Vô tức là không, cảm tức là tình cảm cảm xúc của con người. Vô cảm tức là không có cảm xúc trước bất kì sự vật, sự việc gì.
Vô cảm là một khái niệm không có gì mới, nó xuất hiện từ khi có con người, nó tồn tại ở các mức độ khác nhau cùng với sự phát triển của xã hội. Ngay từ thời hái lượm, con người đã có sự vô cảm khi mặc nhiên giành giật thức ăn trước sự đói khát của đồng loại.
Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, qua từng thời kỳ, con người đã được dạy biết cách nhường nhịn, yêu thương lẫn nhau, nhờ vậy sự vô cảm dần được kiểm soát. Người ta gọi đó là xã hội văn minh.
Vô cảm, điều này đã được bàn đến từ lâu, ồn ào trên những diễn đàn với những bức xúc, lo lắng. Song rồi nó cũng đã từ lâu trở thành “thói quen” của nhiều người với câu nói thường xuyên “chuyện thiên hạ, dính vào chi cho phiền!”. Vô cảm từ những chuyện nhỏ và cứ thế theo năm tháng thành... mãn tính.
Việt Nam đang có sự chuyển mình giữa một bên là nền văn minh nông nghiệp lúa nước và một bên là văn minh công nghiệp. Vì thế mà xã hội đang có sự đứt gãy về hệ thống giá trị sống, tính huyết thống, lối sống “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” bị nhạt nhòa dần đi.
Người Việt Nam có truyền thống vô cùng tốt đẹp là "một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ"... Thế nhưng, có những cách sống ngày nay đang gặm nhấm những truyền thống tốt đẹp đó.
Đi ra đường thấy lũ càn quấy, cướp bóc không ai dám ngăn cản, thấy người khác bị đánh không ai dại gì bênh vực... Những người chứng kiến không dám giúp đỡ nạn nhân và không tố cáo kẻ xấu vì sợ dây dưa, vướng vào vòng lao lý, sợ bị tra hỏi và sợ bị liên đới.
Để xảy ra tình trạng này, một phần là do sự thể hiện yếu kém của lực lượng chức năng. Họ xuất hiện không kịp thời hoặc với lực lượng quá mỏng, không đủ để dẹp yên tình trạng hỗn loạn. Xã hội mà có nhiều người "không dại gì" như vậy nên người xấu càng được đà làm càn.
Trong cơ quan, nhiều người "không dại gì" đấu tranh nên những người nắm quyền muốn làm gì thì làm, kể cả vi phạm pháp luật... Trong xã hội có nhiều người "không dại gì" nên sẽ tiếp tay cho việc gia tăng nhiều người xấu.
Hiện nay, đang phát triển một căn bệnh của thế giới hiện đại - đúng hơn là mặt trái thuộc thế giới hiện đại. Đó là căn bệnh không có trong danh mục của ngành y, nhưng "những điều trông thấy" luôn "làm đau đớn lòng". Đó chính là căn bệnh vô cảm mà nhiều người dân Việt - nhất là tầng lớp thanh niên mắc phải.
Bệnh này thể hiện ở chỗ không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xảy ra hàng ngày. Liệu rằng chúng ta đã hiểu rõ căn bệnh này chưa? Nguyên nhân hình thành như thế nào ? Tác hại ra sao?
Hơn 3 năm đã qua, người Sài Gòn vẫn chưa hết ám ảnh về vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra tại quận Thủ Đức. Nạn nhân là một cán bộ công an, bị xe tải đâm đứt đôi người. Đoạn video clip do một người dân quay lại hiện trường cho thấy, anh công an bị xe tải cán ngang hông, dập nát nửa thân dưới. Dù vậy, anh vẫn tỉnh táo, thậm chí còn nhờ mọi người gọi điện về cho gia đình. Song ngay sau đó, nạn nhân qua đời, trước khi xe cấp cứu đến hiện trường. Đoạn video dài 5 phút này được phát đi trên internet đã dấy nên làn sóng dư luận kịch liệt lên án những người đi đường lúc đó chỉ đứng nhìn mà không ra tay cứu giúp nạn nhân. Đó là một điển hình về thái độ "mạnh ai nấy sống" hiện nay.
