút. Chỉ vài phút thôi vì sau đó thế nào anh chàng cũng viện cớ để bỏ đi, sau khi hứa về một cuộc hẹn vào tuần sau. Những giây phút ấy đối với cô là hạnh phúc quí giá mà cô nâng niu suốt nhiều năm, cho tới ngày anh chàng đi lấy vợ. Giá của cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy là những năm tháng tuổi trẻ của cô. Tôi nói: Đắt quá. Nhưng cô lắc đầu: Không đâu. Hạnh phúc được gặp anh ấy mỗi tuần là nguồn ánh sáng của mình ngày ấy… Nếu không, chưa chắc mình đã sống nổi. Có thể cô có lý. Tôi đã không định giá được niềm hạnh phúc ấy.
Hạnh phúc luôn có đó, nhưng làm thế nào để bản thân mình được hạnh phúc? Như trên gã đã đã viết: Cách thức cảm nhận về hạnh phúc của mỗi người thật khác nhau. Vì thế, hạnh phúc luôn hệ tại ở lòng mình. Thực vậy, câu chuyện sau đây đã xác nhận sự thật trên:
Đức Khổng Tử ngày kia đi chơi núi Thái Sơn, gặp ông Vinh Khải Kỳ ngao du ở ngoài đồng, mặc áo cừu, thắt lưng dây, tay gẩy đàn cầm, vừa đi vừa hát. Thấy vậy, Đức Khổng Tử bèn hỏi: Tiên sinh làm thế nào mà vui vẻ thế?
Ông Vinh Khải Kỳ trả lời: Trời sinh muôn vật, loài người quí nhất, mà ta được làm người, đó là một điều đáng vui. Trong loài người, đàn ông quí hơn đàn bà, mà ta được làm đàn ông, đó là hai điều đáng vui. Người ta sinh ra có kẻ đui mù, có kẻ què quặt, mà ta hoàn toàn khỏe mạnh, nay đã chín mươi, đó là ba điều đáng vui… Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là sự hết của đời người. Ta nay xử cảnh thường đợi lúc hết, thì có gì là lo buồn.
Đức Khổng Tử nói: Phải lắm, tiên sinh thế là biết cách tự làm cho mình hạnh phúc mà hưởng sự vui thú ở đời.
Từ đó, gã nghiệm ra bí quyết thứ nhất để cuộc đời được hạnh phúc, đó là biết khám phá ra những niềm vui nho nhỏ ẩn dấu trong những sự việc của cuộc sống thường ngày, như người xưa đã nói: Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc, tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn (Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?).
Niềm vui nho nhỏ ấy có khi được ẩn dấu ngay cả trong những khổ đau phải chịu, bởi vì nhiều lúc trong niềm vui lại có nỗi buồn và trong nỗi buồn lại có niềm vui. Hay như một câu danh ngôn đã bảo: Đau khổ là chiếc cầu dẫn tới hạnh phúc. Không đau khổ, thì chẳng thể hiểu được hạnh phúc.
Và như thế, cách thức cảm nhận giống như một cặp kính chúng ta đeo vào mắt. Nếu cặp kính màu hồng, chúng ta sẽ thấy mọi sự đều tươi hồng và đáng yêu, nên chúng ta sẽ được hạnh phúc. Còn nếu cặp kính màu xám, chúng ta thấy mọi sự đều đen xám và đáng ghét, nên chúng ta sẽ phải khổ đau. Đúng là:
Người vui, cảnh cũng vui lây,
Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ.
Bí quyết thứ hai để cuộc đời được hạnh phúc đó là một cuộc sống trong sáng, không hổ thẹn với lương tâm. Thực vậy, người hạnh phúc là người không bị lương tâm cắn rứt. Trái lại, kẻ đi vào con đường cong queo, xiên xẹo sẽ chẳng bao giờ tìm thấy được hạnh phúc.