Lý giải về những hiện tượng tiêu cực, trước đây chúng ta thường đổ tại kinh tế thị trường làm tha hóa con người. Thế nhưng, cũng có không ít quốc gia, kinh tế thị trường phát triển sớm, nhưng xã hội ổn định, đâu có nhan nhản những chuyện vô cảm đến đau lòng như vậy? Cho dù chắc chắn, xã hội nào cũng có người tốt, kẻ xấu, có chuyện hay chuyện dở.
Đổ cho “kinh tế thị trường làm tha hóa con người” là thứ ngụy biện dễ nhất. Nhưng, thực tế thì, chính chúng ta đang tự làm tha hóa chúng ta. Từ vô cảm đến tội ác, khoảng cách đó không xa.
Khi mổ xẻ gốc rễ của căn bệnh vô cảm, cũng có không ít người đổ lỗi cho giáo dục là nguyên nhân sâu xa của văn hóa làm người. Điều đó có phần đúng nhưng không phải tất cả. Vậy phải chăng, lỗi của căn bệnh vô cảm có gốc gác ở ngay chính trong cơ chế quản lý xã hội này, mà giáo dục chỉ là một thành viên góp phần?
Ai có thể nhìn thấy diện mạo của con bệnh vô cảm, mặt ngang mũi dọc ra sao?
Nhưng con bệnh vô cảm còn lây lan và lộng hành hơn thế. Nó biến hóa vô hình. Không chỉ nằm trong những nhóm lợi ích, những người có điều kiện tham nhũng, con bệnh vô cảm len lỏi đến mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, đến tận cách hành xử của thường dân. Sự thản nhiên của con người trước nỗi đau đồng loại càng nhiều, sự vô cảm càng nảy nở.
Khi con người chúng ta là nô lệ của tham vọng ích kỳ, đặt lợi ích quốc gia dưới lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, khi con người là nô lệ của thèm muốn quyền lực, của mua quan bán tước, là nô lệ của đồng tiền, lợi lộc không phải do lao động làm ra, ấy là khi con bệnh vô cảm được tự do hoành hành nhất.
Nhưng liệu có liều thuốc đắng nào có thể chữa trị cho con bệnh vô cảm này không?
Hình như bây giờ ở đâu cũng thấy những con người chỉ biết nghĩ đến cá nhân mình, xem việc tạo dựng, nuôi dưỡng và nhân rộng những hành động dũng cảm, gian khổ hy sinh vì lợi ích cộng đồng là của… ai đó chứ không phải của họ. Chỉ đến khi chính họ là nạn nhân của cái ác, cái xấu, cái phản văn hóa thì lúc ấy họ mới thấm thía và hối tiếc…
Một trong những công cụ xã hội quan trọng đó là luật pháp, là nhận thức của mỗi người. Tuy nhiên, cũng lưu ý việc luật hóa những ứng xử của con người trong xã hội cần phải cân nhắc thật kỹ để thực sự khuyến khích cái tốt, hạn chế cái xấu.
Thế nên, cần có một nghiên cứu dài hơi từ nhiều ngành khoa học xã hội để tìm ra nguyên nhân cốt lõi mới mong giải quyết tận gốc mọi vấn đề.
Đây không phải là việc một sớm một chiều, song chúng ta sẽ làm được. Vấn đề ở đây là các nhà hoạch định chính sách không nên chỉ quá chú trọng vào các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị mà bỏ qua mục tiêu xây dựng một xã hội đích thực, trong đó tình người có thể dễ dàng hiện diện ở khắp nơi. Một xã hội phát triển mà thiếu phần người, xã hội đó sẽ què quặt, bởi các mục tiêu kinh tế, chính trị (dù cực kỳ quan trọng) cũng chẳng biết để làm gì khi con người sống không ra sống…
Cho nên điều cần làm gấp gáp bây giờ không chỉ là việc trừng trị những kẻ xấu, kẻ ác, mà còn là việc bảo vệ, tôn vinh những con người dám xả thân vì cộng đồng, vì sự an toàn và lợi ích người khác.