Gã còn nhớ hình ảnh của Cain trong sách Sáng thế ký. Ghen tức vì lễ vật của Abel được Thiên Chúa chấp nhận, Cain đã giết em mình ngoài đồng vắng. Thế nhưng, liền sau đó, dù đi tới đâu và dù ở nơi chân trời góc biển xa lạ nào chăng nữa, Cain vẫn cảm thấy như đôi mắt Thiên Chúa đang nhìn mình trừng trừng để rồi cuộc đời của Cain trở nên bất ổn. Một khi đã bị lương tâm dày vò vì tội ác và cuộc đời trở nên bất ổn thì làm sao thấy được hạnh phúc.
Bescus là một gã thanh niên đã phạm tội giết cha của mình. Hắn thực hiện hành vi tội ác ấy một cách tinh vi, chẳng ai biết được. Nhưng kỳ lạ thay, là từ hôm đó hắn luôn luôn nghe thấy những con chim én bay lượn và lặp đi lặp lại: Mày là thằng giết cha, mày là thằng giết cha.
Hắn tìm cách phá hết mọi tổ én, nhưng hắn vẫn không cảm thấy được yên lòng. Cuối cùng hắn đã phải thú nhận tội lỗi của mình.
Cặp mắt Thiên Chúa hay tiếng chim én… tất cả chỉ là những hình ảnh nói lên sự dày vò cắn rứt của lương tâm. Thực vậy, trước mỗi việc làm, lương tâm sẽ lên tiếng báo động cho chúng ta hay đó là điều tốt hay điều xấu, đó là điều được phép hay không được phép.
Còn sau mỗi việc làm, lương tâm sẽ đóng vai quan tòa xét xử. Nếu đã làm điều tốt, chúng ta sẽ được vui mừng. Còn nếu đã làm điều xấu, chúng ta sẽ bị dằn vặt, mặc dù việc làm của chúng ta thật kín đáo, chẳng một ai hay biết.
Cùng với chiều hướng ấy, hình như cụ Tú Lãm trong “Nửa chừng xuân” của Khái hưng, đã có lời khuyên sau đây: Cha chỉ có ba thứ gia bảo này ông cha để lại cho cha, nay cha truyền lại cho hai con mà thôi, đó là giữ lòng vui, giữ linh hồn trong sạch và đem hết nghị lực ra làm việc.
Bí quyết thứ ba để cuộc đời được hạnh phúc, đó là hãy ra sức cố gắng làm cho người khác được hạnh phúc. Đúng vậy, Abbé Delile đã nói: Hạnh phúc chỉ dành riêng cho những ai làm cho nhiều người được sung sướng.
Gã cảm thấy lời Kinh thánh sau đây là như qui luật của muôn đời: Cho thì có phúc hơn là nhận.
Hay nói một cách khác: Càng hy sinh vì người khác thì lại càng hạnh phúc. Nếu hạnh phúc là một thứ tiền, thì càng cho lại càng lời.
Đúng vậy, kinh nghiệm bản thân đã cho gã hay, mỗi khi cực chẳng đã phải ngửa tay xin tiền người khác, sao mà gã cảm thấy ngại ngùng, chẳng biết mở mồm mở miệng ra ăn nói thế nào cho phải phép, mặc dù số tiền xin xỏ ấy được dùng vào công việc chung đem lại lợi ích cho mọi người và mặc dù ăn tục nói phép vốn dĩ là “nghề” của gã. Nhiều khi cầm đồng tiền của người khác mà nghĩ thật tủi nhục, chỉ muốn ứa cả nước mắt, nhưng vì lợi ích chung đành phải cắn răng chịu vậy.
Thiên hạ thì: Cái có ló cái ngu. Chẳng thế mà bên Ăng lê, có kẻ quẳng tiền ra xây khách sạn năm sao cho… chó. Còn mình thì chỉ sợ: Cái khó bó cái khôn. Bởi vì để làm mọi việc, thì vấn đề đầu tiên bao giờ cũng vẫn là vấn đề tiền đâu, cho nên đành phải lật ngược thế cờ: Cái khó ló cái khôn. Dù chỉ là thứ khôn vặt, khôn lỏi mà thôi.
Trái lại, mỗi khi gã bố thí cho người nghèo, hay cho người ăn mày ngồi bên vệ đường, dù chỉ một vài đồng tiền còm, thì lập tức gã liền cảm nhận được một niềm vui nhè nhẹ len lén đi vào tâm hồn, khiến nhiều lúc gã đã phải cười ruồi một mình, hay huýt sáo vu vơ cho hả bớt niềm vui. Cũng trong ý nghĩ ấy, Thánh nữ Têrêsa đã cho biết: Từ khi tôi biết quên mình, tôi được sống hạnh phúc như chưa từng ai thấy.
Báo “Tuổi trẻ Chủ nhật” đã móc được một mẩu chuyện nho nhỏ trên “internet” như sau: Có hai người đàn ông bệnh nặng, được xếp chung một phòng tại bệnh viện. Người nằm gần cửa sổ được phép mỗi buổi chiều ngồi dậy một tiếng đồng hồ để thông khí trong phổi, nên đã lợi dụng thời gian này để kể lại cho người kia những sinh hoạt bên ngoài: Nào là bầy ngỗng đang bơi lội trên mặt hồ, nào là đôi tình nhân tay trong tay dạo chơi dưới vòm cây, nào là đoàn quân diễu hành đang đi qua… Người kia mỗi ngày đều chờ đợi khoảng thời gian ấy để được hòa nhập với cuộc sống bên ngoài.
Ngày và đêm trôi dần cho tới một buổi sáng cô y tá phát giác ra người nằm bên cạnh cửa sổ đã qua đời. Khi mọi việc đã ổn định, người đàn ông còn lại yêu cầu được chuyển đến cạnh cửa sổ. Bác ta nhổm dậy bằng tất cả sự cố gắng của mình và nhìn ngắm thế giới bên ngoài. Thế nhưng, đối diện với cửa sổ chỉ là một bức tường xám xịt. Bác ta hỏi cô y tá xem cái gì khiến người bạn khốn khổ cùng phòng đã mô tả cho bác ta nghe những điều tuyệt diệu qua cửa sổ. Cô y tá cho biết người đàn ông đó bị mù và thậm chí cũng chẳng thấy được cả bức tường xám xịt nữa. Cô y tá nói: Sở dĩ ông ta kể như vậy vì muốn cho bác được vui và được hạnh phúc, đồng thời khuyến khích bác can đảm hơn lên.
Tuy nhiên, để dễ dàng thực hiện ba bí quyết trên, đồng thời cũng để cuộc đời được hạnh phúc, thì người ta rất cần đến một niềm tin tôn giáo. Một vị thánh ẩn tu nọ sống khắc khổ trong khu rừng vắng. Ngày kia có người hỏi: Làm sao ngài có thể chịu đựng nổi?
Thánh nhân nói: Ông hãy đến và nhìn qua cái lỗ này thì sẽ rõ.
Người kia đến và thấy sau tường hang rêu phủ, có một lỗ hổng để lộ ra một góc trời. Thấy họ không hiểu, thánh nhân liền cắt nghĩa: Góc trời đó là niềm an ủi và hạnh phúc của tôi.
Một người khác vừa đau ốm lại vừa nghèo túng thế mà vẫn cứ sống hạnh phúc. Thiên hạ bèn hỏi tại sao, thì bác ta đã trả lời: Vì tôi biết sử dụng cái nhìn với đôi mắt sáng suốt.
Nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của họ, bác ta vội cắt nghĩa: Trước hết tôi nhìn lên trời và nhớ rằng nước trời mới là quê hương đích thật của tôi. Rồi tôi nhìn xuống đất và hình dung ra nắm bụi đất của thân xác khi tôi đã chết. Và sau cùng, tôi nhìn chung quanh và thấy nhiều người còn khổ hơn tôi. Ba cái nhìn ấy làm tôi hạnh phúc, chúng khử trừ mọi tiếng than van và trách móc.
Tìm được hạnh phúc trên cõi đời này đã là chuyện khó, nhưng giữ được hạnh phúc trong cuộc sống của mình lại càng khó hơn. Thế thì biết mần răng bây giờ?
Chuyện phiếm của Gã Siêu